THS. LÊ ANH TUẤN - Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp
Thông báo được hiểu là một hình thức chuyển tải nội dung thông tin nhất định đến đối tượng được thông tin, nhằm làm cho đối tượng được nhận thông tin biết được thông tin để thực hiện những hành vi nhất định. Trong hoạt động thi hành án dân sự, việc thông báo những thông tin về thi hành án đòi hỏi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nội dung, đối tượng thông báo về thi hành án không phải trong trường hợp nào cũng như nhau và do người có thẩm quyền thực hiện và theo hình thức nhất định.
1. Cơ sở pháp lý
Có thể nói thông báo về thi hành án là việc người có thẩm quyền thực hiện việc chuyển tải giấy tờ chứa đựng thông tin về thi hành án cho người được thông báo theo trình tự, thủ tục nhất định, nhằm bảo đảm cho việc thi hành án đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án. Các giấy tờ về thi hành án được thông báo bằng nhiều hình thức khác nhau và được chuyển tải đến đối tượng được thông báo có thể trực tiếp bằng những giấy tờ đó hoặc chỉ là nội dung của những giấy tờ đó.
Việc thông báo thông tin về thi hành án cho các đương sự biết và tham gia vào việc thi hành án nhằm tạo điều kiện để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đây là biện pháp thể hiện sự dân chủ với dân trong hoạt động của cơ quan thi hành án, để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hoạt động của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án; đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, quyền được biết và tham gia vào việc thi hành án của các đương sự mà pháp luật đã quy định. Việc thông báo cho các đương sự biết về thi hành án được thực hiện đúng quy định sẽ hạn chế được những khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật về thi hành án của đương sự; giảm thiểu hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án của cơ quan thi hành án và cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.
Trong hệ thống các quy định pháp luật về thủ tục thi hành án dân sự, nhiều quy định về thủ tục do cơ quan thi hành án thực hiện phải báo cáo hoặc gửi các tài liệu, giấy tờ về thi hành án đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và trong phạm vi nhất định phải được chuyển tải tới những người tham gia vào hoạt động thi hành án. Các quy định này đòi hỏi cơ quan thi hành án công khai, thể hiện sự minh bạch hoá hoạt động của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án để các cơ quan chức năng phát hiện những sai sót, lệch lạc trong hoạt động thi hành án, kịp thời uốn nắn, bảo đảm thủ tục thi hành án đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng cơ quan thi hành án tuỳ tiện, quan liêu, dẫn đến vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành án.
Quy định thông báo về thi hành án hiện nay chủ yếu tại các văn bản sau đây: Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004. Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án. Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự. Mục 3 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về nghiệp vụ thi hành án. Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 5/7/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự. Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Thông tư liên tịch số 36/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 28/4/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
Việc thông báo về thi hành án có đặc điểm là một thủ tục do pháp luật quy định. Thủ tục thông báo về thi hành án do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật, đó có thể là Chấp hành viên, cán bộ thi hành án hoặc cá nhân, tổ chức khác. Đây là thủ tục tiến hành công việc chuyển tải những thông tin nhất định về thi hành án theo những quy định cụ thể được sắp xếp theo trình tự của pháp luật về thi hành án dân sự. Việc thực hiện thông báo về thi hành án không đúng trình tự pháp luật quy định được xác định là vi phạm thủ tục thông báo về thi hành án nói riêng, vi phạm thủ tục thi hành án nói chung.
Thông báo về thi hành án được thực hiện bằng một hoặc nhiều hình thức nhất định. Pháp luật quy định các hình thức thông báo cho các đương sự về các quyết định thi hành án theo hướng rộng rãi, công khai nhưng giản tiện, tiết kiệm, đồng thời quy định nghĩa vụ của những chủ thể trong việc thực hiện thông báo. Thông báo được coi là một nghĩa vụ. Nghĩa vụ thông báo về thi hành án xác định trách nhiệm của người thực hiện việc thông báo, người được thông báo. Tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi của người có nghĩa vụ thực hiện thông báo, nhận thông báo gây ra mà phải gánh chịu chế tài do pháp luật quy định.
Thực tiễn thi hành án thời gian qua cho thấy, một số trường hợp việc gửi các quyết định về thi hành án nói riêng và thông báo về thi hành án nói chung không được chú trọng hoặc không đúng quy định của pháp luật dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan thi hành án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ví dụ: Trường hợp thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận 03/QĐ-HGT ngày 28/2/1999 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh L. Theo nội dung Quyết định này thì bà T phải thanh toán nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện S số tiền là 209.269.900 đồng, trong đó tiền gốc là 108.100.000 đồng, tiền lãi là 101.169.900 đồng và án phí dân sự là 4.639.000 đồng. Trong quá trình tổ chức thi hành án, do bà T không tự nguyện thi hành nên ngày 07/8/1999 Đội thi hành án huyện S (nay là Thi hành án dân sự huyện S) đã cưỡng chế kê biên toàn bộ nhà và trang thiết bị dùng cho việc kinh doanh nhà nghỉ trên diện tích đất 186,3 m2 tại phố Xuân Viên, thị trấn S, huyện S, là tài sản bà T đã thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện S. Ngày 03/9/1999, Thi hành án dân sự huyện S định giá tài sản trên với giá 273.424.000 đồng và ký hợp đồng uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh L để bán tài sản đã kê biên của bà T. Ngày 15/10/1999, Thi hành án dân sự huyện S tổ chức cưỡng chế giao nhà, đất trên cho người trúng đấu giá là ông Nguyễn Minh K. Sau khi bị cưỡng chế kê biên tài sản, bà T có nhiều đơn khiếu nại về việc bị cưỡng chế thi hành án. Trên cơ sở xác minh, cơ quan có thẩm quyền đã quyết định chấp nhận một phần khiếu nại của bà T về những nội dung Thi hành án dân sự huyện S có sai sót là không giao(thông báo) quyết định cưỡng chế giao tài sản của cơ quan thi hành án cho bà Trinh; kê biên một số tài sản là đồ dùng sinh hoạt của gia đình bà T và việc giải quyết khiếu nại của Thi hành án dân sự huyện S và Thi hành án dân sự tỉnh L chưa kịp thời. Trưởng Thi hành án dân sự huyện S có trách nhiệm hoàn trả cho bà T số tiền 2.540.000 đồng và lãi suất của số tiền này theo mức lãi suất tiền gửi Ngân hàng tính từ ngày phát mãi tài sản vì đã chi phí cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật.
Trong giới hạn nhất định, việc thông báo về thi hành án có giá trị đối với người thứ ba, kể từ ngày người đó tiếp nhận thông báo. Đặc điểm này thể hiện rất rõ trong quy định về thông báo quyết định kê biên tài sản tại khoản 6 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, theo đó thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với người thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Các loại giấy tờ về thi hành án được thông báo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 chia làm 3 loại, bao gồm: Các quyết định về thi hành án được hiểu là các hành vi thể hiện bằng hành động của người có thẩm quyền tiến hành hoạt động thi hành án. Các quyết định về thi hành án được thể hiện bằng văn bản, như: Quyết định thi hành án, quyết định hoãn thi hành án, quyết định tạm đình chỉ thi hành án, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, quyết định khôi phục thời hiệu thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án.v.v.
Giấy báo về thi hành án được Bộ Tư pháp ban hành theo mẫu thống nhất để thông báo cho các đương sự biết những nội dung thông tin nhất định về thi hành án để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Giấy báo về thi hành án có nhiều loại, như: Giấy báo tự nguyện thi hành án, Giấy báo đương sự đến giải quyết việc thi hành án.
Giấy triệu tập về thi hành án do Chấp hành viên ban hành để triệu tập đương sự, người có liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án. Căn cứ để ban hành giấy triệu tập về thi hành án dựa trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.
Những người có nghĩa vụ thực hiện thông báo gồm có: Chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Thủ trưởng cơ quan nơi người được thông báo công tác. Cán bộ Tư pháp cấp xã. Người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình với người được thông báo. Báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương. Báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu xác định được đương sự đang ở tại địa phương đó. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết thông báo.
Tuy có nhiều người có nghĩa vụ thực hiện thông báo, nhưng nghĩa vụ chính thuộc về Chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Những người khác chỉ mang tính chất phối hợp với Chấp hành viên, cán bộ thi hành án, nhưng người nhận thay phải cam kết chuyển kịp thời, đúng thời gian quy định đến tận tay cho người được thông báo. Cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận đã thực hiện xong việc thông báo và gửi cơ quan thi hành án để lưu hồ sơ thi hành án. Chính quyền địa phương xác nhận việc thực hiện niêm yết thông báo.
Pháp luật hiện nay yêu cầu cơ quan thi hành án không chỉ thông báo đến người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn phải thông báo đến người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. Đối với một quyết định về thi hành án, theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 phải gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp để Viện Kiểm sát thực hiện việc kiểm sát thi hành án. Trong trường hợp uỷ thác thi hành án, thì quyết định uỷ thác thi hành án còn phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp với cơ quan thi hành án nơi nhận uỷ thác. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thi hành án cũng được thông báo một số nội dung về thi hành án.
Đối tượng được thông báo về thi hành án gồm có những người sau đây: Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành án.
3. Hình thức và thủ tục thông báo về thi hành án:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, các cơ quan thi hành án phải thực hiện các hình thức thông báo về thi hành án, cụ thể có 3 hình thức thông báo được thực hiện theo trình tự như sau:
3.1. Thông báo trực tiếp
Đây là hình thức thông báo đầu tiên, có 3 cấp độ:
- Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải thực hiện thông báo trực tiếp cho người được thông báo.
Hình thức thông báo về thi hành án này đòi hỏi Chấp hành viên hoặc cán bộ thi hành án phải giao trực tiếp các quyết định, giấy báo hoặc giấy triệu tập về thi hành án cho người được thông báo. Khi thông báo bằng hình thức này, người thông báo phải yêu cầu người nhận thông báo ký nhận là đã nhận được giấy tờ về thi hành án được giao. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, người thông báo có thể lập biên bản giao nhận thông báo (đối với các quyết định về thi hành án) hoặc ký nhận vào phần cuống của thông báo (đối với giấy báo tự nguyện thi hành án, giấy triệu tập), nhưng biên bản hoặc cuống của thông báo phải thể hiện việc giao nhận thông báo về thi hành án và phải lưu vào hồ sơ thi hành án.
- Trường hợp không thực hiện được việc giao trực tiếp do có khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc thông báo được thực hiện bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.
Trường hợp khó khăn trong việc giao trực tiếp thông báo được hiểu là trường hợp khó khăn trong việc gặp gỡ trực tiếp người được thông báo để giao thông báo, như đường sá xa xôi từ trụ sở cơ quan thi hành án đến nơi người được nhận thông báo đang cư trú hoặc cơ quan thi hành án cùng một thời điểm có nhiều thông báo về thi hành án phải thông báo cho nhiều người được thông báo mà nếu giao thông báo trực tiếp bằng hình thức giao nhận thì không đủ người để thực hiện. Trường hợp người được thông báo cố tình không ký nhận thông báo thì cũng được xem là có khó khăn trong việc giao trực tiếp thông báo về thi hành án.
- Nếu người được thông báo vắng mặt thì các giấy tờ về thi hành án được giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác, cán Bộ Tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình với người được thông báo nhận thay.
Hình thức thông báo này được áp dụng nếu trong trường hợp đã xác định được địa chỉ cụ thể của người được thông báo, nhưng khi thông báo về thi hành án thì họ không có mặt do đi vắng (đi làm hoặc đi công tác, chữa bệnh.v.v). Khi thực hiện thông báo theo hình thức này phải lưu ý: Nếu người được thông báo đang công tác ổn định ở một cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức, thì thông báo cần giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người được thông báo đang công tác. Trường hợp họ không phải là người đang công tác hoặc làm việc ổn định tại một cơ quan, tổ chức nào và cũng không có người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình thì cần thông báo qua cán Bộ Tư pháp cấp xã. Trong trường hợp người được thông báo có người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình với họ, thì giao cho người này nhận thay.
Trong trường hợp thông báo thực hiện thông qua người nhận thay, việc xác định thời điểm người được thông báo nhận được thông báo là thời điểm người nhận thay cam kết chuyển cho người được thông báo.
Ví dụ: Trong trường hợp thông báo quyết định thi hành án cho chồng là người phải thi hành án nhưng người chồng vắng mặt, ngày 03/01/2007 vợ của người đó nhận thay và cam kết sẽ chuyển quyết định thi hành án cho người phải thi hành án vào ngày 04/01/2007, thì ngày 04/01/2007 được xác định là thời điểm người phải thi hành án nhận được thông báo.
Khi thực hiện việc thông báo, cơ quan thi hành án phải lập biên bản xác định rõ trách nhiệm của người nhận thay trong việc chuyển thông báo cho người được thông báo.
Trường hợp vì lý do khách quan mà người đó cam kết nhận thay thông báo không chuyển thông báo cho người được thông báo, thì phải báo cáo cho cơ quan thi hành án biết. Trong trường hợp này, cơ quan Thi hành án thực hiện việc thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.
3.2. Niêm yết công khai
Đây là hình thức mà cơ quan thi hành án phải thực hiện nếu việc thông báo trực tiếp không thực hiện được. Việc niêm yết được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở của người đó.
Về thủ tục, việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ.
Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án.
Việc ấn định thời gian cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo.
3.3. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Đây là hình thức thông báo mà cơ quan thi hành án phải thực hiện trong trường hợp việc thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai không có kết quả. Hình thức thông báo công khai cũng có thể được thực hiện cùng với việc thực hiện niêm yết công khai.
Việc thông báo công khai được thực hiện 2 lần thông qua cơ quan báo, đài truyền hình, đài phát thanh của Trung ương hoặc của cấp tỉnh nơi đương sự cư trú hoặc có tài sản. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án phải lưu giữ trong hồ sơ thi hành án văn bản xác nhận đã thông báo của cơ quan đã thực hiện thông báo.
Trong việc thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cần lưu ý là trường hợp có cơ sở xác định người được thông báo ở tại địa phương thì thông báo trên các đài, báo địa phương. Nếu có cơ sở xác định người đó không ở tại địa phương thì cơ quan thi hành án phải thông báo trên đài, báo Trung ương.
4 Thời hạn và nội dung thông báo về thi hành án
Tuỳ từng loại việc thông báo về thi hành án, pháp luật quy định thời hạn và nội dung thông báo về thi hành án có sự khác nhau. Thời hạn và nội dung thông báo về thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể được quy định rải rác ở nhiều quy định trong pháp luật về thi hành án, trong đó có những loại thời hạn và nội dung cơ bản sau đây:
4.1. Thông báo quyết định về thi hành án
Đối với các quyết định thi hành án, pháp luật không quy định cụ thể thời hạn thông báo, nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, căn cứ vào quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người phải thi hành án thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn trách việc thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả thi hành án, thì sau khi ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án, cơ quan thi hành án cần kịp thời thông báo quyết định thi hành án.
Đối với các quyết định khác về thi hành án mà pháp luật cũng không quy định cụ thể về thời hạn phải thực hiện thông báo (gửi), thì cơ quan thi hành án cũng cần kịp thời thông báo các quyết định đó cho những người được nhận quyết định đó.
Trong trường hợp thông báo về quyết định cưỡng chế thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo về dự trù chi phí cưỡng chế thi hành án cho người phải thi hành án biết trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn trách việc thi hành án hoặc trường hợp họ không phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án. Nếu người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, thì Chấp hành viên cũng phải thông báo về dự trù chi phí cưỡng chế thi hành án cho người được thi hành án biết trước khi tiến hành cưỡng chế.
4.2. Thông báo về việc kê biên tài sản
Đây là loại công việc thông báo về thi hành án thường hay gặp, phức tạp và dễ sai sót nhất, do đó Chấp hành viên phải chú trọng trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể theo cách thức, trình tự, thời gian và những tiêu chí khác của việc thông báo về kê biên tài sản.
a) Trước khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án biết về thời gian, địa điểm kê biên tài sản.
Đối với tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì Chấp hành viên phải thông báo ngay sau khi ra quyết định kê biên tài sản cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là máy bay; cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển; Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án; Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng khác theo quy định của pháp luật.
Đối với quyền sử dụng đất, chậm nhất là bảy ngày làm việc trước ngày kê biên, Chấp hành viên phải thông báo trực tiếp bằng văn bản về việc kê biên quyền sử dụng đất cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người nhận thế chấp, người nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, các thành viên Hội đồng kê biên quyền sử dụng đất, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên. Đồng thời với việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương phải niêm yết việc kê biên quyền sử dụng đất tại trụ sở cơ quan thi hành án và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ. Trong trường hợp người phải thi hành án có nhiều thửa đất hoặc nhiều loại đất mà có giá trị lớn hơn số tiền phải thi hành án, kể cả quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản, thì Chấp hành viên phải thông báo cho họ về việc họ được lựa chọn đề nghị kê biên thửa đất hoặc loại đất nào trước.
Đối với tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp không thuộc diện được kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu họ thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản khi người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.
b) Trong việc thông báo về kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp, Chấp hành viên cần lưu ý những nội dung quan trọng sau đây:
- Chấp hành viên không thực hiện việc thông báo về kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký khi ra quyết định kê biên đối với các tài sản là: Ô tô, xe máy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác; phương tiện giao thông đường sắt.Tàu cá; phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hoá khác, kim khí quý, đá quý. Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật và được phép giao dịch. Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền đòi nợ, các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của người phải thi hành án phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lý khác. Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật. Các động sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 174 của Bộ luật dân sự, trừ tàu bay, tàu biển. Các tài sản gắn liền với đất, trừ nhà ở, công trình kiến trúc khác, rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm.
Tuy nhiên, Chấp hành viên không thực hiện việc thông báo về kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký khi ra quyết định kê biên đối với các tài sản nêu trên trong các trường hợp sau đây: Tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hoặc đã được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP. Tổng giá trị tài sản theo quyết định kê biên (không bao gồm các tài sản là ô tô, xe máy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác; phương tiện giao thông đường sắt) không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Giá trị của tài sản kê biên do Chấp hành viên tạm tính.
Trong trường hợp kê biên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì Chấp hành viên có trách nhiệm thông báo về việc kê biên tài sản đó cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt hoặc Phòng Cảnh sát giao thông nơi phương tiện được đăng ký đồng thời với việc thông báo cho Trung tâm Đăng ký.
- Người có trách nhiệm thông báo về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký là Chấp hành viên ra quyết định kê biên hoặc Chấp hành viên được cơ quan thi hành án phân công thực hiện việc thông báo. Chấp hành viên thực hiện thông báo có trách nhiệm thông báo về việc kê biên các tài sản đúng thời hạn quy định; lập các văn bản liên quan đến thông báo về việc kê biên tài sản có đầy đủ nội dung theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09/10/2007 của Bộ Tư pháp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại của công chức trong trường hợp thông báo về việc kê biên tài sản không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn hoặc không đúng sự thật mà gây ra thiệt hại cho người thứ ba ngay tình khi xác lập giao dịch có đối tượng là tài sản đã bị kê biên.
Các Trung tâm Đăng ký được thành lập tại một số địa phương theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết thông báo về việc kê biên tài sản và cung cấp thông tin về tài sản kê biên trong phạm vi cả nước, không phân biệt thẩm quyền theo địa giới hành chính nơi Trung tâm Đăng ký đặt trụ sở. Chấp hành viên có quyền lựa chọn một trong các Trung tâm Đăng ký để thông báo về việc kê biên tài sản và yêu cầu cung cấp thông tin. Việc giải quyết thông báo về việc kê biên tài sản và cung cấp thông tin tại các Trung tâm Đăng ký có giá trị pháp lý như nhau.
- Việc thông báo về kê biên tài sản có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm thông báo cho đến khi hết hiệu lực của thông báo đó theo quy định. Khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với Thi hành án cấp quân khu, thi hành án dân sự tại các địa phương thuộc nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà không thể thông báo ngay về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký thì thời hạn này được tăng thêm, nhưng không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định kê biên tài sản.
Trong trường hợp gửi Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký theo đường bưu điện thì thời hạn năm ngày được tính theo dấu xác nhận gửi đi của Bưu điện.
- Thời điểm có hiệu lực của thông báo về việc kê biên tài sản là thời điểm Trung tâm Đăng ký tiếp nhận Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án hợp lệ. Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án hợp lệ là văn bản có đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định. Thời điểm có hiệu lực của thông báo về việc kê biên tài sản trong các trường hợp khác nhau được tính như sau:
+ Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu sửa chữa sai sót khi kê khai về tên, số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý của người phải thi hành án do kê khai không đúng thì thời điểm có hiệu lực của thông báo nêu trên là thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận Văn bản yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung thông báo về kê biên tài sản thi hành án hợp lệ.
+ Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu sửa chữa sai sót khi kê khai về tài sản kê biên thì thời điểm có hiệu lực của thông báo nêu trên đối với phần tài sản đó là thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận Văn bản yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung thông báo về kê biên tài sản thi hành án hợp lệ.
+ Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo thì thời điểm có hiệu lực của thông báo về việc kê biên tài sản vẫn là thời điểm Trung tâm Đăng ký tiếp nhận Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án hợp lệ; nếu thông báo về việc bổ sung tài sản kê biên thì thời điểm có hiệu lực của thông báo đối với phần tài sản bổ sung là thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận Văn bản yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo về kê biên tài sản thi hành án hợp lệ.
- Thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án được tính như sau: Trong trường hợp Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án được nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký thì thời điểm nhận được Văn bản đó là thời điểm Chấp hành viên nộp. Trong trường hợp Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án được gửi qua fax trong giờ làm việc của Trung tâm Đăng ký thì thời điểm nhận được Văn bản đó là thời điểm nhận qua fax; nếu gửi qua fax ngoài giờ làm việc của Trung tâm Đăng ký thì thời điểm nhận được Văn bản đó là thời điểm bắt đầu buổi làm việc tiếp theo. Trong trường hợp Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án được gửi qua đường bưu điện tới Trung tâm Đăng ký trong giờ làm việc thì thời điểm nhận được Văn bản đó là thời điểm nhận từ cơ quan bưu điện; nếu được gửi qua đường bưu điện tới Trung tâm Đăng ký ngoài giờ làm việc thì thời điểm nhận được Văn bản đó là thời điểm bắt đầu buổi làm việc tiếp theo.
Thông báo về việc kê biên tài sản có hiệu lực trong thời hạn năm năm, kể từ thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận được Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản hợp lệ, trừ trường hợp có yêu cầu xoá thông báo về việc kê biên trước hạn hoặc có yêu cầu gia hạn. Thời hạn mỗi lần gia hạn thông báo về việc kê biên tài sản là năm năm.
- Khi kê khai tên, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ghi đầy đủ, chính xác theo các loại giấy tờ, văn bản quy định.
+ Đối với cá nhân là công dân Việt Nam: Kê khai đầy đủ họ và tên theo Chứng minh nhân dân; số Chứng minh nhân dân; trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân thì kê khai theo tên, địa chỉ của cá nhân đó được ghi trong bản án, quyết định của Toà án được thi hành hoặc kê khai theo tên, địa chỉ trong biên bản xác minh của Chấp hành viên. Trường hợp là quân nhân tại ngũ thì kê khai đầy đủ họ và tên theo Chứng minh thư quân đội, số Chứng minh thư quân đội.
+ Đối với cá nhân là người nước ngoài: Kê khai đầy đủ họ và tên theo Hộ chiếu; số Hộ chiếu; trong trường hợp không có Hộ chiếu thì kê khai theo tên, địa chỉ của cá nhân đó được ghi trong bản án, quyết định của Toà án được thi hành hoặc kê khai theo tên, địa chỉ trong biên bản xác minh của Chấp hành viên. Đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam: kê khai đầy đủ họ và tên theo Thẻ thường trú; số Thẻ thường trú; trong trường hợp không có Thẻ thường trú thì kê khai theo tên, địa chỉ của cá nhân đó được ghi trong bản án, quyết định của Toà án được thi hành hoặc kê khai theo tên, địa chỉ trong biên bản xác minh của Chấp hành viên.
+ Đối với pháp nhân có đăng ký kinh doanh: Kê khai tên theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với pháp nhân không có đăng ký kinh doanh: kê khai tên theo quyết định thành lập hoặc giấy phép đầu tư (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), số quyết định thành lập hoặc số giấy phép đầu tư.
- Phương thức thực hiện thông báo về việc kê biên tài sản và yêu cầu cung cấp thông tin của Chấp hành viên bằng việc:
+ Nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký.
+ Gửi qua fax tới Trung tâm Đăng ký.
+ Gửi qua đường bưu điện tới Trung tâm Đăng ký trong trường hợp Chấp hành viên của cơ quan thi hành án quân khu, cơ quan thi hành án cấp huyện thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà không có điều kiện gửi trực tiếp hoặc gửi qua fax.
Trung tâm Đăng ký từ chối tiếp nhận Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản khi có một trong các căn cứ là văn bản thông báo về việc kê biên tài sản không có đầy đủ các nội dung kê khai theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này; không thuộc thẩm quyền của Trung tâm Đăng ký; khi phát hiện có thông báo về việc kê biên tài sản trùng lặp với văn bản đã tiếp nhận trước đó; yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo, yêu cầu sửa chữa sai sót, yêu cầu gia hạn, yêu cầu xoá thông báo về việc kê biên tài sản không có trong Hệ thống dữ liệu của Trung tâm Đăng ký. Trung tâm Đăng ký từ chối cung cấp thông tin nếu văn bản yêu cầu cung cấp thông tin không có đủ nội dung kê khai theo mẫu quy định.
- Trung tâm Đăng ký có trách nhiệm giải quyết thông báo về việc kê biên tài sản và cung cấp thông tin ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của tổ chức, cá nhân hoặc trong ngày làm việc; nếu Trung tâm Đăng ký nhận được sau ba giờ chiều, thì giải quyết xong trong ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp phải kéo dài thời hạn, thì cũng không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các văn bản nêu trên hợp lệ.
Việc thông báo về kê biên tài sản và xác minh về tài sản dự định kê biên của Chấp hành viên không phải chịu lệ phí và phí.
- Trình tự, thủ tục thông báo về việc kê biên tài sản: Chấp hành viên nộp Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản theo một trong các phương thức quy định. Sau khi nhận Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản, Đăng ký viên kiểm tra và ghi thời điểm nhận thông báo (giờ, phút, ngày, tháng, năm), nếu văn bản đó không thuộc một trong các trường hợp từ chối. Đăng ký viên phải kịp thời nhập các nội dung kê khai trong Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản vào Hệ thống dữ liệu. Trong thời hạn quy định, Trung tâm Đăng ký chứng nhận vào bản sao của Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản và trao trực tiếp cho Chấp hành viên tại Trung tâm Đăng ký hoặc gửi qua đường bưu điện, tùy theo yêu cầu của viên hành viên.
Nếu Trung tâm Đăng ký phát hiện có giao dịch, hợp đồng được đăng ký theo tên của người phải thi hành án trong thời gian từ khi Chấp hành viên xác minh về tài sản dự định kê biên đến khi Trung tâm Đăng ký nhận được Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thì Trung tâm Đăng ký thông báo bằng văn bản cho Chấp hành viên về các giao dịch, hợp đồng đó cùng với việc cấp bản sao của Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản.
- Thay đổi nội dung, gia hạn thời hạn, sửa chữa sai sót và xoáthông báo về kê biên tài sản thi hành án:
+ Trong thời hạn còn hiệu lực của việc thông báo về kê biên tài sản, Chấp hành viên gửi Văn bản yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo về kê biên tài sản thi hành án khi có một trong các căn cứ sau đây:Rút bớt, thay thế hoặc bổ sung tài sản so với số tài sản đã nêu trong Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản mà Chấp hành viên đã gửi cho Trung tâm Đăng ký. Thay đổi thông tin về tên, địa chỉ hoặc số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý của người phải thi hành án. Thay đổi các nội dung khác đã thông báo.
+ Chấp hành viên phải gửi văn bản yêu cầu gia hạn thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án cho Trung tâm Đăng ký trước ngày chấm dứt thời hạn có hiệu lực của thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án, nếu đến thời điểm đó mà tài sản kê biên chưa được xử lý hoặc giải toả kê biên; trong trường hợp hết ngày chấm dứt thời hạn có hiệu lực của việc thông báo đó mà Trung tâm Đăng ký không nhận được Văn bản yêu cầu gia hạn nêu trên thì có quyền tự động xoá thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.
+ Trong trường hợp Chấp hành viên phát hiện có sai sót trong thông báo về việc kê biên tài sản thì gửi Văn bản yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung thông báo về kê biên tài sản thi hành án.
Trường hợp phát hiện có sai sót trong Hệ thống dữ liệu do lỗi của Đăng ký viên thì Đăng ký viên phải kịp thời báo cáo Giám đốc Trung tâm Đăng ký xem xét, quyết định việc chỉnh lý thông tin và gửi văn bản thông báo về việc chỉnh lý thông tin đó cho Chấp hành viên.
+ Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc kể từ ngày giải toả việc kê biên tài sản hoặc hoàn tất việc xử lý tài sản kê biên, Chấp hành viên phải gửi Văn bản yêu cầu xoá thông báo về kê biên tài sản thi hành án.
Khi chấm dứt thời hạn có hiệu lực của thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án mà Trung tâm Đăng ký không nhận được Văn bản yêu cầu xoá thông báo về kê biên tài sản thi hành án hoặc Văn bản yêu cầu gia hạn thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án thì Trung tâm Đăng ký tự động xoá thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.
c) Trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
4.3. Thông báo về định giá tài sản
Trước khi định giá tài sản, Chấp hành viên phải thông báo về việc định giá tài sản cho những người được thông báo. Nội dung thông báo về định giá tài sản phải cụ thể về thời gian, địa điểm, tài sản định giá.
Đối với việc định giá quyền sử dụng đất thì ít nhất ba ngày làm việc trước khi định giá, Chấp hành viên phải thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp biết; thông báo cho người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất đã kê biên biết về thời gian, địa điểm Hội đồng định giá làm việc để tham gia ý kiến vào việc định giá.
4.4. Thông báo về bán tài sản
Tuỳ hình thức bán tài sản (bán đấu giá thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc bán tài sản do cơ quan thi hành án thực hiện) mà tiến hành thông báo với thời hạn và nội dung phù hợp.
Trường hợp bán tài sản theo hình thức đấu giá thì phải thực hiện việc thông báo bán đấu giá tài sản theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định tại Điều 12 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo đó, người bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá tài sản, nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi ngày đối với bất động sản trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp người có tài sản bán đấu giá có yêu cầu thì thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể rút ngắn theo thoả thuận của các bên.
Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ mười triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, người bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định nêu trên.
Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới mười triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Niêm yết, thông báo công khai về bán đấu giá tài sản có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên địa chỉ của người bán đấu giá tài sản.
- Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản.
- Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá.
- Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
- Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá.
- Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá.
- Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá.
- Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.
4.5. Thông báo về nhận tiền, tài sản
Tiền, tài sản do cơ quan thi hành án đã thu được thì phải thực hiện việc thanh toán hoặc trả cho những người được nhận. Khi thực hiện việc thông báo về nhận tiền, tài sản, cơ quan thi hành án phải lưu ý một số trường hợp sau đây:
- Trong trường hợp một bản án, quyết định có nhiều khoản phải thi hành hoặc trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Toà án, nhưng chỉ có một số người làm đơn yêu cầu thi hành mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo các bản án, quyết định của Toà án thì cơ quan thi hành án phải thông báo và ấn định thời hạn không quá một tháng cho những người được thi hành án khác về quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ và hướng dẫn tại mục 15.3 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp.
- Đối với khoản tiền người phải thi hành án tự nguyện nộp nhưng người được thi hành án không nhận thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu được số tiền, tài sản do người phải thi hành án nộp, cơ quan thi hành án thông báo cho người được thi hành án đến nhận theo hướng dẫn tại mục 10.2 Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư pháp. Hết thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, giữ tài sản tại kho của cơ quan thi hành án.
Đối với những khoản tiền khác chưa xác định được địa chỉ của người nhận hoặc đã có báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận, mà trong thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Đồng thời mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, số ngày, tháng, năm của bản án hay quyết định thi hành án. Hết thời hạn ba năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển nộp sung công quỹ số tiền, tài sản đó vào Ngân sách Nhà nước.
- Đối với trường hợp quy định tại khoản điểm 3.2.1 khoản 3 mục III Thông tư số 67/2007/TT-BTP ngày 5/7/2007 của Bộ Tư pháp, Chấp hành viên viết giấy báo cho đương sự đến trụ sở cơ quan thi hành án, yêu cầu kế toán và thủ quỹ thi hành án làm thủ tục chi trả tiền cho họ. Trong giấy báo cần ghi rõ: yêu cầu đương sự khi đến nhận tiền phải mang theo chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp uỷ quyền cho người khác nhận thay phải có giấy uỷ quyền hợp pháp kèm theo chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Nghĩa vụ, trách nhiệm và vấn đề xử lý vi phạm thông báo về thi hành án
- Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông báo và có trách nhiệm về việc cố tình không nhận thông báo. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định trách nhiệm của người được thông báo trong việc nhận thông báo, theo đó người được thông báo có trách nhiệm nhận thông báo, việc không nhận thông báo hoặc đã được thông báo hợp lệ mà không có mặt tại nơi thi hành án thì họ không còn quyền khiếu nại về việc không được thông báo hoặc không được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Trong trường hợp người phải thi hành án cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
- Tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người có nghĩa vụ thông báo về thi hành án có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện thông báo về thi hành án mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Mức bồi thường căn cứ vào thực tế thiệt hại phát sinh.
Đối với người có nghĩa vụ thực hiện thông báo về thi hành án mà gây thiệt hại không phải là cán bộ, công chức thì thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
6. Chi phí thông báo về thi hành án
Việc thông báo về thi hành án trong từng trường hợp cụ thể phát sinh kinh phí nhất định. Có trường hợp tốn kém nhiều chi phí, nhưng cũng có trường hợp chi phí thông báo về thi hành án không nhiều, do vậy, cơ quan thi hành án phải xác định đúng mức chi và thanh toán đúng kinh phí từ nguồn chi cho từng việc thông báo về thi hành án.
6.1. Đối tượng phải chịu chi phí thông báo về thi hành án
- Đối với các khoản chi thông báo về cưỡng chế thi hành án, thì đây là một khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, vì thế tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan thi hành án xác định trên cơ sở đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án là người phải thi hành án hoặc người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 38 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Điều 28 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ và hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 26/7/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.
Các khoản chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 mục II Thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP nêu trên, gồm có: Chi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí); chi cho những người có trách nhiệm tham gia vào buổi thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).
- Đối với các khoản khác chi thông báo về thi hành án được thanh toán từ kinh phí của cơ quan thi hành án do ngân sách nhà nước cấp hoặc khoản thu hợp pháp khác (phí thi hành án).
6.2. Mức chi thông báo về thi hành án
- Trong hoạt động thi hành án, một số khoản chi có tính chất đặc thù, trong đó có khoản chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình thông báo về thi hành án. Các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia vào quá trình thông báo về thi hành án được bồi dưỡng mức chi tối đa 25.000 đồng/người/buổi,nhưng nếu đã được hưởng phụ cấp lưu trú theo quy định thì không hưởng mức chi bồi dưỡng này.
- Các chi phí khác về thông báo về thi hành án được thanh toán căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
Trích dẫn từ: http://tha.moj.gov.vn/web/guest/home?p_p_id=cmsviewportlet_WAR_vsi_portlets_INSTANCE_XbBg&p_p_action=1&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column-2&p_p_col_pos=0&p_p_col_count=1&_cmsviewportlet_WAR_vsi_portlets_INSTANCE_XbBg_struts_action=%2Fcmsviewportlet%2Fview&_cmsviewportlet_WAR_vsi_portlets_INSTANCE_XbBg_arcId=3977
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét