THS. TRẦN VŨ HẢI – ĐH LUẬT HÀ NỘI
1. Bản chất pháp lý của hoạt động cho thuê tài chính
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng có thể cấp tín dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh hình thức cho vay – một hình thức cấp tín dụng khá "cổ điển" và phổ biến, hiện nay pháp luật còn cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng dưới những hình thức khác như bảo lãnh, chiết khấu giấy tờ có giá, bao thanh toán và cho thuê tài chính.
Cho thuê tài chính là hình thức cấp tín dụng được pháp luật lần đầu tiên ghi nhận tại Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990 với tên gọi là hoạt động thuê mua tài chính.[i] Tuy nhiên, phải đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 149/QĐ-NH5 ngày 27/5/1995, sau đó là Nghị định 64/CP của Chính phủ ngày 9/10/1995 và Thông tư 03/TT-NH5 của Ngân hàng Nhà nước ngày 9/2/1996, thì hoạt động này mới được sự điều chỉnh cụ thể của pháp luật. Sau khi Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) được ban hành, hoạt động cho thuê tài chính ngày càng được điều chỉnh một cách chi tiết và hệ thống (tại Điều 20, Điều 61 đến Điều 63). Các văn bản dưới luật lần lượt ra đời để cụ thể hoá Luật các tổ chức tín dụng, trong đó đáng chú ý nhất là Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam.
Cho thuê tài chính vừa là một hình thức cấp tín dụng trung và dài hạn, vừa là một dạng cho thuê tài sản mà theo đó, tổ chức tín dụng cho khách hàng quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định, với điều kiện khách hàng phải trả tiền thuê. Tuy nhiên, không phải một giao dịch cho thuê tài sản nào của tổ chức tín dụng cũng được coi là cho thuê tài chính. Xét về mặt bản chất, giao dịch cho thuê tài chính có những đặc điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, cho thuê tài chính là phương thức cấp tín dụng mà đối tượng là một tài sản cụ thể. Khác với các hình thức cấp tín dụng khác mà theo đó, tổ chức tín dụng chuyển giao một khoản tiền, trong hình thức cấp tín dụng cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng tiến hành cấp tín dụng bằng cách chuyển giao cho khách hàng (bên thuê) một tài sản cụ thể (máy móc, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải hoặc động sản khác) để bên thuê sử dụng trong một thời gian nhất định. Bên thuê có nghĩa vụ trả toàn bộ tiền thuê theo thoả thuận. Tính chất thanh toán trọn vẹn của giao dịch cho thuê tài chính cho thấy bản chất tín dụng của hoạt động này. Tổ chức tín dụng được bảo đảm về khả năng hoàn trả của khách hàng đối với khoản tín dụng đã chuyển giao thông qua quyền nhận tiền thuê. Cũng tương tự như pháp luật một số quốc gia trên thế giới, pháp luật Việt Nam ghi nhận cho thuê tài chính là hình thức cấp tín dụng trung và dài hạn, nhằm phù hợp với đặc điểm của đối tượng cho thuê là những động sản có giá trị, thời gian cần thiết để khấu hao thường từ một năm trở lên.
Thứ hai, cho thuê tài chính là hình thức cho thuê mà hầu hết các quyền năng của chủ sở hữu (bên cho thuê) được chuyển giao cho bên thuê. Khác với các hình thức thuê tài sản thông thường theo quy định của pháp luật dân sự, trong hoạt động cho thuê tài chính, bên cho thuê thường chỉ giữ quyền sở hữu "danh nghĩa" đối với tài sản cho thuê (quyền này cho phép tổ chức tín dụng có thể thu hồi tài sản cho thuê nếu bên thuê vi phạm hợp đồng), còn những quyền năng cụ thể đối với tài sản cho thuê được chuyển giao hầu như hoàn toàn cho bên thuê. Điều này được lý giải bởi bản chất tín dụng của hoạt động cho thuê tài chính: Tổ chức tín dụng chỉ quan tâm đến khả năng thu hồi cả gốc và lãi của khoản tín dụng, còn việc sử dụng khoản tín dụng được cấp là quyền của bên nhận tín dụng (bên thuê). Đặc điểm này đã được Uỷ ban về chuẩn mực kế toán quốc tế ghi nhận: "Cho thuê tài chính là loại cho thuê có khả năng dịch chuyển về cơ bản tất cả những rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản".[iv]
Cụ thể hoá những đặc trưng của nghiệp vụ cho thuê tài chính, quy định của pháp luật hiện hành ghi nhận giao dịch cho thuê tài chính phải có một trong những dấu hiệu sau đây[v]:
- Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được chuyển quyền sở hữu tài sản thuê hoặc được tiếp tục thuê theo sự thoả thuận của hai bên;
- Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản thuê tại thời điểm mua lại;
- Thời hạn cho thuê một loại tài sản ít nhất phải bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê;
- Tổng số tiền thuê tài sản theo thoả thuận Ýt nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Cho thuê tài chính được phân loại thành nhiều phương thức tuỳ theo từng tiêu chí phân loại. Một số tài liệu phân loại cho thuê tài chính dựa theo nguồn gốc sở hữu hoặc nguồn gốc tài chính của tài sản thuê mà theo đó, cho thuê tài chính bao gồm: Cho thuê đơn giản, cho thuê hợp vốn, cho thuê bắc cầu, bán và cho thuê lại v.v..[vi] Tuy nhiên theo chúng tôi, để làm nổi bật bản chất tín dụng, hoạt động cho thuê tài chính có thể được phân loại như sau:
Cho thuê tài chính không hoàn lại tài sản thuê là phương thức cho thuê tài chính mà theo đó, bên thuê có quyền sở hữu tài sản thuê khi chấm dứt hợp đồng thuê. Khi kết thúc hợp đồng, bên cho thuê có nghĩa vụ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để chuyển giao quyền sở hữu cho bên thuê. Đối với phương thức này, số tiền thuê thường không thấp hơn giá trị tài sản thuê tại thời điểm giao kết hợp đồng và khi chuyển giao quyền sở hữu, bên thuê chỉ phải thanh toán theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực của tài sản tại thời điểm chuyển giao.
Cho thuê tài chính có hoàn lại tài sản thuê là phương thức cho thuê tài sản mà theo đó, tài sản thuê không đương nhiên được chuyển giao quyền sở hữu khi chấm dứt hợp đồng thuê. Với phương thức cho thuê này, số tiền thuê có thể thấp hơn giá trị của tài sản tại thời điểm thuê. Khi kết thúc hợp đồng thuê, bên thuê có quyền thuê tiếp hoặc mua lại tài sản thuê. Giá chuyển nhượng (nếu có) sẽ được các bên thương lượng dựa trên giá trị còn lại của tài sản thuê.
2. Một số bất cập của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động cho thuê tài chính và phương hướng hoàn thiện
Hiện nay, pháp luật về cho thuê tài chính còn tồn tại nhiều bất cập. Những bất cập này không những làm giảm hiệu quả điều chỉnh pháp luật, mà còn hạn chế rất nhiều khả năng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong hoạt động cho thuê tài chính. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến những vướng mắc cơ bản sau đây:
a. Thứ nhất, theo quy định của khoản 3 Điều 1 Nghị định 16/2001/NĐ-CP: "Hoạt động cho thuê tài chính trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện qua các công ty cho thuê tài chính được thành lập và hoạt động tại Việt Nam", đồng thời khẳng định: Công ty cho thuê tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng (tại Điều 2 văn bản đã dẫn). Quy định như vậy là không công bằng đối với loại hình tổ chức tín dụng là ngân hàng, đồng thời không phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng (văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn nghị định trên) trong điều chỉnh về hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung cũng như hoạt động cho thuê tài chính nói riêng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng thì: "Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan". Như vậy có nghĩa rằng, ngân hàng hoàn toàn có thể được thực hiện hoạt động cho thuê tài chính vì đây là một hình thức cấp tín dụng, chứ hoạt động này không chỉ dành riêng cho công ty cho thuê tài chính như quy định tại Nghị định 16/2001/NĐ-CP. Để "lách" qua quy định mâu thuẫn này, các ngân hàng trên thực tế đã thành lập các công ty cho thuê tài chính trực thuộc để tiến hành kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng xét dưới khía cạnh pháp lý, rõ ràng hoạt động kinh doanh này không phải do chính ngân hàng trực tiếp tiến hành. Thực tế này cũng được ghi nhận tại Điều 2 Nghị định 16/2001/NĐ-CP và đã tạo thành một cách thức phân loại không thống nhất về tiêu chí: Khi đang phân loại công ty cho thuê tài chính theo nguồn gốc vốn sở hữu, lại ghi nhận có loại hình công ty cho thuê tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng (tiêu chí về cơ cấu tổ chức).
Thật khó lý giải một cách thuyết phục về việc ngân hàng không được thực hiện hoạt động cho thuê tài chính, trong khi các nhà làm luật và cũng như các nhà khoa học pháp lý đều thống nhất với nhau rằng, xét về lý thuyết, hoạt động cho thuê tài chính là một hình thức cấp tín dụng có độ an toàn cao.[vii] Theo chúng tôi, cần sửa đổi Nghị 16/2001/NĐ-CP để gỡ bỏ rào cản ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng cho thuê tài chính, qua đó nâng cao năng lực cấp tín dụng của ngân hàng, tăng cường khả năng sử dụng vốn có hiệu quả, không những đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật mà còn là điều rất hợp lý và công bằng cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh.
b. Thứ hai, hiện nay pháp luật chỉ cho phép tổ chức tín dụng tiến hành cho thuê tài chính với đối tượng là động sản. Sở dĩ bất động sản không thể là đối tượng của hoạt động cho thuê tài chính là do quy định tại Điều 73 Luật các tổ chức tín dụng mà theo đó, tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản. Để giải thích cho quy định này, có thể đưa ra ba lý do chính:
(i) Một là, thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện nay quá thất thường, không có quy luật rõ ràng và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro;
(ii) Hai là, tính thanh khoản của thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện nay là quá kém;
(iii) Ba là, bất động sản là tài sản bảo đảm thông dụng, và việc để tổ chức tín dụng thực hiện kinh doanh bất động sản có thể gây ra các rủi ro đạo đức.
Tuy nhiên theo chúng tôi, cả ba lý do trên chỉ là sự giải thích được coi là tương đối thoả đáng đối với hình thức cấp tín dụng cho vay, mà không hợp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính. Sẽ không có gì đáng ngại cho khả năng thu hồi vốn của tổ chức tín dụng khi đối tượng cho thuê tài chính là bất động sản, bởi vì, xét về mặt lý thuyết có các lý do sau đây:
(i) Một là, quyền sở hữu tài sản thuộc về bên cho thuê, do đó, nếu bên thuê vi phạm hợp đồng thì bên cho thuê có thể thu hồi tài sản cho thuê;
(ii) Hai là, bên thuê phải thanh toán đầy đủ tiền thuê và số tiền này theo tính toán là đảm bảo cho bên cho thuê thu hồi cả gốc và lãi;
(iii) Ba là, các bên vẫn có quyền thoả thuận việc áp dụng các biện pháp bảo đảm cho khả năng thanh toán tiền thuê của bên thuê.
Còn xét dưới khía cạnh thực tế, việc cho thuê bất động sản rõ ràng an toàn hơn nhiều so với cho thuê động sản vì đặc tính không thể di dời của nó cũng như khả năng đảm bảo quyền sở hữu thông qua việc đăng ký chứng nhận quyền sở hữu và đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[viii] Bên cạnh đó, hiện nay, thị trường cho thuê bất động sản mà chủ yếu là cho thuê văn phòng đang có nhu cầu rất lớn, việc để cho tổ chức tín dụng với sức mạnh tài chính vượt trội là người đứng ngoài cuộc sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Theo chúng tôi, nên chăng cần thiết phải sửa đổi Điều 73 Luật các tổ chức tín dụng theo hướng loại trừ hạn chế này đối với hoạt động cho thuê tài chính, như vậy mới góp phần làm cho thị trường cho thuê tài chính phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, để tạo ra khả năng đầu tư tốt hơn cho nền kinh tế, có lợi cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
c. Thứ ba, quy định pháp luật hiện hành về phương thức xử lý tài sản thuê để thu hồi vốn trong trường hợp bên thuê không thanh toán đủ tiền thuê khi hợp đồng chấm dứt trước hạn theo chúng tôi là không hợp lý. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 16/2001/NĐ-CP, công ty cho thuê tài chính có thể chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn trong những trường hợp sau đây:
- Bên thuê không trả tiền thuê theo quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính;
- Bên thuê vi phạm các điều khoản của hợp đồng cho thuê tài chính;
- Bên thuê bị phá sản, giải thể;
- Người bảo lãnh bị phá sản, giải thể và bên cho thuê không chấp thuận đề nghị chấm dứt bảo lãnh hoặc đề nghị người bảo lãnh khác thay thế của bên thuê.
Trong những trường hợp trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 16/2001/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2005/NĐ-CP), nếu bên thuê không thanh toán đầy đủ tiền thuê thì:
- Công ty cho thuê tài chính có quyền thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê mà không chờ có phán quyết của Toà án và yêu cầu bên thuê phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê chưa trả theo hợp đồng;
- Sau khi thu hồi tài sản cho thuê, trong thời gian tối đa là 60 ngày, bên cho thuê phải xử lý xong tài sản cho thuê. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản cho thuê dùng để thanh toán khoản tiền còn thiếu của bên thuê và các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi tài sản cho thuê. Nếu số tiền thu được không đủ thanh toán, bên thuê có trách nhiệm thanh toán số tiền còn thiếu đó cho bên cho thuê;
- Trường hợp bên thuê đã hoàn trả một phần số tiền thuê phải trả và công ty cho thuê tài chính đã xử lý xong tài sản cho thuê, nếu số tiền thu được vượt quá số tiền thuê phải trả theo hợp đồng và các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi tài sản cho thuê thì công ty cho thuê tài chính phải hoàn trả cho bên thuê số tiền chênh lệch đó;
- Trong thời gian bên cho thuê xử lý tài sản thuê, nếu bên thuê hoàn trả được toàn bộ số tiền thuê theo hợp đồng thì bên cho thuê chuyển quyền sở hữu tài sản thuê cho bên thuê như trường hợp đã hoàn thành hợp đồng thuê.
Từ quy định của khoản 1 Điều 27 cho thấy, các trường hợp xử lý tài sản thuê tại khoản 1 Điều 28 được áp dụng cho tất cả các dạng cho thuê tài chính, bao gồm cả cho thuê tài chính không hoàn trả lại tài sản và cho thuê tài chính có hoàn trả lại tài sản. Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản 1 Điều 28 thực chất chỉ phù hợp với dạng cho thuê tài chính mà tổng số tiền thuê ít nhất tương đương với giá trị của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng[ix] (trong trường hợp này, thông thường bên thuê không phải hoàn trả lại tài sản thuê khi chấm dứt hợp đồng thuê). Nếu quy định này được áp dụng trong trường hợp tổng số tiền thuê thấp hơn giá trị của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng thì rõ ràng, pháp luật chỉ bảo đảm cho khả năng thu hồi tiền thuê của bên cho thuê chứ không bảo đảm khả năng thu hồi nguồn vốn cấp tín dụng, không phù hợp với nguyên tắc cấp tín dụng và do đó, không bảo đảm được quyền lợi chính đáng của bên cho thuê.
Ví dụ:
Công ty cho thuê tài chính X ký hợp đồng cho thuê tài chính với Công ty TNHH Y, tài sản thuê là chiếc xe ôtô TOYOTA trị giá 500 triệu, thời gian thuê là 24 tháng, số tiền thuê hàng tháng là 10 triệu đồng. Công ty Y thanh toán đầy đủ được 1 năm thì không trả tiền thuê nữa. Nếu theo quy định trên, công ty cho thuê tài chính X có quyền thu hồi lại chiếc xe và đem bán đấu giá. Số tiền bán xe thu được là 380 triệu. Như vậy, sau khi trừ đi số tiền thuê còn thiếu là 12 tháng x 10 triệu/tháng = 120 triệu, số tiền còn lại là 260 triệu, công ty cho thuê tài chính X phải trả cho công ty Y.
Chỉ cần một tính toán đơn giản cũng có thể thấy sự vô lý nếu quy định trên đây được áp dụng. Số tiền mà công ty cho thuê tài chính X phải bỏ ra ban đầu là 500 triệu, còn số tiền thu về chỉ là toàn bộ tiền thuê 240 triệu. Như vậy, công ty Y không những được sử dụng xe mà còn được lợi số tiền 140 triệu đồng!
Nguyên nhân của sự bất cập này được lý giải phần nào khi xem xét quá trình hoàn thiện pháp luật về cho thuê tài chính. Trước khi ban hành Nghị định 65/2005/NĐ-CP, theo Nghị định 16/2001/NĐ-CP, chỉ có một trường hợp cho thuê tài chính mà theo đó, tổng số tiền thuê phải tương đương với giá trị tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng. Cũng tại Điều 28 Nghị định này, trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 27, bên cho thuê có quyền thu hồi tài sản cho thuê và đòi bồi thường nếu bên thuê không trả đầy đủ tiền thuê. Quy định này có sự bất cập ở chỗ, trong trường hợp tổng số tiền thuê lớn hơn giá trị của tài sản hoặc bên thuê được chuyển giao quyền sở hữu sau khi chấm dứt hợp đồng thuê, rõ ràng rất bất lợi cho bên thuê vì họ phải thanh toán toàn bộ tiền thuê (nghĩa là đã đảm bảo quyền lợi cho bên cho thuê), nhưng vẫn không được sở hữu tài sản thuê. Có thể nói, Điều 28 được sửa đổi theo Nghị định 65/2005/NĐ-CP đã khắc phục được bất cập này nhưng lại vướng vào một bất cập khác do một nguyên nhân là: Khái niệm cho thuê tài chính cũng được chính văn bản này sửa đổi theo hướng mở rộng hơn rất nhiều.
d. Thứ tư, pháp luật còn có quy định bất cập về quản lý, sử dụng và trích khấu hao đối với tài sản cố định thuê tài chính. Theo Quyết định 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ tài chính ban hành Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì về nguyên tắc, doanh nghiệp đi thuê tài chính tài sản cố định phải quản lý, sử dụng và trích khấu hao như đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Đối với việc thuê tài sản cố định không thoả mãn điều kiện cho thuê tài chính thì được coi là thuê hoạt động (thuê vận hành) và trong trường hợp này, bên cho thuê có nghĩa vụ trích khấu hao chứ không phải bên thuê.[x] Vấn đề là ở chỗ, trong Quyết định 206/2003/QĐ-BTC lại định nghĩa một cách rõ ràng về cho thuê tài chính y hệt như Nghị định 16/2001/NĐ-CP trước khi sửa đổi, nên rất nhiều trường hợp là thuê tài chính theo sự sửa đổi của Nghị định 65/2005/NĐ-CP không được coi là cho thuê tài chính theo Quyết định này. Trong những trường hợp như vậy, vướng mắc đặt ra là, bên nào (bên cho thuê hay bên thuê) sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trích khấu hao đối với tài sản thuê tài chính? Trong khi đó, theo Quyết định 731/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 15/6/2004 ban hành Quy chế tạm thời về hoạt động cho thuê vận hành của các công ty cho thuê tài chính thì đối với hoạt động cho thuê vận hành, nghĩa vụ thuế (có liên quan đến nghĩa vụ trích khấu hao tài sản cố định) của công ty cho thuê tài chính được thực hiện theo quy định của Bộ tài chính. Nên chăng, cần thiết phải sửa đổi Quyết định 206/2003/QĐ-BTC theo hướng bỏ việc định nghĩa thế nào là cho thuê tài chính, để việc áp dụng được thuận lợi và rõ ràng hơn.
Trên đây là một số bất cập cơ bản của pháp luật hiện hành về hình thức cấp tín dụng cho thuê tài chính. Để hình thức cấp tín dụng này ngày càng thể hiện được vai trò của nó trong việc khuyến khích đầu tư, phát triển công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cần thiết phải có những sửa đổi pháp luật cho phù hợp./.
[i] Xem: Điều 32 Pháp lệnh đã dẫn
[ii] Xem: Đại học Huế, TS. Võ Đình Toàn (chủ biên), Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, NXB CAND, 2005, tr.163
[iii] Bên cạnh hình thức cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính có thể cho thuê vận hành theo Quyết định 731/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 15/6/2004
[iv] Xem: Chuẩn mực kế toán quốc tế số 17, sửa đổi năm 1997 (IAS17)
[v] Xem: Khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính.
[vi] Xem: Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật ngân hàng Việt Nam, NXB CAND, năm 2005, tr.266
[vii] Theo quy định của pháp luật, giới hạn cho thuê tài chính đối với một khách hàng là không vượt quá 30% vốn tự có của TCTD, trong khi với các hình thức cấp tín dụng khác, mức này chỉ là 15%.
[viii] Xem: Điều 19 và Điều 20 Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính.
[ix] Xem: Điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định đã dẫn.
[x] Xem: Khoản 3 Điều 9 Quyết định 206/2003/QĐ-BTC của Bộ tài chính ngày 12/12/2003.
NGUỒN: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 2/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét