- Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở góc phải để tải về)
- Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới nhất
- Pháp lệnh Tổ chức điều tra Hình sự và văn bản hướng dẫn mới nhất
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA LIÊN NGÀNH KIỂM SÁT - NỘI VỤ - TƯ PHÁP - NGOẠI GIAO SỐ 01-TTLN NGÀY 8/9/1988 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐIỀU TRA, XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM LUẬT LỆ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ DO NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG NƯỚC NGOÀI GÂY RA
Thời gian qua, việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người hoặc phương tiện nước ngoài gây ra ở Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn các địa phương, do đó nhiều vụ giải quyết không kịp thời và chưa bảo đảm quyền lợi của người bị hại, nên có nhiều đơn thư khiếu nại đến cơ quan Nhà nước.
Căn cứ vào pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia và tập quán quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến giữa các ngành, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao ra Thông tư hướng dẫn sau đây:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
Các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người nước ngoài hoặc những phương tiện giao thông đường bộ của người nước ngoài gây ra tại Việt Nam đều phải được điều tra và xử lý chính xác, kịp thời, bảo đảm lợi ích Nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân bị thiệt hại do việc vi phạm gây ra.
1. Người nước ngoài nói trong Thông tư này là người có quốc tịch của một nước khác hoặc không có quốc tịch đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các đối tượng sau đây:
a. Những người có thân phận ngoại giao, (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hôi, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ sống chung tại Việt Nam và không có Quốc tịch Việt Nam được Nhà nước ta cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Những người này được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra. Tuy nhiên họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước ta, kể cả luật lệ về giao thông đường bộ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
b. Nhân viên hành chính - kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài và các cơ quan nước ngoài khác đã nêu ở điểm a và thành viên gia đình họ không có quốc tịch Việt Nam, và cùng sống với họ tại Việt Nam, các thành viên không có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu.
Những người này chỉ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
c. Những người nước ngoài khác không thường trú tại Việt Nam: Nhà kinh doanh, chuyên gia, học sinh, sinh viên công tác, du lịch tại Việt Nam... Đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng do họ gây ra, áp dụng các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta và Nhà nước họ đã ký với nhau hoặc tham gia (hiệp định lãnh sự, hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật v.v...) hoặc áp dụng luật pháp của ta.
d. Đối với công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn sinh sống tại Việt Nam thì áp dụng luật pháp Việt Nam như đối với công dân Việt Nam.
Ngoài ra, những người mang quốc tịch Việt Nam điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài, việc điều tra, xử lý các vi phạm luật lệ giao thông gây hậu quả nghiêm trọng của họ, áp dụng pháp luật Việt Nam. Riêng đối với các phương tiện nói ở điểm a khoản 2 phần I Thông tư này nếu do các công dân Việt Nam điều khiển thì việc điều tra, xử lý, phải được tiến hành sao cho không gây trở ngại quá đáng cho hoạt động của các cơ quan đại diện và các tổ chức quốc tế.
2. Các phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài nói trong Thông tư này gồm:
a. Các phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế, của cá nhân những người có thân phận ngoại giao (xe mang biển số NG) được hưởng quyền miễn trừ không bị khám xét, trưng dụng, bắt giũ, không bị áp dụng các biện pháp xử lý.
b. Các phương tiện giao thông đường bộ khác không mang biển số NG thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, có thể bị khám xét, bắt giữ, xử lý như các phương tiện tương tự của Việt Nam, trừ trường hợp có thoả thuận riêng giữa Việt Nam và nước ngoài .
II. CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VÀ VIỆC PHỐI HỢP VỚI CƠ QUAN NGOẠI GIAO.
1. Khi có một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người, phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì thủ trưởng Công an cấp quận huyện nơi xẩy ra vi phạm phải kịp thời đến hiện trường để tổ chức bảo vệ hiện trường và hướng dẫn tiến hành các hoạt động khẩn cấp ban đầu như: Cấp cứu người bị nạn, kiểm tra bằng lái xe, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường, lập biên bản khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và báo cáo ngay về Giám đốc công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh, thành) để xin chỉ đạo điều tra giải quyết tiếp.
Nếu tai nạn xẩy ra nghiêm trọng (gây chết người, gây chấn thương nặng cho nạn nhân, bị thương nhiều người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản) thì cơ quan Công an cấp quận, huyện cần phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
2. Đối với những vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng nói trên, cơ quan Công an cấp tỉnh, thành có trách nhiệm thụ lý điều tra từ đầu cho đến khi làm xong kết luận điều tra.
Việc tiến hành điều tra theo đúng các quy định của pháp luật.
- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành có trách nhiệm kiểm sát việc điều tra của cơ quan Công an theo luật định.
- Cơ quan ngoại vụ ở cấp tỉnh, thành có trách nhiệm phối hợp giải quyết về mặt đối ngoại.
3. Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan ngoại vụ, tuỳ theo chức năng thẩm quyền của mình, có trách nhiệm giúp đỡ, yêu cầu cơ quan Công an tiến hành các thao tác nghiệp vụ, bảo đảm việc điều tra được tiến hành khẩn trương, chính xác, đúng thủ tục tố tụng Việt Nam và tôn trọng các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cụ thể như:
a. Đồng thời với việc tổ cức khám nghiệm hiện trường, các hoạt động ban đầu của cơ quan Công an phải nhằm vào việc xác định tư cách pháp lý của người vi phạm luật lệ giao thông, hoàn cảnh tai nạn xẩy ra, quy chế pháp lý của phương tiện giao thông gây tai nạn, người bị nạn và tổn thất về tài sản... Cán bộ công an, kiểm tra viên có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân cần thiết, tiến hành lập biên bản hiện trường và yêu cầu họ ký, trường hợp họ không ký thì ghi rõ vào biên bản.
b. Nếu có dấu hiệu rõ ràng của tội phạm, trước khi điều tra phải khởi tố vụ án. Cơ quan Công an và Viện trưởng kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành nhanh chóng nhận định sơ bộ về vụ tai nạn và báo cáo lên cấp trên của mình để có hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ.
c. Việc khởi tố bị can, tạm giữ, tạm giam khám xét chỉ được tiến hành trong trường hợp thật cần thiết và chỉ với những người phạm pháp không được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự. Các bị can người nước ngoài có thể được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập.
Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc hạn chế quyền tự do của công dân nước ngoài, cơ quan Công an và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phải báo cáo lên cấp trên của mình để cấp trên thông báo với Bộ Ngoại giao ta. Bộ ngoại giao ta sẽ báo cáo cho nước họ.
d. Việc lấy lời khai đương sự, bị can, nhân chứng được tiến hành theo các thủ tục thông thường tại trụ sở cơ quan Công an, Kiểm sát. Đương sự có thể tự chọn phiên dịch. Cơ quan Công an, Kiểm sát cũng có thể trưng cầu người phiên dịch, ghi âm lời khai (nếu có điều kiện).
Trong trường hợp viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự chấp thuận làm nhân chứng trong vụ việc vi phạm luật lệ giao thông đường bộ thì việc tiếp nhận bản khai hoặc lấy lời khai của họ có thể được tiến hành tại nơi thuận tiện cho họ và họ đồng ý.
e. Trường hợp lái xe gây tai nạn là người có thân phận ngoại giao thì việc kiểm tra xe, chụp ảnh các giấy tờ tuỳ thân, việc tiếp nhận lời khai của họ với tư cách là nhân chứng chỉ được tiến hành với sự đồng ý rõ ràng của người đó. Nếu những yêu cầu nói trên bị từ chối thì cũng phải ghi rõ vào biên bản.
- Khi tiến hành điều tra hoặc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong điều tra những vi phạm luật lệ giao thông nói trên đều phải chú ý đến tính chất của vụ vi phạm, cương vị công tác của người vi phạm và chế độ pháp lý mà người đó được hưởng, bảo đảm tôn trọng danh dự, nhân phẩm của họ.
Nghiêm cấm mọi hành động thô bạo, trái pháp luật hoặc có hành vi cản trở việc thi hành chức năng của thành viên cơ quan đại diện nước ngoài.
4. Những khó khăn trở ngại trong quá trình điều tra các vi phạm luật lệ giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cá nhân, cơ quan đại diện nước ngoài đều được giải quyết qua đường ngoại giao, theo cách: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành trực tiếp làm việc với cơ quan ngoại vụ và báo cáo lên ngành dọc cấp trên của mình để Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Ngoại giao giải quyết.
III. VIỆC XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM PHÁP
1. Mọi trường hợp vi phạm luật lệ giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng mà người gây thiệt hại lại được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính, nếu họ từ chối việc bồi thường thiệt hại ngay từ đầu thì tuỳ mức độ và tính chất của việc vi phạm mà Bộ nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất cách giải quyết, sau đó chuyển hồ sơ cùng các yêu cầu cần thiết đến Bộ Ngoại giao để giải quyết qua đường ngoại giao, hoặc hướng dẫn địa phương giải quyết.
2. Trong trường hợp người gây tai nạn lại được hưởng quyền miễn trừ xét xử ở mức độ hạn chế, hoặc là người được hưởng ưu đãi theo thoả thuận giữa Nhà nước ta với Nhà nước họ thì tùy tính chất và mức độ thiệt hại mà giải quyết như sau:
a. Nếu mức độ thiệt hại về người và của không lớn thì Công an cấp tỉnh thành sẽ hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại giữa hai bên và lập biên bản về việc bồi thường đó đồng thời phải kịp thời thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trường hợp hai bên đương sự bất đồng về mức độ bồi thường thiệt hại thì Công an cấp tỉnh, thành chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp nghiên cứu xử lý theo trình tự tố tụng dân sự. Viện kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án dân sự chuyển hồ sơ với những tài liệu chứng cứ cần thiết đến Toà án nhân dân cùng cấp để xét xử về dân sự.
b. Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành sẽ mở phiên toà xét xử về dân sự đối với những vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng và do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp khởi tố chuyển đến sau khi đã nghiên cứu kết luận chính thức bằng văn bản. Còn trách nhiệm hình sự của họ (nếu có) sẽ được Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét riêng.
c. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp nghiêm trọng mà người phạm pháp không được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự.
d. Việc truy tố, xét xử về hình sự và dân sự ở Việt Nam phải tuân theo những nguyên tắc thủ tục tố tụng hình sự và dân sự Việt Nam. Trong quá trình truy tố xét xử, Viện kiểm sát, Toà án phải bảo đảm quyền tố tụng của các bên theo pháp luật Việt Nam.
- Viện kiểm sát nhân dân phải tham gia các phiên toà xét xử những vụ án nói trên để thực hiện việc kiểm sát xét xử theo luận định.
- Toà án khi đã hoàn thành xét xử vụ án phải giao ngay bản sao án văn cho đương sự để họ có thể sử dụng quyền kháng cáo theo pháp luật. Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị án, bị đơn người nước ngoài đã về nước thì Toà án nhân dân địa phương phải gửi bản sao án văn cùng những tài liệu cần thiết về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với các bản án hình sự và án hình sự có phụ xử dân sự) hoặc về Bộ Tư pháp (đối với các bản án dân sự) để trực tiếp liên hệ hoặc qua Bộ Ngoại giao liên hệ với nước ngoài.
e. Đối với các trường hợp xét thấy không cần thiết xét xử về hình sự ở Việt Nam, các trường hợp xét xử sẽ gặp khó khăn do người ngoài được hưởng quyền miễn trừ xét xử ở Việt Nam hoặc để về nước, thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, thông qua Bộ Ngoại giao nước ta để chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền của nước họ để yêu cầu xử lý.
Nếu người vi phạm nói trên lại là công dân của nước ký kết hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với nước ta thì cơ quan kiểm sát, tư pháp Việt Nam có thể yêu cầu các cơ quan kiểm tra, tư pháp nước ký kết hữu quan tiếp tục xử lý theo hiệp định.
g. Việc lập hồ sơ uỷ thác tư pháp quốc tế, thủ tục yêu cầu xử lý phải đúng theo hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý đã ký kết, nếu nước đó không có các hiệp định đã ký kết thì sẽ được lập theo đúng thủ tục tố tụng Việt Nam, có cân nhắc đến thực tiễn tư pháp quốc tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để đảm bảo thực hiện tốt Thông tư này, các ngành Công an, Kiểm sát, Tư pháp Ngoại giao sẽ thường xuyên thông báo cho nhau tình hình vi phạm luật lệ giao thông gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến người, phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài xẩy ra ở Việt Nam, các biện pháp đã và sẽ áp dụng để xử lý, kết quả việc xử lý các vi phạm đó...
Mỗi ngành có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện trong ngành mình.
Bộ ngoại giao sẽ cung cấp danh sách những người và các loại phương tiện giao thông được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để các ngành hữu quan có cơ sở đối chiếu, áp dụng.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc thì các cơ quan chức năng cấp tỉnh, thành cần báo cáo xin ý kiến của các ngành cấp trên.
Cao Đăng Chiếm (Đã ký) | Trần Quang Cơ (Đã ký) |
Trần Đông (Đã ký) | Nguyễn Quốc Hồng (Đã ký) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét