Hiện nay, tòa án không thụ lý việc khởi kiện đòi giấy tờ nhà vì nó không phải là tài sản. Đương sự nhờ cơ quan chức năng cấp phó bản hay nhờ công an giải quyết cũng không được.
TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa từ chối thụ lý đơn kiện đòi giấy tờ nhà của bà X. bởi nó không nằm trong danh mục vụ kiện mà tòa thụ lý. Điều này khiến bà X. không biết phải làm sao để đòi lại giấy tờ của mình.
Biết chỗ giữ nhưng không thể đòi
Trước đó, chồng bà lén mang giấy tờ nhà đi vay tiền của ông B. Thời gian sau, ông C. gọi điện thoại đến nói đang giữ giấy tờ trên. Gặp nhau, bà X. mới té ngửa khi biết ông B. đã dùng giấy tờ nhà của bà để vay tiền người này. Hiện giờ người này tìm ông B. không được nên buộc bà phải giao tiền để đổi giấy.
Không đồng ý, bà đi tìm ông B. nhưng chỉ nghe được điệp khúc... không biết gì cả. Vì thực chất người đứng tên cho chồng bà vay không phải ông. Bà quyết định trình báo công an nhưng lại bị từ chối vì cho rằng đây là việc dân sự, hai bên tự giải quyết. Bà chuyển sang báo mất giấy, rồi yêu cầu cơ quan chức năng cấp phó bản nhưng nơi đây biết bà đang có tranh chấp với người cho vay nên nhỏ nhẹ từ chối. Bà chạy qua tòa thì tòa cũng lắc đầu.
Đến lúc này, bà X. chỉ biết than khóc với khoản nợ lớn từ trên trời rơi xuống...
Có hướng dẫn nhưng còn tranh cãi
Một cán bộ thụ lý của TAND TP.HCM giải thích, trước đây tòa vẫn thụ lý nhưng từ sau năm 2007 thì Tòa án TP có hướng dẫn không thụ lý nữa vì loại việc này không có trong quy định. Sở dĩ Tòa án TP có thao tác trên là xuất phát từ văn bản của TAND Tối cao (ngày 27-3-2007) trả lời cho TAND tỉnh An Giang rằng việc đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan khác (!?).
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM giải thích thêm, giấy chứng nhận không phải là tài sản (như cái nhà, cái xe cụ thể...) nên không thể khởi kiện để đòi.
Nhưng trên thực tế, nhiều thẩm phán tòa án quận phản đối quan điểm trên. Theo họ, nếu cho mượn một tờ giấy A4 mà không trả cũng có quyền khởi kiện để đòi vì tờ giấy đó cũng là tài sản. Vậy tại sao giấy tờ nhà đất là giấy tờ có giá trị lại không được quyền khởi kiện để đòi? Bản thân tờ giấy trước khi đem in để làm giấy chứng nhận đã là tài sản. Nhưng tại sao sau khi in xong thì nó lại không được xem là tài sản? Điều này rất vô lý.
Đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định giấy tờ nhà là loại giấy có giá trị. Nó là tài sản của đương sự nên tòa vẫn có thể thụ lý vụ việc đòi giấy tờ. Ở nước ngoài, các loại giấy tờ đó được khẳng định trong luật là tài sản của người dân.
Để quên, đòi cũng không được Ách giữa đàng như bà X. không phải là hiếm. Cách đây chưa lâu, bà H. ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để quên giấy tờ nhà ở một tiệm photocopy. Ông chủ tiệm nhìn thấy liền mang đi vay tiền. Bà đến đòi thì ông này thú thật chuyện trên rồi chỉ cho bà biết người cho ông vay. Người này đòi bà phải trả 50 triệu đồng thì mới cho lấy giấy tờ. Bà không đồng ý. Gần hai năm tới lui đòi giấy mà không xong, bà được người quen hướng dẫn làm giấy cớ mất, đăng báo để được cấp lại giấy. Bà vội vã làm theo. Tuy nhiên, sau đó bà nhận được công văn từ chối giải quyết với lý do nhà đất trên có tranh chấp của người cho vay. Trước tình huống này, bà nộp đơn tố giác hành vi chiếm giữ trái phép giấy tờ của những người liên quan nhưng cơ quan công an vẫn bảo đó chỉ là tranh chấp dân sự. Bà nộp đơn khởi kiện người cho vay để đòi lại giấy thì được biết các tòa không thụ lý theo chỉ đạo của TAND Tối cao. Tòa lách luật giùm đương sự Năm 2008, TAND một quận ở TP.HCM sau khi có hướng dẫn không thụ lý việc đòi giấy tờ nhà, tòa đã gỡ vướng cho đương sự khỏi khổ. Trước đó, ông P. ủy quyền cho ông N. được toàn quyền cầm giấy tờ nhà của ông đi vay tiền giúp mình. Ông N. đã vay bà Y. rồi mang tiền về cho ông P. Một thời gian sau, bà Y. biến mất. Hai ông bạn kéo nhau đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận xin cấp phó bản thì bị từ chối vì đã quá thời hạn ủy quyền 20 ngày rồi. Trong thời gian này, ai biết một trong hai bên đã làm gì giấy tờ đó. Cán bộ phòng này bỏ nhỏ ra tòa chắc sẽ xong. Kiện ra tòa đòi giấy thì tòa từ chối ngay. Tuy nhiên, tòa cũng lách, đưa vụ này sang thành vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa ông P. và ông N. (dù thực tế là hợp đồng này giữa hai ông đã chấm dứt). Việc kiện này là nhằm cho tòa có cớ tuyên ông N. trả lại giấy tờ nhà cho ông P. Sau đó, tòa làm văn bản hòa giải, chấp nhận thỏa thuận, trong thời hạn ba tháng nếu ông N. không thể trả lại giấy tờ nhà thì ông P. có quyền ra Phòng Tài nguyên và Môi trường quận để xin cấp phó bản. Tuy nhiên, cách lách trên chỉ áp dụng cho trường hợp cụ thể và cũng gây ra băn khoăn cho các cán bộ tòa khi giải quyết. Giả sử nếu sự việc không như ông N. kể mà thực chất là ông đã thế chấp giấy tờ cho bà Y. Và bà Y. vì một lý do gì đó đi đâu xa một thời gian, không phải trốn không hề biết giữa hai ông P. và ông N. có tranh chấp. Tòa giải quyết vậy có phải thiệt thòi cho bà Y. không. Nếu được thụ lý việc đòi giấy tờ nhà, tòa sẽ mời bà Y. vào với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nếu bà không đến, tòa sẽ niêm yết công khai giấy triệu tập tại địa phương..., sau đó giải quyết vụ việc như bình thường mà không sợ thiệt thòi cho bên nào và an tâm hơn. |
HOÀNG YẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét