Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Đại sứ Mỹ viết về nữ quyền Việt Nam

Tác giả: Đại sứ Michael Michalak

Ngày 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Năm nay, ngày này cũng là dịp kỷ niệm 15 năm Hội nghị Thế giới Lần thứ  4 của Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ, diễn ra ở Bắc Kinh. 15 năm trước, 189 nước đã ký văn kiện Nền tảng Hành động khẳng định cần phải làm việc vì quyền bình đẳng của phụ nữ đối với tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, việc làm, tín dụng và hơn thế nữa. Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải có phụ nữ tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế và chính trị ở các nước và cần bảo vệ quyền của phụ nữ được sống không bạo lực.

Chính tại hội nghị này, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ lúc đó Hillary Rodham Clinton đã tuyên bố: Nhân quyền là nữ quyền, nữ quyền là nhân quyền.

Trên tinh thần của hội nghị đó, Hoa Kỳ đã và đang làm việc để tích hợp "các vấn đề phụ nữ" vào chính sách đối ngoại chính thống. Chúng tôi nhìn nhận đó là vấn đề nhân quyền khi bạo lực tình dục tập thể được sử dụng như là một công cụ của chiến tranh trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Cộng hoà Dân chủ Cônggô. Đó là vấn đề nhân quyền khi phụ nữ bị loại khỏi các cuộc hoà đàm có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Và đó là vấn đề nhân quyền khi phụ nữ và các em gái bị những kẻ buôn người cầm giữ như những món hàng và khi các em gái bị cướng ép tảo hôn.

Nữ quyền là nhân quyền, và các vấn đề phụ nữ là các vấn đề nhân quyền. Các vấn đề đó cắt ngang phạm vi các mối quan tâm truyền thống, và đó là các vấn đề trung tâm, không phải là ngoại biên. Đó là các vấn đề phát triển quốc tế: Các cuộc nghiên cứu nối tiếp nhau cho thấy viện trợ dành cho phụ nữ được tái đầu tư trong các cộng đồng của họ , và các chương trình phát triển kỹ năng biến phụ nữ thành những người chèo lái sự tăng trưởng kinh tế.

Đó còn là các vấn đề hoà bình và an ninh: Khi phụ nữ trở thành mục tiêu trong các cuộc xung đột trên thế giới, xã hội rối ren và bất ổn; những nơi mà loại bỏ phụ nữ ra khỏi đời sống công cộng và tìm cách kiềm chế cuộc sống của họ thì cũng là những nơi tư tưởng cực đoan có đất sống. Vị thế của phụ nữ một dấu hiệu hàng đầu về sức khoẻ chính trị và kinh tế của các quốc gia.

Các vấn đề phụ  nữ là một thành phần trọng yếu trong những vấn đề xuyên quốc gia cấp bách nhất mà chúng ta đối mặt ngày hôm nay, và các vấn đề đó phải nằm trong chương trình nghị sự của mọi người, nam cũng như nữ, từ cấp cơ sở cho đến cấp hoạch định chính sách, trong đời sống chính trị và hơn thế nữa.

Bạo lực chống lại phụ nữ là căn bệnh thường thấy trên toàn thế giới. Chấm dứt điều đó cần sự tham gia của tất cả mọi người, bao gồm cả vai trò tích cực và truyền bá mạnh mẽ của nam giới và của các nhà lãnh đạo tôn giáo của cả hai giới. Hoa Kỳ ủng hộ các chương trình trên toàn cầu để mọi người nghe thấy tiếng nói của họ .

Chúng tôi (Mỹ) khen ngợi các nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ. Luật Bình đẳng Giới năm 2006 bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống và Luật Phòng Chống Bạo lực Gia đình năm 2007 có những biện pháp cụ thể bảo vệ gia đình khỏi bạo lực. Các nỗ lực về mặt chính sách như vậy trao quyền cho phụ nữ và là những bước đi đầu tiên quan trọng trong việc cải thiện đời sống của phụ nữ Việt Nam.

Bất chấp lời cam kết  được nhiều nước đưa ra năm 1995 nhằm chấm dứt sự  phân biệt đối xử làm thế giới mất  đi những tài năng mà thế giới rất cần, phụ nữ vẫn chiếm đa số trong số những người nghèo, ốm yếu, thiếu ăn và thất học trên thế giới. Với số đông những người trên toàn cầu thầm lặng ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ, chúng tôi nói: Giờ là lúc biến sự ủng hộ thành hành động.

Chúng tôi mong đến ngày mà khi đó Ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ là một dịp kỷ niệm lịch sử và nhìn lại con đường phụ nữ đã đi để đạt thành tựu là sự bình đẳng - khi mà tất cả mọi ngày đều thuộc về cả nam và nữ một cách bình đẳng, và tất cả mọi ngày đều là một ngày tốt lành đối với nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến