Th.S Lý Quốc Hùng
Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần ngày 16 tháng 11 năm 2004 là văn bản đã đưa ra những quy định thông thoáng, chặt chẽ, phù hợp hơn với tiến trình thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, do đây là Nghị định của Chính phủ nên không thể quy định hết các điều kiện, trình tự, thủ tục và các bước công việc để chuyển DNNN sang công ty cổ phần. Văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định đã được cụ thể hoá bằng Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính. Sau một thời gian thực hiện, thông tư 126 đã nảy sinh một số bất cập cần hoàn thiện để việc cổ phần hoá các DNNN được nhanh, công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, tập thể và người lao động.
1. Vấn đề kế thừa liên doanh
Trong những năm qua, có nhiều DNNN thực hiện liên doanh với các công ty nước ngoài theo các hình thức được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, khi DNNN tiến hành cổ phần hoá, các trường hợp sau có thể xảy ra (quy định tại điểm 1.5 phần B Mục II - Xử lý tài chính khi cổ phần hoá của Thông tư 126):
- Trường hợp doanh nghiệp có kế thừa liên doanh thì phải tính giá trị vốn góp liên doanh vào giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 187/2004/NĐ-CP.
- Trường hợp các doanh nghiệp không kế thừa liên doanh, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá (là các Bộ, UBND cấp tỉnh) xem xét, xử lý theo ba hướng. Một là bán lại số vốn góp của doanh nghiệp cho đối tác hoặc nhà đầu tư khác. Hai là, chuyển giao cho doanh nghiệp khác làm đối tác sau khi thỏa thuận, thống nhất với đối tác liên doanh. Ba là, chấm dứt liên doanh .
Đây là những quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sự chọn lựa hợp lý cho mình, khi tiến hành cổ phần hoá, là có thể tiếp tục hay chấm dứt việc liên doanh trước khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, quy định việc xác định giá trị để bán lại số vốn góp của DNNN trước đây khi tiến hành liên doanh, đặc biệt là trường hợp khi chuyển nhượng vốn đó cho chính đối tác trong liên doanh. Quy định tại Thông tư 126 còn chung chung “Giá bán phải sát với giá thị trường, nhưng không thấp hơn giá trị phần vốn góp theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất với thời điểm bán.” Quy định là giá phải sát với thị trường nhưng lại không có cơ sở để định giá, so sánh hay kiểm tra, kiểm soát của cơ quan khác, dẫn đến tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt DNNN cổ phần hóa. Lý do nữa mà chúng ta ai cũng rõ là phần vốn góp của DNNN vào liên doanh chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thực của nó tăng theo cùng thời gian, nhất là ở các thành phố lớn hay vị trí thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó thấy rằng, phần thiệt thòi có thể sẽ thuộc về Nhà nước bởi cái “chốt an toàn” của giá chuyển nhượng là không thấp hơn giá trị phần vốn góp theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Như vậy, thuận lợi cho các bên, cấp thẩm quyền duyệt cổ phần hóa nhưng không hợp lý hoá được lợi ích Nhà nước.
2. Thực hiện bán đấu giá cổ phần
Theo quy định, việc bán đấu giá cổ phần được thực hiện thông qua tổ chức tài chính trung gian với trường hợp có tổng mệnh giá của cổ phần từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và tại Trung tâm giao dịch chứng khoán với trường hợp có tổng mệnh giá của cổ phần bán đấu giá trên 10 tỷ đồng. Quy định của Thông tư 126 cũng không hạn chế các trường hợp có số cổ phần bán đấu giá thấp hơn các mức trên nhưng có nhu cầu thì vẫn được bán qua Trung tâm giao dịch chứng khoán (dưới 10 tỷ đồng) hay tổ chức tài chính trung gian (mức dưới 1 tỷ đồng). Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch cao, không “khép kín” như trước đây và qua đấu giá cổ phần, phần thu về cho ngân sách Nhà nước là cao hơn, như các trường hợp của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Điện lực Khánh Hoà và nhiều trường hợp khác.
Các quy định của Nghị định 187/2005/NĐ-CP và Thông tư 126/TT-BTC cũng không có quy định nào hạn chế hay cấm đối với những trường hợp tham gia đấu giá cổ phần. Điều này có nghĩa là, những người có khả năng tài chính đều có quyền tham gia đấu giá không hạn chế. Tuy nhiên, thực tế có thể xảy ra là một số người hoặc cá nhân tham gia đấu giá có quan hệ mật thiết, ruột thịt với người lãnh đạo của tổ chức tài chính trung gian đứng ra bán cổ phần, thông qua đó họ có thể nắm vững thông tin về tình hình của doanh nghiệp (ở đây đề cập đến doanh nghiệp cổ phần hoá có khả năng sinh lợi cao) sẽ đấu giá cổ phần được chính xác hơn. Từ đó họ có khả năng mạnh dạn trong việc quyết sách các mức giá để mua hay “thâu tóm” cổ phần. Hệ quả của nó tuy không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng tới tính bình đẳng trong đấu giá cổ phần và có thể làm “méo mó” kết quả đấu giá, gây ra những kiện tụng sau này. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, cần quy định những điều kiện hạn chế hay cấm những người có quan hệ ruột thịt với lãnh đạo các tổ chức tài chính trung gian không được tham gia đấu giá cổ phần khi tổ chức trung gian đó đứng ra bán đấu giá.
Về cơ bản, các quy định về cổ phần hoá DNNN của Nghị định 187/2005/NĐ-CP và Thông tư 126/TT-BTC đã được triển khai, áp dụng có kết quả. Việc hoàn thiện các vấn đề nêu trên nhằm hoàn chỉnh quy định là điều cần làm để việc cổ phần hóa DNNN ngày một tốt hơn.
SOURCE: TẠP CHÍ CÔNG NGHIỆP KỲ 1 THÁNG 5/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét