THS. BÙI XUÂN HẢI - ĐH Luật TP.HCM, NCS Luật ĐH La Trobe, Australia
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc tìm hiểu về các mô hình pháp luật điển hình nước ngoài là rất cần thiết cho việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về các chủthể kinh doanh. Bài viết này phân tích những điểm cơ bản trong sự so sánh cấu trúc quản trị nội bộ của công ty cổ phần (CTCP) theo luật công ty Việt Nam với các mô hình điển hình trên thế giới, mà chủ yếu là của Anh, Mỹ và Đức.
1. Khái quát chung
Luật công ty hiện đại của các dòng họ luật trên thế giới đều phân chia quyền lực trong CTCP, tức là thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công ty, giữa các cổ đông (shareholders) và người quản lý công ty (managers hay directors). Những lý thuyết quan trọng về sự phân chia quyền lực trong công ty hiện đại đã xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ trước, mà đặc biệt là trong nghiên cứu mang tính kinh điển của Berler và Means.1 Các học giả về luật công ty hiện đại quan tâm đến sự phân tách giữa sở hữu và quản trị (the separation of ownership and control), đặc biệt trong các CTCP có nhiều cổ đông, nhất là các công ty niêm yết (listed firms), nơi mà các cổ đông chỉ quan tâm đến giá trị cổ phiếu trên thị trường, cùng với một quyền rất quan trọng là lựa chọn các nhà quản trị mang lại giá trị cao nhất có thể cho cổ phần của họ. Cũng từ đó, các lý thuyết về đại diện (agency theory) đã xuất hiện để lý giải mối quan hệ giữa các cổ đông và các nhà quản trị, người ta bàn nhiều về bản chất mối quan hệ giữa cổ đông với người quản lý công ty, việc làm thế nào để hạn chế các hành vi tư lợi của người quản lý và bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư.2 Những lý thuyết về quản trị công ty (corporate governance) gắn liền với các ý niệm về phân chia quyền lực, về đại diện, và mục đích của quản trị công ty tốt.3
Nói một cách khái quát, cấu trúc quản trị nội bộ của các CTCP trên thế giới, đặc biệt là các công ty niêm yết, thường theo một trong hai mô hình sau đây: (i) mô hình hội đồng đơn – hay còn gọi là hội đồng một tầng (unitary board hay one-tier board model), và (ii) mô hình hội đồng kép – hay còn gọi là hội đồng hai tầng (dual board hay two-tier board model). Nói đến cấu trúc hội đồng đơn hay kép là nói đến cấu trúc của bộ máy quản lý – điều hành của công ty, chứ không phải của toàn bộ cấu trúc quản trị công ty.
2. Cấu trúc hội đồng một tầng (one-tier board model)
Cấu trúc quản trị nội bộ theo mô hình hội đồng một tầng (hội đồng đơn) có trong luật công ty của hầu hết các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada v.v.; cũng như không ít các nước thuộc dòng họ luật thành văn (civil law). Cấu trúc hội đồng đơn, về cơ bản, được xây dựng theo mô hình luật công ty theo kiểu Anglo-American, mà luật công ty Hoa Kỳ là điển hình. Nếu như hơn một thế kỷ trước, trong hệ thống thông luật, người Anh thường tự hào rằng chính họ là những người cung cấp chủ yếu các học thuyết và quy tắc pháp lý về công ty kinh doanh; thì nửa thế kỷ trở lại đây, vai trò này đã bị mất vào tay người Mỹ. Là một thành viên của Liên minh châu Âu (European Union - EU), người Anh đã và đang vất vả trong việc cạnh tranh với người Đức trong việc xây dựng mô hình luật công ty của khối liên minh cũng như gây ảnh hưởng đến các nước thành viên EU. Mô hình quản trị công ty Hoa Kỳ đã lặng lẽ xâm lăng các xứ sở của cả dòng họ common law và civil law, ở ngay cả châu Âu lục địa như Tây Ban Nha, Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Ý, Aixơlen v.v..
Luật công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là luật về công ty của bang Delaware, nơi mà quá nửa trong số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ chọn để đăng ký kinh doanh, nổi tiếng về cấu trúc hội đồng đơn và sự thân thiện với, hay nói đúng hơn là tập trung quyền lực cho, người quản lý công ty.4 Trong khi Hoa Kỳ có luật chứng khoán liên bang, thì hệ thống luật công ty của họ lại là của các tiểu bang. Vì thế, các bang ở Mỹ đều phải tham gia cuộc đua để có một luật công ty hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong cuộc đua này, những tiểu bang dẫn đầu phải kể đến là Delaware, New York, và California. Đó cũng là một trong các lý do khiến cho giới luật học Hoa Kỳ và luật công ty Hoa Kỳ phát triển hết sức mạnh mẽ.
Theo luật công ty Anh–Mỹ, cấu trúc quản trị nội bộ của một CTCP gồm có: đại hội đồng cổ đông (shareholders’ meeting) (ĐHĐCĐ) và hội đồng giám đốc (board of directors) (HĐGĐ). Bộ phận quản trị - điều hành của CTCP chỉ do một cơ quan đảm nhiệm là HĐGĐ - cấu trúc hội đồng đơn (unitary board model). ĐHĐCĐ sẽ bầu chọn các thành viên của HĐGĐ (thường có từ ba đến hai chục thành viên), đươc gọi là các directors. Mọi quyền lực và các vấn đề của công ty được pháp luật đặt vào tay của HĐGĐ, trừ những vấn đề mà pháp luật hoặc điều lệ công ty qui định phải thuộc về ĐHĐCĐ. Luật công ty của các nước thuộc dòng họ Anglo-American thường có một qui định rất quan trọng rằng: công việc kinh doanh của công ty được quản lý bởi, hay dưới sự chỉ đạo của hội đồng giám đốc (hay các giám đốc).5 Sự phân chia quyền lực này khác với việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan của bộ máy quản trị CTCP vẫn thường thấy trong luật công ty của các nước châu Âu lục địa, Trung Quốc và Việt Nam. Cũng vì thế, HĐGĐ của các công ty theo mô hình Anh – Mỹ có rất nhiều quyền lực, hơn rất nhiều so với những người đồng nghiệp của họ trong hội đồng quản trị công ty của các nước châu Âu lục địa, Trung Quốc và Việt Nam. Thậm chí, ở một số nước, HĐGĐ có một quyền có lẽ sẽ làm ngạc nhiên các cổ đông Việt Nam và nhiều nước khác, đó là việc HĐGĐ - những người làm thuê - lại quyết định việc chia cổ tức cho các cổ đông – những ông bà chủ!
HĐGĐ bổ nhiệm các thành viên của mình hoặc người khác đảm nhiệm các công việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Người đứng đầu của bộ phận điều hành là tổng giám đốc (TGĐ) (chief executive officer (CEO) hay managing director (MD)). Pháp luật công ty của các nước Anh – Mỹ không có qui định về nhiệm vụ, quyền hạn của TGĐ (statutory power) như trong pháp luật công ty Việt Nam hay Trung Quốc. Quyền lực của TGĐ sẽ do HĐGĐ quyết định trên cơ sở ủy nhiệm, vì thế, không phải các TGĐ đều có quyền lực như nhau. Khác với mô hình TGĐ theo luật Anh - Mỹ, trong mô hình quản trị CTCP theo luật Việt Nam và Luật Công ty 2005 của Trung Quốc thì Tổng giám đốc CTCP xuất hiện như một cơ quan trong bộ máy quản trị, với các quyền và nghĩa vụ do luật định mà các cổ đông hay HĐQT chỉ có thể trao thêm chứ không được lấy bớt đi.6 Tuy nhiên, trên thực tế, TGĐ trong mô hình quản trị của Hoa Kỳ được coi là mô hình TGĐ mạnh, nhất là khi Chủ tịch HĐGĐ kiêm nhiệm luôn chức vụ TGĐ, hoặc HĐGĐ ủy quyền mạnh cho TGĐ. Nếu như Chủ tịch HĐGĐ các công ty lớn ở Anh ít kiêm nhiệm chức TGĐ, thì đồng nghiệp Hoa Kỳ của họ lại hay kiêm nhiệm hai chức danh này. Nhưng sau các vụ phá sản của một vài công ty lớn xảy ra đầu thế kỷ 21 ở Mỹ như Enron, WorldCom, Tyco v.v., việc phân tách hai chức danh này trong các CTCP lớn ở Mỹ đã là một xu thế rõ rệt.7
Mô hình quản trị CTCP theo cấu trúc hội đồng đơn kiểu Anh-Mỹ không có một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ giám sát những người quản lý - điều hành công ty như ban kiểm soát (BKS) trong luật công ty Việt Nam và luật công ty Trung Quốc hay như hội đồng giám sát trong mô hình hội đồng hai tầng của Đức. Tuy nhiên, trong các công ty lớn, đặc biệt là các công ty niêm yết, xu hướng đa số thành viên của HĐGĐ là thành viên độc lập không điều hành (independent non-executive directors) đang thắng thế. Xu hướng này cũng được khuyến nghị bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu như Ngân hàng thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development – OECD), các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán như Ủy ban Chứng khoán (Securities and Exchange Commission - SEC) của Hoa Kỳ, ASX (Australian Stock Exchange) của Australia; cũng như các ủy ban độc lập của chính phủ nghiên cứu về quản trị công ty (corporate governance) như các Ủy ban Cadbury và Hampel của Anh, Bosch của Úc v.v.. Các thành viên độc lập không điều hành của HĐGĐ sẽ đảm nhiệm chức năng xem xét, đánh giá một cách độc lập về các quyết sách quản trị của HĐGĐ và giám sát hoạt động của bộ phận điều hành. Tuy nhiên, sự giám sát của một nhóm thành viên trong HĐGĐ đối với các thành viên khác được cho là thiếu tính khách quan và hiệu quả. Bởi vậy, sự giám sát này có thể thiếu tính độc lập và kém tin cậy hơn so với hoạt động của một cơ quan giám sát độc lập trong cơ cấu quản trị của CTCP trong cấu trúc quản trị hội đồng hai tầng, cũng như trong luật công ty của Việt Nam và Trung quốc.
3. Cấu trúc hội đồng hai tầng (two-tier board model)
Cấu trúc hội đồng kép có nguồn gốc từ nước Đức, xứ sở của dòng họ luật German civil law. Lịch sử luật công ty của nhân loại không thể phủ nhận thực tế rằng người Đức, cùng với người Anh và người Mỹ đã đóng góp rất lớn cho sự hình thành và phát triển của các lý thuyết và nguyên tắc pháp lý của các mô hình công ty hiện đại ngày nay. Cấu trúc hội đồng kép với sự tham gia của người lao động trong các CTCP (Aktiengesellschaft-AG) đã từng được cho là trái tim của nền dân chủ công nghiệp Đức. Nó cũng phản ánh những ý niệm mang tính lý thuyết khác nhau về công ty giữa người Đức, một trường phái điển hình của dòng họ luật châu Âu lục địa, và Anh – Mỹ của dòng họ luật án lệ.
Sự tham gia của người lao động vào cấu trúc quản trị CTCP theo luật Đức thể hiện ý niệm về mô hình quản trị công ty hướng về những người có quyền lợi liên quan (stakeholder-oriented corporate governance), khác với mô hình quản trị kiểu Anh-Mỹ nhằm hướng tới cổ đông (shareholder-oriented corporate governance).8 Nếu mô hình quản trị công ty Anh–Mỹ tập trung vào bảo vệ nhà đầu tư, chủ yếu là cổ đông; thì cấu trúc quản trị của người Đức và châu Âu, và cả Nhật Bản thường hướng vào việc bảo vệ cả người lao động và chủ nợ. Các nhà làm luật Đức đã khá khôn khéo trong việc sử dụng cơ chế mang tính cấu trúc để dung hòa lợi ích giữa cổ đông và người lao động trong nền dân chủ công nghiệp, đặc biệt là trong các giai đoạn khó khăn xây dựng nước Đức sau chiến tranh. Ở Đức, người lao động có thể được tham gia trực tiếp vào công việc quản trị CTCP; và người làm thuê ở Nhật cũng luôn được quan tâm trong thực tiễn quản trị với chế độ lao động suốt đời và có nhiều nhà quản trị là những ngườilao động lâu năm trong công ty.9
Các chủ nợ ở Đức, Nhật, và châu Âu được bảo vệ mạnh mẽ hơn người cho vay ở Mỹ. Khác với ở Mỹ, nơi mà các cổ đông định chế (institutional investors) thường kiểm soát các CTCP thì các ngân hàng ở Nhật, Đức và châu Âu có vai trò rất lớn trong việc quản trị các CTCP. Sự bảo vệ quá mạnh mẽ người cho vay và người lao động đã làm cho tư bản vốn của những nước này kém năng động hơn so với các nước theo mô hình thị trường tự do kiểu Anh – Mỹ. Giới luật học thế giới, đặc biệt là ở Anh – Mỹ và Đức, đã tốn nhiều giấy mực để bình luận và đánh giá mô hình hội đồng kép với sự tham gia của ngườilao động của nước Đức. Cũng rất thú vị là, chẳng những các giáo sư luật Anh – Mỹ không thích cấu trúc quản trị CTCP vì có phần nặng nề và bảo thủ của người Đức, mà ngay cả nhiều học giả, giáo sư về luật công ty hàng đầu của Đức như Klaus J. Hopt, Horst Siebert, Harald Baum cũng hoài nghi về tính hiệu quả của cấu trúc quản trị này trong môi trường toàn cầu hóa. Nước Đức có thể sẽ giảm mất tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nếu họ cứ cứng nhắc áp đặt cấu trúc quản trị CTCP của mình cho các nhà đầu tư đến từ các nền văn minh công nghiệp khác. Một thực tế là, mô hình hội đồng kép của người Đức ít được áp dụng trên thế giới; và sự cạnh tranh của luật công ty Anh-Mỹ cũng đã khiến người Đức gặp nhiều khó khăn.10 Người Đức cũng đã chẳng mấy thành công để thuyết phục các nước EU láng giềng, nơi mà luật dân sự và thương mại Đức đã ăn sâu cắm rễ, áp dụng cấu trúc quản trị CTCP với mô hình hội đồng kép và sự tham gia của người lao động. Cho đến hiện nay, chỉ có ba nước châu Âu lựa chọn mô hình của người Đức là Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan. Một vài láng giềng của người Đức cũng đã tiếp nhận ở mức độ nhất định về đại diện người lao động tham gia vào cấu trúc quản trị CTCP như Đan Mạch, Luxembourg và Thụy Điển.11 Gần đây, Tòa án Châu Âu đã cho phép các công ty đăng ký tại một nước thành viên EU có quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh tại các thành viên khác, mà nó vẫn được quản trị theo mô hình của luật công ty ở nước đăng ký thành lập.12 Người Đức cũng thực sự thấy cần phải thay đổi khi mà nhiều nhà đầu tư Đức trong những năm gần đây, đã sang đăng ký thành lập công ty ở một nước EU khác, rồi sau đó quay trở lại Đức hoạt động kinh doanh trên danh nghĩa của một công ty nước ngoài.
Cấu trúc hội đồng kép theo luật công ty Đức có hai đặc điểm quan trọng nhất: (i) cấu trúc quản trị- điều hành có hai hội đồng theo thứ bậc (two-tier board model), và (ii) có thể có sự tham gia nhất định của đại diện người lao động vào hội đồng phía trên (co-determination). Cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP (AG) theo luật Đức gồm có: đại hội đồng cổ đông, hội đồng giám sát (Aufsichtsrat) (HĐGS), và hội đồng quản trị (Vorstand) (BQT).13 Theo luật Đức, việc quản lý-điều hành CTCP được phân chia cho hai cơ quan là: HĐGS và BQT, như một thiết chế hai tầng, mà ở đó, HĐGS nằm ở tầng trên. Vì thế, giới luật học trên thế giới gọi đây là cấu trúc hội đồng kép (dual board) hay hội đồng hai tầng (two-tier board).
Về nguyên tắc, ĐHĐCĐ sẽ bầu chọn thành viên của HĐGS. Song, người lao động cũng có quyền lựa chọn thành viên của HĐGS theo đạo luật về sự tham gia của người lao động vào quản trị công ty năm 1952 và 1976.14 Theo đó, tỷ lệ số thành viên của HĐGS do người lao động bầu chọn và cổ đông bầu chọn sẽ phụ thuộc vào số lao động của công ty. Đại diện do phía người lao động và cổ đông bầu chọn trong HĐGS đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đối với các CTCP sử dụng trên 500 lao động, một phần ba tổng số thành viên của HĐGS sẽ do phía người lao động bầu chọn. Nếu công ty sử dụng trên 2000 lao động, thì một nửa số thành viên của HĐGS phải là đại diện do người lao động và công đoàn
bầu chọn,15 song, chủ tịch của HĐGS sẽ phải là người do cổ đông lựa chọn, và người này sẽ có lá phiếu quyết định khi số phiếu thuận và phiếu chống bằng nhau (casting vote).16 HĐGS có thẩm quyền chọn, bổ nhiệm, cách chức các thành viên của BQT (Vorstand). Không những thế, HĐGS còn tham gia trực tiếp vào việc đưa ra các quyết định quan trọng trong việc quản trị công ty và giám sát các hoạt động của BQT.17 BQT thực hiện chức năng điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Các thành viên của BQT cùng nhau chịu trách nhiệm về việc điều hành, phát triển chiến lược kinh doanh của công ty trong mối liên hệ thường xuyên và báo cáo thường xuyên với HĐGS.18
Như vậy, HĐGS trong cấu trúc hội đồng hai tầng, ví dụ theo luật Đức, không giống với BKS hayHĐQT trong các CTCP ở Việt Nam. Bởi lẽ: (i) BKS trong CTCP ở Việt Nam do ĐHĐCĐ bầu và chỉ có chức năng cơ bản nhất là giám sát công tác quản lý, điều hành của bộ máy quản trị; (ii) nó không có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thành viên của bộ máy quản lý, điều hành; (iii) cũng không có chức năng tham gia quyết định các vấn đề quan trọng về quản trị công ty như HĐGS theo luật Đức.19 Thứ hai, HĐQT theo luật Việt Nam là cơ quan quản lý công ty do ĐHĐCĐ bầu chọn, và chỉ bao gồm các thành viên do cổ đông bầu chọn mà thôi. Khác với ở Đức, người lao động trong các CTCP ở Việt Nam không có quyền lựa chọn và cử đại diện của mình tham gia HĐQT cũng như BKS. HĐQT trong các CTCP ở Việt Nam có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm TGĐ và những chức danh quản lý quan trọng khác trong công ty. Nó cũng giám sát bộ máy điều hành, nhưng nó không có chức năng giám sát rộng như HĐGS theo luật Đức vì một phần quyền lực này đã thuộc về BKS của công ty theo luật định. Thứ ba, thành viên của HĐGS theo luật Đức không thể đồng thời có mặt trong BQT, trong khi thành viên của HĐQT trong CTCP của Việt Nam thì có thể nắm giữ các chức vụ điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty
4. Một vài kết luận
Theo luật thực định của Việt Nam, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2005, thì cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP ở Việt Nam, xét một cách toàn diện, không phải là cấu trúc hội đồng một tầng theo mô hình luật công ty Anh –Mỹ, cũng chẳng phải cấu trúc hai tầng như mô hình của luật Đức. Nó có vẻ là cấu trúc mang tính pha trộn (hybrid model) giữa hai mô hình nói trên. Mô hình quản trị CTCP của Việt Nam cũng không giống mô hình quản trị CTCP Nhật Bản, nơi mà cấu trúc quản trị cũng là sự pha trộn giữa hai mô hình Đức và Mỹ, nó được thể hiện trong Bộ luật Thương mại Nhật 1899 (Commercial Code 1899) và gần đây là Đạo luật Công ty 2005 (the Company Code 2005).20
Điều thú vị là, cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP theo luật Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Luật Công ty 2005 của Trung Quốc (sửa đổi Luật Công ty 1993), nơi mà cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP cũng gồm có các cơ quan: ĐHĐCĐ, HĐQT, TGĐ, và BKS.21 Như đã phân tích ở trên, HĐQT của CTCP trong luật công ty Việt Nam không giống với HĐGĐ (board of directors) trong luật công ty Anh–Mỹ, cũng không phải là HĐGS (Aufsichtsrat) hay BQT (Vorstand) theo mô hình luật công ty của Đức. HĐQT trong luật công ty Việt Nam không có quyền hạn rộng lớn như HĐGĐ trong cấu trúc hội đồng đơn ở nhiều nước common law. Song, nó có thẩm quyền rộng hơn so với BQT của cấu trúc hội đồng kép theo luật công ty của một số nước châu Âu. Nếu thành viên BQT theo luật công ty Đức là do HĐGS bổ nhiệm, miễn nhiệm, thì thành viên HĐQT của các CTCP ở Việt Nam lại do ĐHĐCĐ trực tiếp lựa chọn.
Chức năng giám sát trong các CTCP, đặc biệt là các công ty niêm yết, đã và đang là vấn đề được quan tâm trong giới nghiên cứu về luật công ty ở các nước phát triển và công nghiệp hóa. Có thể nói rằng, so với mô hình cơ quan giám sát trong cả hai cấu trúc quản trị phổ biến trên thế giới như đã nói ở trên, thì mô hình BKS độc lập từ HĐQT và do ĐHĐCĐ bầu trong các CTCP ở Việt Nam là cấu trúc khá độc đáo và hiệu quả, nếu BKS làm việc thực sự như được thiết kế trong luật. Sự hoài nghi về hiệu quả hoạt động của BKS trong các CTCP Việt Nam không phải là không có cơ sở khi mà: (i) vẫn còn tâm lý xem thường vị trí của nó trong các cổ đông và người quản lý công ty, (ii) phần lớn thành viên BKS là người lao động, dưới quyền quản lý - điều hành của chính những người mà họ có bổn phận giám sát. Mô hình BKS không phải do các nhà làm luật Việt Nam gần đây sáng tạo ra, mà nó chính là sự phát triển từ các qui định của Luật Công ty 1990, và xa hơn nữa là, các đạo luật về công ty của chế độ cũ.22 Luật Công ty 1990 đã được xây dựng trên nền tảng của các qui định về công ty trong luật công ty thời thuộc địa Pháp và Bộ luật Thương mại 1972 của chế độ Sài Gòn.
Bên cạnh sự khác nhau về cấu trúc quản trị, sự phân chia quyền lực giữa các cơ quan trong CTCP theo luật công ty Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải bàn, đặc biệt là giữa ĐHĐCĐ, HĐQT và TGĐ của công ty. Thứ hai, khi mà thế giới đang phát triển theo hướng làm hài hòa những khác biệt (harmonization), các nhà làm luật khôn ngoan đã chấp nhận linh hoạt các mô hình quản trị công ty đểthu hút đầu tư nước ngoài. Vì lẽ đó, một số nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn Pháp và Ý, đã ban hành luật cho phép các công ty lựa chọn cấu trúc quản trị trong số các mô hình được pháp luật qui định trên cơ sở các hình mẫu phổ biến trên thế giới. Ví dụ, các CTCP ở Pháp (société anonyme - SA), có thể lựa chọn một trong ba mô hình quản trị: (i) mô hình hội đồng kép theo kiểu Đức, (ii) mô hình hội đồng đơn với sự phân tách hai chức vụ chủ tịch và tổng giám đốc, và (iii) mô hình hội đồng đơn với chức chủ tịch tổng giám đốc (président directeur générale) do một người nắm giữ. 23 Và nên chăng, để có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nền văn minh pháp lý và mô hình quản trị công ty khác nhau, pháp luật Việt Nam cũng nên biết hài hòa hóa những sự khác biệt qua những qui định mang tính mở và linh hoạt của pháp luật về quản trị công ty.
Chú thích:
1 Trong tác phẩm The Modern Corporation and Private Property (Công ty hiện đại và sở hữu tư nhân) của Adolf A. Berle & Gardiner C. Means, xuất bản năm 1932 và tái bản năm 1968. Về phân tích các luận điểm của Berle và Means, có thể xem.
2 Về sự tổng hợp các ý niệm liên quan đến agency theory của các học giả thuộc các lĩnh vực khác nhau như luật học, kinh tế, và quản trị học, xem thêm Kathleen M. Eisenhardt, 'Agency Theory: An Assessment and Review' trong Thomas Clarke (ed), Theories of Corporate Governance: The Philosophical Foundations of Corporate Governance, 2004, tr. 86-87; H.N. Butler & F.S. McChesney, 'Why They Give at the Office: Shareholder Welfare and Corporate Philanthropy in the Contractual Theory of the Corporation' trong Thomas W. Joo (ed), Corporate Governance: Law, Theory and Policy, 2004, tr. 5.
3 Về các quan niệm của các nhà nghiên cứu trên thế giới và OECD về quản trị công ty (corporate governance), xem Bui Xuan Hai, 'Vietnamese Company Law: The Development and Corporate Governance Issues', Bond Law Review 18.1, 2006, tr. 31-34.
4 Xem thêm, Yuwa Wei, Comparative Corporate Governance: A Chinese Perspective, 2003, tr. 136.
5 Chẳng hạn, xem Điều 8.01 của Luật mẫu Công ty kinh doanh Mỹ (the Model Business Corporation Act, bản sửa đổi năm 2002); Điều 198A của Đạo luật công ty Úc 2001 (the Corporations Act 2001); Điều 282 của Đạo luật công ty Anh (the Companies Act 1985); Điều 141 (a) của Đạo luật chung về Công ty bang Delaware (Delaware General Corporation Law).
6 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam; Điều 114 Luật Công ty 2005 của Trung Quốc.
7 Bernard Taylor, Leading the Boardroom Revolution, Corporate Governance: An International Review 12(4), 2004, tr.418.
8 Henry Hansmann & Reinier Kraakman, 'The End of History for Corporate Law' trong Jeffrey N. Gordon & Mark J. Roe (eds), Convergence and Persistence in Corporate Governance (2004), tr.36-45; Saleem Sheikh & William Rees (eds), Corporate Governance & Corporate Control (reprinted, 2000), tr. 1.
9 Michael Bradley et al, 'The Purposes and Accountability of the Corporation in Contemporary Society: Corporate Governance at a Crossroads', Law and Contemporary Problems 62(3) 1999, tr.57, 61, 62.
10 Xem , tr. 19.
11 Xem Weil and Gotshal & Manges LLP (on behalf of the European Commission - Internal Market Directorate General), Comparative Study of Corporate Governance Codes Relevant to the European Union and its Members States, 2002, tr. 3.
12 Xem Horst Siebert, 'Corporatist Versus Market Approaches to Governance' in Klaus J. Hopt et al (eds), Corporate Governance in Context: Corporations, States, and Markets in Europe, Japan, and the US , 2005, tr. 292.
13 , 287. Trong các nghiên cứu bằng tiếng Anh ở các nước phương Tây, Aufsichtsrat được dịch là supervisory board, cònVorstand được dịch là managing board. Xét theo nghĩa của thuật ngữ và chức năng của hai cơ quan này, ở đây, Aufsichtsratxin dịch là Hội đồng giám sát, còn Vorstand là Ban quản trị. Song, một số nhà nghiên cứu Việt Nam gọi Aufsichtsrat là Hội đồng quản trị, ví dụ Phạm Duy Nghĩa, Sự thay đổi trong pháp luật công ty CHLB Đức và so sánh với pháp luật Việt Nam,2006, tại website của Tạp Chí Nghiên cứu lập pháp, http://www.nclp.org.vn/.
14 The Industrial Constitution Act (Betriebsverfassungsgesetz) 1952 và the 1976 legislation (Mitbestimmungsgesetz); xem ,
7. Về bình luận liên quan đến sự tham gia của người lao động vào quản trị CTCP ở Đức, xem thêm, Horst Siebert, sđd, tr.
287-292.
15 Xem lời mở đầu của Bộ Qui tắc quản trị công ty Đức 2005 (bản sửa đổi tháng 6 năm 2005) (German Corporate Governance Code) có hiệu lực từ tháng 7 năm 2006; xem thêm Klaus J. Hopt, sđđ, tr. 4, 7.
16 Bộ Qui tắc quản trị công ty Đức, sđd.
17 Bộ Qui tắc quản trị công ty Đức, sđd, section 5.1.1, 5.1.2; xem thêm , 5-6.
18 Xem thêm Section 4 của Bộ Qui tắc quản trị công ty Đức 2005.
19 Xem Điều 123 của Luật Doanh nghiệp 2005.
20 Đạo luật Công ty 2005 của Nhật Bản có hiệu lực từ 1.5.2006, thay thế cho các qui định về công ty trong Bộ thương luật 1899. Về Luật Công ty 2005 của Nhật Bản, xem thêm Eiji Takahashi and Madoka Shimizu, 'The Future of Japanese Corporate Governance: the 2005 Reform', Zeitschrift fuer Japanisches Recht / Journal of Japanese Law 19, 2005, tr. 35.
21 Xem Section 2, 3, và 4 của Chapter 4 của Luật Công ty Trung quốc 2005.
22 Xem Điều 41-43 của Luật Công ty 1990; về các qui định thời thuộc địa Pháp, xem Nguyễn Văn Thành, Luật Thương mại, 1973, tr. 262-264. Về sự phát triển của Luật công ty Việt Nam trước năm 1975, xem thêm, Bui Xuan Hai, sđd, tr. 23-26; Bui Xuan Hai & Gordon Walker, ‘Transitional Adjustment Problems in Contemporary Vietnamese Company Law’, Journal of International Banking Law and Regulation 20(11), 2005, U.K, tr. 567-568.
23 Về cấu trúc quản trị CTCP ở Pháp, Ý mà một số nước châu Âu, xem W Paul Bishop, 'Recent Developments in Corporate Governance Practices in France' in International Financial Law Review (ed), Corporate Governance 2003, 2003, tr. 97; tr. 16; Joelle Simon, 'Corporate Governance in France: Company Law and Corporate Governance Codes' in Klaus Hopt et al (ed), European Corporate Governance in Company Law and Codes, 2004, tr. 12-13; và [3.1].
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét