THS. Nguyễn Hồng Hải - Khoa Luật dân sự - Đại học Luật Hà Nội
I. Mục tiêu tổng quát:
Lồng ghép giới trong giảng dạy chế định thừa kế của môn Luật dân sự được dành cho đối tượng ngưòi học là sinh viên thuộc các hệ đào tạo bậc đại học của trường Đại học Luật Hà Nội (hệ chính qui, văn bằng hai, tại chức, chuyển cấp, trung cấp pháp lý) với mục tiêu tổng quát là:
Từng bước lồng ghép giới trong xây dựng Giáo trình, Giáo án, phương pháp giảng dạy về chế định thừa kế hướng tới mục tiêuchung là từng bước thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của sinh viên khi nghiên cứu các qui định pháp luật về thừa kế dưới góc độ giới.
II. Những nội dung cần được lồng ghép giới trong giảng dạy chế định pháp luật thừa kế
II.1. Khái quát nội dung giảng dạy chế định thừa kế trong chương trình đào tạo hiện nay
Theo chương trình giảng dạy hiện nay của môn Luật dân sự, chế định thừa kế nằm trong học phần 2 với tổng số tiết giảng và thảo luận là 15 tiết với những nội dung cơ bản sau:
- Thứ nhất: Khái niệm và các nguyên tắc cơ bản về thừa kế (Đ.631 Đ.632/BLDS năm 2005);
- Thứ hai, các qui định chung về thừa kế (Đ.633 - Đ. 645/BLDS năm 2005):
+ Thời điểm, địa điểm mở thừa kế;
+ Di sản:
+ Người thừa kế và các quyền, nghĩa vụ của ngưòi thừa kế, trong đó có quyền từ chối nhận di sản;
+ Việc thừa kế của những ngưòi chết cùng thời điểm và những người không được quyền hưởng di sản;
+ Người quản lý di sản và các quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản;
+ Thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
+ Một số nội dung khác.
- Thứ ba, thừa kế theo di chúc (Đ.646 - Đ.673/BLDS năm 2005):
+ Khái niệm di chúc và người lập di chúc;
+ Các quyền của nguời lập di chúc và những nguời hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc;
+ Điều kiện có hiệu lực của di chúc;
+ Vấn đề sử dụng tài sản làm tài sản di tặng hoặc dùng làm thờ cúng;
+ Các nội dung khác.
- Thứ tư, thừa kế theo pháp luật (Đ.674 - Đ.680/BLDS năm 2005):
+ Khái niệm và các trường hợp thừa kế theo luật;
+ Người thừa kế theo pháp luật và những nguời được thừa kế thế vị;
+ Quyền thừa kế của giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng mình…
- Thứ năm, thanh toán và phân chia di sản (Đ 681 - Đ 687/ BLDS năm 2005):
+ Thứ tự ưu tiên thanh toán;
+ Phân chia di sản theo di chúc;
+ Phân chia di sản theo pháp luật;
+ Hạn chế phân chia di sản;
+ Một số nội dung khác.
II.2. Những nội dung kế cần được lồng ghép giới trong chế định thừa kế
Căn cứ vào nội dung giảng dạy chế định thừa kế trong môn Luật dân sự nêu trên và những nguyên tắc trong nghiên cứu về giới và bình đẳng giới, cần thiết lồng ghép giới vào trong những nội dung cơ bản sau:
II.2.1. Khái niệm và các nguyên tắc cơ bản của thừa kế:
Bên cạnh những kiến thức bắt buộc là khái niệm và các nguyên tắc thừa kế được qui định trong pháp luật, theo chúng tôi, giáo trình và giảng viên cần cung cấp những thông tin sau đây cho sinh viên:
- Quan hệ thừa kế là một trong những quan hệ xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức về vai trò và quyền, nghĩa vụ để lại di sản hoặc thụ hưởng di sản của nam, nữ trong thừa kế tài sản giữa các thế hệ trong gia đình;
- Quan niệm truyền thống trong xã hội Việt Nam thường có sự ưu ái hơn về quyền quyết định di sản và thụ hưởng di sản thừa kế của nguời nam giới (người cha, người chồng, nguời con trai hoặc các thành viên nam khác trong dòng họ và gia đình), còn nguời nữ giới (người mẹ, nguời vợ, con gái hoặc các thành viên nữ khác trong gia đình, dòng họ) thường có sự yếu thế hơn về vấn đề này;
- Sự bình đẳng nam, nữ trong thừa kế không chỉ chịu sự phụ thuộc vào định kiến xã hội mà còn phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của nhà làm luật dưới mỗi chế độ xã hội. Thực tiễn pháp lý đã chứng minh, không phải pháp luật của Nhà nước nào cũng công nhận và bảo hộ sự bình đẳng giữa nam và nữ về thừa kế.
- Pháp luật Việt Nam về thừa kế trải qua các giai đoạn phát triển của đất nứơc đã có những minh chứng rất rõ nét về vấn đề bình đẳng giới trong thừa kế:
+ Pháp luật dưới chế độ cũ luôn có những qui định bảo vệ quyền lợi của người đàn ông trong các quan hệ xã hội và quan hệ gia đình. Giáo trình và giảng viên cần phân tích cơ sở xã hội và pháp lý của vấn đề này;
+ Pháp luật của Nhà nước ta qui định về thừa kế dựa trên nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử giữa những người thừa kế, trong đó chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người yếu thế hoặc những người có quan hệ gắn bó chặt chẽ, gần gũi về dòng máu, quan hệ tình cảm và đạo đức (cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động…). Tuy nhiên, trên thực tế việc đưa các qui định này vào cuộc sống còn nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, những định kiến phân biệt đối xử về vai trò quyết định di sản hoặc quyền được thụ hưởng di sản của người phụ nữ nói chung, nguời vợ, ngưòi con gái nói riêng vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong một bộ phận dân cư, cộng đồng hoặc nhóm xã hội. Theo chúng tôi, giáo trình và giảng viên cần dẫn chứng những cơ sở xã hội và thực tiễn để chứng minh luận điểm này.
II.2..2. Phần các qui định chung về thừa kế
Giáo án và giảng viên cần lồng ghép các nội dung bình đẳng giới vào trong các thông tin liên quan đến xác định nguời thừa kế, người không được hưởng di sản cũng như việc xác định di sản liên quan đến tài sản chung của vợ chồng và tài sản chung của gia đình. Trong đó cần nhấn mạnh sự cần thiết và trên thực tiễn pháp lý đã thực hiện được hay chưa thực hiện được về bình đẳng giới trong xác định ngưòi thừa kế, nguời không được hưởng di sản.
Ví dụ: người chồng (hoặc ngưòi vợ) không quan tâm chăm sóc, hoặc có hành vi hành hạ về thể xác và tinh thần khi người vợ (hoặc chồng) mình bị ốm đau, không được cứu chữa kịp thời mà chết. Những hành vi trên, nếu không phát hiện kịp thời hoặc với quan điểm đấy là “chuyện riêng” của vợ chồng họ mà không tước quyền thừa kế của người vi phạm cũng là một dấu hiệu của bất bình đẳng về giới…
Ngoài ra, do ảnh hưởng của tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu hoặc do chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội, thái độ tự ti… hoặc thiếu hiểu biết pháp luật mà có thể dẫn đến người có quyền thừa kế lại không dám khởi kiện, không muốn khởi kiện hoặc không biết mình được huởng thừa kế mà khởi kiện.
Ví dụ: Người con dâu sống cùng với gia đình nhà chồng, sau khi người chồng chết không dám khởi kiện hoặc tự cho là mình không có quyền được hưởng thừa kế, thì đây cũng là một dạng của bất bình đẳng về giới nếu như pháp luật và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không giúp họ có được sự thụ hưởng trên thựa tế quyền thừa kế của mình…
II.2.3. Thừa kế theo di chúc
Trong phần thừa kế theo di chúc, giáo trình và giảng viên cần phân tích đầy đủ các thông tin về người có quyền lập di chúc và các quyền của nguời lập di chúc trên cơ sở những quyền này áp dụng chung cho tất cả những người lập di chúc mà không có sự phân biệt đối xử dưói góc độ giới.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh những định kiến xã hội về vai trò quyết định di sản và thụ hưởng di sản của nguời phụ nữ so với nam giới có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng của nguời lập di chúc. Từ đó, nó có thể quyết định người để lại di sản có “dám” hay không “dám” lập di chúc, cũng như nó có thể quyết định nội dung của di chúc bao gồm ai sẽ được hưởng thừa kế, mức thừa kế và các ràng buộc về quyền và nghĩa vụ phát sinh khi được thừa kế…
Ví dụ: Nguời con dâu sống cùng gia đình nhà chồng khi mắc bệnh hiểm nghèo biết mình không qua khỏi thì thường có suy nghĩ cho rằng mình không nên hoặc không có quyền lập di chúc dẫn tới họ quyết định không lập di chúc. Ngược lại, khi họ quyết định lập di chúc thì nguời chồng hoặc gia đình nhà chồng cho rằng chị vợ không có quyền đó hoặc không nên có di chúc như vậy khi người chồng, cha, mẹ, anh, em gia đình nhà chồng còn sống…
Ngoài ví dụ trên, chúng ta cũng có thể thấy một hiện tượng phổ biến là người để lại di sản khi lập di chúc thường có quan niệm con trai hoặc cháu trai là nguời thừa tự, nối dõi tông đường và kế tục các truyền thống của gia đình, dòng họ nên thường quyết định trao toàn bộ hoặc phần lớn di sản thừa kế cho con trai và cháu trai. Trong khi đó, con gái, cháu gái thì hưởng được phần ít hơn hoặc không được hưởng. Bản thân phía người phụ nữ nhiều khi cũng có quan niệm cho rằng, quyền thừa kế thuộc về con trai, anh trai, em trai, cháu trai còn mình thì không được hưởng dẫn tới họ không “dám”, không muốn khởi kiện để hưởng thừa kế…
II.2.4. Thừa kế theo pháp luật:
Chúng tôi cho rằng, nội dung cần phải có trong giảng dạy là phân tích dưói góc độ, không có sự phân biệt đối xử trong việc xác định diện những nguời được hưởng thừa kế theo pháp luật. Nam hay nữ nếu có quan hệ nhân thân ngang nhau với người để lại di sản thì cùng thuộc cùng hàng thừa kế của người để lại di sản và được chia phần di sản bằng nhau. Ví dụ: Người thừa kế đều là con đẻ hoặc con nuôi của nguời chết thì đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ…
Ngoài ra, cũng cần chú ý các quan hệ thừa kế đặc biệt, có tính nhạy cảm giới cao như quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác; quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế; quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ…
II.2.5. Thanh toán và phân chia di sản
Về thanh toán và phân chia di sản, nhìn chung pháp luật áp dụng nguyên tắc tôn trọng ý chí của người để lại di sản, sự thoả thuận giữa những người thừa kế. Trong trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật thì thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa những người thừa kế về nhận di sản và thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại. Đặc biệt, nếu việc phân chia di sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa được chia di sản trong một thời hạn nhất định (thời hạn đó là không quá 3 năm…)…
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu tố xã hội có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nguyên tắc trên mà giáo trình và giảng viên cần cung cấp cho người học. Ví dụ: Sau khi thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế họp mặt để thoả thuận về việc cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, cách thức phân chia di sản. Trong những cuộc họp này, người thừa kế là nữ giới thường ít tham gia hoặc có tham gia nhưng không có ý kiến do phụ thuộc vào ý kiến của những người thừa kế nam giới, người thừa kế “bề trên”. Thậm chí, khi người phụ nữ có ý kiến thì thường không được những người thừa kế khác quan tâm thích đáng, thậm chí gạt đi không chấp nhận…
Hay pháp luật thừa nhận quyền của người vợ sau khi người chồng chết là yêu cầu Tòa án không chia di sản thừa kế của người chồng trong thời hạn không quá 3 năm nếu việc chia di sản có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình. Trên thực tế, những người vợ có thực hiện được quyền này hay không khi người khởi kiện chia thừa kế chính là cha mẹ chồng, con cái của mình… và sự lựa chọn phổ biến của người phụ nữ trên thực tế là nhận sự khó khăn thuộc về mình và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người thừa kế khác.
III. Phương pháp sư phạm khi lồng ghép giới trong giảng dạy chế định thừa kế
Ngưòi học trong môi trường đào tạo luật về cơ bản là nhóm xã hội đã có sự nhận thức cơ bản và đa dạng về các vấn đề xã hội. Trong đó có vấn đề vai trò của nữ giới và nam giới trong xã hội. Để lồng ghép giới có hiệu quả vào trong nội dung giảng dạy chế định thừa kế, theo chúng tôi phương pháp sư phạm cần được thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản sau:
- Cùng tham gia;
- Học hỏi lẫn nhau;
- Trực quan hoá
* Phương pháp sư phạm cùng tham gia giúp cho học viên chủ động tích cực tham gia vào quá trình học tập, tránh thụ động trong tiếp thu kiến thức về lồng ghép giới. Đặc biệt, khi lồng ghép giới luôn mang tính nhạy cảm cao do có sự định kiến về giới trong mỗi nguời và quan niệm truyền thống về giới trong mỗi cộng đồng, nhóm nguời là khác nhau. Phương pháp cùng tham gia thừa nhận những kinh nghiệm, kỹ năng, ý tưởng phong phú. đa dạng của người học, đồng thời lấy đó làm cơ sở của tiến trình học tập. Phương pháp này giúp cho học viên tự xác định được nhu cầu, mục tiêu học tập…
* Phương pháp học hỏi lẫn nhau được hiểu là nguời học cùng tích cực trao đổi về quan điểm, ý kiến và kinh nghiệm của mình về giới và bình đẳng giới. Trong đó mọi ý kiến đều được tôn trọng như nhau. Giáo viên là chỉ là người gợi mở, hướng dẫn, cung cấp những kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới trong pháp luật về thừa kế cho ngưòi học;
* Trực quan hoá là một khía cạnh quan trọng của kỹ thuật giảng dạy, giảng viên cần tranh thủ các phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu, các phầm mềm ứng dụng để truyền đạt thông tin cho người học và thu thập thông tin từ phía người học. Ngoài ra. Trực quan hoá cũng là việc người giảng viên đưa ra công cụ thông tin thực tế để minh chứng hoặc gợi ý cho sinh viên nghiên cứu thảo luận về giới và bình đẳng giới trong thừa kế. Các công cụ thông tin đó có thể là: một hồ sơ vụ án tranh chấp thừa kế, một vụ việc nêu trên báo chí, một con ngưòi, gia đình cụ thể…
III. Các công cụ và phương tiện cần thiết để hỗ trợ lồng ghép giới trong giảng dạy chế định thừa kế của môn Luật dân sự
Trong đào tạo, để truyền đạt một nội dung thông tin đến người học, thì cơ sở đào tạo, bộ môn và giảng viên có thể áp dụng nhiều công cụ, phuơng tiện khác nhau để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sư phạm. Gắn với nội dung lồng ghép giới trong giảng dạy chế định thừa kế của môn Luật dân sự, chúng tôi cho rằng cần phải có những các công cụ phương tiện sau đây:
+ Giáo trình: đây là công cụ quan trọng, cần thiết và mang tính phổ biến không chỉ đối với người học mà còn cả với người dạy. Tổ bộ môn cần xây dựng một giáo trình chuẩn, thống nhất chuyên môn về các kiến thức cơ bản, mang tính nền tảng cho khoa học Luật dân sự nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng. Trong đó, sự thống nhất về lồng ghép giới trong từng nội dung của giáo trình là bắt buộc. Bên cạnh đó, giáo trình cũng phải là tài liệu gợi mở cho nguời học những nhận thức mới và suy nghĩ đa chiều về những yếu tố xã hội và pháp lý của một qui định pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng. Trong đó có vấn đề về bình đẳng giới trong thừa kế.
+ Giáo án: đây là công cụ không thể thiếu phản ánh trách nhiệm khoa học và chuyên môn của người giảng viên. Nó truyền tải những kiến thức cơ bản phải có về chủ đề mà ngưòi học sẽ tiếp nhận. Ngoài ra, giáo án cũng đánh dấu sự sáng tạo của giảng viên trong việc tiếp cận và truyền đạt thông tin. Mỗi giảng viên có một cách tiếp cận và diễn đạt nội dung khác nhau về cùng bài giảng, điều đó là cần thiết giúp cho người học có được cách tiếp cận đa dạng về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, lồng ghép giới vào từng nội dung của giáo án lại là nguyên tắc bắt buộc. Chúng ta hãy đặt địa vị là nguời học, liệu nguời học có được sự nhận thức đúng đắn về giới và bình đẳng giới hay không khi mỗi giáo viên lại đặt tầm quan trọng của nó khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Trong khoa học tất yếu có những quan điểm khác nhau về giới và bình đẳng giới, nhưng theo chúng tôi điểm đến của mọi quan điểm là nguời học phải nhận thức được bình đẳng giới trong pháp luật, thực thi pháp luật và trong đời sống xã hội là cần thiết, tất yếu để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
+ Các phương tiện hỗ trợ: tài liệu tham khảo cho sinh viên, các phương tiện kỹ thuật như máy chiếu, máy tính, các phần mềm hỗ trợ…
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về lồng ghép giới trong giảng dạy chế định thừa kế của môn Luật dân sự. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, thảo luận về vấn đề này của các đồng nghiệp.
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI SỐ THÁNG 3/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét