Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Toàn văn Quy định 200/QĐPH/VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ QUỐC PHÒNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 200/QĐPH/VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP
Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2010
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ TƯ PHÁP
Căn cứ quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp;
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09 CT/TW ngày 6/3/2002 của Ban Bí thư, Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng thống nhất quy định về việc phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi phối hợp
Văn bản này quy định nguyên tắc, phương thức và một số nội dung phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là các cơ quan) về việc tiếp nhận, quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và thi hành án… (sau đây gọi chung là khiếu nại, tố cáo về tư pháp) thuộc thẩm quyền của mỗi cơ quan.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
2. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan bảo đảm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp được quản lý chặt chẽ, tiến hành đúng theo quy định của pháp luật.
3. Khi một cơ quan có đề nghị phối hợp thì cơ quan được đề nghị thực hiện kịp thời, đúng nội dung đề nghị phối hợp.
Điều 3. Phương thức phối hợp
1. Việc phối hợp được tiến hành bằng các hình thức:
a. Trao đổi trực tiếp, qua thư điện tử, gửi công văn đề nghị phối hợp; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; cung cấp cho nhau các tài liệu, báo cáo chuyên đề trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về tư pháp;
b. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác tiếp nhận, quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp;
c. Tổ chức họp lãnh đạo liên ngành, các đơn vị tham mưu và các phòng ban nghiệp vụ.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và nội dung cần phối hợp, cơ quan có đề nghị phối hợp chủ động chuẩn bị văn bản đề nghị về nội dung, thời gian, kế hoạch và phương pháp tiến hành; cơ quan được đề nghị phối hợp thực hiện kịp thời, đúng nội dung phối hợp.
3. Các cơ quan trực tiếp phối hợp với nhau trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp có liên quan hoặc thông qua cơ quan đầu mối chung để tổ chức họp liên ngành khi cần thiết.
4. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) làm đầu mối chung có trách nhiệm tổng hợp tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp theo định kỳ.
5. Các đơn vị đầu mối: Vụ Khiếu tố Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Thống kê - Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao; Thanh tra Bộ Công an; Thanh tra Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ngành mình trong công tác phối hợp.
Đơn vị đầu mối của mỗi cơ quan có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ tình hình, kết quả thụ lý, giải quyết khiếu nại tố cáo về tư pháp, đề nghị phối hợp, kết quả phối hợp của cơ quan mình để thông báo cho cơ quan đầu mối chung.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan  
1. Tiếp nhận, phân loại khiếu nại, tố cáo về tư pháp để giải quyết hoặc chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Rà soát, thống kê đầy đủ các khiếu nại, tố cáo về tư pháp đã tiếp nhận thuộc thẩm quyền để giải quyết.
3. Đối với khiếu nại, tố cáo về tư pháp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, thì cơ quan thụ lý giải quyết thông báo cho cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết.
Điều 5. Phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp, từng cơ quan chủ động áp dụng các phương thức phối hợp với các cơ quan có liên quan. Tùy theo nội dung vụ, việc và đề nghị của cơ quan phối hợp để cử đơn vị chức năng tham gia.
2. Đối với khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người, nội dung phức tạp có liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan thì cơ quan có trách nhiệm giải quyết chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan họp để bàn biện pháp giải quyết. Cơ quan có trách nhiệm giải quyết ban hành quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định giải quyết của mình.
3. Đối với khiếu nại, tố cáo mà cơ quan có trách nhiệm giải quyết đã ban hành văn bản giải quyết cuối cùng của người có thẩm quyền thì cơ quan giải quyết gửi 01 bản cho VKSNDTC và các cơ quan phối hợp có liên quan để theo dõi.
Đối với khiếu nại, tố cáo đã có văn bản giải quyết cuối cùng của người có thẩm quyền khi nhận được đơn thì xếp lưu không chuyển đi nữa và thông báo cho người có đơn biết. Việc xem xét tiếp loại đơn này do cơ quan có trách nhiệm giải quyết khi có ý kiến của người có thẩm quyền của cơ quan đó.
4. Đối với khiếu nại, tố cáo về tư pháp do các cơ quan khác chuyển đến, cơ quan có trách nhiệm giải quyết thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển đơn.
Điều 6. Về chế độ thông tin
1. Định kỳ 3 tháng một lần hoặc trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các cơ quan thông báo tình hình, số liệu tiếp nhận, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền; những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị đề xuất trong quá trình giải quyết loại đơn này về Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua đơn vị đầu mối).
2. Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho nhau những tài liệu, báo cáo chuyên đề liên quan đến nội dung phối hợp.
3. Định kỳ một năm hoặc trong trường hợp cần thiết Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì tổ chức họp liên ngành để rút kinh nghiệm về công tác phối hợp.
Điều 7. Công tác kiểm tra, chỉ đạo
Công tác rà soát khiếu nại, tố cáo về tư pháp được tiến hành theo kế hoạch của từng ngành hoặc liên ngành theo yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Các cơ quan thống nhất với nhau về chương trình, kế hoạch, thời điểm, phương thức tiến hành. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả rà soát liên ngành.
Các cơ quan xây dựng kế hoạch kiểm tra về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về tư pháp của ngành mình hoặc thực hiện kế hoạch kiểm tra của liên ngành. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành để các cơ quan phối hợp cùng thực hiện.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 8. Trách nhiệm thực hiện  
Các cơ quan cùng ký văn bản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.
Các cơ quan tư pháp địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng Quy định phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của địa phương mình.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có những vấn đề phát sinh, các cơ quan sẽ trao đổi để bổ sung, sửa đổi kịp thời./. 
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG

Nguyễn Thị Thủy Khiêm
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC

Đặng Quang Phương
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG

Nguyễn Văn Hưởng
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG


Nguyễn Đức Chính
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG

Phan Trung Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến