Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC VỚI NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA PHÁP QUYỀN

TS. NGUYỄN SỸ DŨNG - LÊ HÀ VŨ

“Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” là hình ảnh mà vị vua anh minh Lê Thánh Tông dùng để minh oan và truy tặng cho người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi viên. Sử liệu này có lẽ đã làm không ít người trong hậu thế chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm. Ngày nay, các vụ việc oan sai không chỉ dừng lại ở sự minh oan mà còn đặt vấn đề bồi thường thiệt hại. 568 tỷ đồng là con số đòi bồi thường oan sai kỷ lục mà ông Nguyễn Đình Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh bất động sản Hải Phòng đưa ra, vì ông đã mất mười năm sống chung với lao lý trước khi Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ tuyên ông vô tội[1].

Rõ ràng, oan sai thì thời nào cũng có. Nhưng trách nhiệm bồi thường oan sai trong tố tụng nói riêng và bồi thường nhà nước nói chung lại là vấn đề thời sự của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bồi thường nhà nước là sản phẩm của xã hội dân chủ và phải được nhìn nhận từ góc độ các nguyên tắc cơ bản của pháp quyền.

Trước hết, nguyên tắc của pháp quyền là cơ sở để đặt vấn đề nhà nước có trách nhiệm hay không có trách nhiệm bồi thường khi gây ra những thiệt hại vật chất hoặc tinh thần cho các chủ thể khác.

Trong xã hội phong kiến, Nhà Vua là tối thượng, hình phạt không đến trượng phu, lễ nghi không đến thứ dân, nên pháp quyền và bồi thường nhà nước là những vấn đề xa lạ. Trong các xã hội dân chủ, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội thì quyền con người cũng được quan tâm nhiều hơn. Nhờ đó, pháp quyền được biết đến như là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước sao cho sự lạm quyền không xảy ra và quyền của người dân được bảo vệ. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp quyền là mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước cũng như một tổ chức hay một công dân và đều là một thực thể của pháp luật. Nhà nước là một thực thể pháp lý công. Nhà nước cũng thực hiện các hành vi pháp lý và có khả năng gây thiệt hại cho các chủ thể khác khi hành xử trái pháp luật hoặc vượt quá thẩm quyền của mình. Và khi có hành vi gây thiệt hại cho các chủ thể khác, thì Nhà nước cũng có nghĩa vụ bồi thường một cách bình đẳng như các chủ thể khác trong xã hội.

Thứ hai, nguyên tắc của pháp quyền là cơ sở để xác định ranh giới trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trên thế giới, một số quốc gia mà tiêu biểu là Mỹ và Philipin quan niệm và áp dụng nguyên tắc quyền miễn trừ của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước Hoa Kỳ không thể bị kiện nếu không có sự chấp thuận của chính quốc gia này[2]. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các Nhà nước này không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp quyền là Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tính tối thượng của pháp luật trong trường hợp này là công cụ để hạn chế sự lạm quyền có thể xảy ra của các chủ thể có quyền lực. Chính vì nguyên tắc này nên học thuyết về quyền miễn trừ xét xử của Nhà nước không phải là tuyệt đối. Đặc quyền miễn trừ xét xử chỉ có thể được sử dụng khi nhà nước hành động với quyền hạn của chủ quyền quốc gia. Nhà nước hoặc các cán bộ của nhà nước phải chứng minh được rằng, hành động bị khiếu nại là hoàn toàn tuân theo Hiến pháp hoặc các văn bản pháp luật. Khi vượt qua khỏi những giới hạn này thì quyền miễn trừ của nhà nước không thể được áp dụng.

Thứ ba, quyền đòi nhà nước bồi thường thiệt hại thường được Hiến pháp hoặc luật ghi nhận. Rõ ràng việc đòi Nhà nước phải bồi thường thiệt hại là một quyền quan trọng của người dân. Và theo nguyên tắc của pháp quyền thì các quyền của người dân phải được Hiến pháp, luật ghi nhận. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi mà các quyền của người dân được những người đại diện cho họ xem xét, phê chuẩn.

Trên thực tế, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đức đều ghi nhận vấn đề bồi thường nhà nước trong Hiến pháp của họ. Cụ thể, trong Hiến pháp của Nhật được quy định ở Điều 17 và Hiến pháp Đức ở Điều 34. Bên cạnh việc quy định trong Hiến pháp, không phải tất cả các nước đều ban hành luật riêng để điều chỉnh về bồi thường nhà nước mà có thể quy định rải rác ở Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.

Thứ tư, nguyên tắc của pháp quyền là cơ sở để xác định các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước chịu sự điều chỉnh của pháp luật bồi thường nhà nước. Thông thường, hoạt động của nhà nước có thể được phân ra thành các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lĩnh vực nào trong quá trình hoạt động cũng có thể phạm phải những sai lầm. Và như vậy, lĩnh vực nào cũng có thể phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bồi thường nhà nước. Trên thực tế, một số quốc gia quy định cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có trách nhiệm bồi thường nhà nước mà Nhật Bản là một ví dụ.

Tuy nhiên, với những nguyên tắc pháp quyền về tổ chức quyền lực nhà nước, về chế ước và đối trọng thì vấn đề không đơn giản như cách nghĩ thông thường. Đa số các nước đều thống nhất quy định hai lĩnh vực hành pháp và tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về bồi thường nhà nước. Hay nói cách khác, là hành pháp và tư pháp có trách nhiệm bồi thường khi có hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho các chủ thể khác.

Riêng lĩnh vực lập pháp thì cách quy định là khá khác nhau. Có quốc gia như Trung Quốc đã hoàn toàn loại trừ lĩnh vực lập pháp ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Còn phần lớn các quốc gia khác thì quy định một cách hạn chế việc áp dụng các quy định về bồi thường nhà nước đối với lĩnh vực lập pháp. Điều đó bắt nguồn từ bản chất của thiết chế dân chủ này. Cơ quan lập pháp là cơ quan đại diện cho cử tri. Sau khi trúng cử thì các nghị sĩ là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của cử tri trong quá trình xem xét và phê chuẩn các chính sách lập pháp do hành pháp đệ trình. Ngoài ra, trong hệ thống bầu cử ủy thác thì nghị sĩ sau khi được bầu có toàn quyền thể hiện ý chí của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của cử tri. Việc cơ quan lập pháp gây thiệt hại nếu có chính là ban hành các chính sách, các đạo luật không phù hợp với lợi ích của người mà mình đại diện. Vấn đề bồi thường thiệt hại đối với thiết chế này cũng đồng nghĩa với việc bất tín nhiệm của cử tri và không được tiếp tục bỏ phiếu trong những lần bầu cử sau.

Như vậy, có thể nói rằng, trong một xã hội dân chủ thì không một thiết chế nào của quyền lực nhà nước có những đặc quyền. Thiết chế lập pháp cũng vậy. Song, đây là một thiết chế hết sức đặc thù của quyền lực nhà nước và do đó, việc quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan lập pháp cần phải dựa trên những nguyên tắc của pháp quyền.

Thứ năm, nguyên tắc của pháp quyền là cơ sở để thiết kế phương thức và quy định thủ tục tiến hành giải quyết các yêu cầu đòi bồi thường. Trong tương quan với cơ quan nhà nước, thì các tổ chức và cá nhân thường yếu thế hơn khi tiến hành giải quyết yêu cầu đòi bồi thường. Bởi vậy, một cơ chế giải quyết tranh chấp tạo được điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là hết sức cần thiết. Pháp luật của hầu hết các nước quy định khi chủ thể bị thiệt hại và cơ quan đại diện cho Nhà nước giải quyết bồi thường (thường là do Bộ Tư pháp) không thương lượng, thỏa thuận được với nhau thì có thể khởi kiện đến Tòa án để giải quyết. Đây là một vụ kiện dân sự bình thường ở Tòa án. Và loại vụ việc này được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự mà bị đơn là Nhà nước (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đại diện).

Như vậy, một thủ tục tố tụng dân sự cùng với tính độc lập cao của hệ thống Tòa án có thể đảm bảo được tốt hơn quyền bào chữa, sự bình đẳng của các đương sự.

Tóm lại, các nguyên tắc của pháp quyền vừa là nền tảng để đặt vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vừa chi phối các nội dung pháp lý cụ thể của chế định này. Việt Nam chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, do đó, việc tiếp tục nhìn nhận vấn đề bồi thường nhà nước dưới góc độ pháp quyền là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Chú thích:

[1] HT. Vụ đòi bồi thường oan sai kỷ lục ở Cần Thơ: Số tiền đòi bồi thường lên đến 568 tỉ đồng (2007), Lao động điện tử, <http://www.laodong.com.vn/Home/phapluat/2007/1/19452.laodong> truy cập ngày 29/ 4/2008.

[2] Văn phòng Quốc hội, Chính sách và pháp luật về bồi thường nhà nước của một số nước, NXb Tư pháp, H 2007, tr 262.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP  SỐ 123 THÁNG 5 NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến