Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

QUAN HỆ SỞ HỮU: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

TS. HỒ TẤN PHONG

Nhiều năm ở nước ta đã quan niệm sở hữu là mục đích, cho rằng có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất XHCN để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu. Nhưng thực tiễn  vội vàng mở rộng phạm vi quốc hữu hóa, nôn nóng thực hiện hợp tác hóa – đồng nhất với tập thể hóa và nhiều sai lầm khác trong quản lý, phân phối...đã đưa tới một chế độ công hữu cùng làm chủ mà thực tế nhiều nơi, nhiều lúc là vô chủ. Rất nhiều ý kiến phê phán sở hữu toàn dân trước đây là hư ảo.

Sở hữu và vị trí của vấn đề này

Sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người về việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội. Điều này có nghĩa là khi nói về sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải, mà hết sức quan trọng là nói về quan hệ giữa người với người diễn ra sự chiếm hữu đó.

Người ta phân biệt hai loại sở hữu: loại sở hữu mang tính dân sự (sở hữu nhà ở, sở hữu đồ dùng cá nhân) và sở hữu tư liệu sản xuất.

Quan hệ sở hữu mà Marx đề cập, với tư cách là nội dung cơ bản mang tính quyết định trong 3 nội dung của quan hệ sản xuất, chính là nói loại sở hữu về tư liệu sản xuất. Tuyên ngôn Đảng cộng sản nói người vô sản không có sở hữu là nói về sở hữu tư liệu sản xuất.

Cuộc cách mạng mà Marx và Enghels thực hiện trong triết học và kinh tế chính trị liên quan đến việc nghiên cứu sở hữu trong mối quan hệ chặt chẽ với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất cũng như kiến trúc thượng tầng xã hội.

Bởi ở châu Âu, vào đầu thế kỷ XIX, những nhà kinh tế học cổ điển dường như không bàn đến vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất. Quyền sở hữu được cho là quyền tự nhiên. Ngay cả trong bản tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân sau Cách mạng tư sản Pháp 1789 cũng viết: “Sở hữu là quyền không thể xâm phạm và thiêng liêng của con người”. Con người sinh ra là đã có quyền sở hữu.

Nhà kinh tế học trường phái “tiểu tư sản” Proudhon là người đầu tiên đã phê phán gay gắt quan hệ sở hữu tư bản. Trong tác phẩm “Sở hữu là gì?” xuất bản năm 1840, tác phẩm làm ông nổi tiếng trên thế giới, ông đã phân tích sở hữu trên 2 mặt: mặt tích cực của sở hữu (tức là tư hữu) đảm bảo cho con người không bị lệ thuộc, được độc lập, tự do và mặt tiêu cực là sở hữu phá hoại sự bình đẳng. Ông  gọi quyền tư hữu là “quyền ăn cướp”. Do có chế độ tư hữu mà một số người không làm gì lại công khai chiếm đoạt kết quả lao động của người khác. Từ đó Proudhon chủ trương xóa bỏ  chế độ tư hữu – sở hữu tư bản - mà giữ lại tài sản cá nhân (tức sở hữu nhỏ của người tiểu sản xuất).

Marx và Enghels đã đánh giá rất cao sự phê phán của Proudhon về quan niệm coi sở hữu tư bản như quyền tự nhiên. Nhưng khi đề xuất chủ trương xóa bỏ sở hữu tư sản, bảo vệ tư hữu nhỏ thì tư tưởng Proudhon biểu hiện rõ rệt tính chất tiểu tư bản, 100% tiểu tư sản, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm nhuần tư tưởng tiểu tư sản.

Lần đầu tiên quan niệm của Marx về sở hữu tư liệu sản xuất quyết định bởi tính chất, trình độ phát triển lực lượng sản xuất được trình bày trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” (1846): Sở hữu tư nhân là một trong phương thức quan hệ cần thiết ở một giai đoạn phát triển nào đó của lực lượng sản xuất, khi lực lượng sản xuất phát triển đến một trình độ cao hơn thì quan hệ sở hữu sẽ thay đổi. Nhưng Marx cũng chỉ ra rằng tuy quan hệ sản xuất chịu sự quyết định trực tiếp của lực lượng sản xuất, nhưng với tư cách là thành tố quan trọng nhất, quyết định bản chất quan hệ sản xuất, quyết định bản chất chế độ kinh tế, quan hệ sở hữu là tiêu chí để phân biệt các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau.

Như vậy quan hệ sở hữu trong xã hội như thế nào thì kết cấu giai cấp, bản chất chính trị của xã hội sẽ như vậy. Sở hữu là một vấn đề kinh tế chính trị, phải có quan điểm chính trị khi bàn về vấn đề sở hữu chứ không chỉ thuần túy kinh tế khi xem xét vấn đề này.

Bàn đến vấn đề sở hữu là bàn đến vấn đề cốt lõi của một chế độ kinh tế – xã hội.

Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô, Đông Âu có quan hệ đến việc xác lập và thực hiện quan hệ sở hữu. Trung  Quốc sau bao năm cải cách lại phải quay về cuộc đại luận chiến “học Xã”, “học Tư”. Những thất bại trong xây dựng kinh tế ở nước ta trong những năm trước cũng liên quan đến sai lầm khi giải quyết vấn đề sở hữu. Sở hữu là vấn đề của mọi vấn đề.

Sở hữu là mục đích hay phương tiện?

Nhận thức vấn đề này chi phối đến việc giải quyết quan hệ sở hữu.

Nhiều năm ở nước ta đã quan niệm sở hữu là mục đích, cho rằng có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất XHCN để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu. Nhưng thực tiễn  vội vàng mở rộng phạm vi quốc hữu hóa, nôn nóng thực hiện hợp tác hóa – đồng nhất với tập thể hóa và nhiều sai lầm khác trong quản lý, phân phối...đã đưa tới một chế độ công hữu cùng làm chủ mà thực tế nhiều nơi, nhiều lúc là vô chủ. Rất nhiều ý kiến phê phán sở hữu toàn dân trước đây là hư ảo.

Muốn xóa bỏ tận cùng những bất bình đẳng giữa người thì phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Marx, Enghels đã từng phê phán những nhà kinh tế chính trị tiểu tư sản khi họ đề nghị xóa bỏ những mặt trái, tiêu cực của sở hữu tư bản nhưng vẫn giữ lại  nội dung tư hữu của nó. Như vậy xác lập chế độ công hữu để làm thay đổi mục đích của nền sản xuất xã hội, thay đổi kết cấu giai cấp, thay đổi bản chất chế độ chính trị xã hội. Sở hữu là mục đích. Tuy nhiên, sẽ là không biện chứng trong quan niệm sở hữu là mục đích khi nóng vội xác lập công hữu bất chấp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Mặt khác, cũng sẽ là sai lầm khi coi sở hữu chỉ là phương tiện để phát triển sản xuất. Vì phương tiện có thể dùng, có thể không dùng; có thể xác lập chế độ công hữu hoặc không xác lập chế độ đó. Nói phát triển sản xuất một cách chung chung mà không gắn sự phát triển đó với mục đích gì thì đó là sai lầm có tính nguyên tắc, là quên đi điều Lênin căn dặn: Chính trị bao giờ cũng giữ vai trò ưu tiên so với kinh tế. Phải có quan điểm chính trị khi giải quyết những vấn đề kinh tế.

Tôi cho rằng xác lập chế độ công hữu là mục đích cuối cùng của công cuộc phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong quá trình phát triển ấy, thích ứng với các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao của lực lượng sản xuất thì xác lập chế độ công hữu vừa thúc đẩy sản xuất, chúng ta sẽ không bị chệch hướng.

Sở hữu pháp lý và sở hữu kinh tế

Xác lập quyền sở hữu về mặt pháp lý và thực hiện sở hữu về kinh tế là hai vấn đề khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Sở hữu pháp lý là điều kiện, là tiền đề cho sở hữu kinh tế. Nhưng chỉ dừng lại ở xác lập quyền sở hữu thôi thì chưa đủ. Mục đích cơ bản, cuối cùng khi giải quyết vấn đề sở hữu là thực hiện quyền về mặt kinh tế, nghĩa là sở hữu đó mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu. Quan hệ lợi ích là biểu hiện cô đọng, tập trung của quan hệ sở hữu. Ví như xác lập sở hữu toàn dân về đất đai thì nhân dân có quyền, có lợi gì về đất đai?

Thực hiện quyền sở hữu về mặt kinh tế quan hệ đến 2 loại vấn đề: thứ nhất là các hình thức, cơ chế thực hiện sở hữu, và thứ hai là sự phân cấp trong quan hệ sở hữu.

Thực tiễn kinh tế nước ta đã qua cho thấy nếu chỉ xác lập sở hữu pháp lý mà không có những hình thức và cơ chế phù hợp để thực hiện sở hữu đó về mặt kinh tế thì quan hệ sở hữu sẽ bị méo mó, biến dạng. Sở hữu toàn dân mà nhân dân không cảm nhận được gì từ đó là công hữu lại biến thành tư hữu, thành của riêng. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng là một hình thức xã hội hóa để giải quyết mâu thuẫn nói trên. Tìm ra những hình thức và cơ chế thực hiện sở hữu khó khăn hơn nhiều so với việc xác lập quyền sở hữu. Cần phải hướng trọng tâm nghiên cứu về những vấn đề này, làm cơ sở cho những chính sách, chủ trương giải quyết vấn đề sở hữu.

Về sự phân cấp trong quan hệ sở hữu quan hệ đến vấn đề “tổ hợp các quyền” gọi là quyền sở hữu. Tổ hợp ấy gồm các quyền: quyền sử dụng; quyền hưởng thụ: quyền chuyển nhượng (cho thuê, bán), quyền thế chấp; quyền mở mang thu hẹp hay thay đổi vật sở hữu từ bản chất, chức năng, cơ cấu tổ chức đến mục đích của vật sở hữu ấy; quyền hiến tặng, quyền phá huỷ hoặc thủ tiêu vật sở hữu nếu không vi phạm pháp luật. Từ đó xuất hiện khái niệm đồng sở hữu. Như trong doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước cùng giám đốc doanh nghiệp hoặc hội đồng quản trị và công nhân là đồng sở hữu.

Tôi cho rằng khái niệm đồng sở hữu chỉ phù hợp ở những phạm vi, thời gian nhất định. Người nắm quyền sở hữu có quyền nắm tất cả các quyền còn lại, hoặc phân cho những đối tượng những quyền khác nhau. Những đối tượng nắm một hay một số quyền trong thời hạn nào đó được tham dự vào quyền sở hữu, có lợi ích từ đó. Vì vậy họ trở thành đồng sở hữu chỉ ở phạm vi, mức độ và thời gian nào đó thôi.

Vì vậy sự phân cấp trong quan hệ sở hữu để có thể thực hiện có hiệu quả hơn sở hữu đó về mặt kinh tế cũng là đòi hỏi của cuộc sống.

Quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta

Nước ta phát triển theo định hướng XHCN. Định hướng đó đòi hỏi làm rõ CNXH cần quan hệ sở hữu gì?

Có người cho rằng trong các tác phẩm về “Hệ tư tưởng Đức”, “Tư bản”, Marx nói về sự xóa bỏ sở hữu TBCN và sự xác lập sở hữu cá nhân của người lao động không chỉ là sở hữu tư liệu cá nhân mà cả sở hữu tư liệu sản xuất. Tác giả viện dẫn câu Marx viết trong “Hệ tư tưởng Đức”: “Ở tất cả những sự chiếm lĩnh trước đây, một khối lượng lớn cá nhân con người bị phụ thuộc vào một công cụ sản xuất thôi. Còn trong sự chiếm lĩnh của người vô sản, của giai cấp công nhân sau này thì một khối lượng lớn công cụ sản xuất tất yếu phụ thuộc vào từng cá nhân và toàn bộ sở hữu thuộc về mọi người”.

Một số tác giả lại cho rằng phát triển quan hệ sở hữu dưới CNXH không phải là công hữu hóa mà là hữu sản hóa người lao động, là tư hữu. Họ cho rằng trong thời đại của cách mạng khoa học – công nghệ, kỹ thuật và công nghệ hiện đại cho phép người lao động có thể ở nhà để hoạt động sản xuất với máy tính, máy fax và những công cụ cá nhân hiện đại khác. Quá trình sản xuất sẽ chia nhỏ ra, tách ra thành những đơn vị sản xuất gia đình. Do đó để phù hợp với tính chất, trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất sở hữu cá nhân sẽ mở rộng. Từ cách nhìn nhận quá trình phát triển kinh tế như vậy mà các tác giả đặt ra vấn đề: Phải chăng sở hữu mà CNXH cần không phải là công hữu mà là tư  hữu?.

Trả lời vấn đề này trước hết cần trở lại với kinh điển, với câu  hỏi đã nêu ra có phải ý Marx muốn nói là sau khi xóa bỏ sở hữu TBCN sẽ xuất hiện sở hữu cá nhân người lao động về tư liệu sản xuất?

Không phải như vậy. Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Enghels đã phê phán Đuyrinh đã hiểu sai tư tưởng của Marx về sở hữu trong CNXH và khẳng định tư tưởng đúng đắn của Người là: “Sở hữu xã hội bao gồm ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, còn sở hữu cá nhân bao gồm các sản phẩm còn lại, tức là những vật liệu tiêu dùng...” (M.E. toàn tập. Tập 20 tr.186 – 187).

Trong câu nói của các nhà kinh điển như đã thành khẩu hiệu chiến đấu “xóa bỏ chế độ tư hữu” cũng đã nói rõ tư tưởng của Marx về vấn đề sở hữu trong xã hội tương lai. Tôi cho rằng trong những điều mà Marx và Enghels nói về sở hữu không có tư tưởng về sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất dưới CNXH.

Có thể trong bối cảnh thời đại lúc bấy giờ Marx, Enghels chưa dự đoán hết những điểm mới trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhân loại ví như cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ sở hữu, đã nói ở trên.

Đúng là có sự chia nhỏ, tách ra của quá trình sản xuất làm xuất hiện sở hữu cá nhân. Phải chăng đây là điểm mới? Nhưng trong nền kinh tế nhiều tầng các xí nghiệp mini, sản xuất kiểu gia đình chỉ có thể hoạt động được nếu chúng gắn với hoạt động của hệ thống tổ chức kinh tế xã hội.

Trong nền kinh tế tư bản hiện đại, hệ thống đó gồm những tập đoàn kinh tế, những công ty độc quyền đa quốc gia, xuyên quốc gia...nắm giữ những lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, chi phối hoạt động của cả nền kinh tế.

Thực tiễn kinh tế đó cũng đang và sẽ xuất hiện hôm nay và tương lai ở nước ta, điều này càng làm rõ thêm và khẳng định sự đúng đắn đặc trưng thứ 2 về CNXH ở VN, được đưa ra trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Nghĩa là tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về công hữu, còn không chủ yếu có thể thuộc những hình thức sở hữu khác, kể cả sở hữu cá nhân ª

Tài liêụ tham khảo

1. Marx, Enghels toàn tập, tập 20.

2. Văn kiện  Đại hội ĐCSVN lần thứ VIII.

3. Kinh tế Trung Quốc, đại luận chiến, tập 1,2, NXB Quản lý kinh tế, 1996.

4. Vấn đề sở hữu và các TPKT (Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hội đồng lý luận TƯ, tháng 6.1999)

SOURCE: TAPJC HÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 146 THÁNG 12/2002

LUẬT CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM - TÌM HIỂU NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM

NGUYỄN VIỆT HẰNG

Dự án Luật Chứng khoán đã được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp (tháng 5/2006). Luật Chứng khoán ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thị trường, đảm bảo duy trì một thị trường công bằng, công khai minh bạch bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Để điều chỉnh hoạt động của thị trường bên cạnh những quy định liên quan đến các lĩnh vực như: hoạt động phát hành, kinh doanh, giao dịch chứng khoán… thì một trong những nét đặc thù của Luật Chứng khoán là việc xử lý vi phạm đã được cụ thể hóa ngay trong Luật. Và đây cũng là vấn đề mới mà từ trước đến nay chưa có trong truyền thống lập pháp của Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này tác giả đã đề cập đến một số nội dung quy định xử lý vi phạm trong Luật Chứng khoán.

Kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam

Xử lý vi phạm là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng để duy trì một TTCK minh bạch (điều kiện tiên quyết để tạo nên sự thành công của thị trường), từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy: phần lớn Luật Chứng khoán đều dành một chương để quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi nước cũng có những cách thức quy định khác nhau về xử lý vi phạm như: Quy định ngay chế tài phạt tiền, phạt tù trong Luật Chứng khoán (Mỹ, Nhật, Thái Lan…); Quy định chế tài phạt tiền trong Luật Chứng khoán, còn phạt tù được quy định trong Luật Hình sự (Trung Quốc); hay Chế tài phạt tiền (phạt hành chính) được quy định trong một văn bản riêng, còn chế tài phạt tù được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Khác với quy định của một số nước, tại Việt Nam các vấn đề về xử lý hành chính được quy định trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính chung và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong từng lĩnh vực. Ví dụ, trong hoạt động chứng khoán thì có Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Một là, trong hoạt động phát hành

Luật nhiều nước thường quy định ngay chế tài phạt tiền hoặc phạt tù trong Luật Chứng khoán. Với hành vi phát hành không phép, đó là việc phát hành chứng khoán ra công chúng mà không có sự phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền, pháp luật các nước thường xử lý rất nghiêm. Đây có thể là một trong những biện pháp đầu tiên mà các nhà quản lý thì trường áp dụng nhằm tạo một thị trường an toàn, công bằng và bảo vệ nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, để đảm bảo bảo quy trình đăng ký được thực hiện đúng quy định, Nghị định 161 đã đặt ra mức xử phạt hành chính 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với các hành vi vi phạm như: hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng gửi ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật; sử dụng thông tin ngoài bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép phát hành chứng khoán ra công chúng; phân phối chứng khoán trước khi thực hiện việc công bố phát hành; phát hành chứng khoán ra công chúng không theo đúng nội dung đăng ký phát hành về chủng loại chứng khoán, thời hạn phát hành, khối lượng tối thiểu theo quy định;… Phạt từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với mỗi tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức kiểm toán tham gia soạn thảo hồ sơ phát hành chứng khoán ra công chúng có sự giả tạo trong hồ sơ đăng ký phát hành. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng với tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành khi có hành vi vi phạm như: phát hành chứng khoán ra công chúng khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký phát hành chứng khoán; thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng khi chưa được cấp phép đối với loại hình kinh doanh bảo lãnh phát hành… Như vậy, theo các quy định nêu trên, bất cứ tổ chức nào có chứng khoán phát hành ra công chúng đều phải đăng ký với UBCKNN, nếu không có thể bị xử lý vi phạm.

Cũng như các nước, luật pháp Việt Nam đưa ra các chế tài hành chính (phạt tiền) tương đối cụ thể về hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng, đối với việc xử lý hình sự thì như thế nào? Thực tế với hành vi phát hành chứng khoán ra công chúng khi chưa đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khó có thể xử lý hình sự về một tội danh cụ thể. Theo quy định của chương XVI về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thì có thể xem xét vận dụng Điều 159 (Tội kinh doanh trái phép) hay Điều 165 (Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) để áp dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu các yếu tố cấu thành thì rất khó áp dụng, cụ thể là:

- Tội kinh doanh trái phép chỉ áp dụng trong trường hợp kinh doanh không đăng ký, kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép. Điều này có thể hiểu là doanh nghiệp đã kinh doanh những ngành nghề mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;

- Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng chỉ áp dụng với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại…

Như vậy, theo quy định của các loại tội này khó có thể áp dụng để xử lý hình sự về hành vi phát hành chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với UBCKNN vì: Việc phát hành chứng khoán không phải là một ngành nghề kinh doanh nên không áp dụng được Điều 159. Ngoài ra, nếu việc phát hành do Đại hội cổ đông nhất trí thông qua và vì lợi ích chung của doanh nghiệp thì việc phát hành chưa đăng ký cũng không thể xử lý theo Điều 165.

Hai là, trong hoạt động kinh doanh chứng khoán

Việt Nam, các hành vi vi phạm bị xử lý hành chính về lĩnh vực này được quy định như: hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp phép, cho mượn, cho thuê chuyển nhượng giấy phép, tẩy xoá, sửa chữa, tách, nhập, đóng mở chi nhánh, văn phòng đại diện,… mà không được UBCKNN chấp thuận có thể bị phạt từ 20 đến 50 triệu đồng.

Theo Nghị định 144, đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán, bên cạnh việc đăng ký thành lập theo những nghiệp vụ mà công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn lựa chọn, các công ty này bắt buộc phải có giấy phép hoạt động do UBCKNN cấp. Để được cấp giấy phép hoạt động, ngoài những điều kiện về cơ sở vật chất, về cá nhân tham gia thành lập công ty, đòi hỏi nguồn vốn pháp định với từng nghiệp vụ cụ thể: môi giới chứng khoán là 3 tỷ đồng, tự doanh chứng khoán là 12 tỷ đồng, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là 3 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán là 22 tỷ đồng, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán là 3 tỷ đồng.

Bộ luật Hình sự thì quy định, tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi đó có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Tuy nhiên, xét các yếu tố cấu thành của loại tội này có những quy định rất khó áp dụng, nhất là trong hoạt động chứng khoán. Đơn cử như: hàng phạm pháp có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu trong hoạt động môi giới hoặc tư vấn đầu tư thì hàng phạm pháp được xác định dựa trên cơ sở nào? Nếu dựa vào giá trị giao dịch đã môi giới hoặc tư vấn thì mức xử phạt như vậy có hợp lý không? (mức 300 triệu đồng trong hoạt động này không phải là lớn). Nếu dựa vào mức độ thu lời bất chính thì mức độ bao nhiều có thể xử lý hình sự. Thực tế luật cũng chỉ nêu chung chung là “thu lời bất chính lớn” thì có thể xử lý hình sự.

Ba là, trong hoạt động giao dịch trên thị trường

Tại Việt Nam, khác với việc xử lý vi phạm về phát hành, kinh doanh chứng khoán thường áp dụng xử phạt hành chính với tổ chức vi phạm, đối với các vi phạm liên quan đến giao dịch chứng khoán thì việc xử lý liên quan rất nhiều đến cá nhân vi phạm. Cụ thể trong Nghị định 161 quy định rất rõ trong Mục III chương II như sau:

- Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân tổ chức thực hiện một trong những hành vi vi phạm: pháp nhân lấy danh nghĩa cá nhân mở tài khoản để mua bán chứng khoán; tổ chức cá nhân thực hiện ký quỹ tiền mua chứng khoán không đúng quy định; thành viên HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của CtyNY và người có liên quan thực hiện hành vi giao dịch cổ phiếu của chính CtyNY mà không báo cáo cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán trước 10 ngày khi thực hiện;

- Mức phạt có thể tăng lên từ 50 triệu đến 70 triệu đồng với những cá nhân tổ chức có hành vi giao dịch nội gián hay lũng đoạn thị trường. Đây là những hành vi vi phạm đặc thù trong hoạt động chứng khoán, chúng chỉ xuất hiện khi thị trường chính thức đi vào hoạt động và nó có thể biểu hiện dưới các hình thức như: sử dụng thông tin nội bộ hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho bên thứ ba; giao dịch chứng khoán mà không thay đổi quyền sở hữu chứng khoán; thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo cung cầu giả tạo; tham gia lôi kéo người khác liên tục mua, bán thao túng giá chứng khoán; tạo dựng truyền bá thông tin sai lệch khiến người khác hiểu sai về tình hình tài chính, tình hình hoạt động của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và hiểu sai lệch về giá chứng khoán; tạo dựng truyền bá thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng làm tăng, giảm, kìm giá hoặc làm cho giá chứng khoán dao động bất thường trên thị trường; bán chứng khoán dưới mọi hình thức khi không sở hữu chứng khoán vào thời điểm giao dịch.

Về các vi phạm trong hoạt động giao dịch trên thị trường, nếu căn cứ vào các quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự để xem xét vận dụng, thì một số tội danh sau có thể thử nghiên cứu áp dụng như: tội đầu cơ, hay tội quảng cáo gian dối.

Tội đầu cơ, quy định: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lời bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức; hàng đầu cơ có số lượng rất lớn; thu lời bất chính lớn; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm: hàng đầu cơ có số lượng đặc biệt lớn; thu lời bất chính đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Xét các yếu tố của hành vi lũng đoạn thị trường như: thông đồng trong giao dịch chứng khoán để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán;… thì có thể xem xét loại tội danh để áp dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng cần phải đảm bảo các yếu tố như: về mặt chủ quan là tạo ra sự khan hiếm giả tạo; mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lời bất chính;… về mặt khách quan là xảy ra trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,… và hậu quả gây ra phải nghiêm trọng. Như vậy khó có thể áp dụng loại tội danh này để xử lý, hơn nữa trong hoạt động kinh doanh chứng khoán do có những đặc thù riêng nếu không có yếu tố đầu cơ chứng khoán thì khó đảm bảo tính sôi động của thị trường.

Tội quảng cáo gian dối. Trong hoạt động chứng khoán, việc xử phạt vi phạm hành chính đã được pháp luật Việt Nam quy định hình thức xử phạt với các hành vi như: tạo dựng truyền bá thông tin sai lệch khiến người khác hiểu sai về tình hình tài chính, tình hình hoạt động của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và hiểu sai lệch về giá chứng khoán; tạo dựng truyền bá thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng làm tăng, giảm, kìm giá hoặc làm cho giá chứng khoán dao động bất thường trên thị trường…Vậy các quan hệ phát sinh trong các hoạt động này có thể coi là những quan hệ về hàng hoá, dịch vụ được không? theo tác giả chưa hẳn là đồng nhất.

Xét về mặt khách quan của tội phạm, thì phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới coi là tội phạm, vấn đề định lượng thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng với loại tội này trong hoạt động chứng khoán là rất khó thực hiện và không thể định lượng được. Do vậy, theo chúng tôi trước mắt Bộ luật Hình sự chưa có quy định thì có thể vận dụng loại tội này để xử lý, nhưng trong quá trình bổ sung, chỉnh sửa Bộ luật này thì nên quy định đây là một loại tội mới về truyền bá thông tin sai sự thật nhằm mục đích vụ lợi.

Một số nhận định

Thứ nhất, về xử lý hành chính

Xuất phát từ thực tế hoạt động của thị trường và tham khảo kinh nghiệm của một số nước, Luật Chứng khoán Việt Nam có lẽ là một trong những Luật đầu tiên đi tiên phong đưa các chế tài hành chính vào ngay trong luật, cách quy định này phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường và có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa vi phạm. Mức phạt đã có những thay đổi và ở một góc độ nào đó có thể vượt mức phạt tối đa mà Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã quy định. Ví dụ: Trong hoạt động phát hành, Luật quy định phạt từ 1% đến 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật, hay các vi phạm về tổ chức giao dịch thị trường thì mức phạt là từ 1 đến 5 lần khoản thu phi pháp…

Thứ hai, về xử lý hình sự

Theo quy định của pháp luật hiện hành và truyền thống lập pháp Việt Nam khó có thể đưa chế tài hình sự vào luật chuyên ngành vì vậy đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự:

- Với hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng, khó có thể áp dụng loại tội kinh doanh trái phép để xử lý hình sự với các hành vi phát hành ra công chúng mà không đăng ký với UBCKNN, mặc dù hành vi này xét ở một mức độ nhất định là gây ảnh hưởng lớn tới thị trường và ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của nhà đầu tư, vì vậy theo chúng tôi nên bổ sung loại tội này vào Bộ luật Hình sự;

- Với hoạt động kinh doanh chứng khoán, việc áp dụng loại tội kinh doanh trái phép để xử lý trong lĩnh vực chứng khoán đòi hỏi phải mở rộng các yếu tố cấu thành tội phạm. Về mặt khách thể, cần quy định cả những quan hệ xã hội xuất phát từ hoạt động môi giới, hoạt động tư vấn để thu lời. Về mặt khách quan, cần quy định các yếu tố như: gây hậu quả như thế nào thì có thể xử lý về mặt hình sự…;

- Với các vi phạm liên quan đến hoạt động giao dịch, bên cạnh đề xuất phải bổ sung vào Bộ luật Hình sự các loại tội danh đặc thù của ngành chứng khoán như giao dịch nội gián, lũng đoạn thị trường,… thì một số tội danh khác theo chúng tôi cũng nên xem lại, nhất là trong điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện nay thì những loại tội này không còn phù hợp nữa đặc biệt là trong hoạt động trên TTCK như tội “đầu cơ”.

Như vậy vấn đề quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động chứng khoán đã có những bước đột phá trong cách thức quy định. Nhiều chế tài hành chính đã được quy định ngay trong luật chuyên ngành. Tuy nhiên, vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mặt khác, chúng ta cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của nhiều nước, quy định ngay chế tài phạt tù vào luật chuyên ngành, còn các quy định chung vẫn áp Bộ luật Hình sự./

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Trích dẫn từ: http://www.ssc.gov.vn/ssc/Detail.aspx?tabid=587&ItemID=4214

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2008

ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

TS. ĐINH DŨNG SỸ - Vụ Pháp luật – VP Chính phủ

Trong một bài viết với nhan đề: “Mô hình bảo hiểm tiền gửi hiện nay và những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu khi xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi”  chúng tôi đã có một số trao đổi bước đầu về địa vị pháp lý của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG). Để nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức này trong cơ cấu các định chế tài chính của nền kinh tế thị trường cũng như trong vai trò công cụ bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, chúng tôi xin được tiếp tục trao đổi một số khía cạnh về địa vị pháp lý của tổ chức này, nhằm góp phần vào việc nghiên cứu xây dựng Luật BHTG trong thời gian tới.

1. Về bản chất, tổ chức BHTG ở Việt Nam dù được tổ chức và hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào, là tổ chức tài chính của Nhà nước, một định chế tài chính độc lập, hoạt động theo luật hay có tên gọi là một Tổng công ty thì nó vẫn mang bản chất của một tổ chức bảo hiểm. Và do vậy, họat động của BHTG vẫn cơ bản dựa theo nguyên lý của hoạt động bảo hiểm là bù đắp rủi ro theo cơ chế lấy số đông bù cho số ít.

2. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của BHTG trong hệ thống các cơ quan và các định chế bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. BHTG với tư cách là một tổ chức bảo hiểm, hoạt động theo những nguyên lý của bảo hiểm. Tuy nhiên, trong kinh tế hiện đại, BHTG không phải chỉ là một tổ chức bảo hiểm đơn thuần, làm nhiệm vụ thu phí của nhiều người tham gia bảo hiểm để bù đắp, để khắc phục hậu quả cho một số ít người bị rủi ro. BHTG có và phải thực hiện được vai trò nhất định trong việc tham gia quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tham gia bảo hiểm khác, và hơn nữa là có vai trò trong giám sát và góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia.

Ở các nước phát triển, tham gia giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia thường bao gồm các cơ quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, tổ chức BHTG và cơ quan giám sát quốc gia về tài chính, tiền tệ. Trong đó, tổ chức BHTG có vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giám sát an toàn, phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin và cùng chịu trách nhiệm với các cơ quan khác về sự an toàn và phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính - tiền tệ. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ rằng, vai trò tham gia giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia của BHTG không phải với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay mà là một định chế tài chính độc lập cùng gánh vác và chia sẻ trách nhiệm đó với các cơ quan nhà nước và các định chế tài chính khác thông qua hoạt động nghiệp vụ BHTG của mình với những chức năng và mục tiêu sau đây:

Theo chúng tôi, với vị trí, vai trò vừa là một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, vừa là một công cụ của Nhà nước để giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và bảo hiểm tiền gửi, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia, tổ chức BHTG có những chức năng sau đây:

- Chức năng tổ chức nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Đây là chức năng chủ yếu của BHTG. Tổ chức BHTG sinh ra là để thực hiện chức năng bảo hiểm cho tiền gửi của những người gửi tiền ở các tổ chức có huy động tiền gửi của dân chúng. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị phá sản thì tổ chức BHTG đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người dân. Để thực hiện chức năng này, tổ chức BHTG tiến hành các nhiệm vụ như: cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho các tổ chức tham gia BHTG; thu phí bảo hiểm; cung cấp thông tin, tư vấn cho người gửi tiền; thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm bị phá sản và cuối cùng là tiến hành xử lý (thanh lý và thu nợ) đối với tổ chức tham gia BHTG phá sản.

- Chức năng tham gia gám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, góp phần bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của hệ thống tài chính – tín dụng. Đây là chức năng không thể thiếu của tổ chức BHTG nhưng nó cũng vừa có tính chất bổ trợ vừa có tính chất phái sinh. Tính chất bổ trợ thể hiện ở chỗ, để thực hiện tốt chức năng bảo hiểm, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí cũng như phòng chống đổ vỡ, ngăn chặn trước những sự kiện bảo hiểm có thể xẩy ra thì tổ chức BHTG phải tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tham gia BHTG. Từ kết quả giám sát, tổ chức BHTG đưa ra những khuyến nghị cho các tổ chức tham gia bảo hiểm nhằm ngăn ngừa rủi ro, hạn chế đổ vỡ và trong giới hạn cho phép, tổ chức BHTG còn có thể hỗ trợ, thậm chí có quyền can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG khi có dấu hiệu mất an toàn có thể xẩy ra. Tính chất phái sinh của chức năng này thể hiện ở chỗ, từ nhu cầu giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa đổ vỡ, phục vụ cho việc thực hiện chức năng trung tâm của mình là BHTG thì kết quả của hoạt động giám sát đã tự nhiên góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia. Và từ đó, BHTG khảng định được vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan giám sát và bảo đảm an toàn đó.

- Chức năng đầu tư kinh doanh. Đây là một chức năng còn nhiều tranh cãi, nhất là trong nghiên cứu xây dựng mô hình BHTG ở các nước đang phát triển. Có ý kiến cho rằng, BHTG chỉ đơn thuần là một công cụ trong tay Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền cho dân cư khi có một tổ chức tín dụng bị đổ vỡ. Và do vậy, tổ chức BHTG không phải là một tổ chức có chức năng kinh doanh, không đầu tư, không tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong điều kiện của kinh tế hiện đại, tổ chức BHTG ở các nước phát triển không phải chỉ đơn thuần là công cụ của Chính phủ nhằm hạn chế những đổ vỡ tín dụng mang tính dây chuyền mà còn là một định chế tài chính độc lập, được quản trị và điều hành như một doanh nghiệp và hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Và khả năng tài chính của tổ chức BHTG không phải chỉ lệ thuộc vào những đồng vốn ngân sách luôn ít ỏi của Chính phủ mà nó phải tăng cường năng lực tài chính bởi từ chính hoạt động của mình. Một tổ chức BHTG có tiềm lực tài chính hùng mạnh càng thoát ly nguồn vốn ngân sách và sự lệ thuộc vào tài trợ của Chính phủ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Và vì vậy, BHTG cần phải có và phải làm tốt chức năng đầu tư tự tìm kiếm lợi nhuận, trước hết là nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước giao, sau đó là tự tăng cường năng lực tài chính để bảo đảm có đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần đến sự hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ. Tất nhiên, ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào từng thời kỳ mà xác định chức năng này của BHTG là khác nhau. Chẳng hạn như ở nước ta, BHTG Việt Nam hiện nay là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong tương lai đây sẽ là vấn đề cần phải điều chỉnh cho phù hợp khi tổ chức BHTG đã thực sự lớn mạnh.

Với những chức năng và nhiệm vụ trên đây, mục tiêu hoạt động của BHTG đó là:

- Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đây là mục tiêu hàng đầu của BHTG. Tổ chức BHTG sinh ra là để bảo vệ quyền lợi của những người gửi tiền tại các ngân hàng và các định chế tài chính khác khi họ gặp rủi ro. Người gửi tiền chính là những người cho các ngân hàng vay tiền hoặc có những khoản tiền có tính chất như các khoản tiền gửi tại một số định chế tài chính khác như tiền trên tài khoản kinh doanh chứng khoán tại công ty chứng khoán, hoặc tiền tại các công ty bảo hiểm. Và do vậy, người gửi tiền là những người rất dễ bị tổn thương nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ mình, vì những thiệt hại của họ không đến từ chính bản thân họ mà đến từ rủi ro của những ngân hàng và các định chế tài chính kinh doanh bằng đồng tiền của họ. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhất là những người gửi tiền nhỏ, ít có khả năng tự bảo vệ cần phải có một tổ chức đứng ra bảo hiểm cho tiền gửi của họ. Và chính vì vậy, điểm đặc biệt của hình thức bảo hiểm này là người được bảo hiểm (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm, cũng tức là người gửi tiền) không phải là người tham gia bảo hiểm và trả phí bảo hiểm mà là các tổ chức huy động tiền gửi (tất nhiên các tổ chức huy động tiền gửi là người trả phí nhưng suy đến cùng thì phí đó cũng do những người gửi tiền phải gánh chịu). Và cũng vì vậy, BHTG trở thành hình thức bảo hiểm tham gia bắt buộc đối với các tổ chức có huy động tiền gửi của dân cư.

- Bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia, tránh đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng. BHTG trước hết tạo ra cơ chế giám sát, cảnh báo, ngăn chặn và hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG phòng tránh rủi ro trong kinh doanh. Sau nữa, hệ quả của việc BHTG mang lại chính là tạo tâm lý an toàn cho tất cả những người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền đồng loạt của những người gửi tiền khi có sự đổ vỡ của một hoặc một vài ngân hàng, ngăn chặn được sự lây lan trong đổ vỡ tín dụng, tạo hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống các ngân hàng và các tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó góp phần rất lớn vào bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia và tránh được những đổ vỡ có tính dây chuyền, thường là căn nguyên của những cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

- Tạo ra một cơ chế BHTG chính thức trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng. Thực tiễn thế giới không phải quốc gia nào cũng lập ra tổ chức BHTG. Tùy thuộc vào nhận thức của Nhà nước và khả năng tài chính của Chính phủ mà tổ chức BHTG được thành lập hoặc không, hoặc thành lập ở cấp độ như thế nào. Tính đến thời điểm này, trên thế giới đã có 99 quốc gia có tổ chức BHTG và 20 quốc giá khác đang xúc tiến việc nghiên cứu thành lập tổ chức này. Các quốc gia còn lại, Chính phủ không tuyên bố BHTG cho dân cư và cũng không thành lập tổ chức BHTG mà sẽ xử lý đổ vỡ và thực hiện chi trả BHTG theo từng trường hợp cụ thể. Khi có đổ vỡ thì tùy từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể Chính phủ sẽ tuyên bố có bảo hiểm tiền gửi cho người dân hay không và bảo hiểm đến đâu là tùy thuộc vào ý chí và khả năng tài chính của chính phủ. Mô hình này được gọi là mô hình “Bảo hiểm tiền gửi ngầm”. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay tồn tại chủ yếu ở các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp.

- Giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ, tạo sự công bằng và động lực cạnh tranh cho các tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức BHTG được lập ra là để giúp Chính phủ gánh vác trách nhiệm bảo hiểm cho người gửi tiền. Ở nhiều quốc gia, tổ chức BHTG là những doanh nghiệp thực sự, tự chịu trách nhiệm và có đủ năng lực tài chính để xử lý những đổ vỡ ngân hàng, Chính phủ không cần thiết phải can thiệp hoặc chỉ can thiệp, hỗ trợ khi có khủng hàng. Ở một số quốc gia, tổ chức BHTG lớn mạnh đến mức sử dụng lợi nhuận của mình để chia lại cho các tổ chức tham gia BHTG, tức là chia lại lợi nhuận cho các ngân hàng là những người tham gia bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm.[1] Ngoài ra, việc thu phí bảo hiểm được áp dụng theo cơ chế định phí trên cơ sở định mức tín nhiệm (cũng tức là định mức rủi ro). Ngân hàng nào hoạt động an tòan, có uy tín càng cao thì mức phí bảo hiểm phải nộp càng thấp, và ngược lại, ngân hàng nào có uy tín thấp, độ rủi ro cho người gửi tiền càng cao thì mức phí bảo hiểm phải nộp càng lớn. Từ đó, tạo ra sự công bằng cũng như động lực cho sự cạnh tranh trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

- Một mục tiêu nữa và cũng là hệ quả tất yếu của hoạt động BHTG là tạo niềm tin và tâm lý an toàn cho người dân đối với các tổ chức huy động tiền gửi. Từ đó, khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng thị trường tài chính - tiền tệ và nền kinh tế.

3. Về tên gọi, mô hình tổ chức, quản trị, điều hành. Hiện nay, tổ chức BHTG ở hầu hết các nước trên thế giới đều có tên gọi là Tổng công ty (TCT), là tổ chức có vị trí độc lập, trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội.[2] Tổ chức, quản trị và điều hành của các tổ chức BHTG này được thực hiện theo mô hình công ty và tuân theo các quy định của Luật công ty. Về mục tiêu hoạt động, tất cả các tổ chức BHTG trên thế giới đều coi việc theo đuổi các mục tiêu chính sách công như nói ở điểm 2 trên đây là các mục tiêu hàng đầu. Nếu xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, các TCT BHTG có thể theo đuổi mục tiêu lợi nhuận hoặc không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, xét dưới góc độ hạch toán, hoạt động của các TCT BHTG đều mang bản chất của một định chế tài chính thực hiện kinh doanh.

Tổ chức BHTG ở Việt Nam hiện nay có tên gọi là "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam" - là một tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được Ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Việc xác định mô hình tổ chức BHTG VN trong giai đoạn tới cần tính tới các mô hình hiện đại theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo chúng tôi,

- Về tên gọi và mô hình tổ chức, quản trị: nên lấy tên là "Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam", được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành (Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc) và bộ máy giúp việc;

- Về vị trí pháp lý: TCT BHTG Việt Nam có địa vị pháp lý độc lập, trực thuộc Chính phủ và hoạt động theo Luật; có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cấp vốn điều lệ; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí (nếu có tích luỹ thì bổ sung vào vốn hoạt động, thậm chí có thể chuyển dần một số nghiệp vụ sang hạch toán kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và nộp thuế).

Vậy, Tổng công ty BHTG Việt Nam trong tương lai có phải là một doanh nghiệp không? Xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, TCT BHTG Việt Nam trong tương lai phải là một doanh nghiệp. Là tổ chức có tên gọi cũng như được tổ chức, quản trị và điều hành như một công ty (dù có những đặc thù nhất định) thì nó phải là một doanh nghiệp thực thụ, kể cả khi không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Cũng có ý kiến cho rằng, tổ chức BHTG hiện nay cũng như trong tương lai không nên tổ chức theo mô hình công ty, và tất nhiên cũng không phải là một tổ chức theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà đơn giản chỉ là một tổ chức tài chính đặc biệt của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ để theo đuổi các mục tiêu của chính sách công. Từ đó, cũng không nên gắn cho nó cái tên là Tổng công ty và đương nhiên cũng không thể là một doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng, việc lựa chọn tên gọi là TCT BHTG Việt Nam không phải chỉ vì tên gọi này phù hợp với thông lệ quốc tế[3] mà bởi tính ưu việt của việc tổ chức, quản trị và điều hành nó theo mô hình TCT. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng, dù tên gọi của tổ chức này là gì thì địa vị pháp lý của tổ chức BHTG ở Việt Nam trong tương lai vẫn là một định chế tài chính của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ, có chức năng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác. TCT BHTG Việt Nam được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty nhưng cũng không nên quan niệm nó là một doanh nghiệp[4]. Trong thời gian tới, TCT BHTG Việt Nam vẫn là một định chế tài chính đặc biệt của Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong tương lai xa hơn, TCT này sẽ phải chuyển dần sang mô hình kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ.

4. Về mô hình hoạt động. Trên thế giới hiện nay có 3 mô hình hoạt động đối với các tổ chức BHTG, đó là: 

- Mô hình chuyên chi trả. Theo mô hình này, tổ chức BHTG được thành lập chỉ nhằm thực hiện một nhiệm vụ duy nhất đó là chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản, nhằm thực hiện một số mục tiêu của chính sách công, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất đó là: khảng định sự tuyên bố của chính phủ về sự bảo đảm của nhà nước (ở một mức độ nào đó) đối với tiền gửi của dân cư ở các ngân hàng thông qua một tổ chức và một cơ chế BHTG công khai; và mục tiêu thứ hai là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ thông qua việc hình thành cơ chế bồi thường. Mô hình này thường tồn tại ở các nước đang phát triển, tổ chức BHTG mới được thành lập và còn nhỏ bé cả về quy mô tổ chức lẫn năng lực tài chính.

- Mô hình chi trả với quyền hạn được mở rộng. Theo mô hình này, tổ chức BHTG không chỉ thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu như nói trên mà còn được trao thêm một số quyền hạn mở rộng, như: hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn trong thanh toán; theo dõi và khuyến nghị sự cẩn trọng và phòng tránh rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG; tham gia xử lý nợ và thu hồi nợ của tổ chức tham gia BHTG bị phá sản… Qua đó cũng làm tăng thêm các mục tiêu cần đạt được của chính sách công như hạn chế rủi ro, tránh đổ vỡ hệ thống hoặc khủng hoảng tài chính, gia tăng niềm tin của công chúng… Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay về cơ bản là tổ chức hoạt động theo mô hình này.

- Mô hình giảm thiểu rủi ro. Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo mô hình này, tổ chức BHTG đựợc trao những quyền hạn và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức BHTG theo mô hình giảm thiểu rủi ro còn tham gia cùng với các cơ quan nhà nước và ngân hàng trung ương vào hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro của các ngân hàng và các định chế tài chính khác, góp phần bảo đảm sự an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia; tạo sự công bằng và động lực cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức tham gia BHTG thông qua cơ chế tính phí bảo hiểm dựa trên cơ sở định mức tín nhiệm; tiếp nhận xử lý nợ và thu hồi nợ đối với các tổ chức tham gia BHTG bị phá sản; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn phát triển vốn ban đầu cũng như tăng cường sức mạnh tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ. Theo đó cũng nhận được những hiệu quả lớn hơn của việc thực hiện các mục tiêu của chính sách công như phòng tránh có hiệu quả những đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng tài chính; khuyến khích tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế… Tổ chức BHTG của Việt Nam tới đây cần nghiên cứu, học tập theo mô hình này.


[1] Ví dụ: ở Mỹ, vào năm 2007, Quỹ bảo hiểm tích lũy của Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC) đã đạt con số 50 tỷ USD, thực hiện BHTG cho 8.631 tổ chức nhận tiền gửi, và trong lần sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vào năm 2006, đã cho phép FDIC chia lại 4,7 tỷ USD lợi nhuận cho các tổ chức tham gia BHTG và nâng hạn mức bảo hiểm lên tới 250.000 USD đối với tài khoản hưu trí.

[2] Ví dụ: TCT BHTG Liên bang của Hoa Kỳ (FDIC) được thành lập vào năm 1933 (là tổ chức BHTG đầu tiên trên thế giới, và năm 1933 cũng là năm ra đời của đạo luật BHTG Hoa Kỳ và cũng là đạo luật về BHTG đầu tiên trên thế giới), là tổ chức hoạt động độc lập với Chính phủ và chịu sự kiểm soát của Quốc hội; TCT BHTG Hàn Quốc (KDIC) được thành lập năm 1996 do Chính phủ quản lý; TCT BHTG Indonesia (IDIC) được thành lập tháng 9 năm 2005, là tổ chức độc lập trực thuộc Chính phủ.

[3] Hầu hết các tổ chức BHTG ở các nước trên thế giới hiện nay đều có tên là Tổng công ty – Coporation.

[4] Theo Luật doanh nghiệp của Việt Nam (năm 2005) thì doanh nghiệp được định nghĩa “là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” Và thuật ngữ kinh doanh cũng được Luật này giải thích phải là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi (xem Điều 4 Luật doanh nghiệp

SOURCE: CỒNG THOONGT IN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Trích dẫn từ:

http://xaydungphapluat.chinhphu.vn/pls/portal/SHARED_APP.UTILS.print_preview?p_itemid=1726726&p_siteid=34&p_pageid=1639359&p_dad=portal&p_schema=

PORTAL&p_persid=1639306&p_language=us

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2008

CÒN NHIỀU ĐIỀU MÙ MỜ CHUNG QUANH QUY ĐỊNH VỀ THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC - BaoViet Bank

Là đạo luật đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta, nhưng Luật Đất đai vẫn luôn ở trong tình trạng phức tạp, rối ren và bất cập.

1. Cần loại bỏ khái niệm bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất: 

Khái niệm bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2003 đã bị “vô hiệu hoá”. Vì theo Bộ luật Dân sự năm 2005, chỉ còn thế chấp, chứ không còn bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho mình hay cho người khác thì cũng đều được gọi chung là thế chấp. Vì vậy, đề nghị khai tử 44 chữ “bảo lãnh” trong Luật hiện hành.
Hai luật vênh nhau làm cho Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về giao dịch bảo đảm phải quy định: Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất.

2. Phải trả lại quyền chính đáng cho chủ đất:

Dự luật đã sửa đổi một quy định bất hợp lý tại khoản 7, Điều 113 của Luật hiện hành là: Hộ gia đình và cá nhân chỉ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất “để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (không được thế chấp để phục vụ nhu cầu đời sống, kể cả vay vốn để học tập hay trị bệnh cứu người) bằng việc được thế chấp “theo quy định của pháp luật về dân sự” (khoản 33, Điều 1 của Dự thảo). Tuy nhiên, Dự luật vẫn không sửa đổi quy định tại khoản 2, Điều 110 của Luật hiện hành là: Tổ chức kinh tế chỉ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng “để vay vốn”. Vậy, tại sao lại không được thế chấp để được bảo lãnh, mở L/C, bao thanh toán hay rộng hơn nữa là để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ hợp đồng kinh doanh thương mại của tổ chức kinh tế?

Tương tự là đối với tài sản gắn liền với đất thuê, cũng cần xem lại quy định tại Điều 111 của Luật hiện hành. Tại sao lại chỉ cho phép tài sản thuộc sở hữu của tổ chức kinh tếgắn liền với đất thuê được thế chấp “để vay vốn sản xuất, kinh doanh”, mà không được phép thế chấp để làm việc khác? Hay vì đất đai là tài sản đặc biệt, nên tài sản khác gắn với đất đai cũng chịu chung số phận chỉ có quyền sở hữu nửa vời?

3. Phải xem lại về công chứng, chứng thực:

Điểm a, khoản 1, Điều 130 của Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất”. Việc quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất là một sự áp đặt thiếu hợp lý mà trước đó không bắt buộc. Luật chỉ nên quy định bắt buộc việc đăng ký thế chấp, còn việc công chứng hay không là do các bên tự nguyện.
Còn có sự vênh váo giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Công chứng trong việc quy định về thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp nhà, đất: Theo quy định trên, thì: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền chứng thực hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Trong khi đó, khoản 3, Điều 93, Luật Nhà ở năm 2005 quy định: Uỷ ban nhân dân cấp huyện chứng thực hợp đồng thế chấp nhà ở tại đô thị, Uỷ ban nhân dân xã chứng thực hợp đồng thế chấp nhà ở tại nông thôn. Như vậy, trường hợp thế chấp cả nhà và đất thì nhiều trường hợp sẽ bị tréo ngoe về thẩm quyền.
Vậy, Dự luật cũng không thể bỏ qua vấn đề này. Ít nhất thì cũng phải bỏ bớt chữ “Nhà nước” trong “Công chứng Nhà nước” cho thống nhất với Luật Công chứng năm 2006, điều mà đáng lẽ phải bỏ từ năm 2003, vì pháp luật chuyên ngành về công chứng đã bỏ từ năm 2001.
4. Hãy bỏ đi một quy định nhầm lẫn về thời hạn:

Điểm b, khoản 1, Điều 130 của Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng, bên thế chấp, bên được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh theo quy định…” Đây là một quy định hết sức vô lý, xa rời thực tế, không cần thiết và hoàn toàn không phù hợp với đặc điểm cho vay của các ngân hàng. Nếu tính thời hạn đăng ký thế chấp, thì phải lấy mốc là từ ngày ký hợp đồng thế chấp, chứ sao lại mang “râu ông nọ cắm cằm bà kia”? Hay là Luật ngầm quy định, hợp đồng thế chấp phải được công chứng, chứng thực trước khi ký hợp đồng tín dụng. Đây là một dạng điển hình kiểu quy định trên trời.
Trong khi đó, cả về pháp lý cũng như thực tế, các ngân hàng hoàn toàn có thể nhận thế chấp mới hoặc bổ sung sau khi đã cho vay một thời gian, tức là có thể ký hợp đồng thế chấp sau khi ký hợp đồng tín dụng cả tháng, cả năm.
Quy định trên nói thẳng vào “hợp đồng tín dụng”, tức là chỉ nói đến quan hệ thế chấp với ngân hàng, chứ không phải thế chấp với các đối tượng khác. Đó là sự tiếp tục khẳng định quan điểm sai lầm trước đây là, chỉ cho chủ đất quyền thế chấp đất để vay vốn sản xuất, kinh doanh. 

5. Cần quy định rõ các loại đất không được thế chấp:

Luật Đất đai năm 2003 quy định khá rắc rỗi, phức tạp tại 5 điều 110, 111, 112, 113 và 119 về các loại đất được phép thế chấp. Tuy nhiên, rất khó phân biệt được những trường hợp nào không được phép thế chấp, kể cả sau khi đã đọc kỹ các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Vì vậy, cần quy định rõ các loại đất không được thế chấp (hiện nay đang được quy định một cách trực tiếp và gián tiếp rải rác ở nhiều điều khoản của Luật Đất đai cũng như ở các văn bản quy phạm pháp luật khác), như:

-           Đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất;

-           Đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01-7-2004 trở đi; đất thuê trước ngày 01-7-2004, mà thời hạn đã trả trước tiền thuê đất còn lại dưới 5 năm; đất thuê cảng hàng không, sân bay; đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm;

- Đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà tiền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước;

-           Các loại đất chưa hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước; trừ trường hợp được phép chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính;

-           Đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.

-           Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn;

-           Đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao và các công trình công cộng khác không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

-           Đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền;

-           Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

-           Đất sử dụng không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
-           Đất đang có tranh chấp về tài sản trên đất, đất đang nằm trong diện bị quy hoạch;
-           Đất không có đủ các điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

-           Đất thuộc diện quy hoạch đã có quyết định thu hồi, giải toả, bồi thường;…

6.      Về kỹ thuật soạn thảo văn bản:

Với Dự luật sửa đổi, bổ sung này, người ta có quyền tiếp tục nghi ngờ về chất lượng của Luật. Vì vẫn để cho kẻ ngoại đạo phải góp ý với dân chuyên nghiệp trước những điều sơ đẳng về thể thức văn bản và kỹ thuật lập pháp, như:
-           Tên Điều đã là “Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất” rồi, lại còn tranh thủ viết thừa một đoạn lửng lơ không thuộc bố cục nào của điều “Việc lập quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây” (khoản 3, Điều 1 của Dự luật);
-           Nội dung phần sửa đổi đã được để trong ngoặc kép, có giá trị thay thế phần nội dung tương ứng của Luật hiện hành, đáng lẽ phải viết là theo “Luật này” thì lại viết là theo “Luật Đất đai năm 2003” (các khoản 6, 21, 22, 25, 29, 30, 31 và 38, Điều 1 của Dự luật). Thậm chí không phân biệt được việc sửa các điều với việc sửa các khoản (khoản 17 và 18, Điều 1 của Dự luật);
-           Đoạn sửa đổi sau đây: “Cụm từ: “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” quy định tại Luật Đất đai 2003 được thay bằng cụm từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và gọi chung là giấy chứng nhận””không hiểu tại sao lại được để ở điều khoản thi hành mà không phải là ở điều về nội dung của Luật Sửa đổi. Và cứ theo như cách viết như vậy, thì không thể khẳng định được rằng, nó sẽ được thể hiện chính xác trong Luật là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” hay là “Giấy chứng nhận”?
Luật Đất đai và chế độ quản lý đất đai từ trước đến nay chưa khi nào ổn định, không phát huy được vai trò vô cùng quan trọng của nó. Với một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà đất rất cồng kềnh, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo và vẫn còn xa rời thực tế như hiện nay, thì việc tìm hiểu và chấp hành đúng pháp luật là một vấn nạn. Luật Đất đai hiện hành chỉ có 146 Điều, nhưng Nghị định về thi hành luật Đất đai có tới 186 Điều. Nay Dự luật chỉ bổ sung được 5 Điều, còn tất cả vẫn bỏ ngỏ cho văn bản dưới luật.

SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=1985

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUÓC TẾ

THS. NGUYỄN TIẾN VINH - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

I. Luật lệ của WTO về bán phá giá và biện pháp chống phá giá

Hiện tượng bán phá giá có nguồn gốc khá sớm trong thực tiễn thương mại quốc tế. Mặc dù còn có những quan điểm khác nhau, song pháp luật các nước đều coi đây là một trong những hành vi thương mại không lành mạnh. Một số nước đã có những đạo luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế từ rất sớm [1]. Trên bình diện quan hệ thương mại đa biên, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1947 là văn kiện pháp lý đầu tiên quy định về vấn đề này (Điều VI). Năm 1967, các Bên ký kết của GATT đã thỏa thuận “Hiệp định về thực hiện điều VI của GATT”, thường được gọi là Bộ luật chống bán phá giá. Trong vòng đàm phán Tokyo, Hiệp định này được sửa đổi, bổ sung vào năm 1979.

Cuối cùng, với kết quả của Vòng đàm phán Uruguay, vấn đề bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá được điều chỉnh bởi “Hiệp định về thực hiện điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1994” (sau đây gọi tắt là Hiệp định ADP). Là một trong những hiệp định thương mại đa biên của WTO, Hiệp định này được xếp trong Phụ lục I A của Hiệp định Marrakech thành lập Tổ chức Thương mại thế giới, có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên của WTO.

Các quy định hiện hành của WTO về bán phá giá và chống bán phá giá có thể được nhìn nhận qua các vấn đề: Các hành vi bán phá giá bị lên án, các biện pháp chống bán phá giá có thể được áp dụng và thủ tục áp dụng các biện pháp này.

1. Bán phá giá hàng xuất khẩu trong thương mại quốc tế

Khái quát nhất, một sản phẩm được coi là bán phá giá khi giá xuất khẩu của sản phẩm đó thấp hơn giá thông thường của sản phẩm tương tự bán trong nước. Về bản chất, bán phá giá trong thương mại quốc tế là hành vi phân biệt giá cả: đối với cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Khác với hiện tượng trợ cấp nhà nước, bán phá giá là hành vi có tính chất doanh nghiệp. Bản thân GATT cũng như các hiệp định của WTO sau này, bao gồm cả Hiệp định ADP là những điều ước quốc tế giữa các quốc gia, do vậy không điều chỉnh trực tiếp các hành vi thương mại tư nhân này. Tuy nhiên, xuất phát từ ý tưởng cho rằng bán phá giá là một trong những hành vi thương mại không công bằng, bóp méo hoạt động thương mại bình thường, GATT cũng như WTO đều cho phép các quốc gia áp dụng những biện pháp mang tính “phòng vệ” để ngăn chặn và hạn chế hậu quả hiện tượng này, nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, việc bán phá giá không phải không đem lại những lợi ích nhất định: dưới góc độ của nước xuất khẩu, bán phá giá tạo điều kiện cho nhà sản xuất có điều kiện phát huy tối đa năng lực sản xuất, khả năng tăng lợi nhuận và thâm nhập thị trường mới; dưới góc độ của nước nhập khẩu, người tiêu dùng có điều kiện hưởng lợi về giá cả. Có lẽ đó chính là một trong những lý do mà không phải bất cứ hành vi bán phá giá nào cũng bị lên án, theo quy định của cả GATT trước đây và WTO hiện nay [3].

Để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nước nhập khẩu phải chứng minh được: sự tồn tại của hành vi bán phá giá hàng nhập khẩu vào thị trường của mình; hành vi bán phá giá đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp trong nước.

Điều VI. 1 của GATT coi bán phá giá là việc “sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm”[2]. Cụ thể hơn, điều 2.1 của Hiệp định ADP định nghĩa: “một sản phẩm bị coi là bán phá giá... nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”.

Như vậy, cốt lõi của việc xác định bán phá giá là sự so sánh biên độ chênh lệch giữa giá xuất khẩu với giá thông thường của sản phẩm tại nước xuất khẩu. Việc tiến hành so sánh giữa giá xuất khẩu và giá thông thường phải được tiến hành đối với cùng loại sản phẩm hoặc đối với sản phẩm tương tự (like product trong tiếng Anh và produit similaire trong tiếng Pháp). Theo điều 2.6 Hiệp định ADP, sản phẩm tương tự trong trường hợp bán phá giá được hiểu theo nghĩa rất hẹp, là sản phẩm giống hệt, tức là có tất cả các mặt giống với sản phẩm đang xem xét, hoặc nếu không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm mặc dù không giống ở mọi mặt nhưng có những đặc tính rất giống (closely resembling trong tiếng Anh và ressemblant étroitement trong tiếng Pháp) với sản phẩm đang xem xét[3].

Trong trường hợp việc bán sản phẩm trong thị trường nội địa của nước xuất khẩu không diễn ra theo các điều kiện thương mại thông thường (như việc bán hàng thấp hơn giá thành sản xuất do được trợ cấp bởi chính phủ) hoặc sản phẩm đó không được bán tại nước xuất khẩu hay được bán với số lượng không đáng kể, biên độ chênh lệch giá có thể được xác định bằng việc so sánh giá xuất khẩu với giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự khi xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc với giá cấu thành. Giá cấu thành được tính trên cơ sở giá thành sản xuất tại nước xuất khẩu cộng thêm một khoản hợp lý cho chi phí quản lý, bán hàng và lợi nhuận (điều 2.2 Hiệp định ADP).

Sau khi tiến hành so sánh, nếu giá xuất khẩu thấp hơn giá thông thường tại nước xuất khẩu (hoặc thấp hơn giá xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc thấp hơn giá cấu thành trong trường hợp không xác định được giá thông thường của sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu) thì có thể khẳng định sự tồn tại của việc bán phá giá đối với sản phẩm được xem xét. Tuy nhiên, để có thể áp dụng biện pháp chống phá giá đối với sản phẩm này, nước nhập khẩu còn phải chứng minh rằng việc bán phá giá đó gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước.

Khái niệm tổn hại được hiểu là thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất trong nước hoặc ảnh hưởng vật chất làm chậm quá trình hình thành một ngành sản xuất như vậy (điều 3 Hiệp định ADP). Điều 3 của Hiệp định ADP còn quy định rằng việc xác định hàng nhập khẩu bán phá giá có đang làm tổn hại đến ngành sản xuất nội địa hay không phải được thực hiện trên cơ sở mọi “yếu tố kinh tế liên quan tác động đến tình trạng của ngành sản xuất”. Những yếu tố đó gồm: sự giảm sút thực tế và tiềm tàng về sản lượng, doanh số, thị phần, lợi nhuận, năng xuất, tỷ xuất đầu tư hoặc sử dụng công xuất; sự tác động lên giá nội địa; tác động thực tế và tiềm tàng về chu chuyển tiền, tồn kho; việc làm; tiền lương; tăng trưởng và năng lực huy động vốn đầu tư [7, tr.196]. Mặt khác, những thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất trong nước phải là hệ quả trực tiếp của việc bán phá giá. Nói cách khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và những thiệt hại vật chất mà ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước phải gánh chịu. Khái niệm ngành sản xuất trong nướcdùng để chỉ tập hợp chung các nhà sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc để chỉ những nhà sản xuất có tổng sản phẩm chiếm phần lớn tổng sản xuất trong nước của sản phẩm đó, trừ một số ngoại lệ cụ thể (điều 4 Hiệp định ADP).

2. Biện pháp chống bán phá giá và thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong thương mại quốc tế

Xuất phát từ quan điểm cho rằng hành vi bán phá giá, ở một mức độ nghiêm trọng nhất định là hành vi thương mại không công bằng, luật lệ của GATT trước đây và WTO hiện nay đều cho phép các quốc gia áp dụng biện pháp có tính trả đũa, tự vệ thương mại. Trong các biện pháp hạn chế thương mại như áp dụng hạn ngạch, hạn chế số lượng, tăng thuế, các biện pháp hạn chế có tính kỹ thuật, phi thuế quan khác, để chống lại hành vi bán phá giá, các quốc gia chỉ có quyền áp dụng biện pháp tăng thuế nhập khẩu. Nói cách khác, quốc gia bị thiệt hại chỉ có thể áp dụng thuế bổ sung (thuế chống bán phá giá) đối với hàng hóa nhập khẩu bị xác định là bán phá giá. Các biện pháp hạn chế số lượng hay các biện pháp hạn chế phi thuế quan khác không được coi là hợp pháp. Quyền áp dụng thuế bán phá giá của quốc gia bị thiệt hại thực chất là quyền có tính ngoại lệ đối với hai nguyên tắc trong thương mại đa biên: Thứ nhất, đó là ngoại lệ đối với nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN). Thuế chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với hàng hóa cụ thể của quốc gia xuất khẩu cụ thể, đã bị xác định là đối tượng của hành vi bán phá giá;
Thứ hai, áp dụng thuế bán phá giá cũng là ngoại lệ đối với nguyên tắc tôn trọng các cam kết về cắt giảm thuế. Quốc gia bị thiệt hại không có nghĩa vụ tôn trọng giữ nguyên mức thuế đã cam kết đối với các hàng hóa nhập khẩu là đối tượng của hành vi bán phá giá bị cấm.[4]

Việc xác định mức thuế chống bán phá giá phải dựa trên trên biên độ phá giá của sản phẩm có liên quan. Biên độ phá giá chính là sự chênh lệch về giá giữa giá xuất khẩu đang xem xét với giá thông thường của sản phẩm tại thị trường nội địa, hoặc giá xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc giá cấu thành của sản phẩm. Về bản chất, thuế chống bán phá giá là khoản thuế bổ sung, đánh vào hàng nhập khẩu nhằm triệt tiêu tác dụng hay ngăn ngừa việc bán phá giá đối với sản phẩm đó (điều VI.2 của GATT). Mục đích cuối cùng của thuế chống bán phá giá là tạo dựng lại thế cạnh tranh cân bằng giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu, bảo vệ thị trường nội địa chống lại các hành vi cạnh tranh quốc tế không lành mạnh. Cũng chính vì mục đích này mà việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá được yêu cầu là không vượt quá biên độ bán phá giá, nhằm tránh tình trạng lạm dụng thuế chống bán phá giá làm công cụ bảo hộ bất hợp pháp thị trường nội địa.

Hiệp định GATT 1947 không có các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Hiệp định mặc nhiên thừa nhận quyền tự do của các quốc gia trong việc xây dựng các thủ tục để xác định hiện tượng bán phá giá và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình. Tình trạng này là nguyên nhân chủ yếu để nhiều nước lợi dụng áp dụng pháp luật chống bán phá giá như là công cụ thực hiện chính sách bảo hộ thái quá thị trường nội địa. Hiệp định ADP đã tiến một bước dài so với GATT 1947 về điểm này. Bên cạnh việc đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn để xác định hành vi bán phá giá, có thể nói Hiệp định ADP đã có bước tiến dài trong việc hài hòa hóa hoạt động tố tụng của các quốc gia từ việc điều tra xác định bán phá giá, đến việc áp dụng và kiểm soát các biện pháp chống bán phá giá [3, tr.634].

Để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Hiệp định ADP yêu cầu nước nhập khẩu hàng hóa phải tiến hành điều tra. Hoạt động điều tra này nhằm mục đích xác định “ sự tồn tại việc bán phá giá không cũng như xác định mức độ và hậu quả của trường hợp bị nghi ngờ là bán phá giá” (điều 5.1 Hiệp định ADP). Cuộc điều tra này được tiến hành trên cơ sở đơn yêu cầu của ngành sản xuất trong nước hoặc của người đại diện của ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại do hành vi bán phá giá gây ra.[5] Đơn yêu cầu phải đưa ra các bằng chứng về việc bán phá giá, sự tổn hại do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá hàng nhập khẩu và thiệt hại mà ngành sản xuất trong nước phải gánh chịu (điều 5.2 Hiệp định ADP) [7, tr.198-199]. Ngoài ra, để đảm bảo việc điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá được ủng hộ bởi số lớn các nhà sản xuất nội địa, Hiệp định ADP còn đề ra hai tiêu chí bổ sung khác: Thứ nhất, đơn yêu cầu chỉ được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước nếu như được ủng hộ bởi các nhà sản xuất chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự làm bởi các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến phản đối hoặc tán thành đơn yêu cầu đó. Thứ hai, cuộc điều tra chỉ được tiến hành khi các nhà sản xuất ủng hộ đơn yêu cầu chiếm ít nhất 12% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự được ngành sản xuất nội địa làm ra (điều 5.4 Hiệp định ADP). Quá trình điều tra bán phá giá cũng phải tuân thủ những điều kiện cụ thể, được quy định trong Hiệp định ADP: về thời hạn, một cuộc điều tra không kéo dài hơn 12 tháng. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này cũng không thể vượt quá 18 tháng; Hoạt động điều tra phải đảm bảo quyền được trình bày ý kiến, quyền cung cấp chứng cứ của các bên đương sự; Cơ quan tiến hành điều tra có thể tham khảo ý kiến của các bên có liên quan, bao gồm cả thông tin và ý kiến từ phía người tiêu dùng.

Trong quá trình điều tra, nếu đã có kết luận ban đầu về việc bán phá giá và thiệt hại do việc bán phá giá mang lại, nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp tạm thời. Các biện pháp tạm thời bao gồm áp đặt thuế chống phá giá tạm thời hoặc yêu cầu đảm bảo bằng tiền mặt tương đương với mức thuế chống bán phá giá dự tính. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn các tổn hại diễn ra trong quá trình điều tra. Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng sớm nhất là 60 ngày kể từ khi cuộc điều tra chống bán phá giá bắt đầu và tồn tại không quá 4 tháng. Trong trường hợp đặc biệt, biện pháp tạm thời có thể được kéo dài đến 9 tháng (điều 7 Hiệp định ADP).

Hoạt động điều tra có thể bị đình chỉ hoặc chấm dứt mà không cần áp dụng bất cứ biện pháp tạm thời hay thuế chống phá giá nếu các nhà xuất khẩu đưa ra cam kết về giá. Đây là trường hợp nhà xuất khẩu cam kết tăng giá hàng xuất khẩu, xóa đi khoản chênh lệch về giá tương đương với biên độ phá giá được sơ bộ xác định. Việc đưa ra cam kết về giá của nhà xuất khẩu chỉ được chấp nhận khi cơ quan điều tra thấy rằng thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước đã được loại bỏ và bản thân hành động cam kết về giá cũng không đương nhiên chấm dứt hoạt động điều tra.

Theo quy định của Hiệp định ADP, cũng như thực tiễn của tất cả các nước, hoạt động điều tra, áp dụng các biện pháp tạm thời và thuế chống bán phá giá thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Để đảm bảo tính công bằng của các hoạt động này, bên cạnh việc quy định vấn đề chống bán phá giá có thể trở thành đối tượng của tranh chấp thương mại theo thủ tục của WTO nói chung, Hiệp định ADP còn quy định tại điều 13 về rà soát tư pháp. Theo quy định của Điều này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng các hoạt động về đánh giá hành vi bán phá giá, áp dụng các biện pháp chống phá giá phải được kiểm soát bởi các cơ quan tư pháp, hoạt động độc lập với các cơ quan đã đưa ra quyết định trong lĩnh vực chống bán phá giá. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng được đảm bảo bởi nhiều các quy định thủ tục khác: theo quy định tại Điều 10 của Hiệp định ADP, thuế chống bán phá giá không có giá trị hồi tố; thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không vượt quá 5 năm, trừ trường hợp mở cuộc điều tra mới (điều 11.3 Hiệp định ADP).

II. Một số liên hệ đối với Việt Nam

Việc mở cửa nền kinh tế, tham gia ngày càng tích cực vào thị trường khu vực và quốc tế đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều vấn đề của thương mại quốc tế, trong đó có vấn đề bán phá giá. Việt Nam vừa có nguy cơ là đối tượng của hành vi bán phá giá của các nước xuất khẩu khác, đồng thời cũng có nguy cơ bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Một mặt, về việc thị trường nội địa Việt Nam bị thiệt hại do hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu nước ngoài: với đặc điểm là nền kinh tế chuyển đổi, đang trong quá trình hoàn thiện các thiết chế của kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam còn rất yếu kém trong hoạt động cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Tình trạng này dẫn đến việc hàng hóa nước ngoài có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thông qua cơ chế giá. Hiện tượng bán phá giá của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực hàng công nghiệp, đặc biệt các mặt hàng điện tử dân dụng; cơ khí dân dụng; đồ mỹ phẩm; thuốc chữa bệnh; nước giải khát; đồ may mặc...[8, tr. 95-132]. Nguy cơ này thực sự đến gần khi Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm đối thuế đối với gần 700 mặt hàng nhập khẩu xuống còn từ 0 đến 5% trong nửa cuối năm 2003 này, nhằm thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA giữa các nước ASEAN [5]. Đặc biệt, do cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN tương đối giống nhau, trong khi đó nền kinh tế của các nước này lại có rất nhiều lợi thế so với nền kinh tế Việt Nam [1, tr.176-178], do vậy nguy thị trường Việt Nam phải chịu những thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh trong cơ chế giá là rất lớn.

Mặt khác, với những ưu thế về lực lượng lao động trẻ, đông về số lượng, rẻ về giá thành, trong bối cảnh thực hiện chính sách tăng cường xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam đang và sẽ là đối tượng chịu sự áp đặt các biện pháp chống bán phá giá của nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh các rào cản thương mại có tính chất số lượng, thuế quan ngày càng bị ngăn cấm, cắt giảm, các nước có xu hướng tăng cường bảo hộ thị trường nội địa của mình thông qua các biện pháp kỹ thuật, phi thuế quan. Một trong những biện pháp đó là hiện tượng lạm dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ sản phẩm trong nước. Theo số liệu thống kê, những nước đạt kỷ lục về sử dụng biện pháp thuế chống phá giá lại chính là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Cộng đồng châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Ca-na-đa [7,tr.203], [4, tr.353-369]. Gần đây nhất, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã không ngừng bị áp dụng các thủ tục và biện pháp chống phá giá tại thị trường EU, Mỹ như mặt hàng cá da trơn đông lạnh, tôm đông lạnh, bật lửa gaz, giầy dép...[6].

Đứng trước hiện trạng và những nguy cơ trên, liên quan đến hoạt động chống bán phá giá, quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam vừa phải đảm bảo ngăn chặn và xử lý các hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu nước ngoài nhằm bảo vệ thị trường nội địa, vừa đấu tranh chống lại sự lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam nhằm giữa vững và tăng cường hoạt động xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Để đáp ứng được hai yêu cầu song hành đó, bên cạnh việc tìm kiếm các biện pháp tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, thì việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và pháp luật về chống bán phá giá nói riêng và pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài đối với Việt Nam. Có thể đưa ra một số nhận xét, kiến nghị ban đầu như sau:

Thứ nhất, chúng ta cần sớm ban hành văn bản ở cấp độ luật về vấn đề chống bán phá giá trong thương mại quốc tế. Cho đến hiện nay, Việt Nam còn rất thiếu các văn bản pháp luật quy định về các biện pháp có tính tự vệ thương mại, chống lại các hành vi thương mại thiếu lành mạnh, không công bằng nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Gần đây nhất, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam [10]. Pháp lệnh này quy định về các biện pháp tự vệ và thủ tục áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước (điều 1). Như vậy, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh không phải là tình trạng nhập khẩu hàng hóa quá mức, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước do hành vi cạnh tranh không công bằng về giá của nhà xuất khẩu nước ngoài (hiện tượng bán phá giá), cũng không phải là hiện tượng cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nước ngoài do được chính phủ nước xuất khẩu trợ giá (hiện tượng trợ cấp chính phủ).

Về vấn đề bán phá giá, ngày 26/4/2001 UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Giá, tại khoản 3 điều 4 có định nghĩa: “Bán phá giá là hành vi bán hàng hóa, dịch vụ với giá quá thấp so với giá thông thường trên thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, hạn chế cạnh tranh đúng pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và lợi ích của Nhà nước”[11]. Pháp lệnh cũng đưa ra các thủ tục, biện pháp điều tra và xử lý chống bán phá giá. Tuy nhiên, Pháp lệnh này chỉ có thể điều chỉnh các hành vi bán phá giá của các tổ chức cá nhân nước ngoài, khi họ “hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam” (khoản 2 điều 1 Pháp lệnh Giá). Do vậy, Pháp lệnh không điều chỉnh được các hành vi bán phá giá đối với hàng nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam. Khoản 2 Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam “với giá bán quá thấp so với giá thông thường do được bán phá giá”.

Như vậy, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý quy định cụ thể về vấn đề điều tra chống bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá hàng nước ngoài vào Việt Nam. Trong thời gian gần, việc ban hành một Pháp lệnh về vấn đề này là rất cấp bách. Đáp ứng các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định của pháp lệnh này có mục đích cao nhất là bảo vệ thị trường nội địa, nhưng cũng cần tính tới các chuẩn mực và thông lệ của WTO, mà cụ thể là của Hiệp định ADP. Đồng thời, việc ban hành pháp lệnh về chống bán phá giá hàng nhập khẩu cũng cần tính đến sự đồng bộ, thống nhất với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam nói chung như các quy định về thuế, về quản lý giá, cạnh tranh, về tự vệ trong thương mại và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu...

Thứ hai, để chống lại hiện tượng lạm dụng thủ tục chống bán phá giá nhằm hạn chế hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều chính sách, biện pháp đồng bộ cần phải được tiến hành: một mặt, cần đẩy mạnh quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Việc gia nhập này sẽ mang đến những thách thức, khó khăn lớn, tuy nhiên cũng đem lại những cơ hội kinh tế và pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng [2]. Liên quan đến việc hạn chế sự lạm dụng thủ tục chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của nước ta, tham gia WTO sẽ đem lại những lợi thế như: các nước nhập khẩu khi xem xét vấn đề bán phá giá đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải tôn trọng những quy định của WTO về vấn đề này; có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại những nước nhập khẩu sử dụng thuế chống bán phá giá nhằm đối xử phân biệt hoặc hạn chế hàng xuất khẩu từ Việt Nam; tham gia WTO sẽ đương nhiên đem lại cho Việt Nam quy chế “nền kinh tế thị trường”, hạn chế được sự bất lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi bị nước nhập khẩu xem xét vấn đề bán phá giá [12]. Mặt khác, khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại song phương, Việt Nam cũng cần có những thỏa thuận thích đáng về các vấn đề tự vệ thương mại, trợ cấp chính phủ và bán phá giá, trên cơ sở các chuẩn mực thương mại quốc tế, tránh tình trạng để bên ký kết nước ngoài tự do đơn phương áp dụng pháp luật của họ. Hơn nữa, trong pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam cũng cần quy định nguyên tắc có đi có lại và nguyên tắc áp dụng trả đũa đối với những nước đối xử bất bình đẳng và phân biệt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.[7]

Thứ ba, để đồng thời chống lại hiện tượng bán phá giá tại thị trường Việt Nam và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước ngoài thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Xuất phát từ hiện trạng kinh nghiệm và vốn kiến thức kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc tuyên truyền pháp luật Việt Nam về thương mại quốc tế, về các quy định và thực tiễn của các thiết chế kinh tế thương mại quốc tế, cũng như các quy định pháp luật nội địa của các thị trường nước ngoài quan trọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình. Đồng thời, trong hoạt động chống bán phá giá, việc tổ chức các nhà sản xuất, xuất khẩu thành các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Sự liên kết, thống nhất giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu theo ngành, nghề sẽ tạo thành tiếng nói chung có giá trị pháp lý để bảo vệ quyền lợi của chính họ.

Kết luận

Là một trong những biện pháp có tính chất tự vệ trong thương mại quốc tế, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia được GATT trước đây và WTO hiện nay thừa nhận. Mục đích cao nhất của thuế chống bán phá giá là nhằm hạn chế và loại bỏ những thiệt hại do hành vi bán phá giá của hàng hóa nước ngoài, nhằm giữ vững thế cân bằng trong cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp nước nhập khẩu lạm dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Hiệp định ADP của WTO đã có những quy định chi tiết hóa các điều kiện, thủ tục về điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá trong thương mại quốc tế.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với đặc điểm là nền kinh tế chuyển đổi, đang phát triển, Việt Nam đồng thời phải đối mặt với tình trạng bán phá giá của hàng hóa nước ngoài tại thị trường nội địa và tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng các biện pháp bảo hộ tại thị trường nước ngoài, trong đó có biện pháp lạm dụng thuế bán phá giá. Trong bối cảnh đó, nhu cầu cấp bách đặt ra là Việt Nam sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tự vệ thương mại nói chung và pháp luật về chống bán phá giá nói riêng, trên cơ sở hài hòa hóa với các quy định và thực tiễn của thương mại quốc tế.

SOURCE: CHONGBANPHAGIA.VN

Trích dẫn từ: http://chongbanphagia.vn/beta/binhluan/20070301/chong-ban-pha-gia-trong-thuong-mai-quoc-te

Bài đăng phổ biến