Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Toàn văn Nghị quyết 229/2000/NQ-UBTVQH10 về việc triển khai thực hiện Mục 3 Nghị quyết của Quốc hội "Về việc thi hành Bộ luật Hình sự"

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 229/2000/NQ-UBTVQH10
Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2000
 NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MỤC 3 NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI "VỀ VIỆC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ"
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Để triển khai thực hiện Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21 tháng 12 năm 1999 của Quốc hội "về việc thi hành Bộ luật Hình sự" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 32);
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
QUYẾT NGHỊ:
1. Đối với những người bị xử phạt tử hình trước ngày công bố Bộ luật Hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999) về những tội mà Bộ luật Hình sự này đã bỏ hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao áp dụng điểm b Mục 3 Nghị quyết số 32 chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt cao nhất mà Bộ luật Hình sự này quy định đối với hành vi phạm tội đó.
2. Đối với phụ nữ bị xử phạt tử hình trước ngày công bố Bộ luật Hình sự năm 1999 về những tội mà Bộ luật Hình sự này vẫn giữ hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao áp dụng điểm b Mục 3 Nghị quyết số 32 chuyển hình phạt tử hình xuống tù chung thân trong trường hợp họ đang có con (con đẻ, con nuôi) dưới 36 tháng tuổi hoặc đang có thai.
3. Tuỳ từng giai đoạn tố tụng mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải áp dụng điểm c hoặc điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32 và các điều tương ứng của Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ vụ án đối với những người sau đây:
a. Người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự trước đây quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định là tội phạm;
b. Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến 7 năm tù đối với tội phạm mà người đó đã thực hiện.
4. Việc miễn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án trước ngày công bố Bộ luật Hình sự năm 1999 về hành vi mà Bộ luật Hình sự trước đây quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định là tội phạm và đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội bị kết án trước ngày công bố Bộ luật Hình sự năm 1999 về những tội mà Bộ luật Hình sự này quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến 7 năm tù, được thực hiện như sau:
a. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, thì cơ quan thi hành án phạt tù hoặc cơ quan thi hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại;
b. Đối với người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thì cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại;
c. Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế, thì chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện, Chánh án Toà án quân sự khu vực nơi người đó chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời hạn quản chế còn lại;
d. Đối với người đang chấp hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện, Chánh án Toà án quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thời hạn tước một số quyền công dân còn lại;
đ. Đối với người bị xử phạt tù, xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e. Đối với người bị xử phạt bằng các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc đề nghị và Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện, Chánh án Toà án quân sự khu vực nơi người đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
5. Người được nêu tại Mục 4 Nghị quyết này đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, thì đương nhiên được xoá án tích; nếu họ có yêu cầu, thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đối với họ cấp giấy chứng nhận xoá án tích cho họ.
6. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
7. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2000.
Nghị quyết này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 01 năm 2000. 

Nông Đức Mạnh
(Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến