LS. ĐỖ HỒNG THÁI
Tạp chí Ngân hàng số ra tháng 11 năm 2005 có đăng bài “Vấn đề lãi suất cơ bản và quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản” của tác giả Trương Thanh Đức. Theo tác giả, với quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 về mức lãi suất cho vay tối đa thì rất nhiều hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã vô hiệu vì lãi cho vay đã vượt quá mức tối đa cho phép. Đồng tình với vấn đề tác giả nêu, tuy nhiên, chúng tôi xin được trao đổi thêm về một khía cạnh, đó là: cần nhìn nhận như thế nào về giới hạn tối đa không được vượt quá của mức lãi suất vay thoả thuận?
Trên thực tế, quan hệ vay tài sản (nói chung) là rất phong phú, đa dạng, mức lãi suất được xem là phù hợp mà các bên tham gia giao dịch đưa ra và có thể cùng chấp nhận được chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thoả thuận; tuy nhiên, nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi và cũng tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về lãi suất hoặc trong trường hợp không có cơ sở xác định rõ mức lãi đã thỏa thuận, mà pháp luật dân sự quy định phương thức để xác định một mức lãi suất nào đó được xem là hợp lý và tiêu chuẩn được BLDS năm 1995 lựa chọn là căn cứ vào cơ chế điều hành trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tức mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời điểm đối với loại cho vay tương ứng. Khoản 1, Điều 473, BLDS năm 1995 quy định: “Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng”.
Tuy nhiên, sau đó cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã có sự thay đổi, cơ chế điều hành trần lãi suất được thay thế bằng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản. Khoản 12, Điều 9, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 quy định: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh”, Điều 18 quy định: “Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn”. Mặc dù vậy, phải đến 02/08/2000, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN (có hiệu lực từ ngày 05/08/2000) chính thức bắt đầu thực hiện cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng Đồng Việt Nam thay cho cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay. Hệ quả là: từ thời gian này cho đến trước khi BLDS năm 2005 có hiệu lực, rõ ràng đã tồn tại một khoảng trống pháp lý khi có sự bất tương đồng giữa Điều 473 BLDS năm 1995 với Luật Ngân hàng Nhà nước và Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 về tiêu chí so sánh (lãi suất trần và lãi suất cơ bản), Toà án không có cơ sở để dẫn chiếu khi giải quyết các tranh chấp về lãi suất phát sinh trong thời gian ấy. Thay thế cho BLDS năm 1995 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, về nội dung này, Khoản 1, Điều 476, BLDS năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.” Đây là sự pháp điển hoá Luật Ngân hàng Nhà nước, Quyết định só 241/2000/QĐ-NHNN1 vào trong BLDS mới một cách hợp lý và tất yếu.
Như vậy, nếu như cơ sở tồn tại của tiêu chí so sánh đã được BLDS năm 2005 giải quyết hợp lý, thì trong lời văn của điều luật lại phát sinh một vấn đề khác, đó là sự khác nhau về mức lãi suất thoả thuận tối đa được phép (bị khống chế) giữa 2 quy định tương ứng trong hai Bộ luật dân sự. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là cần thống nhất cách hiểu và cách tính toán mức lãi suất cho vay tối đa này của BLDS năm 2005 như thế nào để không phạm luật? Hay nói cách khác, với quy định trên ta cần quan niệm giá trị 150% là của phần vượt quá so với lãi suất cơ bản hay là tỷ lệ so sánh thuần tuý giữa chúng với nhau - lãi suất thoả thuận với lãi suất cơ bản?
Trong bài viết của mình, tác giả Trương Thanh Đức đã mặc nhiên xác định theo cách: so sánh tỷ lệ thuần tuý giữa mức lãi suất thoả thuận với lãi suất cơ bản trong giới hạn luật định là 150% (mức lãi suất thoả thuận tối đa được phép = lãi suất cơ bản x 150%), ví dụ: nếu lãi suất cơ bản là 1% thì lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% là mức 1,5% (= 1% x 150%). Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ rằng: với cách thể hiện lời văn điều luật của BLDS thì luôn có thể đưa đến cho người đọc quan niệm giống như tác giả Trương Thanh Đức. Nhưng từ những băn khoăn sau đây lại dẫn dắt chúng tôi đến cách hiểu khác về tinh thần cũng như nội dung đích thực của điều luật này:
1. Theo quy định của BLDS năm 1995 (Khoản 1, Điều 473) thì mức lãi suất thoả thuận tối đa không vượt quá 50% (của lãi suất trần do NHNN quy định đối với loại cho vay tương ứng). Trong thực tiễn áp dụng pháp luật suốt thời gian qua thì cái ngưỡng 50% này luôn được hiểu và vận dụng nhất quán: lãi suất thoả thuận không được vượt giới hạn nhiều hơn gấp rưỡi, nghĩa là phần vượt quá phải ít hơn hoặc bằng 50% (và được xác định theo công thức: mức lãi suất thoả thuận tối đa được phép = lãi suất trần + lãi suất trần x 50%). Hiển nhiên sẽ là phi lý nếu xem ngưỡng 50% ấy chỉ là phân nửa (của lãi suất trần do NHNN quy định) bởi không lẽ pháp luật lại buộc các thoả thuận dân sự trong xã hội (bao gồm cả hoạt động cho vay của ngân hàng) chỉ được thoả thuận mức lãi suất vay tối đa bằng phân nửa mức lãi suất trần do NHNN quy định (= lãi suất trần x 50%), thực tiễn giao lưu dân sự và việc giải quyết các tranh chấp dân sự của Toà án cũng không bao giờ diễn dịch theo ý tứ này. Có lẽ ở nội dung này, chúng ta cần mặc nhiên thừa nhận bởi sự lý giải rõ ràng của chính thực tiễn áp dụng và thực thi BLDS năm 1995 (1). Tuy nhiên, dường như vẫn có điều gì đó bất ổn, phải chăng thực tiễn áp dụng luật có thể là đúng với ý đồ nhà làm luật nhưng cách diễn đạt của điều luật số 473 lại hàm chứa thiếu sót là chưa phản ánh đúng tinh thần ấy?
2. Đến BLDS năm 2005, tại khoản 1, Điều 476, ngưỡng tối đa được phép của lãi suất vay thoả thuận nêu trên đã có sự chỉnh lý – thay giá trị 50% bằng giá trị 150% (và xác định lại tiêu chí so sánh theo cơ chế điều hành lãi suất mới, như đã nêu), và:
- Với cùng lập luận như cách hiểu về tinh thần và thực tiễn thi hành BLDS năm 1995 (như nêu ở mục 1) thì nên chăng ta cần nhất quán cách xác định ngưỡng này là tiếp tục căn cứ vào giá trị của phần vượt quá, trong thí dụ trên nếu mức lãi suất cơ bản là 1% thì mức lãi suất tối đa được phép thoả thuận sẽ là 2,5% (= 1% + 1% x 150%), trong đó phần vượt quá là 1,5%, tức bằng 150% của mức lãi suất cơ bản 1% (nghĩa là tiếp tục xác lập theo công thức: mức lãi suất thoả thuận tối đa được phép = lãi suất cơ bản + lãi suất cơ bản x 150%). Hay nói cách khác, BLDS năm 2005 đã nâng giá trị tỷ lệ xác định mức tối đa của lãi suất thoả thuận được phép, so với BLDS năm 1995 (đồng thời thay đổi đối tượng so sánh lãi suất trần bằng lãi suất cơ bản). Nếu nhất quán cách tính trước đây thì đương nhiên thừa nhận điều này, đồng nghĩa với việc xem rằng cách tính trong bài viết của tác giả Trương Thanh Đức là chưa đúng, khi ấy những băn khoăn của tác giả Trương Thanh Đức về khả năng vi phạm mức lãi suất cho vay của các TCTD đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng tín dụng, về cơ bản cũng đã được giải quyết.
- Nhưng liệu còn có một khả năng khác: phải chăng lời văn khoản 1, Điều 473, BLDS năm 1995 đã không chuyển tải đúng ý đồ nhà làm luật (thay vì phải xác định giá trị của tỷ lệ cần so sánh trực tiếp giữa 2 mức lãi suất là đối tượng cần quan tâm với nhau chứ không thể bóc tách phần vượt quá để so sánh – nghĩa là phải lấy giá trị 150% chứ không phải là 50%), và để giải quyết bất cập ấy mà BLDS năm 2005 về câu chữ “tưởng như” đã nâng số giá trị % của mức ngưỡng tối đa, song nội dung thực tế là không tăng mà chỉ đơn giản là trả lại tỷ lệ % cần so sánh về đúng với sự hợp lý của ý tứ lời văn điều luật, theo đó: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản…” (Điều 476 BLDS năm 2005) sẽ được hiểu và tính toán bởi công thức: mức lãi suất thoả thuận tối đa = lãi suất cơ bản x 150%. Nếu đúng như thế thì đây quả là nội dung sẽ cho ta có cùng sự quan ngại của tác giả Trương Thanh Đức, những kiến nghị sẽ rất cần sự quan tâm.
Với những phân tích trên, dường như Điều 476, BLDS năm 2005 còn ẩn chứa điều gì chưa rõ ràng. Lời văn điều luật không thể diễn đạt và hiểu theo cách nào cũng được, do vậy, với băn khoăn của mình chúng tôi thiết nghĩ cần có sự giải thích kịp thời của Quốc hội, song trước hết là sự hướng dẫn áp dụng pháp luật của liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương về vấn đề nêu trên.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 13/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét