Qua đối thoại, công ty đã nhìn nhận việc làm chưa phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết khắc phục
"Công ty không trích nộp kinh phí CĐ, không thực hiện đúng quy định về lương tối thiểu, không trả tiền cho những ngày phép năm người lao động (NLĐ) chưa được nghỉ. Chúng tôi đề nghị ban giám đốc trả lời". Đây là những nội dung chính được ông Võ Văn Nở, Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vận tải hỗn hợp Việt Nhật số 1 (Công ty Việt Nhật- trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh TPHCM đóng tại quận 2), đưa ra tại buổi đối thoại giữa ban chấp hành CĐ với ban giám đốc công ty, chiều 28-2. Buổi đối thoại có mặt đại diện các cơ quan chức năng TPHCM.
Ông Võ Văn Nở, Phó Chủ tịch CĐ Công ty Việt Nhật (đứng), trình bày ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: N.DƯƠNG
"Treo" kinh phí CĐ
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
Theo ông Nở, từ năm 2009, dù kết quả kinh doanh rất khả quan nhưng công ty không trích nộp 1% kinh phí CĐ nên CĐ không có điều kiện hoạt động và chăm lo cho NLĐ. Ông Kiều Hải Sơn, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Việt Nhật, cho rằng công ty có trích kinh phí CĐ nhưng vẫn giữ trong tài khoản của doanh nghiệp (DN). Còn ông Trần Đức Tín, Phó Giám đốc Chi nhánh TPHCM, thì đổ thừa: "Vì CĐ không đề xuất nên công ty vẫn giữ số tiền trên. Khi nào CĐ có kế hoạch chi tiêu và có đề xuất, công ty mới chuyển tiền cho CĐ".
Khẳng định vai trò Công đoàn
Việc CĐ Công ty Việt Nhật tổ chức đối thoại công khai, dân chủ với DN là thực hiện tốt Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Qua đó đã bảo vệ quyền lợi của NLĐ và ngăn chặn được tình trạng ngừng việc tập thể tự phát của NLĐ. Việc làm này đã khẳng định vai trò của CĐ trong DN. Các cấp CĐ cần nhân rộng cách làm này của CĐ Công ty Việt Nhật.
Không đồng ý với giải thích trên, bà Võ Minh Thanh Tùng, Chủ tịch LĐLĐ quận 2, cho rằng việc trích nộp kinh phí CĐ là nghĩa vụ của DN. Còn nội dung thu chi là quyền của CĐ, DN không được can thiệp. Nhận thấy việc làm của mình là chưa đúng, đại diện công ty đề nghị CĐ mở tài khoản để công ty nộp kinh phí CĐ ngay từ tháng 3 này.
Chậm điều chỉnh lương tối thiểu
Theo quy định, từ ngày 1-1-2010, lương tối thiểu (LTT) của NLĐ đã tăng lên nhưng công ty vẫn áp dụng mức LTT đã đăng ký với Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội từ ngày 25-3-2009 và chỉ điều chỉnh đối với những người có LTT thấp hơn quy định. Điều này gây thiệt hại cho NLĐ.
Ông Phạm Thế Hùng, cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận 2, khuyến cáo công ty phải đăng ký lại thang bảng lương; trong đó phân rõ LTT áp dụng cho các vùng và truy trả phần chênh lệch cho NLĐ từ tháng 1-2010. Ông Kiều Hải Sơn thừa nhận đã chậm trễ trong việc xây dựng, đăng ký thang bảng lương mới và đề nghị CĐ dự thảo thang bảng lương mới ở khu vực TPHCM để sau đó hai bên thỏa thuận.
Trả tiền phép năm
Do nhu cầu công việc, trong các năm 2006, 2007 có 78 lái xe không nghỉ hết phép, tổng cộng 415 ngày. Nhiều lần CĐ đã đề nghị công ty phải bố trí ngày nghỉ cho NLĐ nhưng công ty cho rằng do nhu cầu công việc, không thể sắp xếp cho NLĐ nghỉ và cứ "treo" ở đó. Khi CĐ đề nghị trả tiền cho những ngày phép trên thì công ty... lờ đi vì cho rằng đã qua các năm tài chính nên không thể giải quyết được. Vấn đề này cũng đã được "xới" lên tại buổi đối thoại. Kết quả, DN đã đồng ý sẽ thanh toán tiền phép năm cho NLĐ.
Một vấn đề nhiều NLĐ của công ty bức xúc là khi vào làm việc họ phải nộp cho DN một khoản tiền "thế chân phương tiện" 15 triệu đồng. Từ năm 2006 đến nay, công ty chỉ trả lãi cho NLĐ 36.000 đồng/tháng (lãi suất không kỳ hạn). NLĐ mong muốn được trả lãi suất có kỳ hạn từ khoản tiền này vì hầu hết đều giao kết hợp đồng từ một năm hoặc không xác định kỳ hạn. Qua đối thoại, công ty thống nhất sẽ thỏa thuận lại với NLĐ về lãi suất số tiền trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét