TƯỞNG DUY LƯỢNG - Chánh tòa Dân sự, TAND TC
I. Vài nét về công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam trong thời gian qua
1. Tình hình xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ngày nào không xuất hiện các thông tin về các trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm. Trong số đó, phải kể đến các bài báo về các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, có nơi cả trăm người phải vào bệnh viện, sự lưu hành của các loại rau được trồng trong môi trường bị ô nhiễm, thịt gia súc, gia cầm của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh, các chất tăng trọng, các loại hải sản có ướp chất độc hại, các loại mỹ phẩm kém chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường, các loại giò chả có hàn the, phở, bún có phooc-môn, các loại rau quả được xử lý bởi hóa chất độc hại, các loại sữa kém chất lượng v.v.
Chỉ tính riêng năm 2006 và những tháng đầu năm 2007 vừa qua đã phát hiện những vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được dư luận đặc biệt chú ý như vụ xăng pha acetone làm hư hỏng một số bộ phận trong xe máy (diễn ra vào khoảng tháng 8-9/2006 khiến cho hàng ngàn xe máy bị thiệt hại), vụ sữa bột pha nước được ghi thành sữa tươi nguyên chất của một số nhà sản xuất sữa ở Việt Nam (trong đó Công ty Vinamilk). Trong bản công bố ghi là: “Sữa tươi tiệt trùng không đường nhãn Vinamilk”. Tuy nhiên, trên bao bì của sản phẩm đang lưu hành lại ghi: “Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất” là không phù hợp giữa tên của sản phẩm đang lưu hành với tên của sản phẩm ghi trong bản công bố, một loại gian lận thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng (năm 2006). Vụ nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư (năm 2007) và gần đây (năm 2008) báo chí liên tiếp đề cập đến việc quảng cáo lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh tạo nên sự ngộ nhận cho người tiêu dùng v.v.
Theo thống kê của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, mỗi năm, các cấp Hội đã nhận được khoảng 1000 đơn khiếu nại[1] của người tiêu dùng. Thực tiễn ấy cho thấy, trong thời gian tới, nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thiện pháp luật xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam.
2. Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong số đó, phải kể đến các văn bản như: Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003, Luật Cạnh tranh năm 2004, Pháp lệnh quảng cáo năm 2001, Pháp lệnh chất lượng sản phẩm năm 1999 v.v.
Cũng giống như mọi lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cũng đặt ra các quyền và nghĩa vụ cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, hệ thống quyền và nghĩa vụ này sẽ khó có thể được thực thi nếu không được thiết kế kèm với hệ thống tổ chức thực hiện, hệ thống biện pháp chế tài thích hợp để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Có 3 loại biện pháp chế tài cơ bản mà pháp luật thường sử dụng để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đó là chế tài dân sự (các biện pháp bồi thường thiệt hại và các biện pháp khác), chế tài hành chính (xử phạt hành chính và các biện pháp khác), chế tài hình sự (hình phạt và các biện pháp khác). Cho đến nay, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã có cả 3 loại chế tài này. Cụ thể:
a. Về chế tài dân sự
Trong các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 có nhiều quy định liên quan đến việc xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể Điều 604 quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”. Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định (trước đó là Điều 632 Bộ luật dân sự năm 1995) “cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 605 theo hướng thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường là 2 năm được quy định tại Điều 607. Bên cạnh đó, Điều 608 quy định cách xác định thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm; Điều 609 quy định cách xác định thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm; Điều 610 quy định về cách xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm...
Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2005 còn quy định các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh có quan hệ hợp đồng như quan hệ mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ v.v… ví dụ như:
- Điều 444 quy định: Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại, nếu không có thoả thuận khác. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hoá hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn. Tuy nhiên, bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong các trường hợp sau đây: a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua; b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ; c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.
- Điều 445. Nghĩa vụ bảo hành: Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.
v.v…
b. Chế tài hành chính
Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các văn bản có liên quan, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định xử lý vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp tới công tác bảo vệ người tiêu dùng. Trong số đó phải kể đến Nghị định 175/2004/NĐ-CP ngày 10-10-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 4/6/2007); Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06-04-2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22-09-2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định 169/2004/NĐ-CP ngày 22-09-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; Nghị định 118/2003/NĐ-CP ngày 13-10-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Nghị định 74/2003/NĐ-CP ngày 26-06-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực; Nghị định 70/2003/NĐ-CP ngày 17-06-2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19-03-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật v.v.
Các quy định này đã quy định cụ thể các biện pháp chế tài có thể áp dụng trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các biện pháp chế tài này gồm có hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung[2].
Hình thức xử phạt chính bao gồm: (1) Phạt cảnh cáo và (2) phạt tiền. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tối đa có thể lên tới 70.000.000 đồng;
Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
d) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng;
đ) Các biện pháp khác do Chính phủ quy định (chẳng hạn buộc thu hồi sản phẩm v.v.).
c. Chế tài hình sự
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có một số quy định về các tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các biện pháp chế tài khá đa dạng gồm cả phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc có trường hợp có thể phạt tù tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình cụ thể như sau:
- Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả;
- Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
- Điều 158. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi;
- Điều 162. Tội lừa dối khách hàng (cân, đo, đong, đếm, tính gian, đánh tráo v.v.);
- Điều 164. Tội làm tem giả, vé giả; tội buôn bán tem giả, vé giả;
- Điều 168. Tội quảng cáo gian dối…
II. Vai trò của Toà án trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Có nhiều cơ quan tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, với nhiều biện pháp xử lý khác nhau, trong đó có biện pháp hành chính, biện pháp tư pháp. Nhà nước phải sử dụng đồng bộ các biện pháp thì mới có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng có hiệu quả.
Trong số các cơ quan tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Tòa án có một vai trò, vị trí hết sức đặc biệt, bởi lẽ khi xử lý các hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, Tòa án phải tuân theo một trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, và nhân danh nhà nước để xử lý; chế tài được áp dụng cho các đối tượng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, trong nhiều trường hợp là rất nghiêm khắc, có tính răn đe, giáo dục mạnh mẽ; quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành cao và bảo vệ được triệt để quyền lợi của người tiêu dùng. Trong những trường hợp cần thiết và theo yêu cầu của người khởi kiện trước khi thụ lý, trong quá trình tố tụng, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ ngay các lợi ích cấp bách của đương sự. Theo pháp luật hiện hành, thì Tòa án có quyền áp dụng chế tài dân sự (nhất là trong các vụ kiện đòi bồi thường theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng) và chế tài hình sự. Việc áp dụng chế tài hình sự được tiến hành theo trình tự, thủ tục về tố tụng hình sự. Việc áp dụng chế tài dân sự trong các vụ kiện dân sự được tiến hành theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Đồng thời, Tòa hành chính cũng có vai trò nhất định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc xem xét các hành vi hành chính, quyết định hành chính của người có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng bị khởi kiện tại Tòa hành chính.
Ở nước ta, không có Toà án chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng. Các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được xếp vào loại vụ kiện dân sự và có thể được giải quyết theo pháp luật hợp đồng hoặc pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà Bộ luật dân sự và các văn bản có liên quan đã quy định. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc nếu có đơn khởi kiện của người tiêu dùng. Trình tự, thủ tục khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được áp dụng theo trình tự chung mà Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định. Cụ thể:
1. Quyền khởi kiện
Người tiêu dùng có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì có quyền tiến hành khởi kiện người có hành vi xâm phạm ra trước Toà án để đòi bồi thường. Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quyền khởi kiện nếu được người tiêu dùng ủy quyền bằng văn bản. Tinh thần này đã được quy định tại Điều 4 và Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2006.
Trong quá trình giải quyết vụ kiện, người tiêu dùng và doanh nghiệp bị kiện bình đẳng với nhau trước Tòa án (Điều 8 BLTTDS) có quyền thoả thuận, hoà giải với nhau về việc giải quyết vụ kiện (Điều 5 và Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự).
Cả hai bên đương sự, khi khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ kiện, người tiêu dùng, người bị kiện phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu của mình. Toà án chỉ xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự có quy định (Điều 6, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự).
2. Thẩm quyền giải quyết vụ việc
Vụ kiện về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bất kể là vụ kiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng hay theo quy định của pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhìn chung đều thuộc thẩm quyền giải quyết tại Toà án nhân dân cấp huyện (thường là nơi cá nhân, doanh nghiệp bị kiện có trụ sở hoặc nơi cư trú)[3].
3. Thủ tục khởi kiện
Người tiêu dùng muốn tiến hành khởi kiện đối tượng đã gây thiệt hại cho mình thì phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự.
Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải gửi cho Toà án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp[4].
Chẳng hạn, người tiêu dùng phải nộp các loại chứng cứ chứng minh mình đã mua hàng của doanh nghiệp bị kiện, các loại chứng cứ chứng minh mình bị thiệt hại, các loại chứng cứ chứng minh doanh nghiệp bị kiện đã có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.
Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng cách nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua đường bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi[5].
Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
1. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
2. Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
3. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Trường hợp Toà án thụ lý vụ kiện, các thủ tục sau đó sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
4. Nộp tạm ứng án phí và chi phí tố tụng khác
Người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí theo mức quy định của Nhà nước (Điều 130 Bộ luật tố tụng dân sự).
Người tiêu dùng khi yêu cầu Toà án trưng cầu giám định thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định (Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự).v.v…
5. Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Người tiêu dùng có thể yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có thể buộc bên bị kiện thu hồi sản phẩm nếu việc tiếp tục cho lưu thông hàng hoá đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các loại thiệt hại không thể khắc phục được (Khoản 1 và 2 Điều 99, Khoản 12 Điều 102 và Điều 115 Bộ luật tố tụng dân sự).
III. Một số nhận xét và đánh giá
Pháp luật hiện hành không có quy định riêng về loại việc tranh chấp này, nên trong thống kê của ngành Toà án không có hạng mục thống kê về các vụ án khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng qua theo dõi công tác xét xử trong lĩnh vực án dân sự, chúng tôi thấy rằng, thời gian qua, các vụ khởi kiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam còn rất ít. Số vụ án hình sự về lĩnh vực này cũng không nhiều. Điều đó không có nghĩa rằng số vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng là ít. Trên thực tế, đã có vụ việc, các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, các doanh nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở quy mô rất lớn nhưng hầu như không có người tiêu dùng nào đứng ra thực hiện quyền khởi kiện. Chẳng hạn, trong vụ xăng pha acetôn (năm 2006), hàng ngàn người tiêu dùng ở thành phố Hồ Chí Minh đã mua phải loại xăng này và khi sử dụng, loại xăng này đã gây hư hại cho nhiều bộ phận của một số loại phương tiện giao thông. Tuy nhiên, không có người tiêu dùng nào đứng ra khởi kiện. Một số hãng kinh doanh sữa ghi sai nhãn mác (năm 2006), có sự gian dối với người tiêu dùng, bán sữa nước (sữa bột pha nước) nhưng lại ghi thành sữa tươi nguyên chất 100% tiệt trùng, hàng triệu người tiêu dùng bị thiệt hại, nhưng cũng không có người tiêu dùng nào đứng ra khởi kiện. Trong vụ nước tương “đen” (năm 2007), nhiều cơ sở sản xuất nước tương đưa ra thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc các loại sản phẩm nước tương có chứa chất 3-MCPD là loại chất độc hại có khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng và trên thực tế, hàng triệu người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm này mà không biết về những độc hại mình đang gánh chịu… Khi báo chí đăng tải về vụ việc này, trên diễn đàn của Báo điện tử Vietnam Net, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ những ý kiến rất bất bình, chẳng hạn[6]:
- “Tôi là người không thể ăn cơm nếu không có nước tương và bây giờ, tôi muốn kiện các nhà sản xuất nước tương và những người đã sống bằng tiền của nhân dân chúng tôi để làm công việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm... Họ đã để tôi phải ăn cái chất 3-MCPD suốt bao nhiêu năm trời”.
- “Thật không công bằng, trung thực khi chúng ta, những người tiêu dùng trả tiền để mua những sản phẩm chất lượng, thì họ, những nhà sản xuất thiếu lương tâm đáp lại bằng những sản phẩm độc hại mà họ biết rõ tác hại của nó. Nếu họ “ngây thơ” nói rằng họ không biết đó là độc hại thì lại càng nguy hiểm hơn, vì họ đang cung cấp cho chúng ta những sản phẩm mà chính họ cũng không biết gì về nó!”.
- “Hết bánh phở, đậu phụ... đến nước tương? Chúng tôi không còn lòng tin vào bất cứ sản phẩm nào nữa. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi lương tâm của các nhà sản xuất, hãy vì sức khỏe của dân, chứ đừng vì tiền, vì lợi nhuận mà làm hại dân, hại nước”.
Trong vụ việc này, lần đầu tiên có người đứng ra khởi kiện là anh Hà Hữu Tường ở quận Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức nộp đơn khởi kiện các cơ sở nước tương “đen” và yêu cầu bồi thường 30 tỷ đồng đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với tâm niệm rằng “Tôi đi kiện vì muốn công lý và pháp luật phải được tôn trọng, quyền lợi người tiêu dùng phải được bảo vệ. Tôi nghĩ mình sẽ không đơn độc trong vụ kiện này vì hàng triệu người tiêu dùng bị lừa dối nhiều năm qua sẽ ủng hộ tôi”[7]. Hiện tại, vụ việc đang được Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thẩm quyền.
Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, người tiêu dùng chưa tích cực trong việc tiến hành khởi kiện không phải vì pháp luật chưa quy định cho người tiêu dùng quyền khởi kiện (thực tế là quyền năng này đã được quy định rõ trong Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự) mà là vì các lý do sau:
- Thứ nhất, pháp luật nước ta chỉ cho phép người nào bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi vi phạm pháp luật của người khác thì mới được quyền đứng ra khởi kiện người có hành vi vi phạm đó. Điều này có nghĩa là người khởi kiện phải có đơn khởi kiện và có nghĩa vụ có mặt theo sự triệu tập của Tòa án để cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia hòa giải, tham gia phiên tòa. Trong trường hợp không muốn trực tiếp tham gia tố tụng thì người khởi kiện phải có văn bản ủy quyền cho người được ủy quyền thay mặt mình tham gia tố tụng. Mặt khác, tuy mức thiệt hại mà tập thể người tiêu dùng phải gánh chịu là lớn nhưng cá nhân, mỗi người tiêu dùng phải gánh chịu đôi khi không quá lớn. Trong điều kiện, trình tự, thủ tục khởi kiện tương đối rắc rối và mất thời gian, đồng thời, phải bỏ ra các chi phí (ví dụ chi phí tàu xe, giám định, thuê luật sư…) có thể sẽ lớn hơn so với khoản bồi thường mà người khởi kiện nhận được (nếu thắng kiện), cùng với nét văn hoá ngại kiện tụng của người Việt Nam, người tiêu dùng sẽ có rất ít động lực để khởi kiện.
- Thứ hai, pháp luật nước ta chưa quy định rõ ai sẽ là người bị kiện trong chuỗi phân phối hàng hoá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Chính vì thế, trong thực tiễn áp dụng, khi muốn khởi kiện, người tiêu dùng cũng lúng túng không biết nên tiến hành khởi kiện với ai: nhà sản xuất, nhà phân phối hay người bán lẻ?
- Thứ ba, việc pháp luật quy định muốn khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí cũng là một trong những rào cản khiến người tiêu dùng ngại đưa vụ việc ra Toà án giải quyết.
- Thứ tư, do thói quen của người tiêu dùng: trên thực tế, khi mua một số sản phẩm, hàng hoá, người tiêu dùng thường không có thói quen giữ lại các hoá đơn, chứng từ cần thiết. Chính vì thế, khi vụ việc xảy ra, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập các loại tài liệu, chứng cứ để chứng minh mình đã mua và đã tiêu dùng loại sản phẩm không an toàn, gây thiệt hại cho bản thân mình.
- Thứ năm, trong nhiều trường hợp để kết luận sản phẩm có chứa chất độc tố hoặc có ảnh hưởng đến người tiêu dùng phải qua quy trình kiểm tra, giám định nghiêm ngặt mới phát hiện được; nhưng hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm hiện nay chưa đủ lực, chưa trở thành công cụ cung cấp chứng cứ thuận lợi cho người tiêu dùng khi khởi kiện cũng là một trở ngại khi người tiêu dùng muốn khiếu nại, khởi kiện.
- Thứ sáu, việc chứng minh thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu trong thực tế rất phức tạp, nhất là đối với các vụ việc liên quan tới các loại thực phẩm độc hại nhưng chưa gây bệnh ngay tức khắc. Trong trường hợp đó, nguyên đơn rất khó chứng minh và thuyết phục được Toà án rằng, những tổn hại về sức khoẻ hoặc các thiệt hại khác mà mình gánh chịu chỉ xuất phát từ việc tiêu thụ những loại sản phẩm độc hại liên quan trong vụ kiện. Người khởi kiện sẽ không được bồi thường nếu không chứng minh được tác hại của sản phẩm đối với bản thân.
- Thứ bảy, các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn nặng về hình thức và sơ cứng chưa gắn với thực tiễn nên rất khó sử dụng làm công cụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có hiệu quả.
IV. Những đề xuất, kiến nghị
Về mặt lý thuyết, khách hàng được coi là “thượng đế”, nhưng các “thượng đế” ở Việt Nam lại ở thế yếu, đặc biệt đối với các mặt hàng độc quyền ví dụ như điện, nước… Dù rằng hiện nay, các “thượng đế” có vị thế khá hơn do sự đa dạng, phong phú của hàng hóa, dịch vụ. Song, do thiếu một sự quản lý chặt chẽ, kiểm soát thường xuyên, khoa học của nhà nước, nên sản phẩm kém chất lượng, độc hại vẫn được lưu hành tràn lan trên thị trường; người tiêu dùng không được cảnh báo kịp thời, không có điều kiện để nhận biết được sản phẩm tốt với sản phẩm xấu, sản phẩm an toàn với sản phẩm độc hại… Vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam rất dễ bị tổn thương nhưng chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức. Ngay cả khi họ biết được lợi ích của mình bị xâm phạm cũng không biết “kêu ai” có hiệu quả. Dù rằng, nhìn vào hệ thống các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và chế tài được quy định trong các văn bản pháp luật thì thấy đã có đủ, nhưng còn nặng về hình thức và khô cứng với nhiều quy định chung chung có tính nguyên tắc, nên người tiêu dùng khó mà sử dụng nó như một công cụ pháp lý để bảo vệ mình. Vì vậy, cần có một tư duy mới giàu tính thực tiễn trong quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; không chỉ cần có nhiều biện pháp hợp lý, linh hoạt với điều kiện, thủ tục yêu cầu khởi kiện đơn giản mà còn cần có hệ thống bộ máy đồng bộ đầy đủ từ kiểm tra, kiểm soát, đến xử lý thì mới bảo vệ được người tiêu dùng.
Hệ thống Toà án có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với đặc thù là cơ quan chỉ đứng ra giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có việc truy tố ra Tòa án (đối với các vụ có dấu hiệu hình sự) hay có đơn khởi kiện của người tiêu dùng hoặc của các tổ chức hữu quan. Do đó, để nâng cao vai trò của Toà án trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng và hiệu quả của công tác này nói chung, cần thực hiện một số biện pháp sau:
1- Trong điều kiện người tiêu dùng còn e ngại việc khởi kiện, trước mắt, cần áp dụng chế độ án phí đặc biệt đối với các vụ kiện do người tiêu dùng hoặc Hội bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện theo hướng không buộc những người khởi kiện này phải nộp tiền tạm ứng án phí khi tiến hành khởi kiện; và dù có thua kiện họ cũng không phải chịu án phí. Sau này, khi đã tạo ra được phản ứng bình thường của người tiêu dùng (chứ không phải cam chịu như ngày nay) thì sẽ tính đến việc buộc người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí.
2- Nghiên cứu để bổ sung quy định quyền khởi kiện của người tiêu dùng theo hướng người tiêu dùng có thể khởi kiện bất cứ ai trong chuỗi phân phối sản phẩm. Cụ thể, trong chuỗi cung cấp, phân phối sản phẩm (nhà sản xuất, nhà bán buôn và nhà bán lẻ v.v.), người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất hoặc người bán sản phẩm trực tiếp cho mình mà người tiêu dùng thấy hợp lý và có khả năng đòi bồi thường thành công cao.
3- Nghiên cứu việc áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể, Hội người tiêu dùng có quyền chủ động khởi kiện để áp dụng cho các vụ kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi doanh nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở phạm vi rộng.
4- Cần quy định rõ buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các chi phí cho người khởi kiện (chi phí đi lại, thời gian theo kiện, chi phí thuê luật sư…). Vì thực tế hiện nay hầu hết các tranh chấp dân sự, Tòa án Việt Nam chưa xem xét thiệt hại này.
5- Xây dựng hệ thống cơ quan giám định tại các địa phương đủ năng lực giám định một cách nhanh chóng và chính xác các loại sản phẩm là thực phẩm có chứa chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, các loại sản phẩm mà nhà sản xuất cố ý gian dối, lừa dối người tiêu dùng… giám định một cách chính xác tính năng, mức độ nguy hiểm của các loại sản phẩm sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi họ sử dụng… Vừa để kịp thời cảnh báo, xử lý và có thể được dùng làm chứng cứ trong các vụ kiện.
6- Trong thời gian tới, cần củng cố năng lực phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa đối với các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
7- Cần củng cố hệ thống mạng lưới bảo vệ người tiêu dùng: đặc biệt, cần tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống các Hội bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương. Tới đây, khi xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nên quy định rõ quyền của Hội bảo vệ người tiêu dùng được đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khởi kiện vì lợi ích chung mà không cần có văn bản ủy quyền cụ thể của người tiêu dùng.
8- Những khó khăn về kinh tế là một trong những rào cản chính trong việc tiếp cận công lý. Vì vậy, cần xây dựng quỹ khởi kiện tập thể, trong đó, nhà nước hỗ trợ một phần khi xây dựng quỹ, biến nó thành công cụ tài chính hữu ích hỗ trợ cho việc khởi kiện tập thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
9- Nghiên cứu việc áp dụng chế độ trách nhiệm đối với nhà sản xuất, phân phối sản phẩm, cung cấp dịch vụ với nhiều mức bồi thường khác nhau và theo hướng không buộc người tiêu dùng phải chứng minh bị bệnh tật, bị thiệt hại do sản phẩm gây ra và không phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất, phân phối mà chỉ cần người tiêu dùng chứng minh rằng họ đã sử dụng sản phẩm không đúng chất lượng đã được nhà sản xuất công bố sản phẩm, có độc hại.v.v… và vì sự gian lận trong thương mại, hoặc sản phẩm độc hại đó mà người tiêu dùng đã phải gánh chịu thiệt hại hoặc có thể sẽ bị bệnh tật, thiệt hại là đủ.
10- Cần buộc các nhà sản xuất, phân phối, cung cấp dịch vụ có các quy định cụ thể về các trường hợp họ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho người tiêu dùng, mức bồi thường và phải công bố công khai. Đây sẽ là công cụ có hiệu quả vừa để nhà sản xuất, phân phối, cung cấp dịch vụ nâng cao trách nhiệm, vừa để thuận tiện cho người tiêu dùng trực tiếp yêu cầu nhà sản xuất, phân phối, cung cấp dịch vụ phải bồi thường cho người tiêu dùng khi họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, có chất độc hại.v.v… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chú thích:
[1] VOV điện tử, ngày 18/6/2007.
[2] Xem Điều 12 và Điều 14 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
[3] Điều 25, 33, 35 và 36 Bộ luật tố tụng dân sự.
[4] Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự.
[5] Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự.
[6] ý kiến của bạn đọc đăng trên diễn đàn của Báo Vietnamnet số ra ngày 30/5/2007.
[7] Báo Tiền phong số ra ngày 20/6/2007.
SOURCE: http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét