Thứ Năm, 28 tháng 2, 2008

CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH PHÁN QUYẾT VỀ TÀI SẢN CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI Ở ĐỨC

GS.TS. THOMASRAUSCHER -  ĐH Tổng hợp Leipzip, CHLB Đức

1. GIỚI THIỆU

a. Thi hành các phán quyết của tòa án trong và ngoài Cộng đồng Châu Âu

Các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng trong thương mại quốc tế có thể được giải quyết ở tòa án quốc gia có thẩm quyền theo quy định pháp luật của quốc gia đó trừ khi có điều khoản trọng tài trong hợp đồng hạn chế thẩm quyền của tòa án. Khi lựa chọn một tòa án để giải quyết tranh chấp, thẩm quyền giải quyết theo các quy định của tòa án đó không phải là yếu tố duy nhất để xem xét. Khởi kiện ở tòa án nơi nguyên đơn cư trú có vẻ là thuận lợi. Tuy nhiên, việc thi hành phán quyết**

của tòa án của quốc gia nơi nguyên đơn cư trú là rất khó khăn trừ khi phán quyết đó được thi hành do tài sản của bị đơn bị tịch thu. Việc thi hành phán quyết về tài sản (money judgment) ở Đức được điều chỉnh bởi Nghị định của Cộng đồng Châu Âu (EC) số 44/20011 về thẩm quyền, công nhận và thi hành các phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại (Nghị định Brussels I), nếu phán quyết đó là của một tòa án của một quốc gia thành viên EC2, hoặc bởi pháp luật quốc gia, đó là Điều 723, 724, 328 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức (ZPO3) nếu phán quyết đó là của một tòa án của một quốc gia không phải là thành viên của EC. Các quy định song phương về công nhận và thi hành phán quyết đang có hiệu lực giữa Đức với quốc gia nơi tòa án ra phán  quyết cũng có thể được áp dụng.

Theo Nghị định của EC số 805/2004 mới ban hành vừa qua về việc thiết lập lệnh thi hành Châu Âu các yêu cầu không bị phản đối4, việc thi hành phán quyết của tòa án của quốc gia thành viên EC5 công bố sau ngày 20/10/2005 sẽ được thực hiện mà không cần tuyên bố cho phép thi hành (declaration of enforceability) của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi phán quyết sẽ được thi hành khi phán quyết đó thỏa mãn một số điều kiện cụ thể.

b. Thi hành các phán quyết của trọng tài

Phán quyết trọng tài cũng không thể thi hành nếu không có tuyên bố cho phép thi hành. Ở Đức, việc thi hành phán quyết của trọng tài được điều chỉnh bởi Công ước của Liên hiệp quốc về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài6 ngày 10/6/1958, cho dù phán quyết đó do tòa án trọng tài ở một quốc gia không phải là thành viên của Công ước này, vì Điều 1061 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức (ZPO) quy định Công ước này áp dụng đối với bất kỳ phán quyết trọng tài nước ngoài nào. Việc công nhận và thi hành chỉ có thể bị từ chối trên cơ sở quy định tại Điều V Công ước này, bao gồm cả chính sách công cộng của nước mà phán quyết trọng tài được thi hành. Tuy nhiên, nguyên tắc có đi có lại hay thẩm quyền xét xử không phải là điều kiện tiên quyết để công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Chính vì vậy, việc công nhận và thi hành các phán quyết về tài sản thì dễ dàng hơn, nếu phán quyết đó xuất phát từ tòa án của một quốc gia thành viên theo Nghị định Brussels I của EC, hay từ tòa án trọng tài. Chính sách công cộng là một yếu tố thậm chí quan trọng hơn khi công nhận và thi hành phán quyết ngoài EC vì Liên minh Châu Âu có các nguyên tắc cơ bản về quyền con người mà các nước khác có thể quy định khác. Những nguyên tắc như vậy có ảnh hưởng lớn đến một câu hỏi là quá trình tố tụng có trái với chính sách công cộng của Đức hay không.

Bài viết này sẽ giải thích các nguyên tắc về công nhận và thi hành phán quyết của tòa án theo Nghị định Brussels I của EC (phần 2), các quy định ngoại lệ đối với các yêu cầu không bị phản đối ở EC (phần 3), cũng như việc công nhận và thi hành các phán quyết của tòa án từ các quốc gia không phải là thành viên của EC theo luật pháp của Đức (phần 4).

2. THI HÀNH PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN THEO NGHỊ ĐỊNH BRUSSELS I CỦA EC

a. Thi hành

aa. Nghị định Brussels I áp dụng đối với các phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại với một số ngoại lệ được quy định tại khoản 2 Điều 17. Các phán quyết phát sinh từ các tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng trong thương mại quốc tế thường sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định Brussels I.

Tuyên bố cho phép thi hành (exequatur) theo Nghị định Brussels I được cấp theo đơn yêu cầu của người có quyền gửi tới tòa án hay cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Phụ lục II của Nghị định Brussels I, mà ở Đức là thẩm phán phụ trách một bộ phận của tòa án khu vực (presiding judge of a chamber of the Landgericht). Thẩm quyền về lãnh thổ thuộc về tòa án nơi cư trú của người phải thi hành hay tòa án nơi thi hành bản án đó (Điều 39). Nơi cư trú của cá nhân được xác định theo pháp luật quốc gia của nước đó (Điều 59). Nơi cư trú của công ty, có thể lựa chọn, là nơi đăng ký kinh doanh, hoặc nơi đặt trụ sở chính, hoặc nơi công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh chính (Điều 60). Người làm đơn không cần phải có một luật sư Đức làm đại diện nhưng phải cung cấp một địa chỉ ở Đức để phục vụ cho việc tống đạt tài liệu trong quá trình giải quyết.

bb. Cùng với đơn yêu cầu, bên yêu cầu thi hành phải cung cấp bản sao phán quyết của tòa án đáp ứng các yêu cầu cần thiết thể hiện tính xác thực của bản sao (Điều 53). Một bản sao đơn thuần sẽ không thỏa mãn, nhưng bản sao đó chỉ cần sự xác thực của công chứng viên hay của chính tòa án nước ngoài là đủ. Bên cạnh đó, bên yêu cầu thi hành cũng phải cung cấp một giấy xác nhận (certificate) của tòa án hay cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên nơi đưa ra phán quyết theo quy định tại Điều 54 và Phụ lục V.

cc. Một phán quyết chỉ có thể được cho phép thi hành ở Đức nếu nó có hiệu lực thi hành ở quốc gia thành viên đưa ra phán quyết đó. Việc thi hành sơ bộ là đủ. Tuy nhiên phán quyết không cần phải là chung thẩm (res judicata) ở quốc gia đã đưa ra phán quyết đó; việc thi hành có thể được chấp nhận ngay cả khi việc kháng cáo đang được thực hiện miễn là phán quyết vẫn có hiệu lực thi hành trong quá trình kháng cáo ở quốc gia đưa ra phán quyết đó.

dd. Việc phản đối thi hành phán quyết không thể được đặt ra ở tòa sơ thẩm. Khác với khái niệm quy định tại Công ước Brussels I trước đây đang tiếp tục áp dụng đối với các phán quyết được xem xét ở Đan Mạch, tuyên bố cho thi hành theo Nghị định Brussels I được quyết định theo một thủ tục đơn phương. Bên phải thi hành sẽ không được thông báo hoặc không được cung cấp phán quyết gốc ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu bên này biết được về đơn yêu cầu xin thi hành và trình cho tòa án bản tự bảo vệ, tòa án sẽ xem xét bản tự bảo vệ này.

ee. Sau khi tòa án đồng ý cho thi hành, tuyên bố cho thi hành cũng như phán quyết gốc phải được giao cho bên phải thi hành phán quyết (Điều 42). Quyết định này có thể bị kháng cáo bởi các bên có liên quan, đặc biệt là bên đã không có cơ hội tham gia ở cấp sơ thẩm. Do đó, các cản trở ngăn cản việc thi hành, tương tự như các cản trở ngăn cản việc công nhận, thường được trình bày trong kháng cáo. Để tránh tình trạng có sự khác biệt (hardship), tòa án nơi nhận kháng cáo về quyết định cho thi hành, theo yêu cầu của bên kháng cáo, tạm ngưng xem xét nếu có kháng cáo về phán quyết gốc ở quốc gia đưa ra phán quyết đó, hoặc thời hạn dành cho kháng cáo như vậy chưa hết (Điều 46).

b. Công nhận

aa. Việc công nhận phán quyết được quy định tại Điều 32 và các điều tiếp theo. Khi có đơn kháng cáo đối với tuyên bố cho phép thi hành, những cản trở ngăn cản việc công nhận phải được xem xét. Cho dù quan điểm chung là loại bỏ một số cản trở đối với việc công nhận được quy định trong pháp luật quốc gia trên cơ sở nguyên tắc tin tưởng các tòa án của quốc gia thành viên, việc không công nhận trên cơ sở chính sách công cộng (public policy) của quốc gia nơi thi hành phán quyết vẫn không bị từ bỏ.

bb. Theo nguyên tắc chung, phán quyết được công nhận mà không cần có một thủ tục đặc biệt nào; việc công nhận là điều kiện tiên quyết cho việc thi hành được kiểm tra trong quá trình tuyến bố cho phép thi hành như đã nêu ở trên. Không có việc xem xét lại đến gốc (revision au fonds), có nghĩa là phán quyết của tòa án nước ngoài không bị xem xét đến nội dung cũng như các nguyên tắc của tư pháp quốc tế. Thậm chí nếu tòa án nước ngoài áp dụng nhầm hệ thống pháp luật theo luật xung đột (conflict of law) của nó, thì những sai sót như vậy không cản trở việc công nhận. Vì Nghị định Brussels I quy định một hệ thống độc lập các quy tắc thẩm quyền xét xử, việc không có thẩm quyền xét xử không phải là cản trở ngăn cản việc công nhận, nhưng có một ngoại lệ là một phán quyết sẽ không được công nhận nếu nó mâu thuẫn với các quy tắc về thẩm quyền của Nghị định Brussels I trong các vấn đề liên quan đến bảo hiểm (phần 3), hợp đồng với người tiêu dùng (phần 4) hoặc thẩm quyền độc quyền (phần 6) (của Chương II).

cc. Tất cả các phản đối khác chống lại việc công nhận được quy định rõ tại Điều 34. Một phán quyết sẽ không được công nhận nếu việc công nhận đó rõ ràng là trái với chính sách công cộng (khoản 1 Điều 34)***. Chính sách công cộng của Đức, được áp dụng nếu phán quyết đó sẽ được thi hành ở Đức, phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống các quyền dân sự và quyền con người cơ bản quy định trong Hiến pháp Đức (Grundgesetz8) cũng như các quyền cơ bản tương tự quy định trong Công ước Châu Âu về quyền con người9. Một phán quyết của tòa án nước ngoài không chỉ trái với chính sách công cộng nếu kết quả pháp lý chính của nó rõ ràng mâu thuẫn với các quyền cơ bản. Cũng còn có cái được gọi là chính sách công cộng “tố tụng”, nó có thể ngăn cản việc công nhận hay thi hành phán quyết, nếu thủ tục dẫn đến phán quyết đó thiếu tôn trọng các quyền cơ bản. Quyền được bảo vệ tại tòa án, tính trung thực và độc lập của thẩm phán, tính bình đẳng giữa các bên và tính công bằng trong phiên tòa xét xử là những tiêu chuẩn cơ bản mà một phán quyết của tòa án nước ngoài phải tuân thủ. Tham nhũng, ảnh hưởng của cơ quan hành chính đến thẩm phán, phân biệt đối xử đối với người nước ngoài ở tòa án, hạn chế đối với những ý kiến pháp lý và với những người tham gia được xem là trái với chính sách công cộng và sẽ ngăn cản việc công nhận và thi hành. Những vấn đề như vậy thường không được đặt ra đối với các phán quyết của các tòa án từ các nước thành viên EC, trừ một số ngoại lệ. Tuy nhiên, người ta cũng căn cứ chính sách công cộng tố tụng tương tự khi xem xét  cho thi hành phán quyết của các tòa án từ các nước ngoài EC (khoản 4), nơi mà các tiêu chuẩn tư pháp trong chính sách công cộng của Đức nhiều khi không được đáp ứng.

dd. Một sự bảo vệ đặc biệt đối với bị đơn được quy định tại khoản 2 Điều 34, khi một phán quyết được tuyên mà không có mặt của bị đơn. Bị đơn không được tống đạt các tài liệu trong quá trình tố tụng trong khoảng thời gian thích hợp và bằng cách phù hợp để giúp bị đơn chuẩn bị bào chữa, có thể khiếu nại phán quyết đó và ngăn cản việc công nhận nó. Vấn đề kiểm tra các sai sót chính thức trong việc tống đạt tài liệu như vậy đã được giảm đi so với Công ước Brussels I vì Công ước này quy định bất cứ sai sót chính thức nào trong việc tống đạt tài liệu đều dẫn đến những cản trở ngăn cản việc công nhận. Tuy nhiên các quy tắc áp dụng về việc tống đạt tài liệu theo Nghị định Brussels I của EC về tống đạt tài liệu tư pháp và tài liệu khác trong các vụ việc dân sự và thương mại cần được tuân thủ khi bị đơn ở một quốc gia thành viên được tống đạt tài liệu để bắt đầu một thủ tục tố tụng ở một quốc gia thành viên khác. Chỉ những lỗi nhỏ mới được bỏ qua nếu chúng không cản trở bị đơn chuẩn bị việc bào chữa cho mình. Mặc dù việc tống đạt tài liệu là đúng thời hạn theo quy định của quốc gia nơi có tòa án xét xử, nhưng việc tống đạt tài liệu đó vẫn có thể không được xem là đủ thời gian cho bị đơn chuẩn bị bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 34. Bị đơn cần phải có khoảng thời gian 2 tháng để chuẩn bị cho việc bào chữa nếu tài liệu đó bằng tiếng nước ngoài và bị đơn không quen với hệ thống tòa án và pháp luật xét xử. Tuy nhiên, việc được tống đạt tài liệu trễ hoặc không đúng thủ tục không phải là lý do để bị đơn phản đối việc công nhận phán quyết, nếu bị đơn đã không tiến hành các thủ tục cần thiết để chống lại phán quyết ở nước đưa ra phán quyết gốc đó khi bị đơn có thể thực hiện được điều đó.

ee. Sự khác biệt (irreconcilability) với một phán quyết về một tranh chấp giữa cùng các bên là một cản trở ngăn cản việc công nhận trong những trường hợp khác: Nếu một phán quyết như vậy được một tòa án của Đức công bố thì không thể công nhận một phán quyết của tòa án nước ngoài khác biệt với phán quyết của tòa án Đức, cho dù quá trình tố tụng ở tòa án Đức diễn ra sau, hay thậm chí phán quyết của tòa án Đức được ban hành sau phán quyết của tòa án nước ngoài. Tuy nhiên nếu trường hợp một phán quyết của tòa án nước ngoài khác có sự khác biệt với phán quyết đang xin thi hành (ở Đức), nguyên tắc ưu tiên được áp dụng: chỉ có phán quyết ban hành sớm hơn – là phán quyết của tòa án của một nước là thành viên của EC hay không phải là thành viên EC - sẽ ngăn cản việc công nhận và thi hành phán quyết đang xin thi hành, miễn là phán quyết ban hành sớm hơn đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết về công nhận ở Đức.

3. PHÁN QUYẾT VỀ CÁC YÊU CẦU KHÔNG BỊ PHẢN ĐỐI TỪ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN EC

a. Yêu cầu không bị phản đối

Nghị định của EC số 805/2004 về thiết lập lệnh thi hành Châu Âu các yêu cầu không bị phản đối chỉ áp dụng đối với các phán quyết ở cùng các vấn đề cơ bản như trong Nghị định Brussels I. Do vậy các phán quyết trong các tranh chấp thương mại quốc tế sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, Nghị định này chỉ áp dụng đối với các yêu cầu không bị phản đối (uncontested claims) theo quy định tại Điều 310, nghĩa là các yêu cầu mà con nợ rõ ràng đã đồng ý bằng việc thừa nhận, hay dàn xếp, hay những tình huống mặc định, khi con nợ - là bị đơn theo Nghị định này - không bao giờ phản đối yêu cầu, cũng như các trường hợp mà con nợ không xuất hiện hoặc không được đại diện sau lần xuất hiện ban đầu, miễn là hành vi như vậy hình thành nên sự thừa nhận ngầm theo pháp luật của quốc gia đưa ra phán quyết.

b. Bãi bỏ sự công nhận bằng sự xác nhận

Mục đích chính của Nghị định này là loại bỏ điều kiện tiên quyết về sự công nhận theo Nghị định Brussels I cũng như theo các công ước và pháp luật quốc gia. Như vậy, một phán quyết về một yêu cầu không bị phản đối sẽ được thi hành ở tất cả các quốc gia thành viên EC bởi sự xác nhận (certification) từ quốc gia thành viên đưa ra phán quyết nếu một số yêu cầu thêm được đáp ứng. Tuy nhiên sự tin tưởng tuyệt đối (full faith and credit) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Hiến pháp Mỹ11 áp dụng đối với hầu hết các phán quyết giữa các tiểu bang của Mỹ còn rộng hơn. Đối với Châu Âu, Nghị định này chỉ là một bước tiến tới sự tin tưởng tuyệt đối và tranh luận về bước đi như vậy có phù hợp hay không cho thấy không ai có thể biết rằng khi nào thì sự tin tưởng tuyệt đối sẽ thực sự đạt được và điều đó có thể xẩy ra hay không.

Trừ phi bị đơn là người tiêu dùng, sự xác nhận như vậy sẽ được cấp nếu (Điều 6) phán quyết - được thi hành ở quốc gia ban hành nó - không xung đột với các quy tắc về thẩm quyền xét xử liên quan đến các vụ việc bảo hiểm và với quy tắc liên quan đến thẩm quyền độc quyền quy định tại phần 3 và 6 (Chương II) Nghị định Brussels I - và các tiêu chuẩn tối thiểu về tống đạt tài liệu và thông tin cho bị đơn tuân thủ các quy định tại Điều 12 và các điều tiếp theo, Điều 16 và các điều tiếp theo. Các tiêu chuẩn tối thiểu như vậy được quy định nhằm đảm bảo rằng bị đơn không chỉ đã được tống đạt tài liệu liên quan đến vụ việc mà đã nhận thức được hay đã phải nhận thức được vụ việc.

c. Thi hành, bãi bỏ sự phản đối vì chính sách công cộng

Việc thi hành được cho phép ở bất kỳ quốc gia thành viên EC nào, ngoại trừ Đan Mạch theo một thủ tục tương tự, vì tồn tại quyền cho phép thi hành của các cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia thành viên tương ứng. Nguyên đơn chỉ phải xuất trình bản sao phán quyết có xác thực và giấy xác nhận lệnh thi hành Châu Âu (European Order Certificate), được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia đưa ra phán quyết theo mẫu phù hợp quy định tại phụ lục của Nghị định; trong một số trường hợp cần phải dịch giấy xác nhận sang ngôn ngữ phù hợp (Điều 20).

Tòa án quốc gia thành viên nơi phán quyết được thi hành, có thể từ chối việc thi hành chỉ duy nhất trên cơ sở có sự khác biệt với một phán quyết trước đó liên quan đến cùng một vụ việc được ban hành ở nước này hoặc thỏa mãn các điều kiện tiên quyết được công nhận ở nước này. Cụ thể, không có sự phản đối trên cơ sở chính sách công cộng hay sự thiếu sót về tống đạt tài liệu ở quốc gia thi hành. Tòa án ở quốc gia thành viên này có thể trì hoãn việc thực thi lệnh thi hành Châu Âu bằng việc ra lệnh ngưng hay hạn chế thi hành nếu con nợ khiếu kiện phán quyết hay sự xác nhận lệnh thi hành Châu Âu ở quốc gia đã ban hành. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc thực thi phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của Châu Âu về quyền con người, tòa án cũng có thể ra lệnh tạm đình chỉ thi hành nếu con nợ khiếu kiện phán quyết ra Tòa án Châu Âu về quyền con người12 do vi phạm các quyền cơ bản quy định trong Công ước Châu Âu về quyền con người13.

4. PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN TỪ CÁC NƯỚC NGOÀI EC

a. So sánh với hệ thống của EC

Cấu trúc chung của việc thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài theo luật pháp của Đức tương tự như Nghị định Brussels I. Tuy nhiên có một số khác biệt đáng kể sẽ được trình bày chi tiết dưới đây. Đặc biệt, không có ngoại lệ cho các phán quyết không bị phản đối. Vì Nghị định của EC về yêu cầu không bị phản đối phụ thuộc vào cộng đồng các quốc gia có chung các giá trị, nguyên tắc và quyền cơ bản điều chỉnh quá trình tố tụng dân sự. Rõ ràng là không có khái niệm tin tưởng tuyệt đối đối với phán quyết của tòa án của các nước khác. Do đó, thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài chỉ có thể thông qua việc một tòa án của Đức tuyên bố cho phép thi hành theo quy định tại Điều 723 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức (ZPO).

b. Thi hành

aa. Việc cho phép thi hành sẽ được quyết định trên cơ sở đơn yêu cầu gửi đến tòa án sơ thẩm, tức tòa địa phương (Amtsgericht) nếu số tiền tranh chấp không quá 5.000 Euro, hay tòa án khu vực (Landgericht) nếu số tiền tranh chấp lớn hơn 5.000 Euro. Thẩm quyền lãnh thổ thuộc  về tòa án nơi cư trú của bị đơn (Điều 12, 13 ZPO) hoặc nơi có trụ sở kinh doanh chính của công ty (Điều 12, 17 ZPO). Thẩm quyền về lãnh thổ cũng thuộc về tòa án nơi có tài sản của bị đơn (Điều 23 ZPO). Cũng như quy định của Nghị định Brussels I, nguyên đơn phải xuất trình bản sao phán quyết của tòa án nước ngoài có xác thực. Việc xác thực bởi tòa án của quốc gia ngoài EC hay bởi công chứng viên phải đính kèm một xác nhận (apostille) theo quy định của Công ước Hague về xóa bỏ các yêu cầu về hợp thức hóa lãnh sự đối với các văn bản nước ngoài14 ngày 05/10/1961, hoặc một bản hợp thức hóa lãnh sự của lãnh sự quán hay đại sứ quán Đức.

Trình tự theo quy định tại Điều 722 ZPO tại tòa sơ thẩm khác với trình tự quy định trong Nghị định Brussels I. Bị đơn cần phải được thông báo về đơn yêu cầu xin thi hành và có thể đệ trình sự phản đối. Hơn thế nữa, việc thi hành chỉ được cho phép khi phán quyết của tòa án nước ngoài có hiệu lực chung thẩm đầy đủ (res judicata) ở nước đó. Sẽ không có việc thi hành một phán quyết của tòa án của một nước ngoài EC nếu phán quyết đó đang bị kháng cáo hay đang bị xem xét lại ở nước đã ra phán quyết đó (khoản 2 Điều 723 ZPO).

cc. Một vấn đề quan trọng trong thủ tục thi hành là công nhận. Một phán quyết của tòa án nước ngoài sẽ không được tuyên bố cho thi hành nếu có bất kỳ cản trở nào ngăn cản việc công nhận phán quyết đó.

c. Công nhận

aa. Việc công nhận phán quyết của tòa án nước ngoài theo quy định tại Điều 328 ZPO chỉ khác so với quy định tại Nghị định Brussels I khi có các cản trở. Việc công nhận theo luật pháp của Đức thông thường cũng được thực hiện mà không cần một quy trình cần thiết đặc biệt nào và không xem xét lại đến gốc (revision au fonds) liên quan đến pháp luật nội dung cũng như tư pháp quốc tế.

bb. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 328 ZPO vấn đề thẩm quyền xét xử của tòa án nước ngoài là một vấn đề quan trọng khi xem xét công nhận phán quyết đó. Trong khi tinh thần tin tưởng lẫn nhau là cơ sở để xây dựng pháp luật Châu Âu, điểm 1 khoản 1 Điều 328 ZPO căn cứ vào nguyên tắc kiểm soát thẩm quyền trong việc công nhận. Thẩm quyền của tòa án nước ngoài được xác định căn cứ vào quy định pháp luật của Đức. Do đó, mặc dù tòa án nước ngoài có thẩm quyền xét xử theo luật pháp của nước đó, việc công nhận ở Đức phụ thuộc vào việc tòa án đó có thẩm quyền hay không nếu luật pháp của Đức được áp dụng ở nước đó. Hệ quả là một tòa án nước ngoài được xem là đã thực thi cái gọi là “thẩm quyền có đi có lại” (reciprocal jurisdiction) nếu bị đơn là người cư trú ở nước đó (Điều 12, 13 ZPO), bị đơn là công ty có trụ sở kinh doanh chính (Điều 12, 17 ZPO) hay chi nhánh (Điều 21 ZPO) ở nước đó, nơi thực thi nghĩa vụ tương ứng (Điều 29 ZPO) hay nơi bị đơn có tài sản (Điều 23 ZPO) là ở nước đó. Các quy tắc khác được áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể của pháp luật như các vụ việc liên quan đến thừa kế, tài sản của công ty hay bất động sản.

cc. Việc tống đạt các tài liệu ban đầu (điểm 2 khoản 2 Điều 328) và chính sách công cộng (điểm 4 khoản 2 Điều 328 ZPO) được áp dụng một cách tương tự như quy định tại Điều 43 Nghị định Brussels I. Tuy nhiên điểm 2 khoản 2 Điều 328 được xây dựng dựa trên Công ước Brussels I trước đây hơn là Nghị định Brussels I mới sau này. Chính vì vậy, bất kỳ sai sót nào liên quan đến thủ tục tống đạt tài liệu sẽ là cản trở ngăn cản việc công nhận và thi hành. Nếu bị đơn được tòa án hay nguyên đơn ở một nước ngoài EC tống đạt tài liệu, tính thường xuyên của việc tống đạt tài liệu này được điều chỉnh bởi Công ước Hague về tống đạt tài liệu tư pháp và các tài liệu khác trong các vụ việc dân sự hay kinh tế ở nước ngoài ngày 15/11/196515, hay bởi quy định pháp luật của quốc gia nơi tòa án đã ra phán quyết nếu quốc gia đó không phải là thành viên của Công ước Hague này. Việc tống đạt tài liệu đúng thời gian là một yếu tố quan trọng hơn vì có những khó khăn phát sinh do khoảng cách về địa lý, cũng như khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống pháp luật. Khoảng thời hạn tối thiểu cho việc tống đạt tài liệu và phiên xét xử theo quy định về thủ tục tố tụng của quốc gia cũng sẽ không bao giờ đủ cho việc dành cho bị đơn khoảng thời gian đầy đủ để chuẩn bị việc bào chữa theo quy định tại Điều 328 ZPO.

dd. Khái niệm về sự khác biệt giữa các phán quyết (điểm 3 khoản 1 Điều 328 ZPO) cũng tương tự quy định tại Điều 34 Nghị định Brussels I. Tuy nhiên, không chỉ phán quyết của tòa án Đức mới được bảo vệ chống lại phán quyết có sự khác biệt của tòa án nước ngoài, một phán quyết của tòa án nước ngoài sẽ không được công nhận dù chưa có phán quyết của tòa án Đức mà chỉ cần tòa án Đức đã thụ lý vụ việc trước vụ việc mà tòa án nước ngoài thụ lý.

ee. Nguyên tắc có đi có lại của việc công nhận phán quyết của tòa án giữa Đức và quốc gia nơi đã đưa ra phán quyết tuy đã được xóa bỏ theo Nghị định Brussels I vì điều này đã được đảm bảo theo Nghị định này, nhưng vẫn còn là một điều kiện tiên quyết quan trọng theo quy định tại điểm 5 khoản 1 Điều 328 ZPO áp dụng đối với các quốc gia không phải là thành viên EC. Vì vậy, một câu hỏi cần phải được trả lời là một phán quyết của tòa án Đức với cùng một hoàn cảnh tương tự có được công nhận ở quốc gia ra phán quyết đang xin công nhận ở Đức hay không. Trừ khi được bảo đảm bằng hiệp định song phương hay đa phương16, nguyên tắc có đi có lại được xem xét trên cơ sở thực tế (matter of fact). Nếu pháp luật của quốc gia nơi đưa ra phán quyết cho phép công nhận theo những quy định tương tự như Điều 328 ZPO - bao gồm cả nguyên tắc có đi có lại - tòa án của Đức sẽ tiến hành bước đầu tiên và áp dụng nguyên tắc có đi có lại để công nhận phán quyết đó, trừ phi việc áp dụng trên thực tế ở quốc gia đó khác với những gì quy định trong luật.

Chú thích:

** Chú thích của người dịch: Phán quyết (judgment) trong bài viết này, trừ khi có xác định cụ thể khác, được hiểu là bất kỳ phán quyết nào của tòa án của một quốc gia, dù nó được gọi dưới bất kỳ tên gọi nào như bản án, quyết định, lệnh thi hành... cũng như việc xác định chi phí, phí tổn (xem thêm Điều 32 Nghị định của EC số 44/2001 về thẩm quyền, công nhận và thi hành các phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại - Nghị định Brussels I).

1 http://europa.eu.int/eur-lex/pri/en/oj/dat/2001/l_012/l_01220010116en00010023.pdf; các tài liệu khác liên quan và các Nghị định khác hình thành nên cái gọi là “Luật tố tụng dân sự Châu Âu” có thể tìm thấy trên website của tác giả, www.iprserv.de, phần: “Forschungsschwerpunkte”.

2 Ngoại trừ Đan Mạch áp dụng quy tắc tương tự theo Công ước của Cộng đồng Châu Âu về thẩm quyền và thi hành các phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại ngày 27/9/1968.

3 http://dejure.org/gesetze/ZPO/(bản tiếng Đức).

4 http://europa.eu.int/eur-lex/pri/en/oj/dat/2004/l_143/l_14320040430en00150039.pdf.

5 Ngoại trừ Đan Mạch không có quy tắc tương tự áp dụng.

6 http://www.uncitral.org/english/texts/arbitration/NY-conv.htm.

7 Tất cả các điều khoản trong phần 2 là của Nghị định Brussels I nếu không ghi khác.

8 http://www.bundesregierung.de/Anlage760204/Grundgesetz.pdf.

9 Công ước bảo vệ quyền con người và các tự do cơ bản (Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms, http://www.echr.coe.int/Convention/webConvenENG.pdf).

10 Các điều khoản đề cập trong mục 3 này thuộc Nghị định của EC số 805/2004 về thiết lập lệnh thi hành Châu Âu các yêu cầu không bị phản đối trừ khi có xác định khác.

11 http://www.law.cornell.edu/constitution/constitution.articleiv.html.

12 http://www.echr.coe.int/.

13 http://www.echr.coe.int/Convention/webConvenENG.pdf.

14 http://www.hcch.net/index_en.php?act=conventions.text&cid=41.

15 http://www.hcch.net/index_en.php?act=conventions.text&cid=17

16 Đức không ký kết gia nhập Công ước Hague về công nhận và thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài trong các vấn đề kinh tế và thương mại ngày 01/02/1971. http://www.hcch.net/index_en.php?act=conventions.text&cid=78

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến