Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Tội giết người và cố ý gây thương tích: Cần hướng dẫn cụ thể hơn

Cùng một hành vi nhưng nơi này nói giết người, nơi khác lại bảo tội cố ý gây thương tích bởi ranh giới giữa chúng rất mong manh. Dù đã có nhiều hướng dẫn nhưng vẫn đang thiếu một hướng dẫn cụ thể hơn để áp dụng thống nhất.

Hai tội danh này đã có nhiều văn bản hướng dẫn để thẩm phán phân biệt khi xử lý. Cụ thể như Nghị quyết 01 ngày 19-04-1989, Nghị quyết 04 ngày 29-11-1996 đều của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (HĐTP).

Nhiều hướng dẫn, nhiều tranh cãi

Cạnh đó có Công văn 03 ngày 22-10-1987, Công văn 140 ngày 11-12-1998 của TAND Tối cao hướng dẫn giải quyết hai tội danh này.

Tuy nhiên, các văn bản này vẫn còn chung chung, chưa cụ thể từng hành vi. Có hướng dẫn thì chỉ giải thích được trường hợp gây thương tích dẫn đến chết người mà không đề cập đến trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Các hướng dẫn đều quan niệm theo hướng cứ dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể là xử tội giết người.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng hiểu như vậy là khiên cưỡng, cứng nhắc mà phải quan tâm đến ý chí của người gây án. Chẳng hạn, một người dùng thanh sắt đánh một cái vào đầu người bị hại nhưng không đánh tiếp cho đến chết mà bỏ đi thì có thể xử tội giết người được không?

Theo nhiều thẩm phán, phải tìm thêm nhiều tình tiết để xác định ý thức chủ quan, động cơ, mục đích của người phạm tội. Thông thường nếu người phạm tội cố ý đối với hành vi gây thương tích và cố ý đối với hậu quả chết người (mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân chết) thì xử tội giết người dù nạn nhân có chết hay không. Nếu người phạm tội cố ý đối với hành vi gây thương tích nhưng vô ý (cẩu thả hoặc quá tự tin) đối với hậu quả chết người thì chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích. Còn trong trường hợp nếu người phạm tội vô ý với hành vi gây thương tích và cả hậu quả chết người thì xử tội vô ý làm chết người.

Tội giết người và cố ý gây thương tích cần được hướng dẫn chi tiết để các thẩm phán giảm thiểu sai sót khi xử án. Ảnh minh họa: HTD

Và tiếp tục mổ xẻ

Với mong muốn tìm một tiếng nói chung nên trong các hội nghị của ngành tòa án, các hội thảo của TAND cấp tỉnh, thành vẫn được tổ chức để phân tích cách nhận biết hai tội danh này.

Đơn cử như giữa năm 2008 tổ chức hội thảo, TAND TP.HCM nói giữa tội này khách quan giống nhau nhưng khách thể của tội giết người là xâm hại tới quyền được sống, còn tội cố ý gây thương tích xâm hại đến sức khỏe. Hành vi khách quan của tội giết người là biểu hiện ra bên ngoài có sự điều khiển của ý chí và hành vi đó có khả năng làm chết người khác. Tội cố ý gây thương tích thì cũng có dấu hiệu trên nhưng nằm ngoài ý chí của người thực hiện hành vi.

Trong trường hợp không xác định được ý chí của người thực hiện hành vi dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, cổ, bụng… làm nạn nhân bị thương tích thì xử tội gì? Nhiều ý kiến cho rằng phải đánh giá toàn diện về tính chất nguy hiểm của hành vi, về phương thức thực hiện, hung khí. Cạnh đó phải xem thái độ người thực hiện có quyết liệt hay không, mâu thuẫn do bột phát nhất thời hay từ trước… Tất cả những điều này gộp lại nếu chứng minh được có ý chí tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì mới có thể xử tội giết người. Còn khi không xác định được ý chí của người thực hiện hành vi có muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hay không thì hậu quả đến đâu xử đến đó.

Sau cùng, các tòa cho rằng TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể và chuyên sâu hơn để các thẩm phán giảm thiểu sai sót khi đụng đến hai tội danh này.

Viện, tòa tranh cãi…

TAND và VKSND tỉnh Tây Ninh đã từng tranh cãi nảy lửa với nhau về tội danh trong vụ Đỗ Tấn Đạt. Do mâu thuẫn, Đạt dùng mã tấu chém K. buộc K. bỏ chạy vào hẻm cụt. Đạt sấn tới ép K. vào góc tường rồi chém nhiều nhát vào vùng đầu của K. theo hướng từ trên xuống. K. đưa tay lên đỡ thì bị chặt đứt bàn tay phải và bị thương tật ở vùng đầu là 27%.

VKS tỉnh truy tố Đạt về tội cố ý gây thương tích nhưng xử sơ thẩm, TAND tỉnh không đồng ý vì đó là tội giết người do bị cáo dùng mã tấu chém vào đầu người bị hại. Sau đó, VKSND tỉnh vẫn nói Đạt chỉ phạm tội cố ý nên tòa tuyên theo hướng này và kiến nghị lên cấp phúc thẩm xem xét theo hướng giết người. Đồng tình, Viện Phúc thẩm đã kháng nghị bản án và trong phiên xử phúc thẩm sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã phạt Đạt 10 năm tù và buộc bồi thường cho nạn nhân 51 triệu đồng về tội giết người.

Mong có hướng dẫn chuẩn

"Nguyên tắc chung là hậu quả đến đâu xử lý đến đó nhưng thực tế với hai tội này thì không đơn giản như vậy. Nhiều trường hợp tòa phải chuyển tội danh từ giết người sang cố ý và ngược lại, vì VKS truy tố chưa phù hợp. TAND TP.HCM đã có hội thảo chuyên sâu nhưng luôn mong muốn TAND Tối cao có một văn bản chuẩn để thống nhất."

Ông BÙI HOÀNG DANH, Chánh án TAND TP.HCM

Cần một hướng dẫn rõ ràng

"Cần ban hành một văn bản hướng dẫn mới để tháo gỡ các vướng mắc trong việc định tội này vì các hướng dẫn cũ chưa đầy đủ… Ví dụ, Nghị quyết số 01-1989 của HĐTP hướng dẫn thương tích làm chết người là thương tích nặng và làm cho nạn nhân chết. Nghĩa là giữa thương tích và cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả. Về mặt khoa học thì hướng dẫn này có giá trị nhưng chỉ giải thích được trường hợp gây thương tích dẫn đến chết người mà không đề cập đến trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp, hoặc tác động trái phép đến người khác với lỗi cố ý gián tiếp. Vì thế, không ngạc nhiên khi áp dụng để định hai tội này, các cơ quan tố tụng không thể thống nhất với nhau."

Thạc sĩ VŨ THỊ THÚY, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM

Xử giết người khi biết làm vậy sẽ chết

"Nên xử tội giết người khi: Người gây án biết hành vi của mình tất yếu làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện dù không muốn giết; vì muốn cho người khác chết nên cố ý đánh cho thành thương nặng để rồi về nhà ốm chết; biết làm như vậy sẽ chết người (như dùng dao to, sắc, nhọn, chém hoặc đâm vào những chỗ hiểm yếu như đầu, ngực, bụng, hoặc dùng gậy to, nặng, sắc cạnh vụt mạnh vào đầu…)…

Còn xử tội cố ý gây thương tích khi: Hành vi ít nguy hiểm, ít khả năng gây chết người (như chỉ đánh, chém vào tay, chân, đấm vào chỗ ít nguy hiểm); có ý giết người nhưng tự ý nửa chừng chấm dứt và nạn nhân chỉ bị thương tích; gây ra thương tích cho nạn nhân với lỗi cố ý gián tiếp."

Thẩm phán NGUYỄN XUÂN TÙNG, TAND TP.HCM

THANH TÙNG - HỒNG TÚ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến