- Tải về sách Ebook hướng dẫn các thủ tục hành chính thường gặp và biểu mẫu đính kèm
- Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất
*** Luật cư trú được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày, tháng, năm nào? Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày, tháng, năm nào? Luật cư trú có hiệu lực kể từ ngày, tháng, năm nào; có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều?
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006.
- Chủ tịch nước ký lệnh số 26/2006/L-CTN ngày 12 tháng 12 năm 2006 về việc công bố Luật Cư trú.
- Luật Cư trú có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2007.
- Luật Cư trú bao gồm 06 chương với 42 điều:
Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm có 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định những vấn đề chung về cư trú như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú; các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: Quyền, trách nhiệm công dân về cư trú
Chương này có 09 điều (từ Điều 09 đến Điều 17), quy định quyền của công dân về cư trú; các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng, nơi cư trú của cán bộ chiến sỹ Quân đội nhân dân và công an nhân dân; nơi cư trú của người làm nghề lưu động.
Chương III: Đăng ký thường trú
Chương này gồm 12 điều (từ Điều 18 đến Điều 29), quy định về đăng ký thường trú; điều kiện để đăng ký thường trú tại tỉnh; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; thủ tục đăng ký thường trú; xóa đăng ký thường trú, thay đổi đăng ký thường trú trong trường hợp thay đổi chỗ ở hợp pháp; sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân; tách sổ hộ khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu.
Chương IV: Đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng
Chương này gồm 3 điều (từ Điều 30 đến Điều 32), quy định về đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng.
Chương V: Trách nhiệm quản lý cư trú
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 33 đến Điều 39), quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý cư trú; trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật; cơ sở dữ liệu về cư trú; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.
Chương VI: Điều khoản thi hành
Chương này bao gồm 3 điều (từ Điều 40 đến Điều 42), quy định hiệu lực của Luật; việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về hộ khẩu; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. *** Điều nào trong Hiến pháp năm 1992 quy định quyền tự do cư trú của công dân và được cụ thể hóa như thế nào trong Luật cư trú? Luật cư trú có những quy định nào để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú?
*Quyền tự do cư trú của công dân quy định trong Hiến pháp năm 1992 và Luật cư trú:
Quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946, Điều 28 Hiến pháp năm 1959, Điều 71 Hiến pháp năm 1980 và Điều 68 Hiến pháp 1992, được cụ thể hoá trong Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta.
Điều 68, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền tự do cư trú của công dân như sau:
“Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”.
Quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Luật Cư trú được thể hiện bằng việc công dân tự do lựa chọn, quyết định nơi thường trú, nơi tạm trú theo quy định của pháp luật. Quyền tự do cư trú của công dân còn được thể hiện bằng việc công dân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho họ.
Vì vậy, Điều 3 Luật Cư trú đã cụ thể hóa như sau:
“Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.
Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”
*Những quy định của Luật cư trú bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú:
Để bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do cư trú, Luật đã quy định rõ các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, đó là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm hài hoà quyền, lợi ích của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. (Điều 4, Luật Cư trú)
Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm hiệu quả. Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú một nơi”. Đồng thời, Luật cũng quy định các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và hoạt động quản lý cư trú.
Điều 5 Luật Cư trú khẳng định quyền tự do cư trú của công dân được Nhà nước bảo đảm. Mọi hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý nghiêm minh. Trong Điều này, Luật cũng đã thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động quản lý cư trú, bằng cách bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn lực, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Việc quan tâm về nguồn lực cũng như về vật chất của Nhà nước cho hoạt động quản lý cư trú cũng có nghĩa là phục vụ tốt cho việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Điều 6 Luật Cư trú còn quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước thông qua Bộ Công an và Uy ban nhân dân các cấp. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của Luật cư trú, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ.
Ngoài ra, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý cư trú phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến quản lý cư trú mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam. (Điều 7, Luật cư trú)
Một trong những quy định nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Điều 8, đó là các hành vi bị nghiêm cấm. Điều này quy định cụ thể chín nhóm hành vi bị nghiêm cấm, để áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân được thực hiện nghiêm chỉnh, không bị gây phiền hà trong khi thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú hoặc thông báo lưu trú; đồng thời, cũng bảo đảm cho công tác quản lý cư trú đạt hiệu quả cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét