Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

CHUNG QUANH VẤN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

TIẾN HẢI

Định hướng cho Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) hình thành từ bao giờ ? Đó là sự lựa chọn đúng hay sai, hợp hay không hợp quy luật, thuận hay không thuận lòng dân ? Những vấn đề nêu trên cần được xác định thật rõ ràng, cụ thể. Bởi vì trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp như hiện nay, ở nước ta thỉnh thoảng lại bùng lên những ý kiến đòi xem lại con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Có ý kiến cho rằng Cụ Hồ "nhập" chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam quá sớm, vì thế CNXH bị "đẻ non", dẫn tới tình trạng yếu ớt, còi cọc và đó chính là lý do làm cho Việt Nam chậm tiến, lạc hậu, ì ạch mãi mà không "cất cánh" lên được.

Ý kiến khác cho rằng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đã mắc phải bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vội vã gắn độc lập dân tộc với CNXH làm cho nền độc lập của nước nhà phải trả bằng một cái giá quá đắt, đó là hai cuộc chiến tranh khốc liệt.

Lại có ý kiến cho rằng, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà Đảng Cộng sản đề ra là chắp vá, không tưởng. Bởi vì, đã chấp nhận kinh tế thị trường thì không thể định hướng XHCN ; đã định hướng XHCN thì kinh tế thị trường không thể nào phát triển được.

Tóm lại, tất cả những ý kiến đó đều có thâm ý coi việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản chọn cho dân tộc con đường đi lên CNXH là một sai lầm, không hợp quy luật, cũng chẳng thuận lòng dân ; nếu không thì Việt Nam đã là nước giàu mạnh, cũng trở thành "con rồng", "con hổ" chứ chẳng kém ai. Cuối cùng họ đòi hủy bỏ mục tiêu XHCN, trở về với giai đoạn dân chủ nhân dân.

Phải bình tĩnh nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam thì mới tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề nêu ra trên đây. C.Mác đã từng nói : "Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại"(1). Những lời chỉ dẫn đó của Mác giúp chúng ta nhận thức một cách khách quan hơn về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Bác Hồ và của Đảng ta. Sự lựa chọn đó là một tất yếu lịch sử, bởi vì lịch sử đòi hỏi phải như thế chứ không thể nào khác được.

Giữa thế kỷ XIX, đế quốc Pháp đánh chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng. Trước tình hình đó, các sỹ phu yêu nước thay nhau phát động phong trào chống Pháp. Nhưng các phong trào này cũng lần lượt thất bại và đến cuối thế kỷ XIX về cơ bản đã bị đế quốc Pháp dập tắt. Như vậy, các đại biểu ưu tú của chế độ phong kiến đã bất lực, đành phải nuốt hận vì không tìm được con đường cứu nguy dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, thay thế các sỹ phu yêu nước là các đại biểu tiên tiến của khuynh hướng dân chủ tư sản, các đại biểu này cũng liên tiếp phát động những phong trào cách mạng, cố gắng tìm con đường cứu nguy dân tộc. Nhưng sau khi Phan Bội Châu bị bắt (1925), Phan Chu Trinh qua đời (1926), Việt Nam Quốc dân Đảng khởi nghĩa thất bại (1930) thì khát vọng "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" của họ cũng tiêu tan ; cách mạng Việt Nam lại rơi vào tình trạng "đen tối như không có đường ra".

Trong bối cảnh lịch sử nêu trên, Hồ Chí Minh đã xuất hiện. Sự xuất hiện của Hồ Chí Minh là đòi hỏi của chính lịch sử lúc bấy giờ. Và, Hồ Chí Minh đã đáp ứng được đòi hỏi đó. Sự đáp ứng này thể hiện ở chỗ Người đã tìm ra được con đường đi mới và lực lượng mới cho cách mạng Việt Nam.

Đường đi mới đó (con đường đi lên CNXH) được Hồ Chí Minh phát hiện ra chính thức từ khi nào và trong hoàn cảnh nào ? Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đã làm cho Hồ Chí Minh có những nhận thức hoàn toàn mới. Sau khi nghiên cứu kỹ Luận cương nêu trên của Lê-nin, Người khẳng định một cách dứt khoát rằng : "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ"(2). Từ giờ phút ấy, con đường đi lên CNXH đã được định hình trong tư tưởng Hồ Chí Minh ; sau đó đã được chính Người triển khai bằng cách tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, xây dựng lực lượng cách mạng trong nước, đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt, tiến tới chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH đã xuất hiện trước khi ở Việt Nam có Đảng Cộng sản.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong Chánh cương vắn tắt - một văn kiện cực kỳ quan trọng - do Bác Hồ soạn thảo được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã ghi rõ : Phải "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Sau đó, trongLuận cương chánh trị được Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 thông qua cũng khẳng định : Cách mạng Việt Nam sẽ "bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa".

Như vậy, đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu không thay đổi của cách mạng nước ta. Song CNXH là gì và Việt Nam đi lên CNXH bằng cách nào thì qua mỗi thời kỳ cách mạng chúng ta mới có được những nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sâu sắc hơn.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã xác định "đường lối cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở miền Bắc nước ta. Tiếp sau đó, các hội nghị của Trung ương Đảng và của Bộ Chính trị (khóa III) đều có những điều bổ sung và phát triển đường lối cơ bản này.

Đến năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã toàn thắng, nước nhà được thống nhất, Đại hội IV của Đảng lại phát triển thêm một bước nữa đường lối xây dựng CNXH của Đại hội III. Đại hội IV đã vạch ra đường lối xây dựng CNXH trong phạm vi cả nước là : "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng : cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt ; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, trong suốt những năm của nhiệm kỳ Đại hội IV và Đại hội V, vì chủ quan, duy ý chí, suy nghĩ và hành động có phần đơn giản, nóng vội, không tôn trọng quy luật khách quan, nhận thức về CNXH chưa thật sát với thực tế Việt Nam cho nên chúng ta đã phạm phải một số sai lầm trong việc hoạch định, chủ trương, chính sách và trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã phân tích một cách sâu sắc những sai lầm, khuyết điểm nói trên ; từ đó đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước nhằm nhận thức đúng hơn và thực hiện có hiệu quả hơn công cuộc xây dựng CNXH. Đại hội đã đưa ra những nhận thức mới về cơ cấu kinh tế, về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên, thừa nhận sự tồn tại khách quan của hàng hóa và thị trường, phê phán triệt để cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và khẳng định phải chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế. Đại hội cũng chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh thích hợp...

Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) họp trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu bị sụp đổ, Liên Xô đã đi chệch hướng cải tổ và có nguy cơ tan rã ; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã có những biểu hiện hoang mang, dao động, thậm chí có người muốn đi con đường khác... Trong bối cảnh như thế, Đại hội đã sáng suốt thông qua"Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội""Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000".Cương lĩnh khẳng định chúng ta phải kiên trì con đường đi lên CNXH ; xác định rõ sáu đặc trưng của CNXH ở Việt Nam và bảy phương hướng cơ bản chỉ đạo quá trình xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta.

Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) trên cơ sở tổng kết thực tiễn đã rút ra những kết luận rất quan trọng : "Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn". "Việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tóm lại, đến trước Đại hội IX của Đảng, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta đã từng bước được bổ sung và hoàn thiện dần.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001), lại tiếp tục bổ sung và làm sáng tỏ thêm những vấn đề về : "Mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng". "Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". "Mô hình kinh tế tổng quát". "Chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế". "Đấu tranh giai cấp và động lực phát triển đất nước". "Nền tảng tư tưởng của Đảng". "Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế" v.v... Có thể nói Đại hội IX đã làm sáng tỏ hơn nữa nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Ngay trong năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 3 đã ra Nghị quyết về doanh nghiệp nhà nước ; rồi sau đó Hội nghị Trung ương 5 ra hai Nghị quyết về kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Đó là một bước hoàn chỉnh mới về chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tế sẽ đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và hoàn thiện thêm.

*  *  *

Xác định được hướng đi đúng, lại kiên trì đi theo con đường đã lựa chọn, do đó cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và của Đảng đã liên tiếp giành được những thắng lợi vẻ vang :

Ngay sau khi mới ra đời, Đảng đã phát động được một phong trào cách mạng rộng lớn mở đầu bằng cuộc bãi công của 5 000 công nhân đồn điền Phú Riềng, phát triển lên thành cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn thực dân cướp nước và bọn tay sai bán nước. Tuy cao trào cách mạng 1930 - 1931 bị đàn áp dã man và sau đó rơi vào thoái trào, nhưng ý nghĩa của nó là vô cùng quý giá. Đây là lần đầu tiên chứng minh trong thực tiễn vai trò và khả năng lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng. Đây cũng là lần đầu tiên chứng minh trong thực tiễn tính đúng đắn và sức mạnh của hướng đi mới và lực lượng mới của cách mạng Việt Nam.

Thất bại tạm thời không làm Đảng ta nao núng, bó tay. Một loạt công tác rộng lớn được Đảng triển khai nhằm củng cố nội bộ, tập hợp quần chúng, hoàn chỉnh đường lối và sách lược đấu tranh. Nhờ vậy, chỉ sau vài ba năm, phong trào cách mạng lại phục hồi và phát triển ; một cao trào dân chủ được dấy lên kéo dài từ năm 1936 đến năm 1939. Đây có thể nói là sự kiện hiếm thấy ở một nước thuộc địa lúc bấy giờ. Sau đó, phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn tiếp tục phát triển và trưởng thành. Những năm 1939 - 1945 là những năm sôi động ; toàn Đảng, toàn dân ta tích cực chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Khi "giờ quyết định vận mệnh dân tộc đã đến", nhân dân ta từ Bắc đến Nam nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ Đã đồng loạt vùng lên tổng khởi nghĩa, trong vòng không đầy hai tuần lễ giải phóng toàn bộ Tổ quốc, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân ta từ người nô lệ thành người tự do, làm chủ đất nước, đưa Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp thành Đảng lãnh đạo cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH.

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời thì thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta. Nhờ có đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp, miền Bắc nước ta sạch bóng quân thù.

Khi đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam hòng biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới ; kiên trì con đường đã lựa chọn, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược : xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Nhờ có đường lối đúng đắn đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông ta thu về một mối, cả nước ta cùng tiến lên xây dựng CNXH. Từ đây, lịch sử dân tộc bước sang một trang mới.

Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình xây dựng CNXH là một thử thách lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do kiên định con đường đã lựa chọn, cho nên mặc dù lúc đầu có những vấp váp, sai lầm, nhưng sau đó Đảng đã đề ra được đường lối đổi mới đúng đắn. Nhờ có đường lối đổi mới đó, hơn 15 năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng.

Thực tiễn phong phú và những thành tựu thu được trong tiến trình cách mạng đã cho phép chúng ta một lần nữa khẳng định con đường đi lên CNXH là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh" (3).


(1) Mác - Ăng-ghen : Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, t2, tr 386

(2) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t 10, tr 128 (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 20

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 17 NĂM 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến