Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

TĂNG CƯỜNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM

PGS.TS. PHẠM QUỐCTRUNG

Ngày nay, tri thức đã trở thành một “nguồn của cải mới”, động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội. Lợi thế cạnh tranh chủ yếu của mỗi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khả năng phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Xu thế này đã khẳng định tài sản trí tuệ và quyền sở hữu tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là một nguyên tắc cơ bản trong sự vận động của nền kinh tế thế giới. Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu phải gia tăng mối quan tâm tới vấn đề SHTT cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn cho mỗi quốc gia nếu muốn tồn tại và hội nhập thành công. 

Vai trò và ý nghĩa của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội

Có thể khái quát vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, SHTT là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục cho chủ thể sở hữu và xã hội

Nhìn vào lịch sử phát triển của các quốc gia, nhất là các nước công nghiệp phát triển, SHTT được đánh giá là loại tài sản chiếm vị trí quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của đất nước. Với mỗi phát minh, sáng chế ra đời và được bảo hộ, chủ thể sở hữu sản phẩm trí tuệ đó không những có được tỷ lệ tiền bản quyền cao hơn và có giá trị thị trường cao hơn nhiều lần so với các tài sản vô hình khác, mà chính người mua quyền SHTT đó và người xin cấp giấy phép sử dụng cũng vui lòng trả nhiều tiền hơn do có sự bảo hộ. Việc bảo hộ này nhằm giảm rủi ro trong các giao dịch thương mại về quyền SHTT, nhưng đồng thời cũng tạo nguồn thu cho nhà nước thông qua việc cung cấp các hiệp định bảo hộ và nhân lên nhiều lần giá trị sử dụng của các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ đó bằng việc thương mại hoá chúng, chính việc thương mại hoá các tài sản trí tuệ đã đem lại cho chủ thể sở hữu cũng như những người mua quyền sử dụng tài sản trí tuệ đó những lợi ích kinh tế. Ví như với việc mỗi năm có đến hàng trăm các phát minh, sáng chế mới ra đời, NOKIA không chỉ thu được lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm trí tuệ mới này được cung cấp bởi chính hãng mà còn thu được nhiều tỷ USD từ việc bán bản quyền. Theo tài liệu của Tổ chức SHTT thế giới thì tổng thu nhập từ bản quyền về sáng chế trên toàn thế giới tăng từ 10 tỷ USD năm 1990 lên 110 tỷ USD năm 2000; riêng hãng máy tính IBM (Mỹ) năm 2000 đã thu được 1,7 tỷ USD.

Thứ hai, SHTT là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia trong hội nhập

Hiện nay, với mỗi quốc gia, doanh nghiệp, năng lực SHTT là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền SHTT thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao.

Với các nước đang phát triển, năng lực cạnh tranh thường thấp, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, cho nên để có thể phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả, cần thiết phải đánh giá đúng vị trí quan trọng của SHTT. Cách tốt nhất là phải tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về SHTT nhằm xây dựng hệ thống SHTT có hiệu quả. Điều đó làm cho hoạt động SHTT xét trên phạm vi quốc gia ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn tới chuẩn mực chung của thế giới.

Thứ ba, SHTT là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như từng doanh nghiệp

Bất kỳ tài sản hữu hình nào cũng đều có giới hạn và cùng với thời gian, không gian khối lượng và giá trị của các tài sản hữu hình này không chỉ bị thu hẹp về quy mô, số lượng mà còn có khả năng bị thay thế bởi các sản phẩm mới do tri thức tạo ra. Do đó, sở hữu các tài sản hữu hình là sở hữu cái có giới hạn, còn sở hữu tri thức, trí tuệ của nhân loại là sở hữu cái vô hạn, vì vậy sẽ là vô cùng bền vững nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng một cách hiệu quả - có thể nói SHTT là sở hữu một thứ tài sản đặc biệt, khi sử dụng không những không mất đi mà còn có khả năng kiến tạo những sản phẩm trí tuệ cao hơn, là những tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững đối với những chủ thể sở hữu và xã hội.

Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế (song phương và đa phương) về bảo vệ quyền SHTT. Hiện nay, chúng ta đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris, Thoả ước Madrid, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước hợp tác Patent, Công ước Benre về bản quyền... và đặc biệt là Hiệp định TRIPS. Ngoài ra, các Điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành bản án, quyết định, tương trợ tư pháp... giữa Việt Nam và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền SHTT ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, lợi nhuận lớn thường đổ dồn về những doanh nghiệp nào biết quan tâm đầu tư và khai thác sản phẩm trí tuệ của mình hay những quốc gia sở hữu nhiều phát minh, sáng chế của nhân loại. Vì lẽ đó mà hàng năm, hãng sản xuất danh tiếng như Nokia đầu tư hàng tỷ USD và huy động nhiều ngàn lao động trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mỗi năm hãng này đệ trình đăng ký bảo hộ sáng kiến và giải pháp mới cho 500 pháp minh các loại.

Thứ tư, tuân thủ hệ thống quản lý SHTT là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập hiệu quả.

Việc tạo dựng và củng cố giá trị của mọi đối tượng SHTT là một quá trình đầu tư tốn kém về vật chất và trí tuệ. Do vậy, việc sao chép, mô phỏng, thậm chí đánh cắp nguyên vẹn các thành quả sáng tạo kỹ thuật - kinh doanh của đối thủ cạnh tranh là biện pháp hấp dẫn nhất để đạt mục tiêu lợi nhuận và chiến thắng. Nguy cơ chiếm đoạt các sản phẩm trí tuệ là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng trong các nền kinh tế công nghiệp hoá. Bởi vậy, việc ngăn chặn nguy cơ này là vấn đề ám ảnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ chỉ chấp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện các biện pháp đầu tư, nếu họ nhận thấy đủ cơ hội khai thác an toàn, hiệu quả công nghệ đó ở quốc gia dự định đầu tư.

Cho nên, sẽ là thiển cận, nếu cho rằng vì lạc hậu về kỹ thuật và công nghệ mà không cần phải có một sự bảo hộ công nghệ nào ở các nước đang phát triển. Cần thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng lo sợ rằng bảo hộ SHTT lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc thiếu kiểm soát đối với công nghệ được chuyển giao và như vậy công nghệ chuyển giao này sẽ dễ trở thành mục tiêu bị vi phạm bản quyền. Vì lẽ đó, xác lập được một hệ thống bảo hộ SHTT hiệu quả và việc tuân thủ hệ thống quản lý bảo hộ SHTT một cách nghiêm túc sẽ là một điều kiện tiên quyết tác động đến quyết định đầu tư và chuyển giao của các công ty nước ngoài.

Thứ năm, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT hiệu quả là một yếu tố để chống lại nguy cơ tụt hậu và phát triển đất nước

Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản cho thấy, một quốc gia hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ mà không nhất thiết phải có nguồn lực vật chất dồi dào, mà vấn đề là nhận thức được giá trị thực sự của tài sản trí tuệ và việc bảo hộ các tài sản trí tuệ đó. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Tanzan Ishibashi đã từng nói: “ Tôi tin chắc rằng, đây là bí quyết phát triển công nghiệp của chúng tôi từ thời Meiji. Chỉ trong một nước đã nhận ra giá trị thực sự của hệ thống bảo hộ sáng chế và quyết tâm dùng mọi sức lực của nó để xây dựng hệ thống đó, người ta mới có thể hy vọng công nghiệp phát triển ”.

Một khi cơ sở hạ tầng và khả năng kỹ thuật cho việc cải tiến công nghệ đã được thiết lập ở một nước, nhất là ở các nước đang phát triển, hệ thống bảo hộ sáng chế sẽ thành một yếu tố thúc đẩy sự nghiệp cải tiến kỹ thuật. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra cho các nước đang phát triển không phải là có thiết lập hệ thống bảo hộ SHTT hay không, mà phải là thiết lập như thế nào và vào lúc nào trong quá trình phát triển kinh tế, kỹ thuật của đất nước sẽ là phù hợp cho việc áp dụng một hệ thống bảo hộ toàn diện và hiệu quả.

Bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam

Việt Nam bắt đầu tham gia với cộng đồng quốc tế về vấn đề SHTT khá sớm. Từ năm 1949, Việt Nam đã tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá. Đến năm 1976, Việt Nam tham gia công ước Stockholm về thành lập tổ chức SHTT thế giới. Nhưng quá trình tham gia và xác lập quyền SHTT của Việt Nam mới đi vào thực chất kể từ khi nền kinh tế Việt Nam tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu thực hiện tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, nhiều các văn bản, quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm hiện thực hoá việc xác lập quyền SHTT trong điều kiện Việt Nam. Bộ Luật Dân sự năm 1995 đã dành phần IV với 61 điều đề cập đến vấn đề SHTT và chuyển giao công nghệ, tiếp đó là hàng loạt các văn bản pháp quy về SHTT đã được ban hành. Ví dụ như Nghị định 63/CP của Chính phủ ban hành ngày 24/10/1996 về việc bảo hộ sáng chế, các giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hoá; Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 nhằm giải thích các quy định nêu tại phần IV bộ Luật Dân sự; Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 quy định về việc bảo hộ bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp; Nghị định 6/2001 bổ sung các quy định về đăng ký quyền đối với sở hữu công nghiệp (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, các phát minh, sáng chế, tên gọi xuất xứ hàng hoá); Nghị định 13/2001/NĐ-CP ngày 20/4/2001 về bảo hộ giống cây trồng mới; Công ước Berne chính thức có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam từ 10/2004 ...

Với tư cách là thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã và đang tiêu chuẩn hoá và thực hiện các cam kết về khung pháp luật bảo vệ quyền SHTT. Trong đó có 2 vấn đề cơ bản mà Việt Nam phải thực hiện trong hoạt động này đó là: (i) phải có một khung pháp lý về SHTT hoàn thiện, đầy đủ và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Hiệp định TRIPS và tham gia một loạt các điều ước quốc tế khác như bản quyền, sử dụng tín hiệu vệ tinh...; và (ii) Việt Nam phải có một hệ thống thực thi quyền SHTT hiệu quả.

Cho đến hiện nay, nếu so với yêu cầu của TRIPS thì về cơ bản hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ, Luật SHTT được ban hành năm 2005, có hiệu lực từ 01/7/2007 đã thay thế toàn bộ các Nghị định và văn bản hướng dẫn về từng lĩnh vực của SHTT trước đó, đồng thời cũng thống nhất và tập hợp các quy định riêng lẻ đó vào trong Luật SHTT với sự phân định rõ ràng thành 3 lĩnh vực: bản quyền, sở hữu công nghiệp và giống cây trồng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề cần xem xét... dẫn đến trình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT đang diễn ra khá phổ biến. Hầu như mọi chủng loại sản phẩm hàng hoá đều có hàng nhái, hàng có chứa yếu tố vi phạm quyền sở hữu.. .Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có một định hướng rõ ràng, hiệu quả nhằm nâng hiệu lực của việc thực thi quyền SHTT trong thực tế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả có một số kiến nghị sau nhằm tăng hiệu lực của việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam:

Một là, cần có mức xử phạt đủ nặng về mặt kinh tế và pháp lý đối với các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT để tăng tính nghiêm minh và thực thi có hiệu quả các quy định của Luật SHTT.

Hai là, các cơ quan chức năng phải chi tiết, cụ thể từng quy định đã được ban hành và hình thành khung mức phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm, xâm phạm.

Ba là, phải xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát mang tính liên ngành nhằm phòng, chống một cách hiệu quả các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT. Trong đó lưu ý đến việc chuẩn bị đủ lực lượng thực hiện và phải thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên, tránh tình trạng phát động theo phong trào.

Bốn là, thúc đẩy thương mại hoá các hoạt động SHTT, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế và những lợi ích hợp pháp của việc thương mại hoá các sản phẩm trí tuệ cũng như việc tuân thủ nghiêm túc Luật SHTT.

Năm là, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy về SHTT, cần quy định rõ cơ quan đầu mối quan lý và có chế tài xử lý thích hợp đối với các vi phạm của cả người thực thi cũng như người quản lý việc thực thi.

Sáu là, để phát triển bền vững trong hội nhập và hội nhập hiệu quả trên phương diện bảo vệ hợp pháp quyền SHTT, cần đẩy mạnh đào tạo và đào tạo theo quy chuẩn quốc tế nguồn nhân lực về SHTT.

Sự tồn tại của hệ thống bảo hộ công nghệ đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chuyển giao công nghệ trong hoạt động đầu tư trực tiếp. Một hệ thống bảo hộ có hiệu quả ở một nước đang phát triển sẽ tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trong các quyết định chuyển giao công nghệ, đồng thời sẽ góp phần cải thiện vị thế của quốc gia đó trong cuộc cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế về vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ. Bảo hộ SHTT như vậy sẽ trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ ở các nước đang phát triển đồng thời cũng là cách thức để tiến trình hội nhập quốc tế của các nước đang phát triển hiệu quả hơn, vững vàng hơn./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 8 (424) THÁNG 4 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến