Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

BÌNH LUẬN VỀ PHÁP LUẬT TRỌNG TÀI: BÀN VỀ CHẾ ĐỊNH THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

VIAC

Các quy định về Thỏa thuận trọng tài được quy định tại Chương I và II của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 (Pháp lệnh). Pháp lệnh đã làm rõ được khái niệm hình thức và giá trị của Thỏa thuận trọng tài cũng như tính độc lập của điều khoản trọng tài so với hợp đồng. Về cơ bản, những quy định này tương thích với các quy định của Luật Mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế của UNCITRAL (Luật Mẫu) và pháp luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp lệnh chưa bao quát được một cách đầy đủ về tính đồng bộ và hệ thống các quyđịnh về Thỏa thuận trọng tài. Cụ thể:

Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ ngoài hợp đồng hay không?

Trong phần định nghĩa về Thỏa thuận trọng tài (Điều 2 Khoản 2), Pháp lệnh chưa làm rõ được vấn đề tranh chấp phát sinh từ quan hệ ngoài hợp đồng có được giải quyết bằng Trọng tài hay không. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thẩm quyền của Trọng tài cũng như việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Theo Điều 2 Khoản 2 của Pháp lệnh thì Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng Trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Như chúng ta đều biết, quan hệ thương mại rất đa dạng và phong phú. Nhiều quan hệ có thể xác định bằng hợp đồng cụ thể được ký kết giữa các bên. Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh chấp không phát sinh từ quan hệ hợp đồng, ví dụ tranh chấp phát sinh do việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như tàu đâm va cầu cảng, tàu đâm va nhau v.v…

Hiểu theo định nghĩa trên thì các tranh chấp không có quan hệ hợp đồng cũng có thể được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài. Do đó, để hạn chế tối đa những rủi ro trong việc áp dụng luật, Pháp lệnh cần cụ thể hóa việc xác định thẩm quyền của Trọng tài tương thích với Luật Mẫu. "Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận mà các bên đưa ra Trọng tài mọi tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng" (Điều 7 Khoản 1). Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng quy định rất rõ về vấn đề này "Mỗi quốc gia thành viên sẽ công nhận một thỏa thuận bằng văn bản, theo đó các bên cam kết đưa ra trọng tài xét xử mọi tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa các bên từ một quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không, liên quan đến một đối tượng có khả năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài" (Điều II). Luật Trọng tài của hầu hết các nước trên thế giới như Luật Trọng tài Anh, Luật Trọng tài Đức, Luật Trọng tài Hàn Quốc, Luật Trọng tài Nga, Luật Trọng tài Nhật Bản v.v… đều quy định các tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng đều được giải quyết bằng Trọng tài.

Phạm vi quy định về hình thức của Thỏa thuận trọng tài còn hẹp

Điều 9 Khoản 1 Pháp lệnh quy định "Thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản. Thỏa thuận trọng tài thông qua thư, điện báo, telex, fax, thư điện tử hoặc hình thức văn bản khác thể hiện rõ ý chí của các bên giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài được coi là thỏa thuận trọng tài bằng văn bản".

Quy định trên đã xác định được tiêu chí hình thức bắt buộc đó là Thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm "văn bản" vẫn còn hẹp so với Luật Mẫu và luật trọng tài các nước. Luật Mẫu cũng có quy định bắt buộc Thỏa thuận trọng tài phải được bằng văn bản. Tuy nhiên, phạm vi khái niệm "văn bản" rất rộng. Thỏa thuận được coi là bằng văn bản nếu nó nằm trong một văn bản được các bên ký kết hoặc bằng sự trao đổi qua thư từ, telex, điện tín hoặc các hình thức trao đổi về đơn kiện và bản biện hộ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phản đối. Việc dẫn chiếu trong hợp đồng tới một văn bản ghi nhận điều khoản trọng tài lập nên Thỏa thuận trọng tài với điều kiện hợp đồng này phải là văn bản và sự dẫn chiếu đó là một bộ phận của hợp đồng này. Luật Trọng tài Anh còn tiến một bước rất xa trong việc quy định phạm vi thỏa thuận bằng văn bản. Theo đó, có một thỏa thuận bằng văn bản khi: thỏa thuận được lập bằng văn bản (cho dù nó có được các bên ký hay không); thỏa thuận được lập thông qua việc trao đổi các thông tin bằng văn bản, hoặc thỏa thuận được chứng minh bằng văn bản. Thậm chí, trong quá trình tố tụng trọng tài hoặc tố tụng tư pháp,nếu nếu một thoả thuận không được xác lập bằng văn bản nhưng được một bên viện dẫn và bên kia không phủ nhận thì việc trao đổi đó tạo thành một thỏa thuận bằng văn bản có giá trị pháp lý .

Như vậy, quy định của Pháp lệnh về hình thức của thỏa thuận trọng tài chưa tương thích với Luật Mẫu và luật trọng tài các nước. Điều đáng lưu lý là trường hợp một bên viện dẫn đến thỏa trọng tài và bên kia không phản đối thì được coi là chấp nhận. Tuy nhiên, Pháp lệnh không công nhận trường hợp này.

Phạm vi quy định Thỏa thuận trọng tài vô hiệu rộng và không hợp lý

Việc quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi thỏa thuận trọng tài "không xác định rõ tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp" (Điều 10 khoản 4) là không hợp lý và không phù hợp với pháp luật và thực tiễn trọng tài quốc tế. Nguyên tắc giải quyết bằng trọng tài là phải dựa trên ý chí của các bên. Vì vậy, bằng việc dẫn chiếu đến Trọng tài, các bên đã có chủ ý và thể hiện ý định đưa ra giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các bên đã diễn đạt chưa chuẩn xác tên một tổ chức trọng tài cụ thể. Do đó, trong mọi trường hợp, khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài, pháp luật trọng tài các nước đều ưu tiên giải quyết bằng Trọng tài. Luật Mẫu và luật trọng tài các nước không đưa ra tiêu chí phải xác định tên tổ chức trọng tài cụ thể và không có quy định về trường hợp thỏa thuận trọng tài bị coi là vô hiệu nếu không chỉ rõ tên tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp.

Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức trọng tài uy tín trên thế giới đều không đưa tên tổ chức mà chủ yếu là đưa Quy tắc tố tụng của mình vào điều khoản trọng tài mẫu. Ví dụ, Tòa án Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đưa ra điều khoản trọng tài mẫu như sau: "Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan tới hợp đồng này được giải quyết chung thẩm theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng thương mại quốc tế bởi một hoặc nhiều trọng tài viên được chỉ định theo Quy tắc nêu trên",.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho thấy, số lượng các Thỏa thuận trọng tài không diễn đạt chính xác tên gọi của tổ chức trọng tài chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Việc Pháp lệnh đưa ra yêu cầu các bên phải thỏa thuận bổ sung để xác định tên tổ chức trọng tài cụ thể là điều không khả thi, vì khi tranh chấp đã phát sinh thì các bên rất khó có cơ hội để thỏa thuận lại, đặc biệt là bên vi phạm hợp đồng sẽ tìm mọi cách để lẩn tránh nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn cho phép Tòa án có quyền hủy Quyết định trọng tài nếu Thỏa thuận trọng tài không xác định rõ tên tổ chức trọng tài (Điều 54). Quy định này hoàn toàn không phù hợp với Luật Mẫu, Công ước New York 1958 về Công nhận và thi hành Quyết định Trọng tài nước ngoài.

Ngoài ra, việc đưa ra điều kiện coi Thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi không xác định rõ tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lại mâu thuẫn với quy định của Điều 4 Pháp lệnh. Điều 4cho phép tồn tại hai hình thức trọng tài là Trọng tài quy chế ( do các Trung tâm trọng tài tổ chức) và Trọng tài vụ việc "adhoc" (do các bên thành lập). Trên thực tế, không bao giờ có tên một tổ chức trọng tài cụ thể nếu các bên lựa chọn hình thức trọng tài adhoc.

Thiếu quy định về Thỏa thuận trọng tài không hoặc không thể thực hiện được

Pháp lệnh đã bỏ sót một quy định rất cơ bản là vấn đề "thỏa thuận trọng tài không thực hiện được hoặc không thể thực hiện được". Trong thực tế, có rất nhiều điều khoản trọng tài có hiệu lực theo quy định của pháp luật, đó là: phạm vi tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trọng tài; người ký Thỏa thuận trọng tài có đủ thẩm quyền, đủ năng lực hành vi;, quy định rõ đối tượng tranh chấp và tổ chức trọng tài có thẩm quyền nhưng vẫn không thể giải quyết được bằng Trọng tài. Ví dụ, có một số điều khoản trọng tài quy định như sau:

"Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này sẽ được giải quyết trước tiên tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Namsau đó sẽ được giải quyết chung thẩm tại Tòa án"; hoặc "Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế"; hoặc "Tranh chấp nếu có sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC" v.v…

Theo quy định của Pháp lệnh, các điều khoản trọng tài nêu trên không thuộc trường hợp vô hiệu vì đã chỉ rõ tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên, những điều khoản trọng tài này không thể thực hiện được trong thực tiễn bởi thỏa thuận có sự mâu thuẫn. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào? Các bên sẽ đưa tranh chấp ra cơ quan nào để giải quyết? Nếu đưa ra Tòa án thì Tòa án sẽ từ chối. Điều 5 Pháp lệnh quy định "trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu".Như vậy, Pháp lệnh mới chỉ giải quyết vấn đề Thỏa thuận trọng tài vô hiệu, chưa giải quyết vấn đề Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Do đó, sẽ có nhiều vụ tranh chấp phát sinh nhưng không được cơ quan nào giải quyết. Vấn đề này nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ tạo ra hậu quả xấu làm giảm tính hấp dẫn của Trọng tài.

Luật Mẫu và Pháp luật trọng tài các nước đều quy định rất rõ về vấn đề này. Khoản 1 Điều 8 Luật Mẫu quy định "Tòa án, nơi có khiếu kiện về vấn đề đối tượng của thỏa thuận được đưa ra, nếu một bên yêu cầu không muộn hơn thời gian khi nộp bản giải trình đầu tiên của mình về nội dung tranh chấp, sẽ chuyển tranh chấp ra trọng tài trừ khi thấy rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu, không có hiệu lực hoặc không thể thực hiện được". Điều II Công ước New York quy định "Tòa án của một quốc gia thành viên, khi nhận được một đơn kiện về một vấn đề mà vấn đề đó các bên đã có thỏa thuận theo nội dung của điều này, sẽ, theo yêu cầu của một bên, đưa các bên ra trọng tài , trừ khi Tòa án thấy rằng thỏa thuận nói trên không có hiệu lực hoặc không thể thực hiện được". Luật Trọng tài các nước đều có quy định tương tự về vấn đề này.

Nguyên tắc "thẩm quyền của thẩm quyền" chưa được ghi nhận tuyệt đối

Điều 11 của Pháp lệnh quy định "Điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài". Như vậy, Pháp lệnh đã đưa ra một nguyên tắc rất quan trọng, đảm bảo mọi tranh chấp phát sinh đều được giải quyết kể cả khi hợp đồng vô hiệu. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Luật Mẫu và trong hầu hết luật trọng tài các nước. Khác với tòa án vốn có thẩm quyền đương nhiên để giải quyết tranh chấp nếu các bên không có thỏa thuận khác, Trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp nếu được các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, với việc lựa chọn trọng tài, các bên đã loại trừ sự can thiệp của tòa án. Do đó, việc xác định điều khoản trọng tài độc lập với hợp đồng có ý nghĩa quan trọng, bởi vì đây là cơ sở duy nhất để Hội đồng Trọng tài được thành lập xem xét và quyết định hợp đồng có hiệu lực hay không. Pháp luật trọng tài quốc tế coi nguyên tắc này là "thẩm quyền của thẩm quyền"- "competence of competence" tức là Hội đồng Trọng tài có quyền xem xét, xác định thẩm quyền của chính mình khi có khiếu nại của các bên. Nguyên tắc này cũng được thể hiện trong Điều 30 của Pháp lệnh "Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu nại của một bên về việc Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp; vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác…". Mục đích của nguyên tắc này chính là đảm bảo các tranh chấp đều được xem xét và giải quyết. Nếu công nhận hợp đồng vô hiệu mặc nhiên kéo theo điều khoản trọng tài vô hiệu và dẫn đến Hội đồng Trọng tài không thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp thì vụ tranh chấp sẽ không được giải quyết.

Tuy nhiên, quy định trong Pháp lệnh vẫn chưa thể hiện được một cách tuyệt đối nguyên tắc "thẩm quyền của thẩm quyền" giống như quy định trong Luật Mẫu, theo đó "Hội đồng trọng tài có thể quyết định trong phạm vi thẩm quyền xét xử của chính mình, kể cả những ý kiến phản đối về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài. Vì mục đích này, một điều khoản trọng tài là một phần của hợp đồng sẽ được coi là một thỏa thuận độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của hội đồng trọng tài về việc hợp đồng bị vô hiệu không làm cho điều khoản trọng tài bị vô hiệu theo" (Điều 16 Khoản 1 Luật Mẫu).

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, do đó các quy định của pháp luật cần phải tương thích với pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sẽ có nhiều đối tác nước ngoài chọn Trọng tài Việt Nam, pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Do vậy, những bất cập như đã phân tích nêu trên cần sớm được sửa đổi để đảm bảo phương thức trọng tài được vận hành một cách hoàn chỉnh theo tinh thần tiến bộcủa Luật mẫu UNCITRAL và luật trọng tài của các nước trên thế giới.

SOURCE: TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://www.viac.org.vn/vi-VN/Home/baivietlienquan/2009/02/266.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến