Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Toàn văn Thông tư liên tịch 11/TTLB hướng dẫn gíáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hoá, dạy nghề; chế độ sinh hoạt giải trí cho phạm nhân

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ NỘI VỤ - QUỐC PHÒNG - TÀI CHÍNH - GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11-TTLB NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN VIỆC GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, GIÁO DỤC CÔNG DÂN, DẠY VĂN HOÁ, DẠY NGHỀ, CHẾ ĐỘ SINH HOẠT GIẢI TRÍ CHO PHẠM NHÂN
Căn cứ Pháp lệnh thi hành án phạt tù ngày 20-3-1993 và Nghị định số 60/CP ngày 16-9-1993 của chính phủ ban hành "Quy chế trại giam", Liên Bộ Nội vụ - Quốc phòng - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo - Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; dạy văn hoá, dạy nghề, chế độ sinh hoạt giải trí cho phạm nhân như sau:
I. GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, GIÁO DỤC CÔNG DÂN CHO PHẠM NHÂN
1. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù, phạm nhân phải học một số vấn đề cần thiết về pháp luật. Chương trình giáo dục công dân nhằm giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, để trở thành người công dân lương thiện, có ích cho xã hội.
a) Về pháp luật.
- Giáo dục cho phạm nhân hiểu rõ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp.
- Những quy định về tội phạm, hình phạt quy định trong Bộ Luật hình sự, những thủ tục điều tra quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự có liên quan đến hành vi phạm tội của họ: Các quy định về giảm án, hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; tự thú; xoá án v.v...
- Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Quy chế và nội quy trại giam.
b) Giám thị tổ chức cho phạm nhân học những vấn đề cơ bản về lịch sử dựng nước và giữ nuớc, truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam, những quy tắc cơ bản về nếp sống văn minh. Giám thị tổ chức thông báo hoặc phổ biến cho phạm nhân biết những vấn đề về thời sự trong và ngoài nước, những chính sách, pháp luật mới mà phạm nhân cần biết.
2. Mỗi tuần phạm nhân được học tập 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ.
3. Chương trình và nội dung cụ thể, tài liệu giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, lịch sử dựng nước và giữ nước, nếp sống văn minh cho phạm nhân do Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng quy định và biên soạn.
II. DẠY VĂN HOÁ CHO PHẠM NHÂN
1. Phạm nhân là người không biết chữ và phạm nhân là người chưa thành niên là những đối tượng bắt buộc phải học văn hoá. Giám thị trại giam tổ chức dạy văn hoá cho người không biết chữ phải biết đọc, biết viết: cho người chưa thành niên học hết bậc tiểu học.
2. Tất cả phạm nhân đều có thể tự học văn hoá để nâng cao trình độ.
3. Giám thị trại giam liên hệ với cơ quan giáo dục địa phương nơi gần trại để phối hợp trong việc dạy văn hoá cho phạm nhân.
4. Giáo viên dạy văn hoá cho phạm nhân do cán bộ giáo dục của trại giam và giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo đảm nhiệm. Những người làm nhiệm vụ giảng dạy văn hoá cho phạm nhân được hưởng chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước
5. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Phòng giáo dục nơi trại giam đóng có trách nhiệm chỉ đạo quản lý chất lượng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung, chương trình giảng dạy, học tập, phối hợp với trại giam tổ chức thi hết lớp, hết cấp và cấp chứng chỉ học lực theo quy định của ngành giáo dục và đào tạo đồng thời có trách nhiệm cử giáo viên đến trại dạy văn hoá cho phạm nhân theo yêu cầu của trại.
III. DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN
1. Đối với phạm nhân là người chưa thành niên, việc học nghề là bắt buộc, trại giam tổ chức dạy nghề cho họ. Đối với những phạm nhân khác, tuỳ điều kiện, khả năng của trại và nguyện vọng của phạm nhân, trại có thể dạy nghề cho họ. Thời gian học nghề của phạm nhân tuỳ theo loại nghề và khả năng của trại, trại có thể định hướng cho họ vừa học nghề, vừa làm ra sản phẩm.
2. Trại giam được thành lập "Cơ sở dạy nghề" để đào tạo, hướng dẫn việc học nghề cho phạm nhân. Chức năng nhiệm vụ cụ thể của "Cơ sở dạy nghề" do Bộ Nội vụ, Bộ quốc phòng quy định. Kinh phí để trang bị phương tiện, kỹ thuật, đồ dùng cho việc dạy nghề do Bộ Nội vụ, Bộ quốc phòng xét duyệt và cung cấp theo đề nghị của trại. Trại giam khuyến khích bản thân và gia đình phạm nhân đóng góp kinh phí để mua sắm phương tiện kỹ thuật dạy nghề cho phạm nhân.
3. Giáo viên dạy nghề có thể là cán bộ của trại biết nghề hoặc thuê những người có tay nghề ở ngoài xã hội (tuổi đời từ 21 trở lên, có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật, đã thực hành tay nghề ít nhất 3 năm hoặc là thợ bậc cao, nghệ nhân) hoặc sử dụng những phạm nhân có tay nghề và thái độ tốt. Có thể mời giáo viên của các trường dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp...
Những người này khi dạy nghề đều được hưởng chế độ theo quy định hiện hành của nhà nước.
4. Sau khi học, phạm nhân được thi tốt nghiệp, thi tay nghề, cấp chứng chỉ, văn bằng theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo
IV. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, GIẢI TRÍ CỦA PHẠM NHÂN
Ngoài thời gian lao động, học tập, phạm nhân được vui chơi, sinh hoạt câu lạc bộ, được họat động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, được nghe đài, đọc sách báo, xem truyền hình theo quy định của trại giam.
Mỗi trại hoặc phân trại được thành lập thư viện, câu lạc bộ, khu vui chơi, sân thể thao.
Cứ 30 phạm nhân được cấp 1 tờ báo nhân dân và một tờ báo Pháp luật; mỗi trại giam hoặc một phân trại được trang bị một hệ thống truyền thanh; máy vô tuyến truyền hình.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này được áp dụng đối với tất cả những người đang thi hành án tại các trại giam.
Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động - Thương binh Xã hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này trong ngành mình.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến