TS. TRẦN THẾ QUÂN
1. Thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong trong hoạt động tố tụng của lực lượng Công an nhân dân
Có thể nói, "oan" là hiện tượng nảy sinh trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, mà hậu quả của nó là quyền tự do thân thể, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tinh thần, tài sản của công dân bị xâm phạm; làm cho pháp luật không được thực hiện nghiêm minh, làm giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan tư pháp, tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Với mục tiêu bảo đảm quyền con người, quyền tự do thân thể, quyền tự do dân chủ và các quyền cơ bản khác của công dân, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến vấn đề phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự. Bên cạnh việc đề ra các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế oan, sai, Nhà nước ta ban hành những quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan khác gây ra; cụ thể là:
Điều 72 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”; Điều 620 Bộ luật Dân sự quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ”; Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật".
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các quy định nêu trên, ngày 17/3/2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (sau đây viết gọn là Nghị quyết số 388).
Cụ thể hoá quy định của Nghị quyết số 388, ngày 25/3/2004, liên tịch Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388 nêu trên (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 01).
Căn cứ các quy định nêu trên, ngày 9/11/2004, Bộ Công an ban hành Thông tư số 18/TT-BCA(V19) hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc Công an nhân dân gây ra. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, những trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm bồi thường của Công an nhân dân bao gồm:
- Người bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào;
- Người bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ có phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, nhưng hết thời hạn gia hạn tạm giữ có phê chuẩn mà vẫn tiếp tục tạm giữ không có quyết định tạm giữ, hoặc tuy có quyết định tạm giữ nhưng không được Viện Kiểm sát nhân dân phê chuẩn, mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người bị tạm giữ không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào.
- Người thuộc hai trường hợp nêu trên bị cơ quan Công an thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu tài sản mà bị thiệt hại.
Cơ quan Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan gồm Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã ra quyết định tạm giữ người, đã ra lệnh kê biên tài sản hoặc quyết định tạm giữ, tịch thu tài sản; các đơn vị An ninh hoặc Cảnh sát là cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã thu giữ vật chứng là tài sản.
Đối với việc tạm giữ oan người bị bắt theo quyết định uỷ thác điều tra quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan đã ra quyết định uỷ thác điều tra có trách nhiệm bồi thường. Nếu cơ quan thực hiện việc uỷ thác mà tạm giữ không đúng người dẫn đến oan thì cơ quan thực hiện uỷ thác chịu trách nhiệm bồi thường.
Đối với việc tạm giữ oan người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã, nếu người bị tạm giữ đúng là người bị truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã có trách nhiệm bồi thường; nếu người bị bắt không phải là người đang bị truy nã thì cơ quan đã ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bồi thường.
Sau hai năm triển khai thi hành các văn bản hướng dẫn Nghị quyết số 388 đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, ngày 22/11/2006, các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2004/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC để thay thế cho Thông tư liên tịch số 01.
2. Thực trạng giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong lực lượng Công an nhân dân
Căn cứ vào Nghị quyết số 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau 4 năm thực hiện, lực lượng Công an nhân dân đã tiếp nhận 71 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; qua phân loại, thấy rằng có: 44 đơn được chấp nhận bồi thường; trong đó:
- 28 đơn thuộc trách nhiệm bồi thường của ngành Công an;
- 16 đơn thuộc trách nhiệm bồi thường của ngành Kiểm sát.
Đến nay, trong 28 đơn thuộc trách nhiệm bồi thường của ngành Công an, đã giải quyết bồi thường cho 19 trường hợp, với số tiền bồi thường là: 1.248.800 đồng; các trường hợp còn lại đang thương lượng để giải quyết.
Từ thực tiễn giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân thấy rằng, mặc dù các Bộ, ngành đã có một số văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhưng trong thời gian qua, việc bồi thường thiệt hại cho các trường hợp oan trong hoạt động tố tụng hình sự vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc dưới đây:
Thứ nhất, Nghị quyết số 388 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Nhà nước ta quy định cụ thể về các trường hợp bị oan được bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Bên cạnh những quy định thể hiện tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì Nghị quyết này cũng bộc lộ hạn chế nhất định; như: việc xác định các trường hợp được bồi thường thiệt hại, không được bồi thường thiệt hại chưa rõ ràng; mức bồi thường thiệt hại, cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa Nghị quyết và văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất, dẫn đến nhận thức khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn;
Thứ hai, quy định của Nghị quyết số 388 về việc thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị oan là cần thiết, nhằm đơn giản hóa thủ tục bồi thường và bảo đảm tối đa mức bồi thường cho người bị oan. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của không ít trường hợp công dân bị oan còn hạn chế; mặt khác, trong một số trường hợp, việc thu thập, xác minh hoá đơn, chứng từ các khoản chi phí thực tế của người bị oan gặp khó khăn, nên việc thương lượng đạt kết quả không cao;
Thứ ba, bên cạnh quy định về bồi thưòng thiệt hại cho người bị oan, Nghị quyết số 388 còn quy định về trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ, công chức có liên quan đến việc làm oan. Đây là quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong hoạt động của mình, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ tập trung giải quyết việc bồi thường và khôi phục danh dự cho người bị oan mà chưa chú ý giải quyết việc bồi hoàn đối với cán bộ trực tiếp làm oan. Đây là vấn đề phức tạp, nếu quy định không phù hợp thì có thể sẽ dẫn đến tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán thực thi pháp luật, làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác.
Thứ tư, việc giải quyết các trường hợp bị oan xảy ra trước ngày 01/7/1996 theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết số 388 gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, có trường hợp người bị oan gửi nhiều đơn đến các cơ quan chức năng, nhưng việc tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền không rõ ràng do chưa có quy định cụ thể hoặc việc lưu trữ hồ sơ không bảo đảm nên nhiều hồ sơ bị thất lạc, không xác định được.
Thứ năm, do chưa có quy định cụ thể trách nhiệm duyệt kinh phí bồi thường thuộc đơn vị nào, nên đã gây khó khăn cho việc chi bồi thường cho người bị oan, dẫn đến việc bồi thường bị kéo dài, tác động xấu đến dư luận xã hội.
Thứ sáu, đối với người không có việc làm ổn định mà bị oan, do không có căn cứ xác định thiệt hại đối với thu nhập của họ, nên việc áp dụng mức lương tối thiểu của Nhà nước làm căn cứ để bồi thường thiệt hại cũng có thể gây thiệt thòi cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, việc bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của người bị oan và các thành viên gia đình họ cũng chưa có quy định cụ thể nên việc xác định giá trị bồi thường cũng gặp trở ngại; đặc biệt là vấn đề giải quyết hậu quả, phục hồi các quyền lợi về chính trị, việc làm của người bị oan ....
3. Một số đề xuất, kiến nghị
a) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự
Để thực hiện tốt hơn việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong thời gian tới, khắc phục những khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên, các cơ quan hữu quan cần tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Nghị quyết số 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình. Trên cơ sở đó sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bồi thường nhà nước trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bước đầu, chúng tôi kiến nghị một số nội dung cơ bản dưới đây:
- Về phạm vi trách nhiệm bồi thường
Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự phải dựa trên căn cứ chung của trách nhiệm bồi thường nhà nước; tuy nhiên, cũng cần tính đến yếu tố đặc thù của bồi thường trong tố tụng hình sự. Chúng tôi cho rằng, Luật Bồi thường nhà nước nên quy định theo hướng liệt kê các trường hợp được coi là bị oan trong tố tụng hình sự; nhưng cần làm rõ hơn nội dung của trường hợp được coi là “Không thực hiện hành vi phạm tội” để khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
- Về xác định thiệt hại và mức bồi thường
Theo nguyên tắc chung, quan hệ bồi thường thiệt hại mang bản chất của quan hệ dân sự; trong đó, việc cần thiết là phải xác định mức bồi thường trên thiệt hại thực tế đã xảy ra. Tuy nhiên, trong họat động tố tụng hình sự, do tính chất đặc biệt của chủ thể gây thiệt hại cũng như những biện pháp đã tác động, nên việc xác định mức bồi thường cần được quy định trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng mặt khác không làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân nói riêng.
- Về trách nhiệm bồi hoàn
Theo chúng tôi, Luật Bồi thường nhà nước nên có một chương riêng quy định về trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ, công chức gây ra. Trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu để xảy ra oan thì hệ quả thường rất lớn. Do đó, quy định về bồi hoàn do người tiến hành tố tụng gây ra cần bảo đảm nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi công vụ, nhưng không gây tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
b) Tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng trong lực lượng Công an nhân dân
Đây là công tác có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật có bản lĩnh chính trị, có ý thức trách nhiệm cao trong việc chấp hành pháp luật. Bởi vì, một trong những nguyên nhân chủ yếu của vi phạm pháp luật dẫn đến làm oan người vô tội là do cán bộ điều tra còn non kém về trình độ pháp luật, nghiệp vụ. Do vậy, việc đào tạo, đào tạo lại, tập huấn tại chỗ cho đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên trong lực lượng Công an nhân dân là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân cần tổ chức rà soát, phân loại cán bộ để điều chuyển những cán bộ không đủ năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm kém sang làm công tác khác, không để số cán bộ này trực tiếp thực hiện công tác điều tra tội phạm; thay vào đó là những cán bộ có khả năng, ý thức trách nhiệm cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có trình độ pháp luật và nghiệp vụ vững vàng làm công tác điều tra tội phạm để bổ sung cho lực lượng điều tra viên, nhất là ở cơ quan điều tra Công an cấp huyện.
SOURCE: TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=2027
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét