Với đôi tay tật nguyền anh Nam vẫn nhanh nhẹn xử lý công việc |
Nhón những bước chân đầu đời vào lớp học, Nam mới nhận thức được nỗi đau. "Bạn bè trêu ghẹo, có những lúc tưởng rằng mình không thể vượt qua..."
Sinh ra ở xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)- Nguyễn Văn Nam không có đôi bàn tay như người bình thường và hai bàn chân anh cũng chỉ có sáu ngón.
Trong những năm tháng tuổi thơ, Nam phải sống với bà ngoại do bố mẹ xa quê mưu sinh. Vì điều kiện quá khó khăn, đến năm 8 tuổi Nam mới được cắp sách đến trường. Nhìn thấy con "khát" chữ, bố mẹ Nam là những nông dân nghèo túng đã không quản gian khó cho con đi học mong con như chúng bạn.
Nhón những bước chân đầu đời vào lớp học, Nam mới nhận thức được nỗi đau. "Bạn bè trêu ghẹo, có những lúc tưởng rằng mình không thể vượt qua. Nhiều lúc ngồi khóc, buồn tủi vì mặc cảm nhưng mình nghĩ không có bàn tay thì đã sao, biết bao nhiêu người như mình vẫn vượt qua được số phận thì cớ gì mình lại chịu thua! Và thế là mình cố gắng"- Nam kể lại.
Cũng từ đó, sau những lúc đến lớp, có thời gian rảnh là Nam lao vào luyện viết, luyện để đôi bàn tay bẩm sinh "không ngón" cầm được bút viết từng nét chữ như những đôi tay bình thường.
Không phụ công sức của bố mẹ và sự kiên trì học hỏi, năm nào Nam cũng đạt học sinh giỏi, và đến năm 2000 thì tốt nghiệp Trung cấp ngành Công nghệ thông tin.
Nam nhớ lại: "Đó là những ngày hạnh phúc nhất của mình, bởi sau khi ra trường vừa có việc làm ở một trung tâm đào tạo vi tính và "chắt bóp" ra riêng mở được một trung tâm buôn bán máy vi tính ở quê. Rồi có người yêu nữa...".
Nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi của Nam chóng qua khi cô người yêu "ngoảnh mặt làm ngơ" vì "cơ ngơi" của Nam không còn ăn nên làm ra như trước. Buồn chán, anh khăn gói lên đường vào Bình Dương lập nghiệp.
Đó là năm 2003. Khi chân ướt chân ráo vào đất khách, Nam xin làm ở một công ty dịch vụ tại huyện Dĩ An, với hy vọng có ngày xây dựng lại cơ đồ. Nam vật lộn với công việc ở Cty và dạy kèm vi tính tại nhà cho những ai có nhu cầu, năm tháng sau Nam một lần nữa "ra riêng" thành lập Cty Dịch vụ dạy nghề Văn Nhân ở huyện Dĩ An với số vốn ít ỏi gần 20 triệu đồng và chỉ có 2 thành viên: một thầy, một thợ.
"Vừa nhận dạy kèm tin học tại nhà, tôi còn thâm nhập vào thị trường đan lát hàng thủ công xuất khẩu bằng cách nhận hợp đồng rồi thuê người gia công lại các loại sản phẩm sau đó xuất khẩu".
Lô hàng đầu tiên "thuận chèo mát mái" đã giúp anh có 50 triệu đồng, thế nhưng càng dấn sâu vào lĩnh vực này, anh càng... bể, và thêm một lần nữa sóng gió lại ập đến với Nam.
Dù vấp ngã, anh vẫn không nản chí trước lời mời "hùn hạp" làm ăn của một người bạn: Thành lập công ty vệ sĩ. Bằng kinh nghiệm sẵn có và tài quản lý của mình, công ty của "đôi bạn" ngày một ăn nên làm ra. Nhưng chút tình bạn mong manh chẳng được bền lâu khi người bạn "đủ lông đủ cánh" lại dứt áo ra riêng thành lập công ty khiến Nam một lần nữa hụt hẫng, 50 nhân viên của anh cũng lần lượt ra đi.
Buồn, chán nản Nam xin vào Trung tâm Nhân đạo Quê Hương ở huyện Dĩ An dạy nghề không công cho trẻ mồ côi, đến tháng 9-2005 nhờ một người thân giúp đỡ anh lại trở về gây dựng lại công ty. Và từ đó Công ty Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Văn Nhân ở tại ấp Hoà Lân, huyện Thuận An lại hoạt động mạnh.
Đến nay, công ty có 150 nhân viên được anh đào tạo và tạo công việc ổn định với mức lương hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Đa số là bộ đội xuất ngũ về và những thanh niên xa xứ vào Bình Dương mưu sinh.
Anh Nam tâm sự: Được tạo việc làm cho mọi người là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với công ty, và tôi luôn sẵn sàng tạo việc làm cho thanh niên các vùng nông thôn khó khăn. Tôi hy vọng được nhà nước tạo điều kiện để công ty của mình phát triển hơn nữa, giải quyết việc làm cho nhiều người.
Trước khi chia tay tôi, anh Nam vẫn không quên nhắc lại những nỗi đau mà mình đã vấp ngã, thế nhưng theo anh: "Một lần vấp ngã là một lần đau, mỗi lần đau là mỗi lần mình trưởng thành hơn, thêm nhiều nghị lực hơn".
Theo Tiền Phong
- Xem thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét