HỒ KHẢI HÀ
Điều 605 BLDS năm 2005. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
"... Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình (Khoản 2)..."
....Thực tế các tòa lại không áp dụng vì thiếu hướng dẫn.
Một chuyện gây xôn xao dư luận gần đây là việc các bị cáo trong vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn (Bình Định) phải bồi thường cho những người bị hại hơn 122 tỷ đồng. Nhiều người đã cho rằng họ có còng lưng làm cả đời cũng không thể trả nợ nổi vì gia cảnh ai cũng nghèo khó. Tòa tuyên như vậy là thiếu thực tế, cứng nhắc vì không áp dụng luật để giảm mức bồi thường cho các bị cáo...
Hầu như không áp dụng
Việc không áp dụng được khoản 2 Điều 605 BLDS không riêng gì ở TAND tỉnh Bình Định, chúng tôi đã tìm hiểu ở rất nhiều tòa khác và được biết các tòa hầu như không áp dụng quy định này.
Cụ thể là một số tòa án tỉnh như Long An, Trà Vinh, Tây Ninh... cho biết chưa có vụ nào họ áp dụng quy định này để xử có lợi cho người phải bồi thường. Còn ở TP.HCM, một lãnh đạo TAND cũng nói chưa nghe thẩm phán nào báo cáo về việc giảm mức bồi thường vì đương sự thiếu khả năng kinh tế. Tìm hiểu ở các tòa cấp quận, huyện ở TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu..., tình hình cũng tương tự. Theo các tòa, từ trước tới nay việc xét bồi thường trong tố tụng chỉ căn cứ theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu.
Chỉ giảm khi có thỏa thuận
Theo thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng - Chánh án TAND tỉnh Bình Dương việc bồi thường thiệt hại trong tố tụng trước tiên phải theo nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Thông thường, bên yêu cầu bồi thường nêu ra các con số cụ thể và cung cấp chứng cứ chứng minh. Sau khi xem xét, nếu thấy khoản nào hợp lý, có cơ sở thì tòa chấp nhận, khoản nào không thì tòa bác. Còn việc sau khi đã xác định được số tiền phải bồi thường, tòa căn cứ vào khả năng thực tế để xét giảm là rất hiếm. Chủ yếu là tòa vận động bên yêu cầu giảm bớt cho bên gây thiệt hại. Nhiều vụ bên yêu cầu đã chấp nhận bớt cho bên gây thiệt hại vài triệu, vài chục triệu hoặc có khi cả vài trăm triệu đồng.
Tương tự, thẩm phán Trần Đình Thu - Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết tòa phải tôn trọng quyền đòi bồi thường của đương sự với nguyên tắc là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ. Ở tòa này cũng thường giảm mức bồi thường nhưng đó là xuất phát từ thỏa thuận giữa hai bên chứ tòa không tự ý giảm. Ông Tôn Văn Trung - Phó Chánh án TAND quận 12 (TP.HCM) cũng nhìn nhận các thẩm phán ở tòa ông phải tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự, không thể tự tiện tăng hay giảm mức bồi thường.
Thiếu hướng dẫn, khó áp dụng
Theo nhiều chuyên gia, quy định trên thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Vậy vì sao trên thực tế nó lại ít được áp dụng?
Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre), các thẩm phán ngại áp dụng vì đến nay chưa có một hướng dẫn nào về chuyện này. Luật chỉ nói chung chung, mang tính tùy nghi rất cao, tạo ra một tâm lý e dè cho thẩm phán.
Thẩm phán Tôn Văn Trung cũng cho rằng điều luật đang rất mù mờ. Làm sao để đánh giá mức thiệt hại vượt quá khả năng kinh tế? Làm cách nào đánh giá được khả năng kinh tế ở thời điểm trước mắt và lâu dài của đương sự? Xét giảm bồi thường với tỷ lệ bao nhiêu? Đương sự cần phải làm những thủ tục gì, cung cấp chứng cứ gì cho tòa hay để thẩm phán tùy nghi quyết định tất cả? Nếu xét giảm mà bên được bồi thường không chịu thì sao?
Một thẩm phán TAND tối cao nhận xét các thẩm phán không mạnh dạn áp dụng quy định này bởi họ khó nắm rõ được khả năng kinh tế của đương sự. Khả năng kinh tế là tài sản mà đương sự đang có hay mức thu nhập hàng tháng? Có bao gồm khả năng đương sự có thể vay mượn được từ người khác để bồi thường hay không? Thẩm phán sẽ tìm hiểu như thế nào để biết họ có khả năng thế này, thế kia? Việc tìm hiểu này rất công phu, phức tạp, các thẩm phán khó mà làm nổi!
Trước rất nhiều điểm chưa rõ trên, luật sư Nguyễn Thế Phong - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Long An cho rằng để quy định đi vào thực tiễn thì cần phải có các tiêu chí cụ thể để tòa dựa vào đó mà xét giảm mức bồi thường cho đương sự. Mà muốn có các tiêu chí cụ thể thì các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương như Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao... phải ngồi lại với nhau để ra văn bản hướng dẫn.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương kể khoảng hơn chục năm trước, TAND quận 6 (TP.HCM) đã từng vận dụng quy định nhân đạo này khi tuyên giảm gần 1/3 mức bồi thường cho một đương sự lỡ tay làm cháy mấy chục căn nhà phố. Tuy nhiên, đây chỉ là một vụ hiếm hoi mà ông biết được trong mấy chục năm qua.
Về vụ án này, một thẩm phán TAND quận 6 cho biết tòa chưa có thời gian để kiểm tra nên không thể nhớ là thẩm phán nào xử lý và áp dụng việc giảm nhẹ ra sao, theo những tiêu chí nào...
CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP (Theo Hồ Khải Hà - Báo Pháp luật TPHCM)
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=221138
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét