PGS.TS. NGUYỄN VĂN PHÚC - Viện KHXH Việt Nam
Phân tích quan hệ giữa tự do và trách nhiệm, tác giả khẳng đinh rằng, tự do và trách nhiệm chính là những biểu hiện sức mạnh bản chất của con người. Tự do và trách nhiệm hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử của nhân loại cũng như của các cộng đông người và là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội và con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tự do và trách nhiệm của con người được mở rộng và nâng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tự do và trách nhiệm của con người cũng đang chịu những thách thức nghiêm trọng. Bởi vậy, nâng cao trách nhiệm của mỗi người và của toàn nhân loại trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu là con đường tất yếu để phát triển tự do của con người và loài người.
Tự do và trách nhiệm là hai phương diện của một vấn đề. Không thể có trách nhiệm mà không được tự do trong lựa chọn giá trị và hoạt động, cũng như không thể có tự do thuần túy không liên quan gì đến trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội.
Tự do là một trong những biểu hiện sức mạnh bản chất của con người, đồng thời là khát vọng, là định hướng giá trị cho hoạt động người. Chưa có tự do nghĩa là chưa thoát khỏi tình trạng bản năng, động vật Trình độ phát triển tự do của con người là tiêu chí đánh giá trình độ chinh phục tự nhiên và xã hội, trình độ phát triển nhân cách con người và tiến bộ xã hội. Tự do không phải là sản vật của tạo hoá ban tặng, cũng không phải bẩm sinh mà con người có được. Tự do gắn với quá trình hoạt động của con người, với lịch sử phát triển loài người. Sự phát triển của tự do bị quy định bởi nhu cầu và trình độ phát triển của lịch sử nhân loại trong các thời đại cụ thể Do vậy, trong tiến trình phát triển của tư tưởng nhân loại, tự do luôn được nhìn nhận và lý giải với những quan điểm khác nhau.
Một trong những quan điểm đã tồn tại từ lâu trong lịch sử là quan điểm coi tự do như cái đối lập hoàn toàn và tách rời cái tất yếu. Theo quan điểm này, tự do là khả năng lựa chọn và thực hiện theo ý chí riêng của mỗi người về giá trị và hành vi. Sự lựa chọn này là sự lựa chọn tự do và chỉ là tự do khi không bị quy định bởi bất cứ một tính tất yếu nào, tính quy định nào từ bên ngoài chủ thể. Ngay từ thời cổ đại, êpiquya đã từng nói về tự do như là sự "chệch hướng" tuỳ ý khỏi tất yếu được định trước. Trong điều kiện của xã hội hiện đại, những nhà hiện sinh nhìn nhận tự do ý chí như là phẩm chất đặc biệt của con người, chính xác hơn, là phẩm chất của con người hiện sinh. Theo đó, tự do ý chí là khả năng hành động phù hợp với ý chí cá nhân, một ý chí không bị quy định bởi bất kỳ một điều kiện nào của hoàn cảnh bên ngoài. Theo họ, chỉ có như vậy con người mới có tự do. Khi có tự do thì con người mới thực sự có trách nhiệm, bởi trách nhiệm chính là trách nhiệm của con người trước bản thân mình, trách nhiệm về những hành động được lựa chọn một cách tự do. Ngược lại, nếu nhìn nhận hành động của con người bị quy định bởi hoàn cảnh, bởi tính tất yếu bên ngoài thì điều đó không chỉ có nghĩa là con người không có tự do, mà đồng thời còn có nghĩa là con người không có trách nhiệm, vì con người không phải chịu trách nhiệm về những hành động mà họ không được lựa chọn một cách tự do. Tuy nhiên, trong thực tế, liệu có thể có một hành động mang tính người nào tự do đến mức không hề liên quan đến lợi ích của người khác, của xã hội, nghĩa là không liên quan đến những yêu cầu bên ngoài mang tính tất yếu? Chính vì vậy, quan điểm hiện sinh về tự do từng bị phê phán là đã hạ thấp tự do xuống trình độ tự do vô trách nhiệm.
Khác với quan điểm trên, những người theo quyết định luận máy móc lại hoàn toàn phủ nhận tự do ý chí. Đối với họ, hành động của con người chẳng qua chỉ là sự thể hiện, thực hiện những tính tất yếu nhất định và do vậy, hoàn toàn bị chi phối bởi những điều kiện bên ngoài mang tính khách quan tuyệt đối. Quan điểm này tất dẫn đến định mệnh luận. Nó không khích lệ con người phấn đấu cho tự do, đồng thời, trách nhiệm mà con người phải thực hiện cũng mất đi ý nghĩa tích cực, vì trách nhiệm đó không phản ánh được sức mạnh bản chất của con người.
Thực ra, tự do và tất yếu có mối quan hệ nội tại và việc nhận ra mối quan hệ này cũng đã có từ lâu trong lịch sử. ở phương Đông, Đạo gia và Nho gia đã nhìn nhận tự do như là sự nhận thức được tính tất yếu. Chẳng hạn, với Đạo gia, Đạo là bản nguyên của vũ trụ, quy luật của trời đất. Đạo bao gồm đạo trời và đạo người. Đạo người là hình thức thể hiện của đạo trời và do vậy, nó phải phục tùng đạo trời. Hành động của con người, đặc biệt là hành động quản lý xã hội, sẽ trở thành hành động tự do, tức là vô ui khi thuận theo quy luật của trời đất. Còn Nho gia thì nhìn nhận toàn bộ hành động của con người (từ vua quan đến thứ dân) đều chỉ là sự thể hiện và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, mà đằng sau các nghĩa vụ đạo đức đó của con người chính là Thiên mệnh. Thực hiện các nghĩa vụ đạo đức mang tính tất yếu như vậy, con người sẽ đạt đến trạng thái thanh thản lương tâm, nghĩa là đạt tới trạng thái tự do, tự tại. ở phương Tây, B.Xpinôda và, đặc biệt là, G.Hê ghen đã nhìn nhận tự do như là cái tất yếu đã được nhận thức. Phát triển quan điểm của G.Hê ghen, C.Mác và Ph.ăng ghen cho rằng, tự do chân chính của con người không chỉ là nhận thức được tính tất yếu khách quan (nghĩa là, tự do không chỉ là một trạng thái tinh thần - trạng thái tự do), mà còn là khả năng nắm bắt được các quy luật tự nhiên và các quy luật xã hội để chủ động và tích cực cải tạo, thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, tự do là năng lực và quá trình cải biến tính tất yếu khách quan bên ngoài thành nhu cầu chủ quan bên trong thúc đẩy hành động của con người. Ph.ăng ghen viết: "Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định"(l). Điều đó cũng có nghĩa là, tự do có cơ sở trong thực tiễn. Thực tiễn là tiêu chuẩn chủ yếu của tự do và là phương tiện chủ yếu để đạt tới tự do.
Trong các quan hệ xã hội của con người, tự do biểu hiện một cách tập trung và thực tế ở các quyền con người. Tự do nghĩa là con người có những quyền - những quyền này là bất khả xâm phạm. Sự phát triển và sự phong phú các quyền, cũng như những đảm bảo xã hội cho sự .thực hiện các quyền đó trở thành tiêu chí của sự phát triển tự do và tiến bộ xã hội.
Tuy nhiên, quyền với tính cách là biểu hiện của tự do sẽ không thể có được nếu không có trách nhiệm với tính cách là biểu hiện của tất yếu. Cụ thể hơn, trong quan hệ xã hội, quyền của người này lại giả định trách nhiệm của người khác, quyền của cá nhân giả 'định trách nhiệm của xã hội, và ngược lại. Theo Leopold, triết gia hiện đại người Mêhicô, "tự do là một giá trị chỉ có thể dùng để nói đến một cá nhân cụ thể. Nếu không nó sẽ trở thành một thứ trừu tượng, và cũng cần nhắc lại rằng, không có tự do trừu tượng”. Đồng thời, ông phản đối tự do tuyệt đối, vì nó đồng nghĩa với thói vô trách nhiệm. Tự do, theo ông, cũng là trách nhiệm, là sự cam kết. Bởi vì, "tôi tự do nhưng tôi còn có sự cam kết đối với tự do của người khác". Như vậy, tự do và trách nhiệm tuy khác biệt nhưng thống nhất và quy định lẫn nhau.
Trách nhiệm thường được hiểu là khả năng của con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, đồng thời, là khả năng thực hiện một cách tự giác những nghĩa vụ được đặt ra cho mình. Cũng như tự do, trách nhiệm và sự phát triển năng lực trách nhiệm của con người gắn liền.và bị quy định bởi những nhu cầu phát triển của đời sống con người. Trách nhiệm hình thành trong quá trình điều chỉnh lợi ích của cá nhân với tư cách thành viên xã hội. Con người sống và thực hiện lợi ích của mình trong một cộng đồng, một xã hội nhất định. Lợi ích của mỗi người chỉ có thể thực hiện được trong một tương quan nhất định với lợi ích của người khác, của xã hội. Cụ thể hơn, để thực hiện lợi ích của mình, mỗi người phải đáp ứng, ở một mức độ nào đó, lợi ích của người khác, lợi ích của xã hội. Cũng như vậy, lợi ích của xã hội chỉ có thể được thực hiện khi xã hội có những bảo đảm nhất định cho lợi ích của cá nhân với tư cách thành viên xã hội. Chính từ đây, vấn đề nghĩa vụ trong hoạt động của con người nảy sinh. Nếu quyền là hình thức biểu hiện tự do thì nghĩa vụ là hình thức biểu hiện của trách nhiệm. Như vậy, tự do là hành động thực hiện trách nhiệm một cách tự giác, tự nguyện, còn trách nhiệm là hành động đáp ứng và đảm bảo cho tự do của con người.
Xét về mặt giá trị, trách nhiệm tồn tại dưới hai hình thái cơ bản: hình thái tích cực, tức là hình thái có trách nhiệm của con người, và hình thái tiêu cực, tức là hình thái chịu trách nhiệm của con người. Dưới hình thái tích cực, trách nhiệm thể hiện ở những hoạt động nhằm duy trì và phát triển lợi ích xã hội, duy trì và phát triển trật tự xã hội, pháp chế, đạo đức. Trong trường hợp này, trách nhiệm của con người là sự ý thức và khả năng của họ trong việc thực hiện những đòi hỏi, những yêu cầu của người khác, của cộng đồng và của xã hội. Con người có trách nhiệm là con người thấy trước được những hậu quả của hành động, hành vi của mình, cố gắng ngăn chặn những tác hại có thể xảy ra đối với lợi ích của xã hội.
Dưới hình thái tiêu cực, trách nhiệm phát sinh ở những nơi lợi ích của xã hội và của con người bị vi phạm. Cụ thể hơn, mỗi người (hoặc mỗi tổ chức, thiết chê), trên cương vị của mình, có một trách nhiệm nhất định với người khác, với xã hội. Khi không thực hiện trách nhiệm, hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm mà không có lý do xác đáng thì người đó phải chịu trách nhiệm về hoạt động, hành động của mình. Trong trường hợp đó, trách nhiệm mà con người phải gánh chịu chưa có thể là trách nhiệm hành chính, pháp lý, hoặc đạo đức, tuỳ theo tính chất của hành động, hành vi.
Xét về mặt chủ thể, có thể thấy, trách nhiệm bao hàm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội. Con người với tính cách con người cá nhân có trách nhiệm với bản thân, với người khác (người thân, đồng nghiệp, đồng bào... ), với xã hội. Với bản thân, con người có trách nhiệm chăm lo sự phát triển nhân cách để trở thành con người có ích cho xã hội. Với người khác, con người có trách nhiệm hiểu và tôn trọng nhân cách của họ, giúp đỡ họ khi cần thiết. Với xã hội, con người có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và phát triển lợi ích xã hội. Sự phát triển của trách nhiệm cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xác lập và bảo vệ lợi ích xã hội, đồng thời, góp phần vào sự phát triển trách nhiệm cho cả cộng đồng, xã hội. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, với việc thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển của dân chủ, vị thế, tính tích cực xã hội của mỗi con người trong xã hội ngày càng gia tăng. Vì vậy, trách nhiệm của họ đối với xã hội cũng gia tăng. Sự tham gia tích cực và rộng rãi của mỗi người dân, mỗi cá nhân vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội không chỉ khẳng định quyền (tự do) của họ, mà còn đòi hỏi một tinh thần phụ trách, tinh thần trách nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, dưới sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, của giao lưu, hội nhập, trách nhiệm cá nhân của con người đối với xã hội cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Nhiều biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm gây tổn hại lợi ích xã hội đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong khi quan tâm đến sự thực hiện dân chủ, tức là quan tâm đến tự do của con người, cũng đồng thời chú trọng và đòi hỏi cao đối với trách nhiệm cá nhân của con người. Điều 11 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 khẳng định rằng, công dân "có trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, tổ chức đời sống cộng đồng".
Tương ứng với quyền của xã hội, tức là những đòi hỏi của xã hội đối với công dân, xã hội phải có trách nhiệm tạo ra các điều kiện tối ưu cho tự do và sự phát triển nhân cách con người. Hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là hoạt động của Nhà nước, chính là sự thực hiện trách nhiệm của xã hội. Hiệu quả của những hoạt động này là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển tự do và trách nhiệm cá nhân của con người. Trong những năm vừa qua ở nước ta, mặc dù "hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước" đã "được tăng cường một bước", nhưng "bộ máy nhà nước" vẫn còn "chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế, xã hội". Bên cạnh đó, "năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu cửa quyền, thiếu trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, nhất là ở cơ quan giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu kém". Trong bối cảnh như vậy, vấn đề cần giải quyết là "đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước đối với nhân dân"và làm sao cho "cán bộ, đảng viên, công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân".
Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội là hai phương diện biểu hiện trách nhiệm của con người. Chúng là một tương quan và quy định lẫn nhau. Nếu chỉ đòi hỏi trách nhiệm cá nhân thì xã hội sẽ thiếu tự do, dân chủ. Nếu chỉ đề cao trách nhiệm xã hội thì sẽ dung túng cho thói vô trách nhiệm của cá nhân, còn trách nhiệm xã hội cũng sẽ chỉ là một thứ trách nhiệm trừu tượng, không thể thực hiện được trên thực tế. Để hoạt động và hành động có trách nhiệm, trước hết, con người phải được tự do. Thiếu tự do thì không có trách nhiệm chân chính. Người nô lệ làm việc dưới sự thống trị của chủ nô không phải người làm việc với tinh thần trách nhiệm. Bởi vì, họ không chỉ không có tự do, mà lao động của họ cũng là lao động cưỡng bức. Tự do được bắt đầu ở sự nhận thức được tính tất yếu. Trong trường hợp này, tính tất yếu biểu hiện ở những đòi hỏi và yêu cầu của xã hội đối với cá nhân. Mức độ của những đòi hỏi này tuỳ thuộc vào vị thế và khả năng của cá nhân trong những quan hệ cụ thể. Chẳng hạn, trách nhiệm về sự thành bại của một dự án là không như nhau đối với người hoạch định, người phụ trách, hoặc một thành viên bình thường trong dự án. Tính cụ thể, tính xác định của trách nhiệm đòi hỏi con người phải lĩnh hội được những yêu cầu của xã hội đối với bản thân mình cũng cụ thể và xác định.
Để có được trách nhiệm, con người phải có những hiểu biết cần thiết trong hoạt động và cuộc sống của mình (chuyên môn, nghiệp vụ , kỹ năng giao tiếp...). Những hiểu biết này giúp họ thực hiện có hiệu quả và do vậy, có trách nhiệm hơn trong công việc của mình, đồng thời, giúp họ có được những ứng xử hợp chuẩn mực xã hội, nghĩa là có trách nhiệm trong cuộc sống.
Để có được trách nhiệm, con người còn phải có khát vọng, nhiệt tình và ý chí vượt khó để hoàn thành nghĩa vụ. Bởi vì, hành động thực hiện trách nhiệm trước hết là hành động vì người khác, cho người khác. Tất cả những nhân tố của sự hình thành và phát triển trách nhiệm nêu trên đều liên quan và bị quy định bởi sự phát triển của nhận thức, của đạo đức và nói chung, của nhân cách con người. Bởi vậy, trách nhiệm của xã hội là tạo ra những điều kiện tối ưu để phát triển nhân cách và do vậy, phát triển trách nhiệm của con người với tư cách thành viên xã hội.
Cũng như tự do, trách nhiệm của con người không phải là năng lực bẩm sinh. Trách nhiệm hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử của loài người qua các thời đại lịch sử. Trong tác phẩm Chạy trốn tự do, E.Phrom, nhà triết học Mỹ gốc Đức, đã phân tích sự vận động của quan hệ tự do và trách nhiệm trong bước chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản. Theo ông, trong các lãnh địa phong kiến, người nông nô hầu như không có tự do và, đồng thời, cũng khá vô trách nhiệm. Trong khuôn khổ của các quan hệ phong kiến, lĩnh vực lựa chọn tự do của người nông nô là quá hạn hẹp, tuy vậy, họ lại luôn có thể dựa vào sự trợ giúp của những người xung quanh. ông chủ phong kiến không chỉ là kẻ bóc lột, mà còn là kẻ bảo vệ, che chở cho họ. Nhưng khi chủ nghĩa tư bản hình thành, nó xoá bỏ ranh giới của các lãnh địa phong kiến chật hẹp, đồng thời xoá bỏ luôn những quan hệ truyền thống của người nông nô. Người nông nô được giải phóng để trở thành người tự do, tự do định đoạt số phận của mình trong những đô thị đầy rẫy sự cạnh tranh. Và, do đó, trách nhiệm của họ với chính họ và đối với xã hội cũng buộc phải tăng theo. Như nhận xét của E.Phrom, trong điều kiện đó, không phải ai cũng muốn được tự do để phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình.
Có người đồng thuận, có người không đồng thuận cách nhìn nhận đó của E.Phrom. Dẫu vậy, theo cách riêng của mình, ông đã cho thấy, ở một mức độ nhất định, những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội tất dẫn đến những biến đổi về tự do, trách nhiệm của con người.
Tính quy định của đời sống xã hội đối với trách nhiệm của con người biểu hiện ở chỗ, trách nhiệm của con người có nội dung khách quan và suy cho cùng, phản ánh những yêu cầu của xã hội. Hoạt động của con người càng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của xã hội thì nội dung của trách nhiệm càng phong phú, đa dạng. Với tính cách những hoạt động, hành động tự giác, trách nhiệm của mỗi con người không chỉ bị quy định bởi trình độ nhận thức, khả năng của họ trong việc nắm bắt những yêu cầu mang tính quy luật của đời sống xã hội, mà còn bị quy định bởi chính quy mô và mức độ tham gia của họ vào các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động chính trị, xã hội. Việc ý thức sâu sắc những yêu cầu mang tính quy luật sẽ cho phép con người quyết định và lựa chọn giá trị cũng như hành động một cách đúng đắn hơn, có trách nhiệm hơn, do đó, tự do hơn. Việc tham gia rộng rãi vào các hoạt động chính trị, xã hội sẽ làm phong phú và nâng cao vai trò của trách nhiệm như là động lực của sự phát triển.
Ngày nay, quá trình hiện đại hoá diễn ra trên quy mô toàn cầu đã và đang làm cho tự do và trách nhiệm của con người được nâng cao và phong phú hơn bao giờ hết. Những nhân tố cơ bản nhất quy định quá trình hiện đại hoá xã hội, như kinh tế thị trường, tiến bộ công nghệ, dân chủ hoá, toàn cầu hoá... đang thúc đẩy mạnh mẽ , nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Chính những nhân tố này đang tạo ra những điều kiện, những đảm bảo ngày một tốt hơn cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần cho sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Sự phát triển kinh tế, công nghệ tạo điều kiện cho sự phát triển con người thông qua việc đáp ứng ngày một đầy đủ hơn các nhu cầu về vật chất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí... Sự phát triển của dân chủ tạo điều kiện mở rộng các quyền của con người: quyền tự do kinh doanh, tự do cư trú, tự do hoạt động tôn giáo, tự do lập hiệp hội, tự do tham gia rộng rãi vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội... Tất cả những điều đó làm cho sự lựa chọn giá trị cũng như hoạt động của con người ngày càng tự do hơn, được đảm bảo hơn. Đồng thời, thông qua những hoạt động tự do đó, trách nhiệm của con người đối với cộng đồng, với xã hội và với nhân loại cũng ngày càng được mở rộng và nâng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, với sự xuất hiện và ngày một gia tăng mức trầm trọng của những vấn đề toàn cầu thì tự do và trách nhiệm của con người cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Tính mạng của con người, tức là quyền sống cũng như các quyền tự do khác của con người, đang bị đe doạ bởi đại dịch AIDS, chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh khu vực, ô nhiễm môi trường...
Những vấn đề đó và hàng loạt những vấn đề khác nữa đang đòi hỏi phải có sự nâng cao trách nhiệm không chỉ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các dân tộc, mà còn của toàn nhân loại. Và, cũng chính trong việc nâng cao trách nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh từ quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hoá, tự do của mỗi người và của loài người được nâng lên một tầm cao mới.
SOURCE: TẠP CHÍ TRIẾT HỌC
Trích dẫn từ:
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Tu_do_va_trach_nhiem_trong_hoat_dong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét