THS. Bùi Thị Huyền - Khoa Luật dân sự - Đại học Luật Hà Nội
Quá trình giải quyết vụ án dân sự có thể trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau nhưng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm là giai đoạn quan trọng nhất, nơi thể hiện rõ chức năng xét xử của Toà án, nơi biểu hiện tập trung của quyền tư pháp. Về nguyên tắc, phiên toà sơ thẩm sẽ được tiến hành với sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo đúng thời gian, địa điểm được xác định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử ( viết tắt là HĐXX) ra bản án, quyết định về giải quyết toàn bộ vụ án. Tuy nhiên, có những trường hợp vì những lý do khác nhau dẫn đến phiên toà sơ thẩm dân sự không diễn ra theo đúng trình tự nêu trên, phiên toà sơ thẩm có thể bị hoãn hoặc tạm ngừng. Hoãn và tạm ngừng phiên toà là hai khả năng khác nhau có thể xảy ra tại phiên toà nhưng việc hiểu và áp dụng hai trường hợp này trong thực tiễn không được phân biệt rõ ràng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn trao đổi về hai trường hợp này.
1.Hoãn phiên toà sơ thẩm dân sự
Trong tiếng Việt “hoãn là chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác muộn hơn”(1). Theo nội hàm của từ này thì hoãn phiên toà là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn. Việc hoãn phiên toà chỉ được thực hiện khi có các căn cứ do pháp luật quy định
1.1. Căn cứ hoãn phiên tòa
Vì tính chất quan trọng của sự tham gia tố tụng tại phiên tòa của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định HĐXX phải hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
- Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân (HTND), Thư ký Tòa án mà không có Thẩm phán, HTND dự khuyết thay thế; vắng mặt Kiểm sát viên trong trường hợp Viện Kiểm sát (VKS) phải tham gia phiên toà hoặc trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế như quy định tại Điều 207 BLTTDS;
- Trường hợp phải thay đổi người giám định mà không có người khác thay thế như quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTDS;
- Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế, trừ trường hợp đương sự vẫn yêu cầu tiến hành xét xử như quy định tại khoản 2 Điều 206 BLTTDS;
- Trường hợp người làm chứng, người giám định vắng mặt thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử như quy định tại Điều 204 và Điều 205 BLTTDS;
- Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng như quy định tại các Điều 199, 200, 201và 203 BLTTDS;
- Trường hợp tại phiên toà khi cần thiết phải giám định lại, giám định bổ sung theo khoản 4 Điều 230.
Bên cạnh đó, nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án buộc phải hoãn phiên tòa (như vắng mặt người làm chứng, người giám định, người phiên dịch) thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì HĐXX xem xét, quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do (Điều 215 BLTTDS). Quy định này cho phép HĐXX sẽ được tuỳ nghi lựa chọn hoãn hay không hoãn. Trên thực tế, các HĐXX thường chọn giải pháp an toàn là hoãn phiên toà. Tuy nhiên, theo chúng tôi HĐXX vẫn có thể tiếp tục phiên toà nếu người vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ.
Ngoài ra, đối với các trường hợp khác theo các Điều 199, 201 BLTTDS thì HĐXX giải quyết như sau:
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu nguyên đơn, bị đơn đồng ý.
So với quy định của pháp luật tố tụng dân sự ( viết tắt là PLTTDS) trước kia, các căn cứ hoãn phiên toà trong BLTTDS đã đầy đủ, chặt chẽ hơn, hạn chế việc hoãn phiên toà tuỳ tiện nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. . Tuy nhiên, một số căn cứ hoãn phiên tòa vẫn chưa rõ ràng, chưa bao quát được các trường hợp xảy ra trong thực tiễn xét xử dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng khác nhau.
- Về trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt tại phiên tòa.
Các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động trước kia đều quy định, đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt dù có lý do chính đáng hay không thì HĐXX đều phải hoãn phiên toà. Thực tiễn xét xử cho thấy, quy định này là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho phiên toà sơ thẩm có thể bị hoãn nhiều lần, đặc biệt với những vụ án có nhiều đương sự, có những đương sự lợi dụng quy định này để kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Khắc phục tình trạng đó, BLTTDS quy định, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì hoãn phiên tòa nhưng không đưa ra cách giải quyết trong trường hợp vắng mặt lần thứ nhất không có lý do chính đáng. Tuy vậy, quy định tại các khoản 2 Điều 200, khoản 2 Điều 201 BLTTDS lại quy định dứt khoát bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt thì Toà án mới được xét xử vắng mặt họ; khoản 2 Điều 199 quy định dứt khoát nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt thì Toà án mới được ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Chính quy định không chặt chẽ và thiếu logic đó của BLTTDS đã dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau của các Toà án trong thời gian đầu khi BLTTDS mới được ban hành. Thẩm phán Bùi Huy Tiến – Thẩm phán toà Kinh tế TANDTC đã thẳng thắn đánh giá rằng: “Đây là một lỗ thủng của BLTTDS”(2). Để giải quyết tình huống này nhiều Thẩm phán cho rằng: “bất luận vắng mặt lần thứ nhất của đương sự có lý do chính đáng hay không thì Toà án vẫn phải hoãn phiên toà và việc xét xử vắng mặt đương sự chỉ có thể tiến hành khi họ được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt"(3). Hơn nữa, BLTTDS cũng không chỉ ra những trường hợp nào được coi là lý do chính đáng nên trong thực tiễn xét xử “ việc hiểu thế nào là lý do chính đáng hiện nay vẫn chưa thống nhất” (4). Có ý kiến cho rằng, lý do được coi là chính đáng khi nó là bất khả kháng đối với đương sự đó như tai nạn, ốm đau, đi công tác xa đột xuất…và tất cả các lý do đó đương sự phải chứng minh được khi HĐXX kiểm tra căn cước ở phần thủ tục bắt đầu phiên toà. Cho đến ngày 12/5/2006 Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTPTANDTC) hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “ Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm ” của BLTTDS ( Viết tắt là NQ 02) đã quy định: “Khi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ nhất dù không có lý do chính đáng thì Toà án vẫn hoãn phiên toà” (5). Như vậy, hướng dẫn trên là “bất nhất” với BLTTDS và giống như quy định của PLTTDS trước khi ban hành BLTTDS.
- Đối với trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt có lý do.
Các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động trước kia đều quy định, khi đương sự được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt có lý do chính đáng dù là lần thứ mấy thì HĐXX đều hoãn phiên toà. Bộ luật TTDS không quy định về vấn đề này nhưng NQ 02 hướng dẫn: “Đối với những trường hợp đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của BLTTDS, đã được Toà án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên toà theo quy định tại các điều từ Điều 150 đến Điều 156 của BLTTDS và đương sự đã chuẩn bị tham dự phiên toà xét xử vụ án, nhưng do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan xảy ra đối với họ ngay vào thời điểm trước ngày Toà án mở phiên toà hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Toà án để tham dự phiên toà (do thiên tai, địch hoạ, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết…) nên họ không thể có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, thì Toà án cũng hoãn phiên toà” (6). Nhưng NQ 02 lại không hướng dẫn rõ hướng dẫn trên áp dụng đối với trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ mấy. Rõ ràng đối với trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất Toà án phải hoãn phiên toà. Cho nên, cần phải hiểu đây là hướng dẫn cho trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ hai trở đi mà vẫn vắng mặt tại phiên toà khi có lý do chính đáng. Do đó, quy định của PLTTDS về vấn đề này lại giống như quy định của PLTTDS trước khi có BLTTDS. Cách quy định, giải thích pháp luật về vấn đề này thể hiện sự lúng túng, thiếu nhất quán của các nhà làm luật.
- Đối với trường hợp vụ án có nhiều đương sự.
BLTTDS không quy định cách giải quyết trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự nhưng khi Toà án triệu tập họ tham gia phiên toà sơ thẩm thì một trong số họ lại vắng mặt. Tại NQ 02, HĐTPTANDTC hướng dẫn, mỗi đương sự sẽ được quyền vắng mặt một lần khi có lý do chính đáng. Cách giải quyết này nhìn chung là hợp lý vì bảo đảm được sự bình đẳng giữa các đương sự, nhưng đối với những vụ án có nhiều đương sự cách giải quyết này sẽ làm thời hạn giải quyết bị kéo dài. Có Thẩm phán cho rằng, “đối với những vụ án phức tạp có quá nhiều người tham gia tố tụng cần có quy định để tránh phải hoãn phiên toà nhiều lần. Chẳng hạn, trong vụ án chia thừa kế có tới hàng chục đương sự tham gia tố tụng, nếu mỗi đương sự được một lần vắng mặt có lý do chính đáng thì việc hoãn phiên toà cũng phải tới hàng chục lần, do đó cần có quy định thêm trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt tại phiên toà, nhưng các đương sự có mặt đồng ý xét xử vắng mặt họ, hoặc việc xét xử vắng mặt các đương sự này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác thì việc xét xử vẫn được tiến hành vắng mặt họ” (7)
Chúng tôi cho rằng quan điểm trên là hợp lý vì vừa bảo đảm được quyền lợi của các đương sự, vừa giải quyết nhanh chóng vụ án. Do đó cần bổ sung thêm Khoản 4 Điều 202 theo hướng: “trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt tại phiên toà lần thứ nhất, nhưng các đương sự có mặt đồng ý xét xử vắng mặt họ, hoặc việc xét xử vắng mặt các đương sự này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác thì việc xét xử vẫn được tiến hành vắng mặt họ”.
- Đối với trường hợp hoãn phiên toà khi cần thiết phải giám định lại, giám định bổ sung theo khoản 4 Điều 230.
Đây là trường hợp hoãn phiên toà khi HĐXX đã giải quyết về nội dung vụ án; khác với các trường hợp khác HĐXX hoãn phiên toà ở thời điểm trong phần thủ tục bắt đầu. Nếu xem xét về tính chất của hoãn phiên toà thì trường hợp này phải là trường hợp tạm ngừng phiên toà nên cần bỏ căn cứ hoãn phiên toà quy định tại Khoản 4 Điều 230 và quy định đây là căn cứ tạm ngừng phiên toà. Khi xây dựng BLTTDS vấn đề này đã có ý kiến khác nhau. Nhưng có lẽ do thời hạn tạm ngừng phiên toà quá ngắn, tối đa chỉ là 5 ngày làm việc nên thực tế các cơ quan, tổ chức giám định không thể trả lời kết quả giám định và vì thế, trường hợp này BLTTDS vẫn cứ quy định là căn cứ hoãn phiên toà để có thời gian hoãn phiên toà dài hơn.
1.2. Thời hạn hoãn phiên tòa
Theo quy định tại khoản 1 Điều 208 BLTTDS, khi có căn cứ hoãn phiên toà thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Việc hoãn phiên tòa do HĐXX quyết định. Trong trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên toà tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Thời hạn hoãn phiên toà không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở lại phiên toà xét xử vụ án theo đúng quy định, thì sau khi hoãn phiên toà Toà án phải có kế hoạch mở lại phiên toà trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên toà.
1.3. Hình thức hoãn phiên tòa
Việc hoãn phiên toà phải được thực hiện bằng một quyết định. Trong quyết định hoãn phiên tòa phải nêu đầy đủ các nội dung về ngày, tháng năm ra quyết định; tên Toà án và họ, tên những người tiến hành tố tụng; vụ án được đưa ra xét xử; lý do của việc hoãn phiên toà; thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho VKS cùng cấp. Quyết định này được coi như giấy triệu tập mới đối với đương sự. Trong trường hợp có sự thay đổi về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà, thì Toà án phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Quyết định hoãn phiên tòa phải được HĐXX thảo luận, thông qua theo đa số tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản. Đây là điểm mới của BLTTDS so với quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước kia. Pháp luật tố tụng dân sự trước kia không quy định việc hoãn phiên toà phải bằng một quyết định nên dẫn đến việc hoãn phiên toà nhiều khi tuỳ tiện, không đúng các căn cứ do pháp luật quy định.
1.4. Thời điểm và thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa
Hoãn phiên toà là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn, nên về nguyên tắc chỉ khi phiên toà được mở thì Toà án mới xác định chính xác được chính xác có căn cứ hoãn hay không, do đó quyền hoãn phiên toà chỉ thuộc về HĐXX. Chức năng và mục đích của phiên tòa sơ thẩm dân sự là giải quyết toàn bộ nội dung vụ án. Cho nên khi hoãn phiên toà nội dung vụ án chưa xem xét, tức là thời điểm hoãn phiên toà chỉ xảy ra ở phần thủ tục bắt đầu phiên toà. Về thẩm quyền hoãn phiên tòa, khoản 1 Điều 208 BLTTDS quy định: “ HĐXX quyết định hoãn phiên toà…”. Vì vậy, thời điểm hoãn phiên toà là trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà và quyền ra quyết định hoãn phiên toà là thuộc về HĐXX.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử hiện nay còn có nhiều trường hợp việc hoãn phiên toà không thực hiện tại phiên toà mà Thẩm phán tự hoãn phiên toà trước khi mở phiên toà với các lý do như đương sự thông báo trước là sẽ không đến phiên toà vào ngày, giờ theo quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc theo giấy triệu tập, HTND có việc đột xuất không tham gia xét xử được… Trong trường hợp, lý do mà đương sự đề nghị hoãn phiên tòa là chính đáng hoặc các trường hợp khác thuộc căn cứ hoãn phiên tòa thì khi mở phiên tòa, HĐXX vẫn phải hoãn phiên tòa. Do đó, việc Thẩm phán hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa nếu thông báo được cho những người tham gia tố tụng sẽ có lợi cho đương sự có yêu cầu, thuận tiện cho Toà án và tiết kiệm được chi phí tố tụng. Vì vậy, cần sửa khoản 1 Điều 208 BLTTDS theo hướng: “ Tòa án quyết định hoãn phiên toà…”.
Có thể thấy, lần đầu tiên pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam quy định chặt chẽ về căn cứ, thủ tục, thời hạn ra quyết định hoãn phiên toà nhằm tránh việc hoãn phiên toà tuỳ tiện, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, từ đó bảo đảm việc bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Tạm ngừng phiên toà sơ thẩm dân sự
Xét xử là hoạt động tố tụng và tư duy nên để bảo đảm cho HĐXX và những người tham gia tố tụng dễ dàng theo dõi được diễn biến cũng như các tình tiết của vụ án và giải quyết được dứt điểm từng vụ thì việc xét xử ở phiên tòa phải được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ. Các thành viên của HĐXX phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, phải xét xử xong dứt điểm từng vụ án một rồi mới được chuyển sang xét xử vụ án khác, không được phép làm thủ tục khai mạc phiên tòa chung cho nhiều vụ án, hoặc tuyên án cùng một lúc cho nhiều vụ án. Tuy nhiên, có những trường hợp sau khi kết thúc bước 1- thủ tục khai mạc phiên tòa, chuyển sang thủ tục hỏi – bắt đầu đi vào giải quyết phần nội dung vụ án có những lý do khác nhau dẫn đến phiên tòa không thể tiếp tục được, trong trường hợp đó HĐXX phải tạm ngừng phiên toà.
Theo sách Đại Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 1998, “tạm ngừng” là từ ghép của hai từ “tạm” và “ngừng”. Tạm là chỉ trong thời gian ngắn và sẽ còn thay đổi. Ngừng là dừng lại, không tiếp tục hoạt động. Tạm ngừng là không tiếp tục hoạt động mà phải dừng lại trong thời gian ngắn (8). Như vậy, tạm ngừng phiên tòa có thể hiểu là phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong thời gian ngắn khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Căn cứ tạm ngừng phiên toà
Khoản 2 Điều 197 quy định, về nguyên tắc phiên toà sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà, trừ trường hợp có căn cứ tạm ngừng phiên toà và Toà án chỉ tạm ngừng phiên toà trong trường hợp đặc biệt do Bộ luật này quy định. Nhưng BLTTDS và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành BLTTDS lại không quy định những trường hợp nào là căn cứ tạm ngừng phiên toà dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các Toà án, thậm chí giữa các Thẩm phán trong cùng một Toà án. Có quan điểm cho rằng, đó là căn cứ được quy định tại Điều 198 “ thay thế thành viên HĐXX trong trường hợp đặc biệt” tức là trong trường hợp Thẩm phán, HTND không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng không có Thẩm phán, HTND dự khuyết thay thế thì phiên toà phải tạm ngừng, trong trường hợp này thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu. Theo chúng tôi đây chỉ là một trong các trường hợp phải tạm ngừng phiên toà, bởi thực tế còn có những trường hợp tại phiên toà đương sự xuất trình chứng cứ, tài liệu mới. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, đương sự có quyền cung cấp chứng cứ trong suốt quá trình Toà án giải quyết vụ án và Toà án phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá các chứng cứ, tài liệu đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc xem xét đánh giá chứng cứ không thể thực hiện được tại phiên toà mà cần phải có thời gian và các điều kiện khác, khi đó phiên toà không thể tiếp tục các hoạt động tố tụng tiếp theo như quy định mà phải dừng lại.
Ví dụ: tại phiên toà đương sự A xuất trình bản di chúc mới, theo đó A được hưởng toàn bộ di sản của ông M, nhưng B phản đối cho rằng đó là di chúc giả do A tạo ra. Để khẳng định chính xác bản di chúc do A xuất trình có phải do ông M lập hay không, B đề nghị trưng cầu giám định; trong trường hợp này HĐXX phải tạm ngừng phiên toà để trưng cầu giám định. Hoặc trong trường hợp tại phiên toà khi cần thiết phải giám định lại, giám định bổ sung, HĐXX không thể tiếp tục phiên toà…
Như vậy, trường hợp HĐXX đang giải quyết nội dung vụ án nhưng không thể tiếp tục phiên toà vì cần phải thu thập thêm chứng cứ thì mới có thể giải quyết được vụ án, nên phiên toà phải được tạm ngừng phiên toà nhưng hiện tại BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS không quy định và không hướng dẫn về căn cứ tạm ngừng phiên toà. Trước kia, căn cứ tạm ngừng phiên toà đã được TANDTC hướng dẫn trong Công văn số 305/ NCPL ngày 22/12/1990 giải thích một số vấn đề về thủ tục tố tụng dân sự : “Trong trường hợp HĐXX tiến hành thẩm vấn tại phiên toà, mà thấy cần phải xem xét thêm về chứng cứ, cần phải có thời gian để điều tra, xác minh thêm… mới có thể giải quyết được vụ án thì HĐXX không được hoãn phiên toà mà chỉ có thể tạm ngừng việc tiến hành phiên toà để điều tra, xác minh thêm trong thời gian thích hợp do HĐXX quyết định. Sau khi đã điều tra, xác minh HĐXX tiếp tục mở lại phiên toà để xét xử vụ án”. Theo chúng tôi, căn cứ tạm ngừng phiên toà được TANDTC hướng dẫn trong công văn 305/ NCPL là phù hợp với tính chất, đặc điểm của tạm ngừng phiên toà.
Vì vậy, theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung đoạn 2 Khoản 2 Điều 197 BLTTDS theo hướng: “Trong trường hợp HĐXX đã tiến hành hỏi tại phiên toà, mà thấy cần phải xem xét thêm về chứng cứ, cần phải có thời gian để thu thập, xác minh thêm chứng cứ theo yêu cầu của đương sự mới có thể giải quyết được vụ án thì HĐXX tạm ngừng việc tiến hành phiên toà để thu thập chứng cứ…”. Đồng thời sửa Khoản 4 Điều 230 BLTTDS theo hướng: “ Khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên toà và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung hoặc giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì HĐXX quyết định giám định bổ sung, giám định lại; trong trường hợp này thì HĐXX quyết định tạm ngừng phiên toà”.
Thời hạn tạm ngừng phiên toà
Theo quy định tại đoạn 2 Khoản 2 Điều 197 BLTTDS, thời gian tạm ngừng phiên toà tối đa không quá năm ngày làm việc. Quy định này nhằm đảm bảo việc xét xử nhanh chóng, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, nếu tạm ngừng phiên toà trong trường hợp Thẩm phán, HTND không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng không có Thẩm phán, HTND dự khuyết thay thế thì phiên toà phải tạm ngừng, trong trường hợp này thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu tức là nội dung vụ án phải được xem xét từ đầu bởi một HĐXX mới thì khoảng thời hạn năm ngày làm việc trong nhiều trường hợp, đặc biệt là các vụ án phức tạp, có nhiều đương sự không thể đủ thời gian để HĐXX mới có thể tiếp cận, nghiên cứư hồ sơ vụ án. Mặt khác, nếu kiến nghị các căn cứ hoãn phiên toà theo hướng nêu trên thì thời gian năm ngày làm việc cũng không thể đủ để các cơ quan, tổ chức thực hiện được việc giám định hoặc thu thập chứng cứ. Theo chúng tôi việc tạm ngừng phiên toà dài ngày hay ngắn ngày phụ thuộc vào căn cứ tạm ngừng của từng vụ án cụ thể nên không thể quy định cứng nhắc nhưng cũng cần phải giới hạn khoảng thời gian tối đa để tránh việc lợi dụng quy định của pháp luật kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Vì vậy, thời gian tạm ngừng nên quy định như sau: “trong trường hợp HĐXX đã tiến hành hỏi tại phiên toà, mà thấy cần phải xem xét thêm về chứng cứ, cần phải có thời gian để thu thập, xác minh thêm chứng cứ theo yêu cầu của đương sự mới có thể giải quyết được vụ án thì HĐXX tạm ngừng việc tiến hành phiên toà để thu thập chứng cứ cho đến khi thực hiện xong việc thu thập chứng cứ nhưng tối đa không quá ba mươi ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên toà”.
Hình thức tạm ngừng phiên toà
Đoạn 2 Khoản 2 Điều 197 BLTTDS không quy định về hình thức tạm ngừng phiên toà, dẫn đến trong thực tiễn có những cách thức tạm ngừng phiên toà khác nhau giữa các Toà án. Theo tôi, việc tạm ngừng phiên toà có ảnh hưởng quan trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự bởi nhiều trường hợp việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án làm lợi cho một bên đương sự nhiều triệu đồng và ngược lại, đặc biệt là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại…Cho nên, bên cạnh việc quy định chặt chẽ căn cứ tạm ngừng phiên toà, thì việc tạm ngừng phiên toà cần được thể hiện dưới hình thức quyết định, trong đó nêu rõ tên vụ án; họ, tên những người tiến hành tố tụng; họ, tên các đương sự; căn cứ tạm ngừng; thời hạn tạm ngừng. Quyết định này phải được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.
Tài liệu tham khảo
(1)Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà nẵng, Trung tâm từ điển học, tr. 450, năm 2003.
(2) Tài liệu tập huấn BLTTDS, Trường Cán bộ Toà án, tr. 108, năm 2004.
(3), (4), (7) Tài liệu hội thảo khoa học cấp trường, Đề tài: “Về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự”, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.13,20 năm 2005;
(5), (6) Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “ Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm ” của BLTTDS.
(8) Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 1998.
SOURCE: BÀI DO TÁC GIẢ GỬI ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ... (CHƯA XÁC ĐỊNH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét