NGUYỄN HẢI VÂN (Pháp)
Sửa đổi lời bài hát, biếm họa tranh của các họa sĩ, đóng nhại nhân vật của một tác phẩm sân khấu... là chuyện thường thấy trong sinh hoạt đời thường. Những chế, nhại này xét theo vẻ bề ngoài như là vô thưởng vô phạt, vì chủ yếu cũng chỉ để vui cười. Thông thường, ít ai quan tâm đến khía cạnh pháp lý của hành vi này. Trong chừng mực các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của VN, cải biên tác phẩm nghệ thuật chính là đang xâm phạm quyền tác giả, chí ít là quyền về nhân thân của tác giả.
Tạo sự vui vẻ cho công chúng
Pháp luật một số nước trên thế giới cho phép cải biên và có những quy định chặt chẽ cụ thể trong luật hoặc trong án lệ. Xin giới thiệu một ví dụ trong Luật sở hữu trí tuệ của Pháp. Luật này quy định khi một tác phẩm được công bố, tác giả không thể ngăn cấm việc nhại, chế, cải biên tác phẩm đó bởi vì tuân theo quy luật cần thiết, tính đa dạng của sở thích.Tác phẩm cải biên khác với tác phẩm gốc có thể là do có thêm tính khôi hài hay tính phê phán (trên tinh thần xây dựng). Nếu cải biên dựa trên cơ sở quyền tự do bày tỏ ý kiến mà làm tổn hại, đôi khi nghiêm trọng, đến quyền của tác giả về tài sản cũng như tinh thần (nhân thân) thì vẫn được cho phép như một ngoại lệ.
Khi cải biên, cần tuân thủ một số điều kiện. Ðó là thiện chí tạo sự vui vẻ cho công chúng, do đó tác phẩm cải biên không thể gây buồn phiền. Nói cách khác, mục đích gây cười phải được thể hiện thật rõ ràng và đặc biệt phải tránh xa sự phỉ báng. Nhìn ở góc độ lập pháp, thiện chí này được coi là điều kiện cần để thực hiện cải biên. Xét theo các án lệ, khi mọi hành vi bắt chước các tác phẩm nghệ thuật gây cười được sẽ không bị chế tài.
Trong vụ án "Tarzoon, niềm tủi hổ của núi rừng", tòa đã dựa theo ngoại lệ quy định của luật 1957, bác đơn kiện của đạo diễn Picha vì các nhân vật chính được xây dựng ngược hẳn với tính cách của nhân vật chính trong truyện gốc. Ví dụ Tarzan thì mạnh mẽ, đẹp trai, can đảm, cao thượng... thì Tarzoon thấp bé, xấu trai, bẳn tính. Nhân vật vợ cũng được xây dựng theo cung cách đó. Trong khi Jane, vợ Tarzan luôn dịu dàng, trung thành thì June, vợ Tarzoon như mụ hó lúc nào cũng la ó, đành hanh, thích chỉ huy, lại lẳng lơ...
Chính sự khác biệt có thể nói là sự đối ngược của hai tính cách, hai ngoại hình tạo nên sự khác biệt giữa tác phẩm gốc và tác phẩm nhại theo và cũng dựa trên yếu tố gây cười mà bộ phim đó được coi là cải biên hợp pháp.
Quyền sở hữu trí tuệ là một quyền quan trọng đối với cá nhân cũng như pháp nhân (các tổ chức, doanh nghiệp) nhưng trên thực tế chưa được đánh giá và bảo vệ đúng, mặc dù Luật sở hữu trí tuệ VN có hiệu lực hơn hai năm.
Vụ tranh chấp giữa những người thừa kế Margaret Mitchell, tác giả Cuốn theo chiều gió và Régine Desforges (nhà văn Pháp), tác giả Xe đạp xanh (đã dựng thành phim và chiếu trên truyền hình VN) là một ví dụ khác về việc được phép cải biên. Tòa phúc thẩm Paris đã phán xử rằng các ý tưởng của Cuốn theo chiều gió không được bảo hộ.
Cho dù Xe đạp xanh được coi là phóng tác của Cuốn theo chiều gió nhưng tác giả Desforges đã giữ tác phẩm của mình có khoảng cách nhất định với tác phẩm đàn chị, bằng cách cho nhân vật nữ chính của mình đọc Cuốn theo chiều gió rồi hâm mộ nhân vật Scarlet và lấy đó làm gương sống giàu nghị lực. Ðiểm nhấn này tuy nhỏ nhưng đã làm tác phẩm sau (Xe đạp xanh) khác so với tác phẩm trước (Cuốn theo chiều gió).
Trong vụ tranh chấp này, việc tác phẩm sau có gây nhầm lẫn hay không lại không còn quan trọng, chủ yếu là "thiện chí thích đùa" mà tác giả Desforges dành cho tác phẩm nổi tiếng của Margaret Mitchell!
Phê phán sinh hoạt chính trị - xã hội
Tuy vậy, trên thực tế có trường hợp cải biên vẫn được chấp nhận khi hoàn toàn không có một ý định gây cười dù nhỏ nào. Ðó là vụ kiện Les feuilles mortes. Họa sĩ thiết kế sân khấu Jacques Faizant đã vẽ biếm họa Yves Montand, trong buổi ca nhạc tổ chức nhân ngày ca sĩ lừng danh đó qua đời. Hình biếm họa mô tả Yves Montand đang hát trên sân khấu, và họa sĩ này đã sửa chút ít lời bài hát Les feuilles mortes với ý định thể hiện sự tiếc thương ca sĩ được nhiều yêu mến này.Tòa án thẩm quyền rộng Paris(*) ra phán quyết không coi "sự vay mượn lời ca" này là một hình thức cải biên hợp pháp vì không có tính hài hước. Nhưng tòa phúc thẩm Paris lại cho rằng mục đích chính của tác phẩm cải biên là để vinh danh người quá cố và không hề gây nhầm lẫn với tác phẩm gốc, do đó việc cải biên hoàn toàn hợp pháp.
Cho tới nay, theo thực tiễn xét xử, luật của Pháp đã cho một kết luận mới. Trước đây, việc cải biên một tác phẩm nghệ thuật không bị xử phạt chỉ với một điều kiện duy nhất là có thiện chí gây cười. Nhưng giờ thì khác, bởi vì cải biên để phê phán sinh hoạt chính trị - xã hội, thậm chí không gây cười, cũng đã được phép, thông qua các án lệ.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng nếu cải biên mang tính chất bôi nhọ, phỉ báng nhằm vào tác giả thì sẽ không được khoan nhượng, nhất là khi với ít nhiều ác ý. Trong trường hợp này, tòa án sẽ xem xét việc cải biên có yếu tố kiếm lợi (động cơ) hay không và mức kiếm lợi bao nhiêu để ra mức xử phạt..
(*) Tribunal de grande instance: tòa dân sự phụ trách xét xử những vụ tranh chấp có giá trị trên 10.000 euro.
SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ
Trích dẫn từ:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=285174&ChannelID=6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét