TƯỞNG BẰNGLƯỢNG - Phó Chánh tòa Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao
I. NGƯỜI QUẢN LÝ DI SẢN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC THANH TOÁN CÔNG SỨC CHO NGƯỜI QUẢN LÝ DI SẢN:
Khi một người chết có di sản để lại sẽ phát sinh quan hệ thừa kế. Thừa kế được mở kể từ thời điểm người để lại di sản chết. Nhưng trong thực tế ít có trường hợp ngay khi mở thừa kế đã diễn ra việc chia thừa kế. Thông thường việc chia thừa kế diễn ra sau đó một thời gian khá dài. Đặc biệt là các vụ tranh chấp thừa kế tại Tòa án thì hầu hết thừa kế đã mở từ lâu, có những vụ thời điểm mở thừa kế cách thời điểm tranh chấp từ 10 năm đến 30 - 40 năm, cá biệt có vụ còn lâu hơn, do đó sẽ xuất hiện “người quản lý di sản”.
Tuy pháp luật thừa kế được quy định từ sớm, nhưng các quy định ban đầu còn rất sơ lược và chung chung, mới chỉ đề cập đến một vài nguyên tắc cơ bản về thừa kế chứ chưa đề cập đến việc thanh toán công sức cho “người quản lý di sản”. Song, qua thực tiễn công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều hướng dẫn, trong đó phải kể đến Thông tư số 81 ngày 24/7/1981. Trong Thông tư này vấn đề thừa kế được quy định tương đối có hệ thống và cũng tại đây lần đầu tiên pháp luật của Nhà nước ta đề cập đến việc những người “có công nuôi dưỡng, chăm sóc người để lại di sản và người có công giữ gìn di sản của người đã chết, cần được chiếu cố” khi chia di sản.
Ngày 30/8/1990 Pháp lệnh thừa kế được ban hành cũng tiếp tục quy định việc thanh toán “chi phí cho việc bảo quản di sản; các chi phí khác” (điểm 10 Điều 334 Pháp lệnh thừa kế).
Tuy nhiên các văn bản pháp luật ra đời trước năm 1995 chưa ra thuật ngữ “người quản lý di sản”, chưa đề cập đến nghĩa vụ và các quyền của họ, khi Bộ luật Dân sự ra đời, vấn đề này đã được quy định từ Điều 641 đến Điều 643. Tại Điều 686 Bộ luật Dân sự coi việc thanh toán “chi phí cho việc bảo quản di sản” là điểm ưu tiên thứ 9.
Vậy Bộ luật Dân sự đã quy định “người” nào được công nhận là “người quản lý di sản”? Theo quy định tại Điều 641 thì:
1. Người quản lý di sản là người chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản, thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý, thì di sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý”.
Điều 642 Bộ luật Dân sự đã quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản. Đối với người quản lý di sản được quy định ở khoản 1 và khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự thì Điều 642 có ghi rõ nghĩa vụ là:
1. Người quản lý di sản được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 641 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
“a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế ;
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại tài sản theo yêu cầu của người thừa kế”.
Đối với người quản lý di sản được quy định ở khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự thì chỉ
có 4 nghĩa vụ đó là:
“a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người chia thừa kế”.
Nếu người quản lý di sản đã thực hiện tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định, thì họ đã có công trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản, làm cho khối di sản không bị mai một, mất mát theo thời gian. Đây là một loại lao động có ích và vì lợi ích của các thừa kế. Vì vậy công sức mà người quản lý di sản đã bỏ ra là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho họ. Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự thì người quản lý di sản “được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế”. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án trích từ khối di sản một khoản tiền, hoặc hiện vật để trả công cho người quản lý di sản.
Bộ luật Dân sự không quy định nếu người quản lý di sản và những người thừa kế không thỏa thuận được việc trả thù lao thì sẽ giải quyết như thế nào?
Hiện nay đang có các ý kiến khác nhau về việc trả thù lao cho người quản lý di sản.
Có ý kiến cho rằng đối với trường hợp người quản lý di sản không khai thác lợi ích của tài sản, thì dù có thỏa thuận trước hay không có thỏa thuận trước, các thừa kế đều phải trả thù lao tương xứng với công sức của người quản lý di sản đã bỏ ra. Nhưng đối với các trường hợp người quản lý di sản đồng thời là người chiếm hữu, sử dụng khối di sản đó, ví dụ sử dụng nhà di sản để cả gia đình ở, hoặc khai thác lợi ích, hoa lợi của tài sản, ví dụ hàng năm thu hoạch vườn cây ăn quả v.v… thì không nên buộc các thừa kế phải trả thù lao cho họ; trừ trường hợp chính họ tự nguyện thỏa thuận trả thù lao. Sở dĩ không trả thù lao là vì người quản lý di sản đã được hưởng lợi từ tài sản mà họ quản lý, ví dụ được khai thác công dụng của nhà di sản mà không phải trả tiền thuê nhà. Nếu buộc các thừa kế trả thù lao cho họ thì họ được hưởng lợi hai lần.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng trong mọi trường hợp, nếu người quản lý di sản yêu cầu thì đều phải trả thù lao cho họ. Vì nếu nhà đất, vườn cây không có người ở, người quản lý, trông coi sẽ bị lấn chiếm, mất đất; nhà không có người ở sẽ nhanh hư hỏng hơn… Họ có “giữ” thì di sản mới còn nguyên vẹn. Đó là chưa kể có những giai đoạn, nếu di sản không có người quản lý, Nhà nước sẽ lấy mất, cấp cho người khác nếu nhà đất rộng. Vì vậy phải thanh toán thù lao cho họ. Những quan điểm khác nhau được phản ánh trong thực tiễn xét xử.
II. THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT VIỆC TRẢ THÙ LAO CHO NGƯỜI QUẢN LÝ DI SẢN:
- Về mặt từ ngữ: Bộ luật Dân sự đã dùng từ “trả thù lao cho người quản lý di sản”, còn trong thực tiễn xét xử các Tòa án thường dùng từ trích công sức cho người quản lý di sản. Đây là hình thức trả công để bù đắp lao động đã bỏ ra, căn cứ vào thời gian lao động. Hình thức lao động ở đây là hành động giữ gìn, bảo tồn di sản. Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu số lượng và chủng loại di sản như nhau thì thời gian phải trông coi, giữ gìn, bảo tồn di sản càng dài thì thù lao càng phải lớn.
Bộ luật Dân sự quy định có 4 loại “người” quản lý di sản, cả 4 loại người này đều được hưởng thù lao theo thỏa thuận, không có sự phân biệt loại người nào được hưởng thù lao nhiều, loại nào được hưởng thù lao ít. Bộ luật này cũng không quy định tỷ lệ hưởng thù lao với khối di sản mà người đó quản lý. Vì vậy, khi xét xử, việc quyết định mức thù lao trong từng vụ cụ thể như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào hội đồng xét xử. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án các cấp tính thù lao cho người quản lý di sản không thống nhất theo một tỷ lệ nào. Sự không thống nhất đó còn thể hiện cùng một vụ án giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tính công sức rất khác nhau, có khi tính công sức trả thù lao bằng một suất thừa kế, nhưng có trường hợp trả thù lao bằng ½ giá trị di sản thừa kế. Song có vụ không trả thù lao cho người quản lý di sản, hoặc trả rất ít so với tổng giá trị di sản.
Mặt khác vì dùng từ tính công sức, nên có Tòa án coi việc trả thù lao cho việc duy trì di sản với việc thanh toán phần sửa chữa, xây dựng, trồng thêm cây trong vườn… đều nhập làm một, chứ không tách bạch rõ ràng. Dưới đây là một số dạng tính công sức trong các vụ án thừa kế đã được xét xử trong thời gian qua:
1. Có sự nhập nhằng, không tách bạch rõ ràng giữa tính công sức đóng góp vào khối di sản, với việc tính công duy trì, bảo quản di sản
Ví dụ: Vụ Trần Điệp Chiến - Trần Quang Mỹ.
Nội dung: Vợ chồng cụ Trần Phúc Anh và cụ Trần Thị Hợi sinh được hai người con là bà Trần Thị Nghiêm và Trần Quang Mỹ. Năm 1945 bố mẹ ông Chiến chết nên cụ Anh (là bác ruột ông Chiến) đón ông Chiến về nuôi. Ông Chiến ở với vợ chồng cụ Anh đến năm 1947 đi làm con nuôi người khác. Năm 1949 lại về ở với cụ Anh đến năm 1957 thì đi học trường trung cấp kỹ thuật. Năm 1960 đi công tác thoát ly, sau đó lấy vợ ở riêng. Năm 1980 cụ Anh chết, năm 1997 cụ Hợi chết, hai cụ không để lại di chúc. Di sản các cụ để lại có một thổ cư trên có nhà lá hai gian, ông Mỹ đã bán đầu năm 1998 được 250.000.000 đồng. Ông Mỹ trích cho bà Nghiêm 15.000.000 đồng và ông Chiến 5.000.000 đồng. Do không nhất trí với cách giải quyết của ông Mỹ nên ông Chiến khởi kiện yêu cầu được hưởng di sản của vợ chồng cụ Anh vì ông là con nuôi. Phía ông Mỹ, bà Nghiêm cho rằng ông Chiến chỉ là em con ông chú nên không được hưởng thừa kế.
Tại bản án sơ thẩm số 44 ngày 16/10/1998 Tòa án nhân dân huyện Đại Từ quyết định: Buộc ông Mỹ thanh toán cho ông Chiến số tiền 50.000.000 đồng tiền thanh toán di sản thừa kế của cụ Trần Thị Hợi. Giao cho ông Mỹ quản lý số tiền còn lại (gồm kỷ phần thừa kế của ông Mỹ, của bà Nghiêm và công sức duy trì tài sản). Ngày 20/10/1998 ông Mỹ có đơn kháng cáo.
Tại bản án phúc thẩm số 132 ngày 19/11/1998 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định:
Buộc ông Mỹ thanh toán cho ông Chiến tiền công sức đóng góp, xây dựng, duy trì, bảo quản di sản là 20.000.000 đồng. Ông Mỹ đã thanh toán cho ông Chiến 5.000.000 đồng. Nay phải thanh toán tiếp 15.000.000 đồng. Giao cho ông Mỹ quản lý số tiền còn lại 230.000.000 đồng trong đó có phần thừa kế của ông Mỹ, bà Nghiêm và tiền công duy trì, bảo quản di sản thừa kế.
Tại Quyết định số 199 ngày 20/12/1999 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên.
Chúng tôi thấy: Tòa án phúc thẩm xác định ông Chiến không phải là con nuôi của cụ Phúc Anh và cụ Hợi là có căn cứ. Riêng về công sức của ông Chiến trong thời gian ở nhà cụ Phúc Anh và cụ Hợi thấy rằng: ông Chiến đến ở với hai cụ năm 1945 khi đó mới 5 tuổi, sau hai năm đi làm con nuôi người khác đến năm 1949 mới quay lại. Thời gian ở với cụ Anh và cụ Hợi, ông Chiến vừa đi học vừa phụ giúp hai cụ làm việc vặt trong nhà. Đến năm 1954 gia đình cụ Phúc Anh có chuyển nhà lùi phía sau. Theo bà Nghiêm, lúc chuyển nhà có nhiều người tham gia trong đó có ông Chiến. Việc san đất nền nhà làm trong một ngày và diện tích san được không đáng kể. Còn ông Chiến cho rằng việc san đất làm trong hai tháng, diện tích san được khoảng 2/3 so với diện tích đất cũ.
Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh rõ diện tích đất do cụ Phúc Anh và cụ Hợi mua là bao nhiêu? Đến năm 1954 diện tích san thêm được bao nhiêu? Do đó, chưa có cơ sở xác định công sức đóng góp của ông Chiến. Mặt khác, ông Chiến đã đi thoát ly khỏi gia đình cụ Phúc Anh, cụ Hợi từ năm 1960. Toàn bộ tài sản do cụ Phúc Anh, cụ Hợi, ông Mỹ sử dụng đến khi bán. Như vậy, ông Chiến không có công duy trì, bảo quản tài sản của các cụ. Nhưng Tòa án cấp phúc thẩm khẳng định ông Chiến có công sức đóng góp và duy trì, bảo quản tài sản (di sản) đáng kể để buộc ông Mỹ thanh toán 20.000.000 đồng cho ông Chiến là chưa có căn cứ vững chắc.
Lẽ ra trong trường hợp này Tòa án chỉ xác định ông Chiến có công sức đóng góp và khối di sản với tư cách là đồng sở hữu hay không? Nếu có thì thanh toán tương ứng công sức đóng góp, chứ không thể thanh toán công duy trì, bảo quản di sản. Bởi lẽ lúc đó hai cụ còn sống, đang tự quản lý tài sản của mình. Việc thanh toán công duy trì, bảo quản di sản chỉ đưa ra sau khi người để lại di sản đã chết.
2. Thanh toán công duy trì, bảo quản di sản khi người để lại di sản hãy còn sống là không đúng
Vụ Nguyễn Thị Yên – Vũ Thị An.
Nội dung: Cụ Trần Văn Thạch có 3 vợ, vợ thứ nhất là cụ Nguyễn Thị Thơm (đã chết, không có con chung). Vợ thứ hai là cụ Hoàng Thị An (chết năm 1951) có 1 con chung là bà Nguyễn Thị Yên. Vợ thứ ba là cụ Vũ Thị An có một con chung là bà Nguyễn Thị Hòa. Năm 1968 cụ Thạch và cụ Vũ Thị An được chính quyền địa phương cấp 132 m2 đất tọa lạc tại 110 Lê Đồng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ. Sau khi được cấp đất hai cụ cất căn nhà 3 gian lợp lá để ở. Năm1992 cụ Thạch chết không để lại di chúc, nhà đất trên do cụ Vũ Thị An và bà Hòa quản lý sử dụng. Nay bà Yên khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ Thạch. Về phía cụ An và bà Hòa nhất trí chia di sản của cụ Thạch thành 3 phần và xin hưởng bằng hiện vật tương ứng với kỷ phần được chia.
Tại bản án sơ thẩm số 5 ngày 20/5/1997 Tòa án nhân dân thị xã Phú Thọ quyết định:
- Giao cho bà Hòa sở hữu ½ căn nhà tre lợp lá diện tích sử dụng 81,1m2 và ½ mảnh đất diện tích 61,5m2 . Tổng trị giá nhà đất là 13.015.000 đồng (phía Đông giáp đường nhựa, phía Tây giáp nhà ông Chương, phía Nam giáp nhà đất cụ An, phía Bắc giáp nhà ông Thịnh). Nhưng chị Hòa phải thanh toán cho cụ An tiền mai táng, cải táng cụ Thạch 3.000.000 đồng và phần tài sản thừa kế được chia là 3.338.000 đồng, thanh toán cho bà Yên phần tài sản thừa kế được chia là 3.338.000 đồng.
Ngày 28/5/1997 bà Hòa kháng cáo không đồng ý mua diện tích đất của bà Yên được chia.
Tại bản án phúc thẩm số 56 ngày 18/8/1997 Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên quyết định: Sửa bản án sơ thẩm.
- Xác nhận di sản của cụ Thạch là ½ ngôi nhà tre trị giá 100.000 đồng và 61,2m2 đất trị giá 12.950.000 đồng.
- Trích phần di sản của cụ Thạch để thanh toán cho các chi phí hợp lý sau:
+ Khoản chi phí mai táng và cải táng cho cụ Thạch là 3.000.000 đồng.
+ Phần công chăm nom cụ Thạch khi ốm là 3.000.000 đồng.
+ Thanh toán công duy trì, bảo quản di sản cho cụ An là 2.000.000 đồng.
+ Thanh toán công chăm lo nuôi dưỡng và bảo quản di sản cho bà Hòa là 2.015.000
đồng.
- Xác nhận di sản còn lại là 3.000.000 đồng chia cho các thừa kế gồm bà Yên, bà Hòa và
cụ An mỗi người được hưởng 1.000.000 đồng
- Giao toàn bộ nhà đất cho cụ An, cụ An có nghĩa vụ thanh toán cho bà Yên, bà Hòa mỗi người 1.000.000 đồng.
Sau khi xét xử phúc thẩm bà Yên có đơn khiếu nại cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm trích chi phí mai táng, công chăm sóc và bảo quản di sản là không đúng.
Chúng tôi cho rằng: Tòa án cấp phúc thẩm xác định đúng đắn phần di sản và hàng thừa kế của cụ Thạch. Riêng phần trích công sức chăm sóc và bảo quản di sản cho cụ Vũ Thị An và bà Hòa là chưa hợp lý. Bởi lẽ, theo lời khai của cụ An thì từ khi cụ Thạch ốm cho đến khi chết khoảng 6 tháng. Khi cụ Thạch chết, các con không có trách nhiệm, chi phí chủ yếu do tôi (An) và anh em chồng lo. Lẽ ra phải trừ vào di sản của cụ Thạch nhưng tôi không yêu cầu về chi phí đó (BL số 12, 18). Tại lời khai của bà Hòa cũng thừa nhận: Bố tôi chết năm 1992 tại nhà của bố tôi lúc còn sống. Trước khi chết bố tôi không ốm nặng, chết là do tuổi cao, sức yếu (BL số 11). Mặt khác phần tài sản (nhà, đất) của cụ Thạch và cụ An từ năm 1992 đến nay không có gì thay đổi. Nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng cụ An và bà Hòa có công lao đáng kể trong việc bảo quản, giữ gìn khối tài sản từ năm 1968 đến nay, đồng thời trích khoản chi phí mai táng, cải táng cụ Thạch và công chăm lo nuôi dưỡng cụ Thạch trong thời gian ốm đau, công duy trì bảo quản di sản cho cụ Vũ Thị An 8.000.000 đồng, trích cho bà Hòa 2.015.000 đồng là không có căn cứ.
Rõ ràng năm 1968 cụ Thạch vẫn còn sống cùng cụ An quản lý tài sản. Đến năm 1992 cụ Thạch mới chết, nên việc lấy năm 1968 là mốc để trích cho cụ An và bà Hòa công sức bảo quản, giữ gìn khối tài sản là không hợp lý.
3. Thay đổi mức đền bù công sức duy trì, bảo quản tài sản không có căn cứ
Vụ Thái Thị Lý, Thái Thị Nét, Thái Gia Tiến – kiện bị đơn Thái Gia Sửu:
Nội dung: Cụ Thái Gia Nhiễu (chết năm 1957) và cụ Nguyễn Thị Doan (chết năm 1973). Hai cụ có 4 con chung là ông Thái Gia Tuấn, ông Thái Gia Sửu (có con là Bình), bà Thái Thị Nét và bà Thái Thị Tý.
Về tài sản cụ Nhiễu, cụ Doan có 3 gian nhà lá lợp lá gồi và tôn, bếp, vườn và ao. Ngày 7-2-1956 cụ Nguyễn Thị Doan được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu 3 thửa vườn trên diện tích 1 sào 11,5 thước đất; trong đó đất thổ cư 4 thước (96m2), vườn 7,5 thước, ao 1 sào, tổng diện tích 636m2. Do nhà trên bị hư hỏng, ngày 7-4-1963 bà Phùng Thị Chung (vợ ông Sửu) đã làm đơn xin phép sửa chữa lại nhà, được Phòng nhà đất khu phố Ba Đình cho phép. Thực tế, gia đình ông Sửu phá nhà cũ, xây dựng nhà mới và có sửa chữa lại bếp. Năm 1973 cụ Doan chết không để lại di chúc.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lần 1 đã thanh toán công sức duy trì bảo quản di sản cho ông Sửu bằng một kỷ phần thừa kế (64.132.200 đồng), các đương sự không khiếu nại và bản án giám đốc thẩm không hủy để xét xử lại vấn đề này, nhưng bản án phúc thẩm số 12 ngày 18-1-1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giảm tiền công sức duy trì, bảo quản di sản của ông Sửu xuống còn 10.000.000 đồng là không đúng và vi phạm cả tố tụng.
Vụ Phạm Thúy Hằng tranh chấp thừa kế với bị đơn Đỗ Thị Thảo
Cụ Huệ (chết năm 1951) và vợ là Lê Tín (chết năm 1978); hai cụ có 4 con chung và có nhà đất (định giá năm 1992 là 360.075.000 đồng).
Bản án sơ thẩm lần thứ nhất đã trích công sức cho bà Xuân, ông Bé 1/2 di sản.
Bản án sơ thẩm lần thứ hai trích công sức và giá trị cây cối, hoa màu cho bà Xuân, ông Bé hơn 1/3 di sản.
4. Không trả công duy trì, bảo quản di sản dù có trường hợp người đó quản lý, sử dụng di sản tới 40 năm
Vụ Lê Văn Bôi – Đinh Duy Bê – Nguyễn Xuân Quân kiện Lê Văn Dương:
Nội dung: Cụ Lê Văn Chắt và Huỳnh Thị Lụt là cha mẹ chồng, ông bà nội, ông bà ngoại của chúng tôi.
Sinh thời ông Chắt, bà Lụt tạo lập được 1 lô đất vườn, diện tích 1240m2 tại khóm 1, thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh. Trên diện tích đất vườn còn có 9 cây dừa, 2 cây vú sữa, 1 cây khế, 1 cây thị, 1 giếng nước là tài sản các cụ để lại và một số cây khác do ông Dương trồng. Toàn bộ diện tích đất vườn do ông Dương quản lý.
Bị đơn ông Dương trình bày: Không đồng ý chia di sản thừa kế vì nguyên đơn không trông coi, bảo quản, đóng thuế hàng năm. Tôi đã trồng nhiều cây ăn trái trên đất này. Nếu phải chia di sản thừa kế thì thanh toán tiền công bảo quản cho tôi 40 năm qua, cứ mỗi ngày 10.000 đồng và bồi thường giá trị số cây ăn quả tôi đã trồng.
Tại bản án phúc thẩm số 29 ngày 16-7-1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định:
Căn cứ Điều 677, 678, 680 Bộ luật Dân sự tuyên xử:
…
- Bác yêu cầu của ông Lê Văn Dương đòi các đồng thừa kế phải thanh toán tiền công bảo quản di sản của cụ Chắt, cụ Lụt. Buộc ông Lê Văn Dương phải tháo dỡ nhà tạm làm quán cắt tóc để trả mặt bằng lại cho ông Bê trên diện tích ông Bê được chia.
Vụ Trần Thanh Nghị và bị đơn Trần Thanh Độ:
Nội dung: Cụ Trần Thanh Ba có hai vợ, vợ cả là cụ Lũ có 2 con chung là ông Danh và ông Phương; vợ hai là cụ Nguyễn Thị Xuân có hai con chung là ông Độ và bà Nghị. Cụ Ba và cụ Lũ có tài sản chung là căn nhà trên 1166m2 đất tại thôn Long Hải. Giữa cụ Ba và cụ Xuân không có tài sản chung. Do có mâu thuẫn với cụ Ba nên năm 1954 cụ Xuân đưa bà Nghị, ông Độ đi làm ăn ở Buôn Mê Thuột, còn cụ Ba và ông Phương với ông Danh vẫn ở nhà đất trên. Năm 1961 cụ Xuân lấy chồng khác ở Sông Bé, bà Nghị lấy chồng ở Bình Định, còn ông Độ về sống cùng cụ Ba. Ngày 28-3-1988 cụ Ba đã lập di chúc phân chia đất cho 2 dòng con: Ông Danh, ông Phương được chia 648m2 đất, trên có hai căn nhà, 15 cây dừa và một số cây trái khác; ông Độ và bà Nghị được chia chung 518m2 đất, trên có căn nhà, 19 cây dừa và cây ăn trái khác. Phần nhà đất của ông Phương, ông Danh hai ông đã nhận và tự phân chia.
Phần nhà đất của ông Độ và bà Nghị do ông Độ quản lý, sử dụng cho đến nay. Qua quá trình quản lý, ông Độ đã sửa nhà, xây một số công trình phụ.
Năm 1994 bà Nghị kiện chia thừa kế phần đất nhà theo di chúc của cụ Ba chia cho bà và ông Độ.
Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không trích công sức cho ông Độ.
Tại quyết định số 526 ngày 28-10-1996, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm với nhận định: “… tuy nhiên, kể từ năm 1961 ông Độ là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất, ông đã có công duy trì, tu bổ tài sản… lẽ ra khi chia thừa kế phải trích cho ông Độ một phần từ giá trị khối di sản phù hợp với công sức của ông Độ…”.
Nguyên nhân của việc xét xử khác nhau một phần do pháp luật quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, mặt khác các thẩm phán cũng chưa nghiên cứu sâu để hiểu đúng các quy định của Luật; cơ quan chức năng chưa kịp thời có những hướng dẫn, giải thích. Trong bài này, chúng tôi xin đề xuất một vài điểm cần bổ sung, sửa đổi.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 642, 643 BLDS:
Thực tiễn xét xử cho thấy chỉ có một số ít vụ do người “thừa tự” hay cháu, chắt của người chết, người ở nhờ, ở thuê… là người quản lý, sử dụng di sản, còn hầu hết các vụ án thừa kế khác, người quản lý di sản là những người trong diện thừa kế. Thông thường họ cùng chung sống hoặc có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản thừa kế trước khi chết, nên sau khi người để lại di sản thừa kế chết họ tiếp tục sử dụng và quản lý di sản, chứ không có ai cử họ như quy định ở khoản 1 Điều 641 Bộ luật Dân sự. Chính vì vậy cũng không có sự thỏa thuận trước về việc trả thù lao giữa người quản lý di sản và những người thừa kế khi bắt đầu diễn ra việc quản lý di sản.
Di sản có nhiều loại, có thể là tư liệu sản xuất (xe tải, xe khách, cơ sở sản xuất, có thể là đất đai, vườn cây ăn quả, v.v…), có thể là tư liệu tiêu dùng. Nếu người quản lý di sản vừa là người sử dụng khai thác lợi ích của di sản, hoặc trong quá trình sử dụng (ví dụ nhà) họ đã phá nhà cũ làm lại nhà mới, cải tạo vườn cây, trồng thêm cây mới, v.v… thì có thanh toán công duy trì bảo quản di sản không? Nếu thanh toán thì thanh toán như thế nào? Hiện nay những người nghiên cứu lý luận, cũng như người làm thực tiễn đều có những quan điểm trái ngược nhau? Điều đó phản ánh trong một số vụ án đã nêu trên.
Nghiên cứu các Điều 641, 642, 643 Bộ luật Dân sự quy định về vấn đề này, chúng tôi thấy luật quy định cũng chưa thật chuẩn xác, cần có sự xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Điều 141 Bộ luật Dân sự quy định 4 loại “người” quản lý di sản, đó là:
- Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc (khoản 1 Điều 641). Thực tế thường gặp là người được giao quản lý di sản để thờ cúng hoặc giao quản lý phần di sản của thừa kế khác khi người này không có mặt ở đó.
- Người quản lý di sản là do những người thừa kế thỏa thuận cử ra (khoản 1 Điều 641). Rất hiếm gặp trong thực tế.
- Người quản lý di sản là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản thì tiếp tục quản lý di sản đó (khoản 2 Điều 641). Phần lớn những người này là người trong diện thừa kế, song cũng có những người là người ở nhờ, ở thuê, mượn tài sản, v.v…
- Người quản lý di sản là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (khoản 3 Điều 641).
Điều 642 Bộ luật Dân sự đã quy định 5 nghĩa vụ cho những người quản lý di sản được quy định ở khoản 1 và khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự. Những người quản lý di sản được quy định ở khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự chỉ có 4 nghĩa vụ. Như vậy người quản lý di sản đồng thời là người sử dụng di sản được quy định ở khoản 2 Điều 641 không có nghĩa vụ “lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Tại sao người quản lý di sản đồng thời là người sử dụng di sản lại không có nghĩa vụ lập danh mục di sản, ít nhất là số di sản họ đang quản lý, sử dụng thì họ phải có nghĩa vụ kê khai, lập danh mục. Còn nếu người quản lý và sử dụng di sản đồng thời là người thừa kế tại sao không có nghĩa vụ lập danh mục số di sản họ đang quản lý, sử dụng và cả danh mục di sản đang do người khác quản lý? Tại sao lại không có nghĩa vụ phải thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác (không phải người trong diện được hưởng tài sản thừa kế) đang chiếm hữu. Nếu luật giao nghĩa vụ này cho họ và họ thực hiện đúng thì khi tranh chấp xảy ra giải quyết sẽ thuận lợi hơn. Do đó, theo chúng tôi khoản 2 Điều 642 cần bổ sung thêm nghĩa vụ: “lập danh mục di sản” cho người quản lý di sản được quy định ở khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự.
Nghĩa vụ thứ 5 (điểm đ) khoản 1 Điều 642 chỉ quy định: “giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế”, nhưng nghĩa vụ thứ 4 (điểm d) khoản 2 Điều 642 lại quy định “giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế”.
Thực ra chỉ có người quản lý di sản được quy định ở khoản 3 Điều 641 là đúng với nghĩa vụ thứ 5 (điểm đ) khoản 1 Điều 642, còn người quản lý di sản được quy định ở khoản 1 Điều 641, đặc biệt người quản lý di sản là do “những người thừa kế thỏa thuận cử ra” mới có nhiều khả năng có thỏa thuận theo hợp đồng với các thừa kế. Nhưng điểm đ khoản 1 Điều 642 lại không quy định việc: “giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa người quản lý di sản với các người thừa kế”. Thiết nghĩ đó là một thiếu sót, cần phải được bổ sung.
Như vậy, Điều 642 Bộ luật Dân sự cần bổ sung thêm như sau:
1. Người quản lý di sản được quy định ở khoản 1 Điều 641 có 5 nghĩa vụ như quy định tại khoản 1 Điều 641, nhưng riêng nghĩa vụ thứ 5 được quy định ở điểm đ: “giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế” thì sẽ bổ sung thêm và viết lại như sau: “giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế”.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản thuộc quy định tại khoản 2 Điều 641 Bộ luật Dân sự có 4 nghĩa vụ như quy định ở khoản 2 Điều 642, nhưng riêng nghĩa vụ thứ nhất được quy định ở điểm a khoản 2 Điều 642 được bổ sung thêm và viết lại như sau: “a) Lập danh mục di sản; bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác”; còn các nghĩa vụ được quy định ở điểm b, c, d khoản 2 Điều 642 vẫn được giữ nguyên.
3. Người quản lý di sản được quy định ở khoản 3 Điều 641 có 5 nghĩa vụ như quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 642 Bộ luật Dân sự.
Đối với Điều 643 quy định quyền của người quản lý di sản cũng có những điểm không hợp lý:
Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc (khoản 1 Điều 641), nếu họ được chỉ định quản lý toàn bộ di sản thì họ có quyền đại diện cho người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế; còn nếu họ chỉ được giao quản lý (theo di chúc) một số di sản thì làm sao họ đương nhiên có quyền đại diện cho người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế khác? Rõ ràng nội dung điểm a, khoản 1 Điều 643 là chưa chặt chẽ, cần bổ sung.
Điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 653 đều quy định quyền: “được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế”. Vậy giữa hai bên (người quản lý di sản và những người thừa kế) phải có thỏa thuận khi giao cho quản lý tài sản hay sau khi người quản lý di sản giao trả tài sản cho những người thừa kế, lúc đó mới thỏa thuận việc trả thù lao? Có ý kiến cho rằng việc thỏa thuận trả thù lao phải diễn ra ngay từ đầu, khi những người thừa kế giao cho một ai đó quản lý di sản. Chúng tôi cho rằng ý kiến này là không hợp lý, nên giải thích điểm này theo hướng việc thỏa thuận trả thù lao diễn ra vào thời điểm nào cũng được. Bởi lẽ, nếu không giải thích theo hướng này thì người quản lý là “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” không thể có việc thỏa thuận trả thù lao trước khi quản lý tài sản. Song nếu các bên không có thỏa thuận, hoặc không thỏa thuận được việc trả thù lao thì Tòa án có quyền quyết định việc trả thù lao không? Hiện có ý kiến cho rằng nếu không có thỏa thuận việc trả thù lao thì không buộc các thừa kế phải thanh toán thù lao cho người quản lý di sản. Chúng tôi cho rằng đối với người chỉ quản lý di sản, không sử dụng, khai thác lợi ích di sản thì dù hai bên không thỏa thuận được việc trả thù lao Tòa án vẫn có quyền quyết định mức thù lao tương xứng với công sức họ đã bỏ ra. Vì vậy, điểm b khoản 1 Điều 643 cần có sự sửa đổi, chỉ cần quy định: “được hưởng thù lao” là sẽ bao hàm cả việc có thỏa thuận hoặc chưa có thỏa thuận việc trả thù lao hoặc có thể quy định theo hướng: “Nếu hai bên không có thỏa thuận việc trả thù lao, thì giải quyết theo quy định của pháp luật”; còn nếu có thỏa thuận mà thỏa thuận đó là hợp pháp thì công nhận thỏa thuận đó.
Riêng trường hợp người quản lý di sản đồng thời là người sử dụng, khai thác lợi ích di sản, hưởng hoa lợi từ di sản (khoản 2 Điều 641) nếu giữa người thừa kế và người quản lý di sản không có thỏa thuận về việc trả thù lao, thì Tòa án có buộc các người thừa kế phải trả thù lao không? Thực tế xét xử nhìn chung đi theo hướng dù không có thỏa thuận về việc trả thù lao Tòa án vẫn trích từ khối di sản trả công duy trì, quản lý di sản cho họ trừ trường hợp người quản lý, sử dụng di sản đồng thời là người thuê, người ở nhờ thì Tòa án mới không cho họ hưởng thù lao.
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo chúng tôi người quản lý di sản đồng thời là người sử dụng, khai thác lợi ích, hưởng lợi từ di sản thì chỉ được hưởng thù lao khi có thỏa thuận, còn nếu không có thỏa thuận khi có tranh chấp Tòa án không buộc các thừa kế phải trả thù lao cho họ. Vì vậy điểm b khoản 2 Điều 643 vẫn giữ nguyên như quy định hiện nay, nghĩa là việc trả thù lao chỉ diễn ra khi có thỏa thuận với những người thừa kế.
Vậy khoản 1 Điều 643 viết lại như sau:
“1. Người quản lý di sản được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 641 của Bộ luật này có các quyền sau đây:
a. Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến phần di sản thừa kế đang quản lý hoặc theo chỉ định trong di chúc hay theo thỏa thuận của các thừa kế.
b. Được hưởng thù lao”.
Khoản 2 Điều 643 giữ nguyên như cũ.
Mặt khác khi xét xử cần phải phân biệt khoản trả thù lao do có hành vi “quản lý di sản” với khoản thanh toán công sức tiền của do có đóng góp vào quá trình tạo dựng khối tài sản, hoặc chi phí sửa chữa, xây dựng, trồng mới trong quá trình quản lý di sản, góp phần làm tăng giá trị của di sản phải tiến hành định giá phần sửa chữa, làm mới… để tách ra khỏi khối di sản.
Vì Điều 643 chỉ quy định việc trả thù lao theo thỏa thuận mà không đề cập đến các trường hợp không có thỏa thuận. Trong khi chưa có sự sửa đổi, thiết nghĩ để cho việc xét xử thống nhất, chúng tôi đề nghị cần hướng dẫn: những người quản lý di sản được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 641 dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận đều được hưởng thù lao (trừ trường hợp họ thỏa thuận không hưởng thù lao, từ chối hưởng thù lao). Đối với người quản lý di sản quy định ở khoản 2 Điều 641 chỉ được hưởng thù lao theo thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận việc hưởng thù lao thì không giải quyết cho họ hưởng thù lao. Khi xét xử các Tòa án cần phân biệt khoản trả thù lao do “quản lý di sản” với khoản thanh toán tiền công sức đóng góp vào quá trình tạo dựng khối tài sản, các Tòa án không được đồng nhất hai khoản này là một.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 4/2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét