HOÀNG VĂN DỤ
Luật Đầu tư chung (ĐTC) là một trong hai luật kinh doanh quan trọng (cùng với Luật Doanh nghiệp thống nhất) để đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài và góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Luật ĐTC sẽ thay thế Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế cho các hoạt động đầu tư ở Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Những bất cập về Luật Đầu tư chung
Luật Đầu tư chung (ĐTC) được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI thảo luận và thông qua vào tháng 11 – 2005. Trong quá trình thảo luận, có rất nhiều ý kiến chưa đồng tình ủng hộ, nên nhiều lúc tưởng chừng không thể thông qua vì trong Luật có quá nhiều bất cập. Thậm chí, Chủ t?ch Quốc hội Nguyễn Văn An khi điều khiển phiên thảo luận kỳ họp này cũng đã tuyên bố, các đại biểu cứ thảo luận kỹ, nếu chưa nhất trí thì chưa thông qua nhưng…cuối cùng vẫn thông qua.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cũng như của các chuyên gia pháp luật, kinh tế cho rằng, các cơ chế quản lý như trong Luật ĐTC thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu không phải là không có lý, vì họ e ngại Luật ĐTC sẽ “đẻ” thêm giấy phép con, vẫn nặng về thủ tục là bước lùi so với trước…
Sau đây là một số bất cập trong Luật ĐTC:
- Luật ĐTC đã đưa ra tiêu chí mới để phân loại các dự án đầu tư và áp dụng thêm thủ tục đăng ký/cấp phép đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước, đây là những thủ tục mà cho đến nay, nhà đầu tư trong nước không phải thực hiện. Như vậy, bên cạnh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước phải có nghĩa vụ đăng ký đầu tư đối với mọi dự án đầu tư mới. Hơn thế, những dự án đầu tư nào có giá trị trên 5 tỷ đồng mà thuộc loại dự án phổ thông sẽ phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐKĐT), còn các dự án đầu tư thuộc ba nhóm còn lại phải được Nhà nước thẩm định trước khi cấp phép đầu tư.
Nhiều người cho rằng, nguy cơ ‘’đẻ’’ ra những giấy phép con, cản trở hoạt động của nhà đầu tư là không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, muốn được cấp phép đầu tư phải thuê tư vấn độc lập thẩm định hiệu quả của dự án, phải có chứng nhận thẩm định chất lượng thiết bị nhập từ nước ngoài. Việc tạo ra những ‘’giấy phép con’’ thể hiện tư duy cũ của người quản lý đầu tư, không phù hợp với bối cảnh hội nhập. Xu hướng chung, quản lý đầu tư phải chuyển từ ‘’tiền kiểm’’ sang ‘’hậu kiểm’’, nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tăng cường ‘’hậu kiểm’’, cơ quan quản lý sẽ phải chịu khổ và vất vả hơn trong việc thẩm định các yêu cầu đối với nhà đầu tư.
Chính vì thế, có ý kiến cho rằng, không phải cán bộ quản lý đầu tư không biết phiền toái của ‘’giấy phép con’’, thế nhưng, bằng ‘’giấy phép con’’, cơ quan quản lý đầu tư muốn nắm ‘’đằng chuôi’’, giành lấy sự an nhàn cho mình. ‘’Giấy phép con’’ có thể làm sống lại cơ chế ‘’xin- cho’’, tạo nên mảnh đất mầu mỡ cho tiêu cực, nhũng nhiễu phát sinh.
Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp mà chủ yếu để thị trường quyết định. Cụ thể, các doanh nghiệp làm ăn với nhau sẽ giám sát lẫn nhau, và họ sẽ biết ai để có thể ‘’chọn mặt gửi vàng’’!
Đáng lẽ, Luật ĐTC nên cho phép nhà đầu tư đăng ký dự án, đăng ký kinh doanh cùng một thời điểm và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của dự án, không cần đến sự thẩm tra của Nhà nước. Nếu trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp muốn đầu tư các dự án vượt ngoài phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì buộc phải đăng ký bổ sung. Như thế, nhà đầu tư không cần đăng ký dự án, chỉ cần đăng ký kinh doanh, chịu trách nhiệm về dự án đầu tư ở những lĩnh vực ngành nghề đăng ký. Quản lý nhà nước về đầu tư không có nghĩa là cơ quan Nhà nước phải thẩm tra tính khả thi hay hiệu quả của dự án, vì không đủ nhân lực để làm thay chủ đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị: “Đòi hỏi giấy chấp thuận đầu tư sẽ hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư không cần đến loại giấy này”.
Theo quy định của Luật ĐTC thì những dự án phổ thông từ 5 tỷ đồng - 300 tỷ đồng phải làm nhiều thủ tục để xin Giấy chấp thuận đầu tư của cơ quan quản lý đầu tư và chịu thêm một cơ quan thanh tra mới là thanh tra đầu tư. Đây là những vấn đề nảy sinh mà Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây không qui định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay còn phải chịu sức ép từ các đơn vị thanh tra như: Tài chính, thuế, môi trường, xây dựng, sử dụng đất đai, lao động, hình sự, cứu hoả, thống kê... Ngoài ra, còn có các cơ quan thanh tra chuyên ngành về chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, hàng hải, bưu chính viễn thông, vệ sinh an toàn thực phẩm...Người ta đã đặt câu hỏi, bất kỳ dự án đầu tư nào cũng đều phải chịu sự thanh tra của các tổ chức nói trên, không hiểu thanh tra sẽ thực hiện những công việc gì?
- Bất kỳ dự án đầu tư nào ở doanh nghiệp mà trị giá cổ phần nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên cũng được coi là dự án phổ thông có điều kiện. Như vậy cho dù giá trị dự án chỉ vài tỷ đồng cũng sẽ được coi là dự án phổ thông có điều kiện và buộc phải thẩm định bởi cơ quan Nhà nước để cho phép đầu tư. Điều này, Luật hiện hành cũng không qui định.
- Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được coi là dự án phổ thông có điều kiện. Như vậy là trong việc thành lập doanh nghiệp ở lĩnh vực đòi hỏi vốn pháp định (Luật Doanh nghiệp không quy định vốn pháp định), chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh theo qui định hiện hành và theo Dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất thì nhà đầu tư còn phải lập dự án để xin thêm Giấy chấp thuận đầu tư và có thể còn phải được sự chấp thuận thêm của một vài cơ quan hành chính mới. Chẳng hạn như thành lập doanh nghiệp kiểm toán, qui định hiện hành chỉ đòi hỏi 3 kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề thì được thành lập doanh nghiệp, nếu theo như dự thảo thì nhà đầu tư còn phải lập dự án đầu tư để xin chấp thuận từ UBND tỉnh hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nữa...
- Bất kỳ dự án đầu tư nào có qui mô vốn trên 1.500 tỷ đồng đều được coi là dự án quan trọng và phải trình Chính phủ, so với trước có thể thêm vài cơ quan hành chính Nhà nước tham gia thẩm định dự án. Cụ thể, các dự án xây dựng đô thị mới, ngoài việc xin phép các cơ quan ban ngành của UBND tỉnh, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, bộ chủ quản, Tổng công ty Nhà nước thì nay có thể phải xin phép thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư....
- Dự án không sử dụng vốn Nhà nước có qui mô trên 800 tỷ đồng trong lĩnh vực năng lượng, cơ khí chế tạo, ximăng... được coi là dự án quan trọng và phải được thẩm định để cấp phép đầu tư và phải trình Chính phủ, so với trước sẽ thêm vài cơ quan hành chính tham gia xét duyệt dự án nữa. Điều đáng lưu ý là để thẩm định một dự án thì có thể phải chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật chuyên ngành, như vậy là nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ cho các cơ quan Nhà nước khác nhau.
- Mọi dự án đầu tư của doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước thì đều được coi như là dự án của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thủ tục ra quyết định sẽ rất phức tạp vì doanh nghiệp đó bị coi là doanh nghiệp nhà nước.
Mục đích của cổ phần hoá là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, nay chúng ta lại định áp đặt trở lại cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước cho các doanh nghiệp cổ phần hoá hay chăng?
- Việc qui định bất kỳ dự án đầu tư nào có vốn góp của Nhà nước, dù chỉ là thiểu số hoặc không đáng kể thì bắt buộc nhà đầu tư phải tổ chức giám định giá trị và chất lượng thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.
Các Luật hiện hành không qui định điều này, đây không phải là vấn đề kiểm soát đầu tư hay tăng cường quản lý nhà nước mà là sự không hiểu biết về quản lý nhà nước. Và điều đó sẽ cản trở đầu tư, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cũng phải thừa nhận “Đúng là nay mai phải suy nghĩ sâu sắc hơn đối với dự án đầu tư, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Nhà nước ‘’thò tay’’ đến đâu để không triệt tiêu quyền của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành... Các đại biểu phản ánh thì mình cố gắng lắng nghe”.
- Nhiều người không tán thành việc qui định bất kỳ dự án nào được xây dựng mà Nhà nước có vốn góp dù chỉ là thiểu số hoặc không đáng kể thì việc lập, thẩm định, phê duyệt kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo qui định của pháp luật về xây dựng. Nếu qui định như vậy thì đã áp đặt đối tượng doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước rồi, điều này hoàn toàn không có căn cứ.
- Tất cả các dự án đầu tư không phân biệt qui mô vốn, mà có cổ phần Nhà nước chiếm 30% trở lên thì phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo qui định của pháp luật về đấu thầu. Như vậy, qui định này can thiệp quá sâu vào qui chế quản trị doanh nghiệp.
Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Hàng ngàn doanh nghiệp cổ phần hoá mà Nhà nước nắm giữ 30% cổ phần trở lên sẽ phải chịu thêm nhiều giấy phép con khi toàn bộ các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải trình lên bộ, UBND tỉnh, … quyết định. Đồng thời, họ còn phải mất những khoản tiền phi lý để thuê những tổ chức ‘chân gỗ’ đóng vai trò thẩm định và sẽ không tránh khỏi tình trạng nhiều doanh nghiệp tư vấn có quan hệ ‘ruột’ với cơ quan nhà nước…”. ngàn DN sẽ bị ác
- Luật vẫn còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và luật đầu tư nước ngoài. Điều này, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội cũng thừa nhận: “ Nước nào cũng có một tí ưu tiên cho ‘’con đẻ’’ của mình”.
Sự kiện Luật ĐTC được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực hiện từ 1/7/2006, sẽ là một sự chuyển đổi môi trường rất lớn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước.
SOURCE: TẠP CHÍ CÔNG NGHIỆP SỐ THÁNG 9/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét