NGUYỄN TRUNG TÍN - Viện NC Nhà nước và Pháp luật
Trong số các văn bản pháp luật về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế ở Việt Nam hiện nay chúng ta mới có Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1995 mà chưa có các quy định về việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài kinh tế trong nước. Trong các bản Dự thảo Pháp lệnh về trọng tài hiện nay ở nước ta, vấn đề này đã được đề cập.
Bài viết này nhằm mục đích làm sáng tỏ khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế với mong muốn góp phần vào việc soạn thảo Pháp lệnh về trọng tài hiện nay ở nước ta.
Quyết định của trọng tài kinh tế được đề cập ở đây là quyết định cuối cùng (quyết định về thực chất vụ việc)(1 ). Để làm sáng tỏ khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế, cần phải xác định rõ các vấn đề sau:
- Thế nào là công nhận quyết định của trọng tài kinh tế?
- Thế nào là thi hành quyết định của trọng tài kinh tế?
- Thế nào là công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế?
- Có quyết định trọng tài kinh tế chỉ cần công nhận mà không cần thi hành hay không?
- Có quyết định trọng tài kinh tế vừa cần công nhận và vừa cần thi hành không?
- Mục đích công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế là gì?
- Khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế khác với khái niệm công nhận và thi hành quyết định của tòa án kinh tế như thế nào?
- Việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế được tiến hành ở đâu?
1. Định nghĩa về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế
“Công nhận” theo Từ điển Tiếng Việt là sự thừa nhận trước mọi người một điều gì đó là phù hợp với sự thật, với lẽ phải hoặc với thể lệ, luật pháp. Trong khi đó, “Thi hành” là việc làm cho điều gì đó trở thành hiệu lực (được thực hiện trên thực tế) điều đã được chính thức quyết định(2 ). Quyết định của trọng tài trên thực tế chỉ liên quan tới các bên tranh chấp, trong đó bên bất lợi trong việc công nhận và thi hành quyết định ấy phải thực hiện những hành vi nhất định mà anh ta không mong muốn trước khi đưa tranh chấp ra trọng tài. Thế nhưng vấn đề đặt ra là bên bị bất lợi đó (nguyên đơn hoặc bị đơn) có phải là người công nhận và thi hành quyết định đó hay không? Nếu có, thì sự công nhận như vậy được thể hiện như thế nào? Về mặt pháp lý và thực tiễn hoạt động của trọng tài, quyết định của trọng tài có thể được thực thi theo một trong hai cách sau đây:
- Người bị bất lợi trong việc thi hành quyết định đó tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình theo yêu cầu của quyết định (ví dụ, trả một khoản tiền, làm một công việc, trả lại tài sản, giao hàng hóa khác có chất lượng tốt hơn…);
- Người đó không tự nguyện thực hiện mà chỉ thực hiện khi bị cưỡng chế.
Vậy trường hợp người đó tự nguyện thực hiện thì có phải là người đó công nhận và thi hành quyết định của trọng tài hay không? Rõ ràng theo định nghĩa về “công nhận” và “thi hành” trên thì hành vi tự nguyện thực hiện như vậy cũng là việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. Việc tự nguyện thực hiện ở đây có thể do vì bên bất lợi hoàn toàn đồng ý với quyết định của trọng tài, hoặc do bên đó bị đe dọa bởi áp lực thương mại hoặc các áp lực khác của bên có lợi trong việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài hoặc của các bên thứ ba. Tuy nhiên trong các trường hợp như vậy, việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài không đặt ra vấn đề nan giải, do vậy, trong thực tiễn điều chỉnh pháp luật cũng như trong khoa học pháp lý, các trường hợp đó ít được đề cập.
Vấn đề còn lại ở đây là trong trường hợp người đó không tự nguyện thực hiện thì sự công nhận và thi hành quyết định của trọng tài được hiểu như thế nào? Rõ ràng đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực pháp luật mang tính chất dân sự, cho nên trong trường hợp này chỉ có thể đặt ra những sự kiện pháp lý liên quan đến vấn đề cưỡng chế thi hành. Sự cưỡng chế này không thể do bên có lợi trong việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài hoặc bản thân trọng tài thực hiện. Bởi vì bên đó và trọng tài đều không phải là người thực thi quyền lực Nhà nước. Như vậy, để cho quyết định được thi hành trên thực tế thì sự công nhận và thi hành quyết định của trọng tài chỉ có thể do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (thường là Tòa án) thực hiện(3 ). Thực tiễn điều chỉnh pháp luật và trong khoa học pháp lý đều thống nhất rằng việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài là một giai đoạn trong tố tụng dân sự theo nghĩa rộng. Trong đó việc Tòa án xét công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài đóng một vai trò quan trọng nhất. Như vậy, nếu coi việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài như một khâu quan trọng của chế định trọng tài, thì nó là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan tới việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài. Nhưng nếu xét khái niệm công nhận quyết định của trọng tài theo đúng nghĩa của nó (theo khái niệm về mặt thuật ngữ như trên chúng tôi đã đề cập) thì đó là hành vi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thừa nhận quyết định của trọng tài đã có hiệu lực pháp luật. Và thi hành quyết định của trọng tài được hiểu là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm cho quyết định của trọng tài được thực hiện trên thực tế.
Một vấn đề khác đặt ra là có trường hợp nào quyết định của trọng tài chỉ cần Tòa án có thẩm quyền công nhận mà không cần thi hành hay không? Hoặc ngược lại, có trường hợp nào Tòa án có thẩm quyền chỉ cần thi hành mà không cần công nhận quyết định của trọng tài? Thực tế cho thấy đối với bên bất lợi trong việc thi hành quyết định của trọng tài cũng như quyết định của Tòa án thì có trường hợp họ vừa công nhận và vừa thi hành quyết định, nhưng lại có trường hợp dù họ tự nguyện thi hành nhưng trên thực tế họ không công nhận quyết định của trọng tài là phù hợp với pháp luật. Song đối với Tòa án có thẩm quyền thì không thể có chuyện: Tòa án chỉ thi hành quyết định của trọng tài một cách cưỡng bức mà lại không công nhận quyết định đó. Bởi thi hành quyết định của trọng tài trước Tòa án có thẩm quyền chỉ đặt ra sau khi Tòa án đó đã công nhận. Hay nói cách khác nếu Tòa không công nhận quyết định của trọng tài thì Tòa sẽ không ra quyết định cho thi hành.
Hai thuật ngữ “công nhận” và “thi hành” quyết định của trọng tài thường được sử dụng cùng nhau; tuy nhiên, trên thực tế chúng có thể được sử dụng một cách riêng rẽ. Điều này có nghĩa là thuật ngữ “công nhận” và thuật ngữ “thi hành” quyết định của trọng tài mặc dù có sự gắn bó phụ thuộc lẫn nhau nhưng cũng có thể được sử dụng với những hàm ý khác nhau. Một quyết định trọng tài có thể được công nhận nhưng lại không được thi hành. Trong khi đó nếu một quyết định của trọng tài đã được thi hành có nghĩa là nó đã được công nhận. Trong việc công nhận quyết định của trọng tài được đặt ra trước một Tòa án, bên yêu cầu công nhận thường cho rằng tranh chấp đã được trọng tài giải quyết theo quy trình của pháp luật và Tòa án có thẩm quyền cần ra quyết định công nhận nó. Trường hợp này thường đặt ra khi quyết định của trọng tài đề cập một số vấn đề tranh chấp chứ không phải tất cả. Vì vậy, bên có lợi chỉ yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận những vấn đề mà trọng tài đã giải quyết chứ không yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành cưỡng bức quyết định của trọng tài về những vấn đề đó, để tránh tình trạng khỏi phải xem xét lại bằng trọng tài hoặc một phương thức giải quyết tranh chấp khác. Như vậy, trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là quyết định của trọng tài chỉ cần công nhận mà không cần thi hành. Về việc này chúng ta có thể lấy một ví dụ như sau: Công ty A và Công ty B ký hợp đồng hợp tác sản xuất hàng xuất nhập khẩu bao gồm một loạt các hợp đồng liên kết sản xuất và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các tranh chấp về hợp đồng liên kết sản xuất đã được giải quyết bằng trọng tài và trọng tài đã ra quyết định (giả dụ quyết định đã bác yêu cầu của nguyên đơn), còn tranh chấp về tiêu thụ thì chưa được trọng tài giải quyết. Công ty A yêu cầu Tòa án công nhận quyết định của trọng tài liên quan tới tranh chấp về hợp đồng liên kết sản xuất để tránh tình trạng Công ty B lại đưa tranh chấp đó ra Tòa án hoặc trọng tài giải quyết (giả dụ ở các quốc gia nơi quyết định của trọng tài được coi là chung thẩm).
Trong khi đó, việc thi hành quyết định của trọng tài không chỉ là việc công nhận hiệu lực của quyết định trọng tài mà còn bao gồm cả việc đưa quyết định vào cuộc sống (đảm bảo thực thi quyết định trên, kể cả trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế). Do vậy, nếu Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định cho thi hành quyết định của trọng tài thì có nghĩa là Tòa án đã công nhận hiệu lực của quyết định đó. Song nếu Tòa án chỉ ra quyết định công nhận giá trị pháp lý của quyết định trọng tài (công nhận quyết định trọng tài là phù hợp với yêu cầu của pháp luật) thì không có nghĩa là bao gồm cả quyết định của Tòa án về việc cho thi hành quyết định trên.
2. So sánh khái niệm công nhận và thi hành giữa quyết định Tòa án với quyết định trọng tài, giữa quyết định trọng tài trong nước với quyết định trọng tài nước ngoài
Để làm sáng tỏ khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế, vấn đề tiếp theo ở đây là về mặt khái niệm, việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài giống và khác gì với việc công nhận và thi hành quyết định của Tòa án. Trước hết giữa chúng có các điểm giống nhau sau:
- Có thể được bên bất lợi trong việc thi hành các quyết định đó tự nguyện công nhận và thi hành, hoặc chỉ tự nguyện thi hành;
- Trong trường hợp bên phải thi hành không tự nguyện thực thi quyết định, Tòa án phải ra quyết định cưỡng bức thi hành (đối với quyết định của Tòa án nước ngoài).
Tuy nhiên giữa chúng cũng có những điểm khác nhau rất rõ nét. Đó là:
- Thứ nhất: đối với quyết định của Tòa án thì việc ra phán quyết của Tòa án chính là việc Tòa án công nhận phán quyết đó (đối với quyết định của Tòa án trong nước). Và quyết định đó đương nhiên có hiệu lực thi hành nếu không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời gian và thủ tục do pháp luật quy định (trừ trường hợp quyết định đó cần được thực thi ở nước ngoài). Trong khi đó đối với quyết định của trọng tài, việc công nhận và thi hành luôn đặt ra trước Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp người bị bất lợi không công nhận và không tự nguyện thi hành quyết định đó.
- Thứ hai: việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài được tiến hành theo các điều kiện, thủ tục và trình tự tố tụng riêng biệt so với các điều kiện, thủ tục và trình tự tố tụng trong việc công nhận và thi hành quyết định của Tòa án.
- Thứ ba: trong tố tụng ở Tòa án, việc kháng cáo về mặt nội dung đối với quyết định của Tòa án là có thể được, trong khi đó việc kháng cáo như vậy đối với quyết định của trọng tài, theo khuynh hướng chung là không được trừ trường hợp quyết định bị kháng cáo về mặt thủ tục.
Ngoài ra khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế trong nước cũng khác với khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế nước ngoài. Sự khác nhau ở đây chủ yếu là ở chỗ, nếu như việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế trong nước là hành vi của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sở tại, thì việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế nước ngoài, còn được hiểu ở nghĩa, là hành vi của chính quốc gia sở tại (trên cơ sở hoạt động tương trợ tư pháp)(4 ).
3. Mục đích và nơi công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế
a. Mục đích của việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế
Mục đích của việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài được thể hiện ngay trong mục đích của các bên khi đưa tranh chấp ra trọng tài. Tuy nhiên nếu tách rời phần “công nhận” ra khỏi phần “thi hành” thì chúng ta thấy giữa chúng có sự khác biệt về mục đích. Đối với công nhận, mục đích ở đây thể hiện ở chỗ, sự công nhận được sử dụng nhằm ngăn ngừa trường hợp một bên tranh chấp kia lại kiện cáo tiếp về chính vụ việc đã được trọng tài giải quyết. Trong khi đó việc thi hành lại đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu để buộc bên thua kiện phải thực hiện những hành vi bất lợi cho mình mà bên đó đã không tự nguyện thực thi. Việc cưỡng chế bên phải thực hiện quyết định của trọng tài có thể bằng nhiều cách khác nhau (như tịch thu tài sản, phong tỏa tài sản ngân hàng…).
b. Nơi công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế
Việc thi hành quyết định của trọng tài (cũng như thi hành quyết định dân sự của Tòa án) thường nhằm vào tài sản của bên thua kiện. Nếu tài sản tọa lạc ở một quốc gia thì sự chọn lựa có lẽ là không cần thiết, song trên thực tế có thể có trường hợp tài sản đó ở hai hoặc nhiều quốc gia thì bên thắng kiện chắc chắn sẽ phải chọn một trong các quốc gia trên (có trường hợp một quốc gia) để tiến hành thủ tục yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. Việc xác định nơi có tài sản của bên thua kiện để phục vụ cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài không chỉ đặt ra đối với trọng tài thương mại quốc tế mà còn đặt ra cả với trọng tài trong nước. Song thông thường đối với trọng tài trong nước, (những vụ tranh chấp không mang tính quốc tế), tài sản của bên thua kiện thường chỉ có trên lãnh thổ quốc gia nơi quyết định trọng tài được tuyên. Tất nhiên tài sản đó cũng có thể nằm ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định. Và vấn đề sử dụng tài sản ở các quốc gia đó để thực thi quyết định của trọng tài không đặt ra các vấn đề nan giải như việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài liên quan đến lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia. Thông thường các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài của quốc gia thứ ba (quốc gia trung lập) để giải quyết tranh chấp. Song trên lãnh thổ quốc gia đó có thể không có tài sản cần cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài được lựa chọn. Trong khi đó, việc chọn trọng tài giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào sự thỏa thuận ý chí của các bên, còn việc xác định nơi công nhận và thi hành quyết định của trọng tài thì lại không thể phụ thuộc vào sự thỏa thuận ý chí của các bên được.
Để quyết định của trọng tài được công nhận và thi hành ở quốc gia nơi quyết định đó được tuyên, bên thắng kiện có thể yêu cầu một Tòa án có thẩm quyền ở nơi đó ra quyết định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài. Song trong trường hợp tài sản cần được sử dụng cho mục đích công nhận và thi hành lại không ở quốc gia nơi quyết định của trọng tài được tuyên thì rõ ràng, sự công nhận quốc tế đối với quyết định của trọng tài có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo vệ lợi ích của mình, bên thắng kiện cần xác định nơi có tài sản của bên thua kiện (cần có sự tìm hiểu, hoặc có sự trợ giúp…). Trong trường hợp tài sản có ở nhiều quốc gia, khi đó sự lựa chọn của bên thắng kiện sẽ đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, bên thắng kiện phải quan tâm tới vấn đề quốc gia nào trong số các quốc gia đó sẽ công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất (các vấn đề về trình tự, thủ tục và căn cứ xét công nhận và thi hành sẽ được cân nhắc).
Từ những phân tích ở trên, có thể rút ra một số kết luận sau:
- Thứ nhất, sự công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế được đặt ra sau khi quyết định đó có hiệu lực.
- Thứ hai, khái niệm công nhận và thi hành quyết định của trọng tài có thể được hiểu theo nghĩa tổng thể (bao gồm cả công nhận và thi hành), nhưng cũng có thể được hiểu theo nghĩa riêng biệt (khái niệm công nhận và khái niệm thi hành). Điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
- Thứ ba, sự công nhận và thi hành đó được thể hiện trong hai trường hợp: có thể do các bên tự tiến hành (trong trường hợp bên bất lợi tự nguyện thực hiện, hoặc sự thực hiện của bên đó bị chi phối bởi sức ép hợp pháp của bên có lợi trong việc công nhận và thi hành hoặc của các bên thứ ba); có thể do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện (ra quyết định công nhận và cho thi hành khi trường hợp thứ nhất không thực hiện được và bên có lợi trong việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài yêu cầu).
- Thứ tư, trong hai trường hợp kể trên, trường hợp công nhận và thi hành quyết định của trọng tài kinh tế thông qua sự trợ giúp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng nhất.
Chú thích:
(1) Nguyễn Trung Tín, Về việc xác định quyết định của trọng tài kinh tế, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2001.
(2) Trung tâm Từ điển học Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2000,
tr. 209, 510.
(3) Hoàng Phước Hiệp, Vấn đề công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/1994, tr. 33 – 36.
(4) Nguyễn Công Khanh, Cần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 3/2000, tr. 12 – 14
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3/2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét