TS. NGUYỄN LÊ TRUNG – THS. LÊ QUANG MẠNH
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng. Sự phát triển của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cho đến nay, chúng ta đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước cũng đạt được rất nhiều kết quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi loại hình hoạt động, khu vực doanh nghiệp dân doanh không ngừng mở rộng và phát triển vượt bậc, hệ thống hợp tác xã đang dần được củng cố. Tính đến hết năm 2007, cả nước có hơn 300 ngàn doanh nghiệp, bao gồm: 290.000 công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, khoảng 3.000 doanh nghiệp nhà nước, 7.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 16.000ahợp tác xã.
Có được kết quả đó, một nhân tố vô cùng quan trọng là sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc nghiên cứu, ban hành và triển khai hiệu quả vào thực tế cuộc sống những cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển.
Những kết quả tích cực
Kể từ năm 2000 đến nay, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện trên một số mặt cơ bản như sau:
Một là, hệ thống pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp Việt Nam tương đối đầy đủ và tạo lập được khung quản trị doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Từ chỗ chủ yếu chỉ tạo khung khổ cho việc quản lý và vận hành một loại hình doanh nghiệp duy nhất là doanh nghiệp nhà nước, đến nay đã hình thành một hệ thống pháp luật cho hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Khi xây dựng và ban hành, mục tiêu cơ bản của hệ thống pháp luật doanh nghiệp đều hướng tới việc tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong đó mọi loại hình doanh nghiệp đều được bảo đảm quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp và bình đẳng trước pháp luật; huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp.
Pháp luật về doanh nghiệp đã ghi nhận các quyền cơ bản của doanh nghiệp và thiết chế được khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ bản của kinh tế thị trường. Đó là: quyền tự do kinh doanh; quyền được tự chủ, tự quyết định các công việc của mình; quyền được bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, bước đầu tạo lập được khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ bản của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tạo động lực và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật.
Các văn bản pháp luật doanh nghiệp có sự bổ sung cho nhau nhằm điều chỉnh toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các chủ sở hữu khác nhau được tổ chức dưới các hình thức tổ chức doanh nghiệp khác nhau. Việc thông qua và ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 là bước triển khai quan trọng nhằm cụ thể hoá mục tiêu hình thành môi trường pháp luật thống nhất, bình đẳng và thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh và hội nhập theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Hai là, nội dung quản lý nhà nước đã tập trung vào việc ban hành, tổ chức thực hiện và giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về doanh nghiệp. Quản lý về ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đã minh bạch và rõ ràng hơn. Quy định về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức quản lý hoạt động cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… đã được đổi mới. Nguyên tắc của quản lý nhà nước từ chỗ “doanh nghiệp được làm những gì cơ quan nhà nước cho phép” thành “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”.
Ba là, quản lý nhà nước về tài chính, thương mại, đầu tư, lao động ngày càng hoàn thiện, trong đó, pháp luật được sử dụng như là công cụ quản lý chủ yếu, chính sách điều tiết chỉ thực hiện trong khung khổ vĩ mô và một số lĩnh vực đặc thù. Sau một thời gian dài vận hành với cơ chế quản lý tài chính riêng biệt theo thành phần kinh tế, đến nay nội dung quản lý nhà nước về tài chính (thuế, phí, lệ phí; tài chính doanh nghiệp; kế toán, kiểm toán; giá) đã áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu.
Quản lý nhà nước về thương mại và đầu tư dần tuân thủ nguyên tắc tự do kinh doanh, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; chủ yếu tập trung vào chức năng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông thị trường và hướng tới hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế. Doanh nghiệp có toàn quyền thực hiện đầu tư phát triển, kể cả đầu tư khai thác và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở các quy hoạch vùng, ngành và lãnh thổ. Trên cơ sở chính sách hỗ trợ đầu tư (bao gồm chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, nghiên cứu khoa học, đào tạo, xúc tiến thương mại, ưu đãi thuế…), các doanh nghiệp tự quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng vốn, tài sản để đầu tư liên doanh, góp vốn vào doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp trong nước tự chủ tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các dự án với các nhà đầu tư nước ngoài, được khuyến khích tiến hành đầu tư ra nước ngoài.
Quản lý nhà nước về lao động của khu vực doanh nghiệp đã được đổi mới căn bản, hình thành các quy định pháp lý mang tính thị trường tương đối đầy đủ, toàn diện đối với mọi loại hình doanh nghiệp; giảm mạnh sự can thiệp hành chính; hình thành các chỉ tiêu định hướng và theo dõi giám sát; kế hoạch chỉ có tính chất định hướng và theo tín hiệu của thị trường. Sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ lao động trong doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc ban hành và giám sát thực hiện quy định pháp luật chung về tuyển dụng lao động, tiền lương tối thiểu, giờ làm việc, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, vệ sinh lao động, giải quyết các tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật… Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nguyên tắc tự do quan hệ hợp đồng và tự do thoả thuận hợp đồng lao động.
Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp đã đổi mới trên cơ sở đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của đa số doanh nghiệp; giảm tình trạng nhũng nhiễu, can thiệp hay hình sự hoá quan hệ kinh tế. Về cơ bản, doanh nghiệp chỉ còn thuộc đối tượng của thanh tra chuyên ngành trong việc chấp hành pháp luật, những quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý của ngành, lĩnh vực.
Năm là, chức năng quản lý nhà nước đối với quá trình tổ chức lại, chuyển đổi, giải thể, phá sản doanh nghiệp là một trong những nội dung tiếp cận gần nhất với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Trong khuôn khổ quy định pháp luật của Nhà nước, doanh nghiệp và các chủ sở hữu tự quyết định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể và các thủ tục phá sản. Sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước chỉ dừng lại ở việc công nhận và giám sát doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản theo pháp luật; công nhận tính hợp pháp của tổ chức lại và chuyển đổi doanh nghiệp.
Giải pháp
Để tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và phát triển, yêu cầu lớn nhất hiện nay là phải xác định đúng những vấn đề cấp thiết đặt ra trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách và đưa ra các giải pháp mang tính đột phá. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59/2007/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 22/2007/CT-TTg trong đó đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể cần triển khai ngay từ đầu năm 2008 để tiếp tục khuyến khích phát triển, đổi mới doanh nghiệp dân doanh nói riêng và hệ thống doanh nghiệp nói chung. Trong đó, nhấn mạnh tới các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là những giải pháp cụ thể đối với việc triển khai cơ chế “một cửa liên thông” trong thủ tục đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký thuế của doanh nghiệp. Có thể nói, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề. Để sớm hoàn thiện cơ chế “một cửa liên thông” theo tinh thần Nghị quyết 59/2007/NQ-CP và Chỉ thị 22/2007/CT-TTg, chúng ta cần triển khai một loạt các giải pháp trước hết là những giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, việc triển khai cơ chế “một cửa liên thông” cần được hỗ trợ bởi việc khẩn trương ban hành, sửa đổi các văn bản pháp lý để thiết lập một khung pháp lý mới phù hợp với các quy tắc hoạt động của hệ thống đăng ký doanh nghiệp mới. Cụ thể:
- Về hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh: Khung pháp lý mới cần tiếp tục duy trì mô hình các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (các Phòng đăng ký kinh doanh). Hoạt động thường ngày của các Phòng đăng ký kinh doanh này sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ quá trình đăng ký được tin học hoá và một cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu cần hướng tới là cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về doanh nghiệp. Kinh phí thu được từ việc cấp đăng ký kinh doanh và dịch vụ cung cấp thông tin về doanh nghiệp phải đủ bù đắp chi phí vận hành của hệ thống và đảm bảo cho việc đầu tư liên tục cho hệ thống kỹ thuật, cơ sở làm việc.
- Về hồ sơ đăng ký kinh doanh: Khung pháp lý mới cần quy định áp dụng một bộ hồ sơ chung cho các thủ tục hành chính. Trong đó, việc ban hành Mẫu đơn đăng ký kinh doanh hợp nhất là một yếu tố quan trọng. Mẫu đơn đăng ký này sẽ được sử dụng cho đăng ký kinh doanh lần đầu, sửa đổi và đình chỉ hoạt động tất cả các loại hình doanh nghiệp, đăng ký mã số thuế và con dấu của doanh nghiệp, cũng như khai báo các dữ liệu cơ bản của doanh nghiệp với cơ quan thống kê. Các thông tin đã đăng ký sẽ không phải điền lại. Số mẫu đơn đăng ký giảm xuống chỉ còn một (hiện nay, có tới hàng chục mẫu đơn đăng ký khác nhau trong thủ tục đăng ký kinh doanh). Kinh nghiệm quốc tế minh chứng mạnh mẽ rằng, việc cải cách theo hướng này sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong việc điền mẫu đăng ký và trong việc giải quyết đơn của cơ quan quản lý.
- Về vấn đề tên doanh nghiệp: Trong khung pháp lý mới, tên và quyền đặt tên cần phải được kiểm soát và bảo vệ thông qua việc thực thi một cách có hiệu quả các quy định có liên quan trong Luật Doanh nghiệp. ở đây, cần phải hiểu “quyền” đặt tên khác với sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với trường hợp tên được dùng là thương hiệu, vì trường hợp này liên quan tới một cơ chế pháp luật hoàn toàn khác.
- Về mã số nhận dạng doanh nghiệp: Theo Nghị quyết 59/2007/NQ-CP của Chính phủ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ sử dụng mã số thuế làm mã số để ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để thực hiện được giải pháp này, cần xây dựng một khung pháp lý tầm Thông tư liên tịch về quy chế tạo mã, chuyển giao mã số giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh theo cả 2 hướng: hướng tạm thời áp dụng những biện pháp mang tính thủ công đối với những địa phương chưa có đủ điều kiện áp dụng công nghệ thông tin (thường là những địa phương có dưới 30 hồ sơ doanh nghiệp thành lập mới hàng tháng) và hướng áp dụng ngay việc trao đổi, chuyển giao mã số dựa trên kết nối mạng thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh (như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội).
Thứ hai, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý để hợp nhất hoá quy trình, nghiệp vụ, cần phải chú trọng và sớm triển khai thiết kế, xây dựng hệ thống kỹ thuật đáp ứng một số yêu cầu như sau:
- Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh. Tất cả các Phòng đăng ký kinh doanh địa phương đều giải quyết nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thông qua Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia và các phần mềm hỗ trợ theo một chuẩn duy nhất. Việc kiểm tra tên doanh nghiệp, tạo mã doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh cũng phải được thực hiện thông qua hình thức truy cập và xử lý tại hệ cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Thông tin về đăng ký kinh doanh phải được cập nhật liên tục và có khả năng chia sẻ giữa các cơ quan bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê, Bộ Công an và một số cơ quan khác.
- Tất cả các thông tin về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được lưu trữ đầy đủ và cập nhật tại Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia. Giá trị của thông tin được tải qua internet từ Hệ cơ sở dữ liệu này có giá trị pháp lý tương đương với giá trị thông tin gốc do doanh nghiệp đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh qua mạng./.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 1 (417) THÁNG 1 NĂM 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét