Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Trâu phá chuồng ăn mía hàng xóm


 
Chủ đàn gia súc phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau đó người này có thể kiện người làm công đòi lại khoản mình đã bồi thường...
VKSND tỉnh Phú Yên vừa kháng nghị, yêu cầu tòa cùng cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vụ ông T. yêu cầu ông L. phải bồi thường thiệt hại do để đàn trâu ăn mía của ông do có nhiều vi phạm về tố tụng...

Lỗi của ông chăn trâu

Năm 2011, ông L. thuê ông V. chăm sóc 10 con trâu của gia đình. Ông này làm chuồng, nhốt trâu trên rẫy gần đất trồng mía của ông T. Sáng 2-7-2012, đàn trâu phá chuồng, chạy sang ăn mía nhà ông T. Bắt bồi thường không được, ông T. khởi kiện chủ đàn trâu là ông L., đòi bồi thường gần 93 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm, ông T. nói: “Tôi giảm yêu cầu mức bồi thường còn 60 triệu đồng”.

Ông L. nằng nặc bảo: “Trâu ăn mía không gây thiệt hại nhiều mà do ông T. cố tình làm to chuyện. Ông T. đưa ra mức bồi thường không phù hợp thực tế. Tôi không đồng ý bồi thường vì không gây thiệt hại. Khi sự việc xảy ra, tôi đang giao đàn trâu cho ông V. quản lý và chăm sóc. Nếu có thiệt hại thì ông V. phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ đồng ý hỗ trợ 30% giá trị 15 bao phân là hơn 3,1 triệu đồng”.


Về phần mình, ông V. thừa nhận đã quản lý không chặt để đàn trâu ăn mía nhà ông T. Nhưng đàn trâu ăn mía không bao nhiêu bởi trâu không thích ăn mía như bò. Chủ yếu là trâu chỉ giẫm lên các hàng mía bên ngoài mà thôi. Vì vậy ông chỉ đồng ý bồi thường vài bao phân. Còn con số mà ông T. đưa ra yêu cầu đòi thường là không phù hợp.

Sau quá trình hòa giải không thành, TAND huyện Sơn Hòa đưa vụ án ra xét xử, nhận định nguyên nhân trâu ăn mía của ông T. là do lỗi ông V. quản lý không chặt chẽ đàn trâu. Trong vụ án này trách nhiệm bồi thường cho ông T. thuộc về ông V. Ông L. là chủ đàn trâu nhưng đã thuê ông V. chăn dắt nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX bác yêu cầu của ông T. đòi chủ đàn trâu là ông L. bồi thường. Tòa ghi nhận việc ông L. tự nguyện hỗ trợ phần chi phí chăm sóc mía bị thiệt hại cho ông T. là hơn 15,5 triệu đồng.

Thiếu người liên quan

Vừa qua, nghiên cứu vụ án, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì có nhiều sai sót về tố tụng. Cụ thể, vụ án có định giá tài sản, tòa án cấp sơ thẩm không thông báo cho VKS cùng cấp biết là không đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04 giữa hai ngành là VKSND Tối cao và TAND Tối cao.

Mặt khác, đàn trâu là tài sản chung của vợ chồng ông L. nhưng tòa không đưa vợ ông này vào tham gia tố tụng với tư cách là người liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 56 BLTTDS.

Cạnh đó, tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa giám định mức độ thiệt hại mà chỉ căn cứ vào kết quả xác minh thực tế để tính giá trị thiệt hại và ấn mức bồi thường là chưa chuẩn xác. HĐXX cũng chưa thẩm tra, công bố kết quả xác minh thực tế và hỏi ý kiến các đương sự về kết quả. Từ đó, tòa tuyên ghi nhận sự hỗ trợ tự nguyện của ông L. là không phù hợp với diễn biến tại phiên xử khi ông L. chỉ đồng ý hỗ trợ hơn 3,1 triệu đồng…


Chủ đàn gia súc phải gánh trách nhiệm

Bản án sơ thẩm cho rằng ông L. không có lỗi, ông V. (người được ông L. thuê chăm đàn trâu) mới có lỗi làm cho trâu ăn mía gây thiệt hại nên phải bồi thường cho ông T. là không phù hợp quy định pháp luật. Điều 622 BLDS quy định: Khi người làm công có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu phải bồi thường.
 Ở đây, ông L. đã thuê ông V. chăn dắt trâu và trả công. Ông V. có lỗi gây thiệt hại cho ông T. nhưng không thể loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của ông L. Trường hợp này, phía chủ gia súc phải bồi thường thiệt hại do đàn gia súc của mình gây nên. Sau đó thấy cần thiết, chủ đàn gia súc có thể khởi kiện người được mình thuê chăm đàn gia súc bồi thường lại cho mình.
 Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk(theo phapluattp
)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến