THS. NGUYỄN XUĀN QUANG - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Qua gần 10 năm thi hành, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995 đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ dân sự, góp phần giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển. Tuy nhiên với xu thế hội nhập cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới, các quy định trong BLDS 1995 đã trở nên bất cập. Vì vậy Quốc hội nước ta đã tiến hành sửa đổi và thông qua BLDS vào ngày 14/6/2005 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2006. Với mong muốn tìm hiểu và chia sẻ thông tin, tác giả xin được phép nêu một số sửa đổi, bổ sung của BLDS 2005.
1. Một số điểm mới tại phần Những quy định chung
Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh của BLDS
Nếu như Điều 1 BLDS 1995 quy định phạm vi điều chỉnh của BLDS chỉ bó hẹp trong việc điều chỉnh các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự thì trong Điều 1 BLDS 2005 đã có sự mở rộng: “... Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)”. Như vậy, BLDS 2005 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ bó hẹp trong các quan hệ dân sự thuần túy mà còn có các quan hệ kinh doanh, thương mại. Quy định này đã xác định BLDS là luật trung tâm, luật “gốc” dùng để điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân hình thành trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng. Trong trường hợp có mâu thuẫn về quan hệ kinh doanh, thương mại, lao động... mà luật chuyên ngành không có quy phạm điều chỉnh thì sẽ dùng BLDS để giải quyết. Với quy định này, BLDS 2005 đã khắc phục được tình trạng khiếm khuyết của pháp luật đối với những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân nằm “lửng lơ” giữa hoặc ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, kinh doanh, thương mại...
Thứ hai: Về quyền nhân thân
Trong phần quyền nhân thân, các nhà làm luật đã bổ sung thêm các quyền nhân thân quan trọng là quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34); quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35) và quyền xác định lại giới tính (Điều 36). Có thể nói đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền nhân thân của con người. Tuy nhiên các quyền này chỉ được thực hiện trong y học, khám chữa bệnh mà không mang mục đích kinh doanh, thương mại, tránh tình trạng biến các bộ phận cơ thể người thành hàng hóa.
Thứ ba: Về nơi cư trú của cá nhân
Điều 52 BLDS 2005 quy định:
“1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
Khác với quy định tại Điều 48 BLDS 1995, các nhà làm luật xác định nơi cư trú của cá nhân còn phụ thuộc vào yếu tố hộ khẩu, quy định này mang tính hành chính và không phù hợp với quyền tự do đi lại, tự do cư trú được quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 1992 và Điều 44 BLDS 1995. Bên cạnh đó BLDS 1995 còn quy định các vấn đề hộ tịch và đăng ký hộ tịch từ Điều 54 đến Điều 66. Đây thực chất là các quan hệ hành chính do pháp luật hành chính điều chỉnh. Do đó các nhà làm luật đã loại bỏ những quy định này trong BLDS sửa đổi, bổ sung năm 2005.
Thứ tư: Về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Trong chương giao dịch dân sự (GDDS), tại Điều 122 BLDS 2005 chỉ quy định 3 điều kiện có hiệu lực của GDDS chứ không quy định 4 điều kiện như BLDS 1995. Cụ thể là BLDS 2005 đã bỏ điều kiện về hình thức của giao dịch. BLDS 2005 quy định hình thức của GDDS là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định. Với quy định này, BLDS 2005 đã góp phần hạn chế trong việc tuyên bố GDDS vô hiệu đối với những giao dịch có nội dung và mục đích phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với ý chí đích thực của các bên nhưng có vi phạm về hình thức; qua đó cũng hạn chế những người không có thiện chí viện dẫn sự vi phạm về hình thức của giao dịch mà yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Quy định này thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí của các bên. Và điều kiện về nội dung và mục đích cũng có sự thay đổi cơ bản. Nếu như BLDS 1995 quy định nội dung và mục đích không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội thì BLDS 2005 lại quy định không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Quy định này tôn trọng nguyên tắc hiến định công dân được làm những gì pháp luật không cấm.
2. Một số điểm mới tại phần “Những quy định riêng”
Thứ nhất: Về tài sản và quyền sở hữu
Trong phần thứ hai của BLDS quy định về tài sản và quyền sở hữu, có thể coi đây là chế định trung tâm trong pháp luật dân sự. Việc điều chỉnh của pháp luật phản ánh đúng bản chất các quan hệ sở hữu sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy các giao lưu dân sự phát triển, khuyến khích các chủ thể đầu tư sản xuất kinh doanh và khai thác tài sản đạt hiệu quả cao.
Tại Điều 163 BLDS 2005 quy định các loại tài sản không có gì khác so với Điều 172 BLDS 1995 nhưng khái niệm về vật đã có sự nhìn nhận mới. Trong khi Điều 172 BLDS 1995 nói rằng “tài sản bao gồm vật có thực...” thì Điều 163 BLDS 2005 lại nói rằng “ tài sản bao gồm vật, tiền...”. Với quy định này, BLDS 2005 đã bỏ cụm từ “có thực”. Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần là việc thay đổi câu từ mà nó có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc xác lập, thực hiện và bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp trong giao lưu dân sự, phản ánh đúng tình hình phát triển của các quan hệ kinh tế. Bởi lẽ trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ thương mại, kinh doanh nói riêng có những quan hệ được thiết lập mà tài sản được hình thành trong tương lai như công trình xây dựng, hoa lợi, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh... Vì vậy các chủ thể có thể tự do thỏa thuận xác lập các giao dịch mà đối tượng là tài sản hình thành trong tương lai mà không sợ bị tuyên bố vô hiệu.
Về hình thức sở hữu, điểm thay đổi lớn so với BLDS 1995 là hình thức sở hữu toàn dân được thay thế bằng hình thức sở hữu nhà nước. Điều 172 BLDS 2005 quy định “trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể,...”. Thông qua quy định đó, BLDS 2005 xác định chủ thể cụ thể trong việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước là chủ sở hữu đối với tài sản này và thực hiện quyền của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt; qua đó khắc phục được tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu đối với loại tài sản này. Điều 172 BLDS 2005 còn là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc ban hành pháp luật khi thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản này. Trong hình thức sở hữu, các nhà làm luật đã bỏ loại hình sở hữu hỗn hợp. Bởi vì suy cho cùng đây là một loại hình sở hữu theo hình thức sở hữu chung theo phần. Do đó không cần quy định một loại hình thức sở hữu riêng biệt.
Trong chương “Bảo vệ quyền sở hữu” đã có sự sửa đổi cơ bản so với BLDS 1995. Điều 264 BLDS 1995 quy định quyền đòi lại tài sản: “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 255 của Bộ luật này”. Như vậy với quy định này, chúng ta hiểu rằng chủ sở hữu hoặc người đang chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của mình hoặc thuộc quyền chiếm hữu của mình phải trả lại tài sản mà không phân biệt đến nguồn gốc của việc chiếm hữu đó là ngay tình hay không ngay tình, có đền bù hay không có đền bù; do đó nó đã không bảo vệ được người thứ ba ngay tình một cách tích cực, làm xáo trộn các giao lưu dân sự và không tạo ra được tâm lý an tâm cho chủ thể trong giao lưu dân sự. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Điều 257 BLDS 2005 quy định quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”. Theo quy định này, chủ sở hữu cũng có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu bất hợp pháp mà có, trường hợp tài sản rời chủ sở hữu theo ý chí của người này mà người thứ ba ngay tình có được tài sản thông qua giao dịch có đền bù thì không được quyền đòi lại. Ví dụ: A cho B mượn xe đạp, B bán cho C, C không biết xe này là của A nên đã mua ngay thẳng nên A không có quyền kiện C đòi lại xe đạp mà chỉ có quyền khởi kiện B yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quy định này nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu đối với tài sản của mình trong các giao dịch và bảo vệ người chiếm hữu ngay tình.
Điều 258 BLDS 2005 quy định kiện đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người ngay tình: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
Thứ hai: Về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng
Chế định nghĩa vụ và hợp đồng là những chế định quan trọng bởi nó thể hiện rõ nét tính tự do, tự nguyện của các chủ thể trong giao dịch nói riêng và trong xã hội nói chung. Điều 2 Hiến pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 có quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...”. Thể chế hóa quy định trên của Hiến pháp, BLDS 2005 đã giảm lược các quy định mang tính hành chính can thiệp vào các quan hệ dân sự, tăng cường sự tự do, tự nguyện của các chủ thể trong quan hệ dân sự.
Khái niệm nghĩa vụ đã được mở rộng và cụ thể hóa hơn so với BLDS 1995. Điều 280 BLDS 2005 quy định: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.
Quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong BLDS 2005 tại Điều 290 cũng có sự sửa đổi đáng kể, thể hiện rõ sự tự do, tự nguyện và phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước. Quy định này chỉ quy định chủ thể nghĩa vụ phải trả tiền đúng như đã cam kết mà không bắt buộc họ phải trả bằng đồng Việt Nam như trong BLDS 1995.
Trong các biện pháp bảo đảm đã có sự sửa đổi cơ bản, ví dụ phạt vi phạm không còn là một biện pháp bảo đảm nữa mà đã được đưa vào phần nội dung của hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng như là một biên pháp chế tài; quy định bảo lãnh bằng tín chấp đã trở thành một biện pháp bảo đảm cụ thể có đặc thù khác biệt so với các biện pháp khác nói chung và biện pháp bảo lãnh nói riêng.
Các biện pháp cầm cố và thế chấp cũng có sự thay đổi cho đúng với bản chất của chúng. BLDS 1995 quy định việc cầm cố được thực hiện bằng động sản, thế chấp được thực hiện bằng bất động sản. Như vậy, tiêu chí để phân biệt hai biện pháp này cơ bản căn cứ vào động sản và bất động sản. BLDS sửa đổi, bổ sung đã không sử dụng tiêu chí trên mà căn cứ vào cách thức thực hiện và xác định rủi ro. Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia, còn thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiên nghĩa vụ mà không phải chuyển giao tài sản. Với quan điểm tôn trọng sự tự do ý chí nhằm thúc đẩy các giao lưu dân sự phát triển, BLDS 2005 còn quy định bên cầm cố, thế chấp được bán tài sản đó nếu được bên nhận cầm cố, thế chấp đồng ý; được bán tài sản thế chấp nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là những quy định tạo ra sự thông thoáng cho các bên và phù hợp với nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng.
Trong chế định giao kết hợp đồng, các quy định về đề nghị giao kết hợp đồng cũng được quy định cụ thể hơn về thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực (Điều 391), thời điểm chấm dứt đề nghị (Điều 394). Đặc biệt Điều 401 quy định hình thức của hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản, hành vi cụ thể và không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về vấn đề hợp đồng vô hiệu, BLDS 2005 có quy định bổ sung hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được (Điều 411).
Trong phần thực hiện hợp đồng, các nhà làm luật đã bổ sung thêm Điều 416 về cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ. Đây là một biện pháp chế tài mới được đưa vào trong Bộ luật cho phù hợp với tập quán thương mại quốc tế.
Khiếm khuyết của BLDS 1995 là không quy định vấn đề thời hiệu khởi kiện về hợp đồng. Khiếm khuyết ấy đã dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, không giải quyết dứt điểm, làm cản trở giao lưu dân sự và gây tâm lý bất an cho chủ thể tham gia. Để giải quyết vấn đề này, BLDS 2005 đã bổ sung quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm (Điều 427).
Trong hợp đồng mua bán, về cơ bản BLDS 2005 vẫn giữ những quy định trong BLDS 1995, chỉ quy định cụ thể thêm một số điểm như giá cả. Nếu thỏa thuận mà giá không cụ thể, rõ ràng thì giá cả tài sản mua bán được xác định căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng. Điều này tránh được tình trạng tuyên bố hợp đồng vô hiệu được giao kết do không có thỏa thuận hay thỏa thuận không rõ ràng về nội dung chủ yếu của hợp đồng. BLDS 2005 cũng quy định cụ thể, rõ ràng trong việc xác định quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức đối với tài sản mua bán trong quá trình chuyển giao (Điều 439). Nếu tài sản chưa được chuyển giao thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán.
Trong hợp đồng vay, vấn đề lãi suất được BLDS 2005 quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với BLDS 1995. Điều 476 BLDS sửa đổi bổ sung quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng...”.
Ngoài ra BLDS 2005 còn bổ sung thêm quy định giải quyết vấn đề hụi ho, một vấn đề khá phổ biến trong nhân dân mà trong một thời gian dài chúng ta không giải quyết (Điều 479). Đây là cơ sở pháp lý để Nhà nước giải quyết các mâu thuẫn về hụi họ và thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong hợp đồng thuê nhà, quy định về giá thuê nhà trong trong luật mới đã thông thoáng hơn, tôn trọng sự tự do thoả thuận của các bên. Đặc biệt, BLDS 2005 đã bỏ quy định về quyền lưu cư của người thuê nhà khi hết thời hạn thuê. Quy định này đã góp phần giải quyết triệt để các mâu thuẫn về thuê nhà và tạo ra sự bình đẳng giữa các bên.
Thứ ba: Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Kế thừa và pháp điển hóa các quy định về bồi thường thiệt hại (BTTH) trước đây, BLDS 2005 đã quy định cụ thể hơn vấn đề BTTH về tinh thần, quy định mức tối đa trong các trường hợp do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe làm cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu BTTH và giải quyết tranh chấp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (đối với trường hợp tính mạng bị xâm phạm); tương tự thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (đối với trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm) và mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (đối với trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm).
Người có quyền yêu cầu BTTH về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm cũng được quy định cụ thể. Đó là những người thân thích ở hàng thừa kế thứ nhất, nếu không có những người này thì những người mà người bị thiệt hại đó trực tiếp nuôi dưỡng và người trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại cũng được quyền yêu cầu.
Ngoài ra trong phần BTTH cụ thể, BLDS 2005 đã quy định bổ sung thêm hai quyền mới đang là vấn đề bức xúc trong nhân dân và trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đó là quyền BTTH do xâm phạm thi thể (Điều 628) và BTTH do xâm phạm mồ mả (Điều 629). Thông qua quy định này, BLDS 2005 góp phần bảo vệ các thuần phong, mỹ tục đã tồn tại từ lâu đời trong dân cư.
Để ổn định các quan hệ dân sự, hạn chế sự tranh chấp kéo dài, BLDS sửa đổi bổ sung đã quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm.
Thứ tư: Về thừa kế
Trong chương về thừa kế, kế thừa những quy định trong BLDS 1995, BLDS 2005 vẫn khẳng định quyền thừa kế là một quyền cơ bản của công dân, nhưng đã có một số sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những mâu thuẫn, bất cập của BLDS 1995.
Điều 637 BLDS sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người thừa kế trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế. Nếu di sản thừa kế đã được chia thì người thừa kế chi phí thực hiện nghĩa vụ tương ứng với phần mình đã nhận nhưng không vượt quá phần di sản mình đã nhận.
Về trường hợp những người có quyền thừa kế của nhau nhưng chết cùng thời điểm đã có sự thay đổi đáng kể, nếu theo BLDS 1995 thì họ không có quyền thừa kế của nhau, tài sản của người nào thì do những người thừa kế của người đó hưởng. Quy định này dẫn đến một bất cập là có trường hợp cha hoặc mẹ chết cùng ông bà nhưng cháu lại không được hưởng di sản thừa kế của ông bà mà di sản đó lại thuộc về Nhà nước. Điều này không phù hợp với truyền thống dân tộc, không công bằng xã hội. Để khắc phục những hạn chế trên BLDS 2005 đã quy định nếu những người này mà chết cùng thời điểm thì cháu hoặc chắt được hưởng thừa kế thế vị (Điều 641 và Điều 677).
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế cũng được BLDS 2005 bổ sung cụ thể. Điều 645 đã quy định bổ sung thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Về hàng thừa kế, nếu theo quy định của BLDS 1995 về hàng thừa kế thứ hai, chúng ta thấy ông bà là người thừa kế ở hàng thứ hai của cháu nhưng cháu lại không là người thừa kế ở hàng thứ hai của ông bà vì cho rằng đã có thừa kế thế vị nhưng như thế sẽ không đảm bảo tính công bằng bởi lẽ ông bà được thừa kế một suất của cháu bằng những người thừa kế khác cùng hàng. Nhưng nếu bố hoặc mẹ của cháu chết trước ông bà thì các cháu cũng chỉ được một suất bằng một phần của bố hoặc mẹ lẽ ra được hưởng khi còn sống. Ở hàng thừa kế thứ ba cũng vậy, BLDS 2005 đã bổ sung quy định cháu được hưởng di sản thừa kế của cụ nội, cụ ngoại.
Về vấn đề thừa kế thế vị đã được sửa đổi tại Điều 677, trong từng trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ được hưởng nếu còn sống...
Về hạn chế phân chia di sản thừa kế được quy định cụ thể hơn trong BLDS 2005: “Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;...”.
Các quy định về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ trong BLDS 2005 chỉ quy định mang tính nguyên tắc còn các quy định cụ thể sẽ do Luật đất đai năm 2003 quy định và Luật sở hữu trí tuệ (đang dự thảo trình Quốc hội thông qua) điều chỉnh.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ..../2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét