Một công ty bảo vệ dẫn "hàng" đi chào. Trước mặt khách là 10 chàng trai cao trên 1,70m, nặng trên dưới 70 kg. Bộ phận tiếp thị ba hoa: "Công ty chúng tôi toàn thế này trở lên!". Hợp đồng được ký. Vài ngày sau, nhóm vệ sĩ được đưa đến làm việc. Ô hay, những lực sĩ hôm nào sao chỉ còn nặng 50 kg, cao 1,6m ? Thắc mắc thì nhận được câu trả lời: lực lượng kia là đội tuần tra, khi mục tiêu có sự cố sẽ có mặt để đáp ứng, còn đây là những nhân viên chốt tại vị trí!
"Đó là chuyện thường tình của nghề kinh doanh vệ sĩ", giám đốc một cong ty bao ve nói. Theo ông, cũng giống như... ca sĩ, nghề vệ sĩ cũng có "sao và siêu sao". Những anh chàng cao to, trình độ học vấn tốt, bằng cấp nhiều, và đặc biệt... đẹp trai là những sao và siêu sao trong làng. Những sao này thường chiếm được "vị trí mặt tiền" (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Công việc của họ là cùng sếp đi chào hàng (trong nghề gọi là "chim mồi") hoặc tệ lắm cũng nhận những sô lẻ, đặc vụ. Ngược lại, một số chàng không đủ thước tấc, ngoại hình không ấn tượng nhưng trót trao thân vào nghề vệ sĩ thì được liệt vào dạng không "sao", bó mình trong những hẻm hóc, hoặc "lưu đày" nơi vùng sâu vùng xa. Còn một dạng vệ sĩ nữa "không biết liệt vào đâu" (như lời giám đốc nọ) là dạng con "anh Bảy", "anh Ba" gửi gắm. Ngoài ngoại hình không có vẻ gì là vệ sĩ, các anh chàng này còn tiêm nhiễm mọi thói xấu khiến việc bố trí công tác trở nên khó trăm bề. Cách giải quyết phổ biến nhất là cho anh ta chốt ở những nơi "có cũng được mà không có vệ sĩ cũng được"; hoặc cho xuất hiện ở những ca C (ca ban đêm) tại các kho bãi vắng bóng người!
Và chuyện gì đến đã đến. Báo Thanh Niên ít nhất 2 lần đăng tải những vụ việc liên quan đến sự bất lực của lực lượng vệ sĩ trước bọn côn đồ. Đêm 20/3/2003, một nhóm côn đồ hàng chục tên đã tấn công quán cà phê - bar Phi Thuyền (đường Nguyễn Cửu Vân, P.17, Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) khiến một nhân viên bảo vệ - vệ sĩ được thuê của Công ty Hoàng Gia - bị trọng thương. Người đàn ông 41 tuổi này đã bị bọn giang hồ đánh thập tử nhất sinh. Chưa hết, khi anh được đưa vào Bệnh viện Gia Định cấp cứu thì đám giang hồ bám theo định "làm thịt" luôn, nhờ sự can thiệp của công an sở tại nên chúng mới bỏ đi. Vụ khác, đêm 28/5/2003, 4 vệ sĩ của Công ty G trên đường từ mục tiêu bảo vệ về nhà trọ (xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã bị một bọn côn đồ chặn đánh. Kết quả, anh Đ.V.T bị chúng chém vào giữa mặt, phải đưa đi cấp cứu... Ở những vụ việc như thế, chúng tôi thường đặt vấn đề: đâu rồi những "ngón nghề" của các vệ sĩ - người được mệnh danh là những tay võ nghệ đầy mình, ra tay với bộ mặt lạnh như tiền... "Trong những hoàn cảnh như thế, dù có lực lượng thiện nghệ cỡ nào cũng phải thúc thủ", người điều hành một công ty bảo vệ cho biết. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu về nghề vệ sĩ, chúng tôi tìm được thêm một câu trả lời khác, đó là việc đào tạo nghề vệ sĩ.
Thông thường một vệ sĩ ra đứng chốt phải qua một vài khóa huấn luyện. Ngoài học võ thuật, các vệ sĩ tương lai còn phải học thêm văn hóa ứng xử và cách xử lý các tình huống. Tuy nhiên, không phải một công ty vệ sĩ nào đăng báo tuyển dụng nhân sự cũng thực hiện những điều cam kết. Anh N.H, một vệ sĩ... tự do kể, anh đã đăng ký vào học ở một trường đào tạo vệ sĩ đăng tuyển trên báo. Qua vài lần chuyển địa điểm giảng dạy (công ty này đã thuê chỗ dạy để thu học phí), anh cũng nhận được bằng cấp và... vài bộ đồ vệ sĩ. Theo anh, có vẻ như mục tiêu của công ty này là khoản học phí của học viên chứ không phải "số phận" của họ. Công ty cho biết hiện tại chưa có việc nên ai có bằng phải ráng chờ. Một năm đã trôi qua mà công việc thì cứ bị hẹn lần hẹn lữa. Không cam lòng, anh đăng ký vào công ty thứ hai. Và điệp khúc cũ lại tái diễn. Anh giờ đây đã bỏ hẳn giấc mơ làm vệ sĩ. "Tìm việc làm khác cho chắc ăn. Còn hai bộ đồ và tấm bằng chứng nhận có lẽ giữ làm kỷ niệm cho vui", anh thở dài.
Nghề bảo vệ chuyên nghiệp ở Việt Nam có từ khoảng giữa thập niên 90. Đặt nền móng đầu tiên là Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Sepre 24, một liên doanh cung cấp dịch vụ bảo vệ giữa Bộ Công an và Tập đoàn Kotobuki của Nhật Bản, ra đời ngày 19.1.1995. Hợp đồng gây tiếng vang lớn cho công ty này là đặc vụ bảo vệ ca sĩ Lê Minh (một ca sĩ Hồng Kông sang Việt Nam biểu diễn). "Lúc bấy giờ, để cắt đuôi các fan hâm mộ Lê Minh cuồng nhiệt, chúng tôi đã bố trí một người đóng giả làm ca sĩ Lê Minh "tiếp" các fan, còn Lê Minh thật thì bí mật đưa ra xe ở cửa sau từ nơi biểu diễn về khách sạn an toàn", một người quản lý Công ty Thăng Long nhớ lại. Tiếp theo Thăng Long, tháng 10.1995, một vị tướng về hưu tên Phan Xuân Soàn đứng ra thành lập một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ lấy tên là Long Hải. Công ty Long Hải một thời gian dài chiếm giữ thị trường cung ứng dịch vụ bảo vệ phía Nam, sau đó mới "chia lại" thị phần cho một công ty bảo vệ khác là Hoàng Gia (chi nhánh phía Nam) vào đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ, Việt Nam Thăng Long Sepre 24 cũng tách ra làm 2 công ty: Thăng Long 71 và Yuki Sepre 24.
Những năm gần đây, kinh doanh dịch vụ vệ sĩ có vẻ khấm khá nên hàng loạt công ty ra đời. Trong đó không loại trừ những công ty làm ăn chụp giựt: đào tạo thì không tới nơi tới chốn mà lại tìm cách lừa gạt khách hàng, ký những hợp đồng lớn rồi đưa "hàng kém chất lượng" vào thay thế. Cho nên, một ngày nào đó bạn có thể sẽ nhìn thấy một chàng vệ sĩ mặc đồng phục rất "oách", tay lăm lăm máy bộ đàm, chăm chăm bảo vệ mục tiêu... Nhưng nhìn kỹ một chút bạn sẽ nhận ra một điều, anh chàng ấy chỉ làm công việc của một người gác cổng không hơn không kém!
Hùng Sơn (Theo Việt Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét