- Tải về sách Ebook Bộ luật Tố tụng dân sự và văn bản hướng dẫn, biễu mẫu kèm theo
- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở góc phải để tải về)
- Bộ Luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn mới nhất
CÔNG VĂN
CỦA TANDTC SỐ 109/KHXX NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2006 VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG BIẾT ĐỊA CHỈ CỦA NGƯỜI BỊ KIỆN
Kính gửi: - Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực từ ngày 01-01-2005. Theo quy định tại khoản 1 Điều 164 BLTTDS, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTĐS, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện (điểm đ khoản 2 Điều 1 64).
Trong trường hợp người khởi kiện không thi hành đúng quy định nêu trên của BLTTDS, thì Toà án yêu cầu họ phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của BLTTĐS. Nếu họ không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của BLTTĐS.
Tuy nhiên, qua theo dõi mục nhắn tin trên địa chỉ của người bị kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, Toà án nhân dân tối cao nhận thấy có một số Toà án nhân dân địa phương khi thụ lý vụ án dân sự như: đòi tài sản, tranh chấp di sản thừa kế, ly hôn... đã không kiểm tra đầy đủ đơn khởi kiện cho nên sau khi thụ lý vụ án, do không biết địa chỉ của người bị kiện nên đã ra thông báo tìm kiếm địa chỉ của người bị kiện vắng mặt tại nơi cư trú. Việc làm này là không đúng với quy định của BLTTDS. Trong thông báo tìm kiếm địa chỉ của người bị kiện, Toà án thường yêu cầu người bị kiện trong thời hạn do Toà án ấn định phải có mặt tại Toà án để giải quyết vụ án; nếu không có mặt đúng hạn, Toà án sẽ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Để thi hành đúng và thống nhất quy định của BLTTDS, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm" của BLTTDS. Tại các tiểu mục 8.5, 8.6 và 8.7 mục 8 Phần I của Nghị quyết hướng dẫn:
"8:5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do "chưa tìm được địa chỉ của bị đơn" là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
8.6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
8.7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan."
Toà án nhân dân tối cao đề nghị các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đúng các hướng dẫn trên đây của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và lưu ý một số điểm như sau:
1. Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần rà soát lại trong số các vụ án dân sự đã thụ lý và đang có quyết định tạm đình chỉ vì lý do "chưa tìm được địa chỉ của bị đơn" không?
Nếu có vụ án nào thuộc trường hợp này thì tiếp tục đưa ra giải quyết theo hướng dẫn tại các tiểu mục 8.5, 8.6 và 8.7 mục 8 Phần I của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Trường hợp người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì trả lại đơn khởi kiện cho họ và xoá sổ thụ lý. Đồng thời hướng dẫn họ thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2. Trường hợp người khởi kiện có yêu cầu Toà án thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án cần hướng dẫn cho họ làm đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và đây là việc dân sự. Toà án xem xét thụ lý giải quyết theo quy định tại Chương XX và Chương XXII BLTTDS.
Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận được Công văn này cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện.
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét