Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

“Vàng tặc” thách thức cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Cao Bằng

(LĐĐT) - Vì sao "vàng tặc" và những vi phạm của doanh nghiệp được cấp phép làm vàng lại dám thách thức các quan bảo vệ pháp luật tỉnh Cao Bằng như thế?>> Chuyện khó tin bên "dòng sông chết"

Dù rất nhiều đoàn kiểm tra, dù công văn chỉ thị, kế hoạch từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh (và ngược lại) cứ liền tì tằng; dù 27 Tết âm lịch lãnh đạo tỉnh vẫn phải ra quân vào "sơn lam chướng khí", dù cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cả Phó Giám đốc Công an tỉnh và nhiều ban ngành trực năng trực tiếp đi hiện trường, "điều binh khiển tướng" dẹp nạn vàng tặc đầu độc sông Hiến và các dòng suối thượng du - nhưng thảm trạng vẫn hầu như không hề được cải thiện.

Công ty cấp nước Cao Bằng vẫn ký công văn, vẫn ngửa cổ kêu trời, vẫn lấy mẫu tự xét nghiệm và đem về tận Viện Hoá học dưới Hà Nội phân tích rồi... kết luận: nguồn nước sinh hoạt của thị xã Cao Bằng càng ngày càng đục, năm sau đục hơn năm trước, có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và xianua trầm trọng.

Vì sao "vàng tặc" và những vi phạm của doanh nghiệp được cấp phép làm vàng lại dám thách thức các quan bảo vệ pháp luật tỉnh Cao Bằng như thế?

Chùm ảnh dưới đây nói thêm về tình trạng ngang nhiên khai thác vàng tại các xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng của huyện Thạch An - đầu nguồn sông Hiến, nơi cấp nước sinh hoạt cho dăm bảy vạn người ở tỉnh lỵ và các huyện lỵ Cao Bằng.

Nhà máy nước này, nơi cung cấp 70% nước sinh hoạt cho dân cư thị xã Cao Bằng và các huyện lỵ, đã bị ô nhiễm trầm trọng vì nạn "vàng tặc" đào bới dọc sông Hiến. Hệ thống công nghệ do Cộng hoà Pháp đầu tư trở nên không đủ sức lọc nổi nguồn nước có độ đục vượt mức tiêu chuẩn tới 400 lần. Doanh nghiệp oán thán kêu lên đủ cấp đủ ngành, rồi đành khoanh tay thúc thủ, chờ nghe dân... gọi điện, viết thư kêu ca, doạ sẽ khởi kiện.

Vì cách xử lý vụ việc thiếu kiên quyết, thiếu hiệu quả, cho nên, những kẻ đào đãi vàng trái phép tỏ ra "nhờn thuốc", họ thật sự thách thức cơ quan bảo vệ pháp luật với những chiếc máy xúc khổng lồ, từng đoàn người lật nhào sông suối lên, bất chấp các thảm hoạ môi trường đã và đang đến cùng bước chân phá hoại của họ.

Hàng trăm máy xúc, máy ủi, giàn tuyển quặng, máy bơm nước... choán hết lòng sông. Sông bị thay đổi dòng chảy, dòng nước đục ngàu bé tẹo chỉ lặng lờ như ở một cái ruộng cày!
Trong bức ảnh này (chụp tại xã Minh Khai), dòng sông trở thành một vũng nước đục sánh. Và, khác với báo cáo của cơ quan chức năng là đã dẹp yên quặng tặc, máy múc đang hoạt động, trên máy có người đang điều khiển, xung quanh máy, người ta nhộn nhịp đãi tìm vàng.
Sông suối như một bãi chiến trường bom đạn cày xới tanh bành. Lều lán của vàng tặc còn nguyên, họ vẫn ngày ngày "làm việc" ở dưới đó. Chúng tôi, nhà báo chân yếu tay mềm, có thể xâm nhập và chụp ảnh được sự việc này, giữa thanh thiên bạch nhật. Trong khi đó, lực lượng liên ngành cả công an, quân đội, thanh tra, cả tỉnh cả huyện và xã... mà nói là bất lực trước các "con rùa khổng lồ" (máy móc làm vàng) đang ngày ngày ăn thịt sông suối, thì là một cách nói chưa đáng tin cậy. Người ta có quyền đặt câu hỏi: tỉnh Cao Bằng có thật sự muốn bảo vệ nguồn nước sinh hoạt sống còn của mình không? Luật pháp ở các dòng sông vàng bạc này có còn được tôn trọng không?

Khi chúng tôi có mặt ở UBND xã Minh Khai, lãnh đạo xã bỏ trốn theo đúng nghĩa đen, bởi chúng tôi đã nhìn thấy các vị ấy trước khi chúng tôi nói chúng tôi là ai.

Chỉ duy nhất vị cán bộ địa chính này (xem ảnh) chấp nhận trả lời phỏng vấn. Ông Diện, Chi cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Cao Bằng thở hắt: Vàng tặc lộng hành ngay trước cổng UBND xã, từ nhà uỷ ban còn nhìn thấy máy xúc máy ủi. Đã có tới 12 cán bộ của 3 xã miền tây Thạch An bị xử lý, kỷ luật. Điều đó có nghĩa là, không ít cán bộ cơ sở đã đứng về "chiến tuyến" của vàng tặc.


Câu hỏi đặt ra là: với rất nhiều chiến dịch bị "bại lộ", với rất nhiều biểu hiện bao che kia, với cả việc chính quyền cơ sở (xã) đặt ra các quy định "thu thuế" với doanh nghiệp và các nhân làm vàng như thế này, thì điều gì sẽ xảy ra với sông Hiến, với thị xã Cao Bằng và cuộc sống của nhiều vạn cư dân hai bên bờ sông suối đã và đang bị "chọc tiết", "bức tử" kia? Khi con sông bị đầu độc và nổi giận đem lũ quét, lở núi, xoá sổ các diện tích đất canh tác ít ỏi của bà con, thì cái giá phải trả cho sự buông lỏng quản lý hôm nay là rất rất lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến