Thứ Ba, 1 tháng 7, 2008

HẬU CẦM CỐ CỔ PHIẾU

image ĐẶNG THẾ ĐỨC

Trong thời điểm này, thay vì ngồi nhìn bảng điện tử và suy đoán xem đâu là đáy của TTCK thì nhiều người lại đang thử liệt kê và tính toán những hệ lụy của đợt sụt giảm nghiêm trọng này từ việc đình trệ chính sách cổ phần hoá của Nhà nước do các đợt đấu giá không thành công, nhiều nhà đầu tư mất gần hết toàn bộ số tiền cóp nhặt cả đời… Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, sẽ có nhiều người thực sự “bại sản” khi tới đây, một loạt ngân hàng tiến hành đòi nợ đối với những hợp đồng cầm cố.
Gần đây, một số nhà đầu tư liên tục gọi đến các CTCK với tâm trạng đầy lo lắng, nhờ tư vấn về việc giải quyết các hợp đồng cầm cố do chứng khoán suy giảm nghiêm trọng, trong khi họ không còn tiền để nộp vào tài khoản nhằm duy trì tỷ lệ đảm bảo cần thiết. Do đó, phát sinh thẩm quyền của bên cho vay là ngân hàng được bán chứng khoán mà nhà đầu tư cầm cố thu hồi vốn.
Chưa biết các nhân viên tư vấn của CTCK đã tư vấn cho các nhà đầu tư này như thế nào, nhưng dưới góc độ pháp lý, còn nhiều vấn đề đáng phải bàn luận để rút ra những bài học cho chặng đường đầu tư tiếp theo.

Quan điểm trách nhiệm trả nợ đến cùng
Thông thường, nhà đầu tư khi cầm cố cổ phiếu để vay tiền đầu tư, có lẽ đa số chỉ quan tâm đến lãi suất, tỷ lệ cho vay là bao nhiêu (%) và thời hạn cho vay, còn lại những nội dung khác trong hợp đồng, gần như họ không quá quan tâm, vì cho rằng cùng lắm thì ngân hàng sẽ bán số cố phiếu của họ để trả nợ. Tuy nhiên, luật pháp lại không hề nghĩ vậy, điều 474 của Luật Dân sự đưa ra nguyên tắc của vay nợ là phải hoàn trả đủ tiền vay khi đến hạn (bao gồm cả gốc lẫn lãi). Xét theo lô gích này, nếu ngân hàng bán hết chứng khoán cầm cố mà vẫn không đủ để thanh toán nợ thì nhà đầu tư sẽ phải bán nhà, bán cửa trả nợ cho đến khi hết nợ thì thôi.
Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình, chắc chắn trong các hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu, các ngân hàng đã đưa vào hợp đồng những điều khoản làm sao có lợi nhất cho họ, thông thường đó là những điều khoản về việc ngân hàng được quyền trích tiền còn có trong tài khoản hoặc được bán các cổ phiếu khác.
Quan điểm chỉ trả nợ bằng cổ phiếu cầm cố
Trong các hợp đồng cầm cố cổ phiếu, thông thường có điều khoản “khi chứng khoán suy giảm đến một tỷ lệ…% thì ngân hàng có quyền bán chứng khoán”. Thông thường thì với tỷ lệ này, nếu ngân hàng bán ra sẽ có số tiền cao hơn số tiền gốc và lãi cho vay. Ví dụ, ông A cầm cố 1000 nghìn cổ phiếu FPT lúc có giá là 300.000/cổ phiếu, với tỷ lệ được vay là 50%, tức là 150 triệu đồng vào Ngân hàng B. Điều khoản hợp đồng quy định, khi thị trường xuống đến mức 60% giá trị (180.000/cổ phiếu) thì ông A phải nộp thêm tiền hoặc ngân hàng sẽ được quyền bán.
Vào những ngày không đẹp trời vừa qua, FPT đổ dốc, thậm chí xuống quá 60% giá trị tại thời điểm vay. Ngân hàng B quyết định bán số cổ phiếu FPT này. Nhưng sau vài ngày đặt lệnh không được (cũng có thể do thực hiện khuyến nghị hoãn giải chấp của UBCK và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán), cuối cùng FPT lúc này giá chỉ còn 90.000/cổ phiếu. Ngân hàng chỉ thu hồi được 90 triệu đồng. Vậy, số tiền 60 triệu đồng cộng lãi suất, ai sẽ chịu? Lúc này, nhà đầu tư có quyền lý luận rằng, tại thời điểm giá 180.000/cổ phiếu, ngân hàng đã có quyền bán, tức là quyền định đoạt (chỉ phát sinh đối với người sở hữu) số cổ phiếu này đã chuyển giao cho ngân hàng, vì vậy, ông A đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ. Việc ngân hàng không bán hay không bán được, ông A không biết, giả sử cổ phiếu FPT về tới 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu theo lý luận của ngân hàng B, không lẽ ông A phải hoàn trả 140 triệu đồng tiền nợ gốc và lãi.
Kết luận
Dù nhân viên CTCK có nhiệt tình tư vấn cho khách hàng của mình về khả năng thắng thua thế nào thì tranh chấp giữa ông A và Ngân hàng B chỉ có toà án hoặc trọng tài có thẩm quyền mới có quyền phân định được - mất. Nhưng qua sự việc trên, cũng là một bài học cho các nhà đầu tư về việc, ngoài các yếu tố kinh tế khi quyết định một thương vụ, sự tham khảo các yếu tố pháp lý sẽ luôn luôn không thừa.

SOURCE:  ĐTCK (Số 59, 16/5/2008)

Trích dẫn từ: http://saga.vn/Luatkinhdoanh/Luattrongnuoc/11860.saga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến