Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Toàn văn Nghị quyết 30/2004/QH11 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước

QUỐC HỘI
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 30/2004/QH11
Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2004
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật khiếu nại, tố cáo;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ
1. Quốc hội tán thành với những đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kể từ khi Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực đến nay, những kết quả đã đạt được, nguyên nhân và giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật và Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội từ năm 1999 đến quý I năm 2004. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính, Thanh tra nhà nước các cấp, các ngành đã có cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc diễn ra gay gắt, kéo dài, đông người đi khiếu nại, khiếu nại vượt cấp; có những vụ việc có tổ chức hoặc do nhiều người cùng liên kết, gây sức ép đòi các cơ quan trung ương giải quyết; có trường hợp khiếu nại, tố cáo sai, cá biệt có trường hợp người khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, hành hung người thi hành công vụ.
Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ là do một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; còn nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; do chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, thì nguyên nhân cơ bản còn do có những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong một số trường hợp đã ban hành những quyết định không đúng hoặc có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; khi nhận được khiếu nại thì không ít cán bộ, công chức còn thiếu ý thức trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; không ra quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; chưa quan tâm đến việc tiếp, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, nhất là người giải quyết khiếu nại lần đầu còn thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát, không chịu sửa chữa những quyết định, hành vi sai trái của chính mình, người giải quyết khiếu nại các lần tiếp theo còn nể nang, bao che cho cấp dưới; cá biệt có trường hợp sách nhiễu, thách đố công dân đi khiếu nại, tố cáo; một số cơ quan, cán bộ, công chức và người khiếu nại, tố cáo không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết đúng và đã có hiệu lực pháp luật; một số người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, gây phức tạp thêm tình hình.
2. Chính phủ cần có những biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tập trung vào những vấn đề sau đây:
a) Chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức trong hoạt động quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật; chủ động đề ra các biện pháp để giải quyết theo các quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và tình hình của cơ quan, đơn vị mình nhằm hạn chế để xảy ra những sai phạm, sơ hở làm phát sinh khiếu nại, tố cáo;
b) Các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết và các quy định khác của pháp luật khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời những vụ việc thuộc thẩm quyền của mình; đối với những vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; trong quá trình giải quyết phải thực hiện đúng quy định về việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại;
c) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với người thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết đã có hiệu lực của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; đối với người khiếu nại do thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật thì gặp gỡ, giải thích để họ chấp hành; đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục người khác khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây rối hoặc có hành vi quá khích gây mất trật tự, an toàn xã hội thì phải xử lý kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, công bố công khai trước công luận về các biện pháp xử lý;
d) Chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên làm tốt công tác rà soát những khiếu nại, tố cáo tồn đọng; trước mắt, tiến hành tổng rà soát và tập trung giải quyết một cách cơ bản những khiếu nại, tố cáo tồn đọng trong thời hạn chậm nhất là một năm, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; đối với những khiếu nại do quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định giải quyết khiếu nại không đúng pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì phải tập trung giải quyết dứt điểm;
đ) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nhân dân hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, gửi đơn đến người không có thẩm quyền giải quyết hoặc vượt cấp.
3. Các cơ quan hành chính nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở; hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện cho việc hoà giải các tranh chấp trong nhân dân, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
4. Trong Báo cáo hàng năm của Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần gắn với việc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện Nghị quyết này.
Chính phủ khẩn trương tiến hành tổng kết toàn diện việc thi hành Luật khiếu nại tố cáo năm 1998, làm cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi cơ bản Luật khiếu nại, tố cáo, xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết các khiếu kiện hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004. 

Nguyễn Văn An
(Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến