Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

BÀN LUẬN VỀ NỀN KINH TẾ GIA GIA CÔNG Ở VIỆT NAM

1. GÁNH NẶNG CỦA NỀN KINH TẾ GIA CÔNG

Ts. Vũ Quang Việt

Cần nhìn nhận lại thực chất của nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của ta. Cái đạt được hiện nay có thể gọi là một nền kinh tế gia công, khác hẳn nền kinh tế công xưởng của Trung Quốc. Và cần phải thoát khỏi nó.

    Tăng trưởng tùy thuộc xuất khẩu

    Trong một bài viết ngày 8/2/2009, tôi cho rằng GDP Việt Nam năm 2009 chắc chỉ tăng 3-4%. Đấy là dựa trên dự đoán về xuất khẩu giảm 15%, sau khi theo dõi tỷ suất xuất khẩu giảm mạnh khoảng 25% cho toàn khu vực châu Á. Sau đó đầu tháng tư Tổng cục Thống kê công bố GDP quí I chỉ tăng 3,1%. Điều này phù hợp với cái nhìn của tôi.

    Thống kê xuất khẩu quí I, sau khi loại giá trị xuất khẩu vàng, cũng cho thấy xuất khẩu Việt Nam giảm 15%. Khi tính lại tương đối cẩn thận hơn trong bài viết mới đăng trên Kinh tế Sài Gòn, nếu xuất khẩu giảm 15% (tính theo giá cố định) cả năm, thì GDP Việt Nam khó tăng hơn 3-4%.

    Nhóm kinh tế gia của Thời báo Economist cho rằng GDP không tăng năm 2009 vì họ dự đoán xuất khẩu giảm 30%. IMF dự báo GDP Việt Nam tăng 4,8% vì cho rằng xuất khẩu giảm 15% (tính theo giá hiện tại), tức là giảm ít hơn 15% tính theo giá cố định. Điều này nói lên rằng dự báo tăng trưởng tùy thuộc rất nhiều vào dự báo xuất khẩu.

    Do nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu, (xuất khẩu bằng 70% GDP), tệ hơn nó còn phụ thuộc vào nhập khẩu ở mức độ cao hơn, lên tới hơn 90% GDP, nên khả năng tăng xuất khẩu là yếu tố quyết định tốc độ tăng GDP.

    Điều đáng quan tâm không chỉ là tỷ lệ tăng GDP, thậm chí nó chưa phải là điều đáng lo bằng tỷ lệ nhập siêu ngày càng tăng “chóng mặt”. Đây chính là một trong những chỉ số nói lên rằng nền kinh tế ta hoàn toàn không bền vững. Tỷ lệ nhập siêu ở mức trên 5% đã là tỷ lệ báo động. Nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này đã ở mức 25%.

Tỷ lệ nhập siêu so với GDP

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
-2% -2% -5% -8% -8% -5% -5% -13% -25%

    Chạy theo tăng trưởng

    Cái may là cuộc khủng hoảng năm 2008 do chính sách chạy theo chỉ số tăng GDP tạo ra và bây giờ là khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến chính phủ phải tạm đình lại chính sách chạy theo chỉ tiêu này.

    Đình lại để đánh giá một cách rốt ráo về chính sách trong quá khứ, để xem xét thấu đáo về chính sách cho tương lai có phải là điều đang được thực hiện không thì tôi không thể biết. Rõ ràng, ít nhất từ năm 2002 ta sống khá vì dòng vốn nước ngoài đổ vào. Càng quyết chạy theo chỉ tiêu tăng GDP cao càng đẩy nền kinh tế lún vào nhập siêu.

    May mắn là dòng vốn mới chỉ đổ vào Việt Nam có mức độ. Nếu đổ vào nhiều và kéo dài thì vừa qua khó tránh được cuộc khủng hoảng lớn và sâu rộng hơn nhiều.

    Nếu các nhà làm chính sách chỉ thấy màu hồng của dòng vốn nước ngoài và không thấy nguy cơ vừa nói này thì đó là điều đáng trách. 

    Làm sao thoát khỏi tình trạng các con số nhập siêu ngày càng tăng lên như trên là điều mà các nhà chính sách cần tự hỏi?

    Thoát khỏi kinh tế gia công

    Chúng ta cần nhìn nhận lại thực chất của nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của ta. Lúc đầu vì quá lạc hậu và ở mức thiếu đói nên mở ra được là tốt. Nhưng tính từ ngày Đổi mới thực sự từ năm 1989, chính sách kiểu này đã kéo dài 20 năm rồi.

    Cái đạt được hiện nay có thể gọi là một nền kinh tế gia công, khác hẳn nền kinh tế công xưởng của Trung Quốc. Và cần phải thoát khỏi nó.

    Nền kinh tế công xưởng là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, nhưng là điểm tựa để phát triển là cái mà ta gọi là công nghệ phụ trợ. Từ nhu cầu của nước ngoài, nông nghiệp và công nghiệp nội địa phát triển nhằm sản xuất ra vật tư, kể cả máy móc để phục vụ công xưởng xuất khẩu. Nó là đầu tàu tạo phát triển công nghiệp và công nghệ nội địa, và tạo công ăn việc làm. Nền kinh tế đó có xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, do đó tạo thêm vốn và dự trữ ngoại tệ lớn. Dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế công xưởng Trung Quốc hiện nay lên tới khoảng 2000 ngàn tỷ USD.

    Nền kinh tế gia công như của ta hiện nay thì khác hẳn. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của nước ngoài. Nó không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải mượn tiền để xây dựng nhà máy, bằng cách bán khoáng sản và vay mượn để có ngoại tệ.

    Do dựa vào dòng vốn nước ngoài, lại cố chạy theo tốc độ, nó dễ trở thành bãi rác công nghiệp, nhập công nghệ lạc hậu ô nhiễm môi trường mà nước khác thải ra. Nhưng vì phải phục vụ dòng vốn đó, ta phải xây hạ tầng cơ sở: giao thông vận tải, điện nước, vì thế, suất đầu tư cho một đơn vị sản phẩm rất cao.

    Hệ quả của nền kinh tế gia công

    Xin nói rõ thêm:

Thứ nhất, nền kinh tế gia công dễ trở thành bãi rác cho công nghệ lạc hậu. Nó nhập khẩu máy móc lạc hậu nước khác thải ra, và tự trả giá cho ô nhiễm và phá hoại môi trường mà những công nghiệp lạc hậu này gây ra.

    Tình hình này đã đến mức báo động ở Việt Nam. Cho đến nay có nhiều người đặt vấn đề phải tính để trừ đi khỏi GDP chi phí bỏ ra để xử lý những tiêu cực này. Nhưng thật ra, hầu hết các nước kể cả các nước giàu chỉ nói về GDP xanh cho vui là chính, vì đo đạc chúng không đơn giản chút nào.

    Có lần Hàn Quốc muốn cộng tác với văn phòng Liên Hợp Quốc dựa vào mô hình tôi phát triển để tính ảnh hưởng môi trường, nhưng rồi bỏ cuộc vì không có đủ số liệu và quá tốn kém cho một cục Thống kê bỏ tiền thu thập số liệu cần thiết.

    Vấn đề chỉ có thể giải quyết khi chính quyền có ý thức cao về ô nhiễm, về tàn phá môi trường, và sẵn sàng áp dụng luật xử lý những người vi phạm. 

    Đòi hỏi chính quyền có ý thức cao cũng chẳng khác gì nằm chờ sung rụng vào miệng. Nếu vẫn để các nhóm lợp ích gây áp lực, mua chuộc chính quyền hoặc vẫn vin cớ tránh tăng giá thành, giảm lợi nhuận do đó, làm giảm sức hút đầu tư, tạo công ăn việc làm ở địa phương thì mục tiêu đó không thể đạt.

    Đã đến lúc cộng đồng nhân dân bị ảnh hưởng phải dùng luật pháp để hành động bảo vệ mình.

    Vấn đề ô nhiễm do công ty Vedan gây ra và hàng loạt các vụ việc khác vẫn chưa được giải quyết. Chắc dân hai thành phố Hà Nội và Tp. HCM bị một tổ chức quốc tế đánh giá là 2 trong 20 thành phố tệ nhất thế giới về môi trường sống phải nghĩ gì chứ?

Thứ hai, nền kinh tế gia công lại đòi hỏi đầu tư về hạ tầng cơ sở rất lớn. Để phục vụ nền kinh tế gia công hay nền kinh tế công xưởng, thì ngoài đầu tư về máy móc, nhà xưởng, nền kinh tế, dù loại nào, cũng lại phải tự bỏ tiền rất lớn như nhau đầu tư vào hạ tầng để phục vụ việc sản xuất và phân phối ra cùng một sản phẩm.

    Do đó mà nền kinh tế gia công đòi hỏi quá nhiều đầu tư cho một giá trị gia tăng - cái tạo thành GDP (vì cùng một giá trị sản phẩm thì giá trị gia tăng của sản phẩm gia công rất thấp, nhiều trường hợp chỉ bằng 5-10% giá trị sản phẩm).

    Điều này cũng giải thích là tại sao tỷ số phát tán ảnh hưởng (multiplier) khi tăng cầu trong nền kinh tế Việt Nam chỉ có 1,07 (tức là bỏ ra đầu tư 1 đồng thì chỉ tạo ra được 1,07 đồng) so với các nước khác có thể tạo ra đến 1,50 đồng. Tính phát tán ít như vậy vì cái gì cũng phải nhập khẩu.

    Đây cũng là lý do mà tỷ lệ ICOR, tức là tỷ lệ đầu tư trên tỷ lệ tăng GDP (tính theo giá cố định), ở Việt Nam có vẻ ngày càng tăng, và vượt hẳn các nước khác. Nếu so với tỷ lệ 3,9 ở Trung Quốc hay 3,0 ở Hàn Quốc, thì để làm ra một đồng sản phẩm, Việt Nam phải đầu tư hơn 80% so với Hàn Quốc và hơn 40% so với Trung Quốc.

    Chỉ số ICOR chỉ là một cách tính, chính xác và tốt hơn là phải đo lường xem tốc độ phát triển có nguồn gốc từ yếu tố sản xuất nào.

Chỉ số ICOR của Việt Nam, 2001-2007 

  2005 2006 2007
ICOR ratios 4.85 5.04 5.38

    Nguồn: Dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê

    Có một anh bạn vừa tính đại khái (vì số liệu của Việt Nam không được xây dựng đầy đủ) là phát triển của Việt Nam là do đầu tư xây dựng tràn lan, chứ không phải vì năng suất. Năng suất từ công nghệ và quản lý gần như không đóng góp gì cho phát triển. 77% của tốc độ tăng GDP là vì do tăng đầu tư, và 19% là do tăng lao động. Tức là một nền kinh tế tăng trưởng kiểu “lấy thịt đè người”. 
    Chính vì thế mà tỷ lệ tích lũy của Việt Nam đã lên đến 41,6% GDP, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Cần phải thấy là giới nghiên cứu lịch sử phát triển kinh tế thế giới đã cho là nền kinh tế có thể đi vào cất cánh nếu như tỷ lệ tích lũy là 25% GDP.

2. “GIẢI OAN” CHO KINH TẾ GIA CÔNG

Đoàn Tiểu Long

Bẫy gia công
Lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam bị rơi vào “bẫy gia công”, rằng gia công chỉ là bán mồ hôi với giá rẻ mạt, công đoạn gia công là công đoạn tạo ra “giá trị gia tăng” thấp nhất trong chuỗi giá trị, và vì thế cần chấm dứt chuyện này càng sớm càng tốt.

Mới đây trên Thời báo kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này. Một bạn đọc sau khi tham gia cuộc trao đổi đã kết luận: Không phải vì làm gia công nên Việt Nam nghèo, thu nhập của anh chị em công nhân thấp, mà trái lại, chính vì Việt Nam còn nghèo, lương công nhân thấp nên mới được (phải) gia công. Nếu Việt Nam mà giàu, nhân công đắt đỏ thì chắc hẳn không ai dám thuê gia công như hiện giờ! Đó là một kết luận rất xác đáng.

Xem xét kỹ vấn đề gia công, có thể thấy, kinh tế gia công là xu hướng của kinh tế toàn cầu?

Trong bài “Gánh nặng của nền kinh tế gia công”, Ts Vũ Quang Việt so sánh kinh tế Việt Nam - gọi là kinh tế gia công, với kinh tế Trung Quốc - gọi là kinh tế công xưởng, để từ đó khuyến nghị Việt Nam nên thoát khỏi phận gia công càng nhanh càng tốt.

Theo người viết, so sánh như thế không hợp lý lắm. Trung Quốc, Mỹ, Nga là vài quốc gia hiếm hoi đất rộng người đông, tài nguyên phong phú, nên họ có thể tiến hành nền kinh tế công xưởng trong một số lĩnh vực nào đó. Không nên và cũng không thể lấy họ làm đối tượng để so sánh với các nền kinh tế khác.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang làm gia công, chứ không riêng gì Việt Nam. Đó là xu hướng của nền kinh tế toàn cầu hóa. Rất khó tìm ra một nước nào đó tự mình làm hết mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi nước chỉ thực hiện một công đoạn nhất định, và đó chính là gia công.

Nếu Việt Nam nhập linh kiện điện tử từ Thái Lan, có nghĩa là Thái Lan đang gia công linh kiện, còn Việt Nam thực hiện công đoạn lắp ráp.

Kể cả các nước phát triển như Đức, Nhật cũng vậy. Hoặc sản xuất linh kiện, hoặc lắp ráp từ linh kiện do các nước khác sản xuất. Chiếc Mercedes-Benz “made in Germany” thực chất được lắp ráp từ linh kiện do hàng ngàn nhà máy tại khắp các nước trên thế giới cung cấp.

Như thế bản thân việc gia công không những không chứng tỏ mức độ phát triển thấp của Việt Nam, mà trái lại, nó chứng tỏ kinh tế Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Không thể cho rằng như thế là Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất nhập khẩu, rằng đây là khuyết điểm cần khắc phục để kinh tế Việt Nam “cất cánh”.

Trong một bài trên Tuần Việt Nam, người viết có nhận định rằng để xét xem nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường nước ngoài ở mức nào thì không nên nhìn vào kim ngạch xuất khẩu, mà phải nhìn vào con số GDP do khu vực sản xuất hàng xuất khẩu tạo ra trong tổng GDP của toàn nền kinh tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ thể hiện mức độ gắn kết của kinh tế trong nước với kinh tế thế giới, còn tỷ trọng GDP của khu vực sản xuất xuất khẩu trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế quốc dân thể hiện mức độ phụ thuộc của nền kinh tế quốc dân vào thị trường nước ngoài. Gắn kết và phụ thuộc mang những ý nghĩa khác nhau.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam hiện thời chưa thể nói là phụ thuộc quá mức vào thị trường xuất khẩu được.
Với thời gian, nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gắn với kinh tế thế giới như một thành phần hữu cơ (biểu hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu, cũng như tỷ trọng GDP của khu vực sản xuất hàng xuất khẩu trong tổng GDP của toàn nền kinh tế, ngày một tăng), nhưng đó là một xu thế không thể đảo ngược, chứ tuyệt nhiên không phải là cái gì đó yếu kém cần ngăn chặn hay từ bỏ.

Kinh tế gia công tiến bộ hơn kinh tế công xưởng

Trong kinh tế học có 2 khái niệm na ná nhau: Economies of scale và economies of scope. Hai khái niệm này không có gì mới mẻ, chúng đã được K. Marx phân tích kỹ lưỡng trong tác phẩm “Tư bản” từ lâu.

Nguyên tắc economies of scale (sản xuất số lượng càng lớn thì giá thành càng giảm) là nguyên nhân chính dẫn đến hình thức phân công lao động quốc tế, trong đó mỗi nước chỉ tham gia vào một công đoạn nào đó, sản xuất với số lượng lớn, cung cấp cho các nước khác – tức là nền kinh tế gia công quy mô toàn cầu.

Chính vì thế tham vọng tự mình bao trọn gói mọi công đoạn sản xuất là hoàn toàn phi kinh tế. Nó may ra chỉ có thể áp dụng ở một vài nước cá biệt như Trung Quốc, Mỹ, Nga mà thôi. Điều này cũng lý giải vì sao công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất khó phát triển.

Về mặt kinh tế, việc tự mình làm lấy tất, hay chỉ thực hiện một số công đoạn nào đó, thì không ảnh hưởng đến lượng giá trị mới được tạo ra.

Lấy ví dụ ngành dệt may. Giả dụ ngành này gồm 4 công đoạn, gồm trồng bông, dệt vải, sản xuất phụ kiện, may quần áo. Mỗi công đoạn cần một số lượng nhân công nhất định, tổng cộng là 1 triệu công nhân chẳng hạn. Lao động của họ tạo ra lượng giá trị mới cho nền kinh tế.

1 triệu công nhân chia làm 4 công đoạn, hay 1 triệu công nhân chỉ chuyên may quần áo, thì đều tạo ra lượng giá trị mới như nhau. Thành ra không phải cứ tham lam ôm đồm hết mọi việc thì sẽ tạo ra nhiều giá trị mới hơn. Thậm chí là trái lại: do nguyên tắc economies of scale nói trên, cho nên nếu chỉ tập trung chuyên môn hóa vào một hai khâu nào đó, thì suất đầu tư sẽ thấp hơn, năng suất sẽ cao hơn và chi phí sẽ thấp hơn so với việc xé lẻ ra mỗi khâu làm một ít.

Nguyên tắc economies of scope có nghĩa là quy mô nhà máy càng lớn thì chi phí trên mỗi sản phẩm càng giảm.
Ví dụ một nhà máy may đang sử dụng 1,000 công  nhân, với sản lượng 1 triệu bộ quần áo/ năm. Nếu họ muốn tăng sản lượng thêm 20%, thì họ cần tăng số công nhân và dây chuyền may thêm 20%, nhưng nhiều thứ khác không cần tăng thêm tương ứng, ví dụ hệ thống giao thông nội bộ, bảo vệ, kế toán, văn phòng... Do đó suất đầu tư và chi phí trên mỗi sản phẩm giảm đi. Đó là lợi thế của nhà máy lớn so với nhà máy nhỏ.

Nhưng nếu họ muốn sử dụng số 20% công nhân tăng thêm đó vào việc khác, ví dụ dệt vải, thì họ sẽ phải xây thêm nhà máy dệt. Rõ ràng làm theo cách này suất đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều so với cách mở rộng công đoạn may, trong khi giá trị mới được tạo ra là như nhau trong cả hai trường hợp.

Chính hai nguyên tắc này đã quyết định xu hướng phân công lao động theo hình thức gia công ở tầm toàn cầu.

Về hệ quả của nền kinh tế gia công

Nếu tự mình làm lấy hết mọi việc thì có thể giảm nhập khẩu. Tuy nhiên việc giảm này không ảnh hưởng gì tới cán cân thương mại; tức là không phải vì thế mà giảm nhập siêu.

Việt Nam nhập siêu không phải vì gia công, còn Trung Quốc có thặng dư thương mại không phải vì họ có nền kinh tế công xưởng.

Có thể lý giải thế này. Nếu ta dùng 1 triệu công nhân chỉ chuyên gia công, do đó cần nhập 10 tỷ USD nguyên vật liệu, sau đó xuất khẩu thành phẩm được 11 tỷ USD, tạo ra giá trị mới là 1 tỷ USD, thì cán cân thương mại cũng không khác gì trường hợp ta không nhập khẩu chút nào, 1 triệu công nhân được xé lẻ thành nhiều công đoạn, tự làm lấy tất và xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1 tỷ USD.

Cần lưu ý là trong cả hai trường hợp, nếu cùng sử dụng một số lượng lao động như nhau, thì giá trị mới tạo ra đều là 1 tỷ USD, dù kim ngạch xuất nhập khẩu rất khác nhau.

Việt Nam bị nhập siêu vì là nước nghèo, mới bắt đầu công nghiệp hóa. Để công nghiệp hóa thì phải xây dựng hệ thống hạ tầng. Muốn thế thì cần có tiền. Việt Nam không có tiền nên phải vay nước ngoài, sau đó dùng tiền này nhập khẩu máy móc, vật tư để xây dựng hạ tầng cơ sở. Mà hạ tầng cơ sở lại là những thứ không trực tiếp làm ra hàng hóa xuất khẩu để cân bằng lại cán cân thương mại, do đó mà có nhập siêu.

Trung Quốc người đông, tài nguyên phong phú, căn bản chỉ dùng nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nên tránh được vay nợ và nhập siêu.

Nguy cơ biến thành bãi thải công nghệ rác

Kinh tế gia công không nhất thiết biến đất nước thành bãi thải công nghệ. Việc công nghệ nào được sử dụng - công nghệ cao hay công nghệ thấp – là do hiệu quả kinh tế quyết định, và không phải lúc nào sử dụng công nghệ cao cũng có hiệu quả hơn dùng công nghệ thấp.
Thường là trái lại, ở những nước nghèo như Việt Nam thì dùng công nghệ thấp lại có hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cao hơn công nghệ cao. (Xem: VN: Cuộc quyết đấu giữa công nghệ nguồn và công nghệ rác).
Nếu công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc gây ô nhiễm chui được vào nước ta, thì đó không phải là tội của nền kinh tế gia công, mà là do sơ hở trong quản lý, hoặc ai đó vì lợi ích cá nhân đã nhắm mắt làm lơ.

Nếu cứ như thế, thì dù có chuyển sang nền kinh tế công xưởng hay gì gì đi chăng nữa cũng chẳng có gì đảm bảo là sẽ khá hơn.

Hiệu quả đầu tư

Ở những nước mới bắt đầu công nghiệp hóa thì dĩ nhiên phải đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng, bất kể đó là nền kinh tế gia công hay kinh tế công xưởng hay cái gì khác. Hệ số ICOR vì thế mà có cao thì cũng chẳng có gì đáng lạ. Vài chục năm nữa, khi tỷ trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm dần thì hệ số ICOR sẽ giảm theo.

ICOR cao hay thấp không phụ thuộc vào kinh tế gia công hay công xưởng, nên không thể coi là hệ quả của các nền kinh tế đó. Nói chung cần thận trọng khi sử dụng con số ICOR để đánh giá.

Kinh tế gia công là thủ phạm khiến công nhân khốn khó?

Thường có quan điểm cho rằng nền kinh tế gia công là nền kinh tế thâm dụng lao động, lương trả cho công nhân chỉ đủ sống ở mức tằn tiện... Theo người viết, nhận định như vậy là đã lộn ngược vấn đề, lấy nguyên nhân làm hệ quả.

Về bản chất, gia công không đương nhiên đồng nghĩa với thâm dụng lao động. Mức độ thâm dụng lao động phụ thuộc vào giá nhân công của nước sở tại ở mỗi giai đoạn nhất định.

Nếu Việt Nam thuê doanh nghiệp Đức sản xuất linh kiện xe hơi, hoặc lắp ráp hàng điện tử, họ sẽ dùng công nghệ hiện đại đòi hỏi rất ít lao động sống. Đó là do nhân công của Đức đắt đỏ, nên dùng máy móc sẽ có lợi hơn.

Với các nước nghèo như Việt Nam thì ngược lại, dùng lao động sống có lợi hơn dùng máy móc. Do nhân công ở đây rẻ nên các nước khác chủ động giao công đoạn đòi hỏi nhiều sức lao động cho các nước này thực hiện. Như thế giá lao động rẻ là cái có trước, còn cách thức gia công thâm dụng lao động là cái có sau. Nhưng người ta rất hay bị hiện tượng đánh lừa, cứ nghĩ rằng gia công là thâm dụng lao động.

Do có thể trả lương thấp, lại do cạnh tranh nên các doanh nghiệp giảm giá gia công tới mức tối thiểu, miễn sao đạt mức lợi nhuận trung bình. Điều này khiến người ta tưởng lầm rằng vì giá gia công thấp mà lương công nhân thấp.

Nếu quả thực tiền lương phụ thuộc vào giá gia công, thì giá gia công do cái gì quyết định? Tại sao phía nước ngoài không thể ép giá gia công xuống đến sát mặt đất, mà chỉ có thể xuống đến một “ngưỡng kháng cự” nào đó? “Ngưỡng kháng cự” này chính là do giá lao động quyết định. Thành ra, vu cho gia công là thủ phạm khiến lương công nhân thấp là rất sai.

Gia công có công hay tội?

Gia công không gây ra nhập siêu, không biến đất nước thành bãi thải công nghệ, không phải là thủ phạm khiến chị em công nhân sống khốn khó..., vậy tại sao lại đi hắt hủi nó?

Nhiều người nghĩ rằng công đoạn may, hay lắp ráp sản phẩm cuối cùng, tạo ra “giá trị gia tăng” thấp, cần chuyển sang công đoạn khác có “giá trị gia tăng” cao hơn. 
Ví dụ như thiết kế mẫu mã chẳng hạn. Họ quên rằng, thứ nhất, nữ công nhân may không thể hô biến là thành chuyên gia thiết kế được; và thứ hai, nếu hàng trăm ngàn công nhân bỗng chốc biến thành chuyên gia thiết kế hết, thì cũng chẳng có ai cung cấp đủ đơn hàng cho hàng trăm ngàn chuyên gia đó. E rằng lúc đó giá thiết kế còn thấp hơn đơn giá may quần áo!

Nhìn một cách thực tế, đừng để những ám ảnh về “cất cánh”, “hóa rồng hóa hổ” chi phối, thì con đường phát triển của Việt Nam có thể hình dung như sau:

Khu vực nông nghiệp nói chung chỉ cần vài ba % số lao động là đủ đảm trách (ví dụ ở Mỹ là 1%). Việt Nam có tới 70% dân số sống ở nông thôn, tức là mỗi người nông dân chỉ sử dụng 1/10 năng lực của mình, còn phần lớn thời gian là thất nghiệp. Do đó mà nghèo.

Cứ mỗi người lao động ly nông và chuyển sang khu vực phi nông nghiệp thì sản lượng nông nghiệp không vì thế mà giảm đi, trong khi một lượng giá trị mới lại được tạo ra trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, bổ sung vào GDP của đất nước. Nền kinh tế nhờ đó phát triển, đất nước giàu dần lên.

Quá trình này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi số lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm vài %, kéo theo thu nhập đầu người của nông dân tăng lên cả chục lần so với hiện nay.

Quá trình đó đòi hỏi vốn đầu tư; vốn đầu tư tạo ra phương tiện sản xuất (nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu...) để người lao động có thể sử dụng sức lao động của mình và tạo ra giá trị mới.

Với những nước bắt đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam thì phát triển phải dựa trên vốn đầu tư và lao động là điều đương nhiên, không có gì đáng gọi là phát triển kiểu “lấy thịt đè người” cả.

Hơn nữa, đây là con đường hợp lý, vì nó tạo ra việc làm, giảm thất nghiệp ở nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết đồng thời cả vấn đề kinh tế lẫn xã hội. Dư địa cho cách thức phát triển kiểu này của Việt Nam còn rất lớn, không như những ý kiến cho rằng Việt Nam đã đến lúc chấm dứt phát triển dựa trên đầu tư và lao động. Việc sử dụng vốn đầu tư sao cho hiệu quả lại là chuyện khác, không nên lẫn lộn.

Thoạt tiên, những người lao động mới chân ướt chân ráo từ đồng quê tìm tới các khu công nghiệp kiếm việc làm, họ sẵn sàng nhận đồng lương rất thấp - dù sao vẫn cao hơn so với thu nhập ở quê. Hơn nữa, mức sống chung của Việt Nam lúc đó cũng còn thấp, nên lương như thế là chấp nhận được.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mức sống trung bình được nâng lên, người công nhân bắt đầu không chấp nhận mức lương như cũ. Họ yêu sách đòi tăng lương, đình công này nọ. Cứ sau mỗi dịp Tết là các doanh nghiệp lại đau đầu với vấn đề nhân sự. Giới chủ buộc phải nhượng bộ, tăng lương cho công nhân. Cứ như thế tiền lương của công nhân tăng dần lên.

Nhân công dần đắt đỏ buộc chủ doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ sang loại tiên tiến, ít thâm dụng lao động hơn, đồng thời không chấp nhận giá gia công rẻ mạt như trước nữa. Các nước khác do đó bớt cơ hội lợi dụng được nguồn nhân công rẻ của Việt Nam so với trước.

Quá trình đó cứ thế tiếp diễn, dẫn tới công nghệ ngày một hiện đại hơn, lương công nhân ngày một cao hơn, việc gia công dần chuyển sang những công đoạn ít thâm dụng lao động hơn, giá gia công cao hơn.

Quá trình này diễn ra từ từ, kéo dài hàng chục năm. Bản thân các nước phát triển cũng phải mất hàng trăm năm mới được như ngày nay.

Những trường hợp hóa rồng sau một thời gian ngắn như Hàn Quốc, Đài Loan là hết sức hãn hữu.
Giáo sư Trần Văn Thọ, trong lúc nghiên cứu sự phát triển của các nền kinh tế thế giới từ sau Thế chiến II tới nay, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra là trong số 150 nước kém phát triển lúc đó, chỉ có Hàn Quốc và Đài Loan đạt được tiến bộ vượt bậc (không tính Hồng Kông và Singapore vì đây là hai thành phố đặc thù).

Nói vậy không phải để tự an ủi bản thân, làm thui chột ý chí phấn đấu, mà để có cái nhìn thực tế hơn đối với sự phát triển của đất nước.

Tóm lại, có lẽ không nên đổ oan rằng gia công chính là nguyên nhân gây ra những yếu kém mà kinh tế Việt Nam đang mắc phải.

3. NỀN KINH TẾ GIA CÔNG QUA BỨC TRANH DOANH NGHIỆP

Trần Sỹ Nguyên - TGĐ công ty Cổ phần Hoàng Gia Việt Nam

Căn nguyên

Dường như, mỗi khi nền kinh tế có vấn đề, chúng ta mới đi tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Và điều này luôn lặp đi lặp lại trong mấy chục năm phát triển vừa qua, kể cả giai đoạn Đổi mới.

Thế giới đã phát triển một cách mạnh mẽ trong hơn nửa thế kỷ qua. Trước mỗi giai đoạn phát triển mới họ đều dựa trên một số học thuyết và các học thuyết đó luôn được nghiên cứu bổ sung để đáp ứng được các nhu cầu phát triển của xã hội và tránh được các vấn đề làm chậm sự phát triển kinh tế hoặc gây đổ vỡ trong nền kinh tế.

Thế giới cũng đã có rất nhiều bài học điều hành nền kinh tế để các nước đi sau có thể học tập.

Trong khi đó, chúng ta hình như đang thiếu cả học thuyết và kinh nghiệm trong điều hành và phát triển nền kinh tế.

Chúng ta có thể lí giải căn nguyên của nền kinh tế gia công Việt Nam như sau.

Một là, chúng ta tiến hành phát triển kinh tế và từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới khi các nước phát triển đã bước vào thời kỳ hậu công nghiệp. Nói cách khác, điểm xuất phát của nước ta rất thấp, vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu.

Một số nước cũng hội nhập cùng thời gian với Việt Nam, nhưng họ hội nhập trên nền tảng của một xã hội đã phát triển hơn chúng ta rất nhiều dựa trên các chỉ tiêu: Chỉ số phát triển con người, GDP bình quân đầu người, hạ tầng kỹ thuật…

Hai là, chúng ta tiến hành từng bước hội nhập, hội nhập một cách chắc chắn đến mức, trên một phương diện nào đó, ở một khía cạnh nào đó chúng ta sợ thất bại. Có lúc, chúng ta đã thiếu đi những quyết sách khó khăn tại những thời điểm quan trọng. Thay vì cải cách mạnh mẽ và quyết liệt thì ta lại làm khá chậm và thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành, và nhiều lĩnh vực.

Hai nguyên nhân trên đã dẫn đến một số các hệ luỵ kinh tế là chúng ta có một nền kinh tế méo mó mà Ts Vũ Quang Việt trong một bài viết gần đây gọi là nền kinh tế gia công.

Bùng nhùng

Cụ thể, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm, làm giảm sút khả năng phát triển nền kinh tế và sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là những vấn đề:
- Trong hệ thống nhân sự của công ty, phát sinh bè cánh…, sự bổ nhiệm các vị trí quan trọng như quản lý cấp trung và cấp cao của doanh nghiệp yếu tố năng lực của mỗi cá nhân đã bị các yếu tố cản đường.

- Người đứng đầu doanh nghiệp xuất hiện tư duy nhiệm kỳ, miễn sao các hoạt động sản xuất không quá tồi.

- Người lãnh đạo công ty không dám đưa ra và không thể đưa ra quyết định khó khăn để mang lại cơ hội đột phá cho doanh nghiệp bởi các yếu tố bè cánh, sự đồng thuận trong ban lãnh đạo, trách nhiệm và lợi ích không tương song.

Điều này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư và lựa chọn các lĩnh vực đầu tư. Các doanh nghiệp đã đầu tư thiếu chiều sâu đặc biệt là chiều sâu về nhân lực, điều này dẫn đến đưa ra chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, nghiên cứu sản phẩm mới một cách hạn chế, không phát huy được các tiềm năng. Chiến lược kinh doanh thường rất ngắn hạn.

Một ví dụ điển hình về ngành dệt may: Ngành này đã có một chiều dày thời gian phát triển. Nhưng trong một chuỗi giá trị sản phẩm thì chúng ta mới chỉ đóng góp vào việc gia công theo mẫu có sẵn, nguyên phụ liệu do các nhà xuất khẩu nước ngoài cung cấp, phần lớn các công ty trong nước chỉ tham gia là sức lao động của công nhân.

Các mắt xích trong chuỗi giá trị tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn là lưu thông, sản xuất nguyên phụ liệu…thì chỉ rất ít các công ty có thể tham gia hoạt động

Các hạn chế của doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến các lãnh đạo công ty sẽ đầu tư vào những sản phẩm hoặc tham gia các mắt xích trong chuỗi giá trị đơn giản nhất, thâm dụng nhiều lao động, hàm lượng chất xám ít.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân (đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ) phần nhiều là các doanh nghiệp non trẻ bị thu hẹp sân chơi do không có được các lợi thế như doanh nghiệp Nhà nước về khả năng tiếp cận vốn, quy mô… dẫn đến doanh nghiệp tư nhân cũng không đủ năng lực đầu tư chiều sâu về nhân lực, tích tụ đủ vốn để đầu tư về công nghệ để sản xuất mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Chỉ có một số ít doanh nghiệp sở hữu tư nhân vượt qua được hạn chế về tích tụ vốn và nhân lực để vươn lên tham gia vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như cơ khí ô tô Xuân Kiên, cà phê Trung Nguyên, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai…Nhưng nếu tính trong tổng GDP thì các doanh nghiệp này vẫn còn rất hiếm hoi.

Giải pháp

Có thể tạm nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giúp nền kinh tế thoát khỏi nền kinh tế gia công.

Một là, cải cách triệt để vấn đề sở hữu: Cần cổ phần hoá 100% doanh nghiệp Nhà nước theo một nguyên tắc Nhà nước quản lý thông qua công cụ luật pháp; Nhà nước chỉ sở hữu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và phúc lợi xã hội một cách có chọn lọc. Các doanh nghiệp đều bình đẳng về cơ hội.

Hai là, cải cách giáo dục: Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ hơn:

- Xã hội hoá giáo dục ở tất cả các cấp học;

- Tiến hành tự chủ tài chính và các hoạt động, nội dung môn học của các trường đại học công;

- Khuyến khích các trường đại học nước ngoài mở trường đại học tại Việt Nam và các loại hình đại học khác.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ TUANVIETNAM.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến