Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2008

MỘT SỐ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VỀ CHỦ THỂ THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN

THS. NGUYỄN VĂN HÙNG -  ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh

Công ty TNHH một thành viên là loại hình doanh nghiệp mới ở nước ta. Địa vị pháp lý của nó được quy định từ Điều 46 đến Điều 50 chương IV của Luật Doanh nghiệp (Luật DN). Kể từ thời điểm Luật DN có hiệu lực đến nay, loại hình doanh nghiệp này đã thực sự đi vào các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, thỏa mãn phần nào nhu cầu của một số chủ thể trong việc lựa chọn hình thức đầu tư, góp phần vào việc đa dạng hóa các quan hệ kinh tế trong điều kiện từng bước hoàn thiện cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế cho nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng chế định pháp luật này, một số quy định liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp cũng như một số vấn đề về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đã thể hiện một số điểm bất hợp lý. Bên cạnh đó còn có một số quan điểm cho rằng việc công nhận sự tồn tại của loại hình doanh nghiệp này, đặc biệt là trong trường hợp luật cho phép một cá nhân cũng có quyền thành lập doanh nghiệp sẽ triệt tiêu loại hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Nói cách khác, quy định này có thể làm thay đổi tính chất pháp lý đặc thù của DNTN từ tính chất “chịu trách nhiệm vô hạn” thành tính chất “chịu trách nhiệm hữu hạn”. Vì vậy, chế định pháp luật này có thể phá vỡ đặc điểm truyền thống của DNTN cũng như làm thay đổi tính chất riêng của loại hình công ty TNHH.

Những điều trên đã đặt ra yêu cầu cần phải có sự nghiên cứu một cách có hệ thống, nhằm xác định các cơ sở về lý luận cũng như thực tiễn cho sự tồn tại lâu dài của hình thức doanh nghiệp này; đồng thời nêu lên những điểm bất cập trong các quy của pháp luật về địa vị pháp của nó; từ đó có phương hướng hoàn thiện. Hiện nay, khi các cơ quan hữu quan đang tích cực soạn thảo Dự thảo Luật DN (thống nhất) và Luật Đầu tư (chung) thì việc hoàn thiện chế định pháp luật về công ty TNHH một thành viên càng có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chung nhằm hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh ở Việt Nam.1

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự hiện diện của loại hình công ty TNHH một thành viên

Khi bàn về tính chất pháp lý của loại hình công ty này, nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép một cá nhân cũng có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên là một sự bất hợp lý. Đó là việc một số cá nhân có quyền sở hữu riêng một công ty nhưng lại chỉ chịu TNHH về các hoạt động của mình, trong khi đó một số cá nhân khác lại phải chịu trách nhiệm vô hạn cho các hoạt động của cùng một hình thức sở hữu2. Một số ý kiến khác lại cho rằng: mặc dù về mặt hình thức, DNTN và công ty TNHH một thành viên (trong trường hợp một cá nhân có quyền thành lập) đều do một người làm chủ sở hữu nhưng đây là hai loại hình doanh nghiệp khác nhau với những ưu điểm và hạn chế riêng, do vậy chúng vẫn có thể cùng tồn tại trong một nền kinh tế. Bên cạnh đó hai loại hình doanh nghiệp này vẫn tồn tại những khác biệt về bản chất: DNTN là một đơn vị kinh doanh do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ, cá nhân này vừa là chủ sở hữu, vừa là người sử dụng tài sản, đồng thời cũng là người quản lý hoạt động của doanh nghiệp, còn công ty TNHH một thành viên là một doanh nghiệp do một tổ chức làm chủ sở hữu và chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của mình 3.

Việc thừa nhận một cá nhân có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên sẽ tạo điều kiện cho các DNTN có thể chuyển thành công ty TNHH, hoặc các nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức công ty TNHH một thành viên để kinh doanh ngay từ khi thành lập doanh nghiệp.

Có thể nói đây là một quy định phù hợp với thực tế, thể chế hóa kịp thời các mối quan hệ mới phát sinh trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của một nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của công ty, phát huy được thế mạnh của loại hình doanh nghiệp này đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Quy định này có thể được xem là sự thể chế hóa “quyền tự do kinh doanh” đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992, vì quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh là một yếu tố quan trọng của quyền tự do kinh doanh. Ngoài ra, quy định này còn có ý nghĩa góp phần làm đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, làm phong phú thêm các nhân tố với tư cách là các chủ thể độc lập trong một nền kinh tế.

Trên thực tế, trong tổng số các doanh nghiệp được thành lập với mô hình công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên có không ít doanh nghiệp về thực chất là sự biến hóa của hình thức công ty TNHH một thành viên. Điều này có nghĩa là ngay từ khi thành lập, công ty chỉ có một thành viên đích thực, còn các thành viên khác và số vốn góp của họ hoàn toàn chỉ mang tính hình thức. Để lý giải cho nguyên nhân của hành vi này có thể có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên các quan điểm đều thống nhất rằng hiện tượng “ lách luật” này xuất phát từ tâm lý chung của các nhà đầu tư. Đó là tâm lý muốn tự mình điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, không muốn phân chia lợi nhuận nhưng lại muốn chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty trong phạm vi phần vốn góp vào công ty, tức là chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn bằng số vốn họ đem vào hoạt động kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường với nhiều cơ hội kinh doanh phát triển nhưng cũng có không ít những rủi ro, phức tạp, việc quy định hình thức công ty TNHH một thành viên với những lợi thế của nó đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nhà đầu tư. Điều này sẽ tạo nên động lực giúp cho những người có tiềm năng về vốn, có khả năng về kinh doanh mạnh dạn bỏ vốn, bỏ công sức đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ đó góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh sống động, giải phóng lực lượng sản xuất, tạo đà phát triển cho một nền kinh tế. Chính yếu tố chỉ “chịu trách nhiệm hữu hạn” đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho các nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn trên thương trường khi mà họ biết các yếu tố rủi ro sẽ được phân tán, điều kiện này giúp các nhà đầu tư vẫn có khả năng giữ lại một số vốn để làm lại từ đầu khi hoạt động kinh doanh của họ gặp thất bại.

Ngược lại nếu không quy định hình thức công ty TNHH một thành viên do một cá nhân thành lập vì lo ngại hiện tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tiến hành xin thành lập công ty, thực hiện các giao dịch như: ký hợp đồng, vay vốn và hậu quả cuối cùng là thua lỗ mà chỉ chịu TNHH về các hoạt động này thì việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Trên thực tế, như đã phân tích, vẫn tồn tại rất nhiều chủ thể về hình thức là công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên nhưng bản chất lại do một cá nhân làm chủ, hiện tượng này hiện nay trở nên khá phổ biến và nó nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế. Hơn nữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết các hậu quả phát sinh từ hoạt động của loại hình doanh nghiệp này, bởi vì bản thân nó không có sự thống nhất về hình thức và nội dung pháp lý. Do vậy, việc cho phép một cá nhân được thành lập công ty TNHH một thành viên là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Thực tế phát triển nền kinh tế thị trường hàng trăm năm qua đã chứng minh rằng: một hoạt động kinh doanh đã tồn tại trên thực tế đáp ứng được nhu cầu của xã hội, được xã hội thừa nhận thì phải được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh, tức là nó phải được luật định4, ngược lại nếu như các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp ngăn cấm hoặc hạn chế thì các hoạt động này dễ có khuynh hướng đi vào hoạt động ngầm và nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng những yếu tố tích cực từ việc quy định hình thức công ty TNHH một thành viên đã vượt xa những yếu tố tiêu cực có thể có phát sinh từ hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.

2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế định công ty TNHH một thành viên

Quyền kinh doanh là một trong những quyền cơ bản về kinh tế của con người. Một xã hội được coi là tiến bộ nếu nó thừa nhận quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn, nhà nước có nghĩa vụ thi hành các biện pháp để bảo vệ quyền này, trong đó bao gồm việc thực hiện các chính sách và các biện pháp kinh tế, nhằm phát triển vững chắc nền kinh tế xã hội, bảo đảm các quyền tự do cơ bản về kinh tế của từng cá nhân công dân5. Xuất phát từ những cơ sở đó, việc hoàn thiện những quy định pháp luật về công ty TNHH một thành viên là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật về luật công ty ở nước ta. Đó chính là sự triệt để tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Việc pháp luật bổ sung thêm loại hình công ty TNHH một thành viên vào hệ thống các loại hình doanh nghiệp đã có ở Việt Nam là một bước phát triển mới trong quá trình từng bước hoàn thiện pháp luật về luật công ty. Để loại hình doanh nghiệp này ngày càng phát triển, phát huy được những ưu điểm của nó trong việc thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vào các hoạtđộng kinh doanh, chế định này cần phải được hoàn thiện.

Thứ nhất: Nên cho phép một cá nhân có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên. Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật DN (thống nhất) một vấn pháp lý được đặt ra cho hình thức công ty TNHH một thành viên là: Có nên cho phép một cá nhân thành lập loại hình công ty này hay không? Đây là một vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng việc cho phép một cá nhân thành lập công ty TNHH một thành viên sẽ triệt tiêu loại hình DNTN. Tuy nhiên, như đã phân tích, ngoài sự khác biệt cơ bản về bản chất việc thừa nhận này còn có ý nghĩa xa hơn là nó đảm bảo được quyền lựa chọn hình thức kinh doanh của các nhà đầu tư, góp phần đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế. Hơn nữa khi nói về một chủ thể kinh doanh là nói về trách nhiệm đối với hành vi mà nó thực hiện và người thành lập công ty phải gánh chịu nó đến mức độ nào. Yêu cầu chịu trách nhiệm của người thành lập công ty giống nhau về tính chất, khác nhau về mức độ (trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn). Do vậy vấn đề chính của việc cho phép hay không cho phép cá nhân thành lập loại hình công ty này hoàn toàn không nằm ở tính chất chịu trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn của công ty mà vấn đề chính là khả năng quản lý nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này6, vì trên thực tế đây là một loại hình doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều khả năng lừa đảo trong các hoạt động kinh doanh. Vì vậy việc cho phép thành lập công ty TNHH một thành viên phải kèm theo một số thủ tục như khai báo định kỳ hoặc là chứng nhận lý lịch; nói cách khác, cần phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối các họat động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với loại hình công ty TNHH một thành viên.

Thứ hai: Bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh trong trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân.

Theo khoản 2 Điều 110 của Luật DN thì chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên được chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân khác; trong trường hợp này Luật quy định công ty TNHH một thành viên phải chuyển sang hoạt động theo hình thức DNTN. Đây là một quy định chưa hợp lý của Luật DN về công ty TNHH một thành viên. Trên thực tế các cá nhân khi nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ thì đều mong muốn được kinh doanh dưới hình thức TNHH như bản thân doanh nghiệp này đang hoạt động, vì vậy việc Luật quy định họ phải chuyển sang loại hình DNTN với tính chất chịu trách nhiệm vô hạn khi họ mua lại vốn góp đã không phản ánh được quyền lựa chọn hình thức kinh doanh của nhà đầu tư và quan trọng hơn là nó đã không phản ánh được mục đích, ý nghĩa mà Luật DN đã đề ra là: “Góp phần phát huy nội lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế, bảo đảm quyền tự do bình đẳng trước pháp luật trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh”7.

Mặt khác, nếu một cá nhân được phép thành lập công ty TNHH một thành viên thì việc đó cũng sẽ giúp cho việc chuyển đổi hình thức sở hữu của các chủ thể kinh doanh được linh hoạt hơn, đặc biệt là trong trường hợp khi toàn bộ vốn của một công ty TNHH vì nhiều lý do khác nhau được tập trung vào một thành viên duy nhất hoặc khi một công ty TNHH có hai thành viên trở lên trong quá trình hoạt động chỉ còn lại một thành viên cũng không phải giải thể hay đăng ký kinh doanh lại dưới một hình thức khác.

Luật về công ty của các nước trên thế giới - trong đó có một số nước ban hành luật công ty TNHH, Luật công ty cổ phần riêng hoặc một số nước ban hành Luật công ty chung - đều không có sự phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước, không phân biệt tư nhân hay nhà nước và cũng không phân biệt thể nhân hay pháp nhân. Tất cả đều có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh để đầu tư, nếu công ty TNHH được lựa chọn thì họ áp dụng luật công ty TNHH, còn nếu công ty cổ phần được lựa chọn thì họ áp dụng theo luật công ty cổ phần. Các hệ thống pháp luật này không áp đặt luật áp dụng đối với nhà đầu tư mà ngược lại các nhà đầu tư tự nguyện lựa chọn hình thức kinh doanh mà pháp luật quy định để áp dụng. Đối với những nước có quy định về loại hình công ty TNHH một thành viên thì cả hai loại  chủ thể là cá nhân và tổ chức đều có quyền đứng ra thành lập loại hình công ty này8.

Tóm lại, việc quy định một cá nhân có quyền thành lập và làm chủ một công ty TNHH một thành viên là một yêu cầu khách quan và cần thiết trong việc xây dựng các chế định về Luật kinh doanh hiện nay. Đây là một quy định không những có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong họat động kinh doanh. Khi cả cá nhân và tổ chức đều có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên thì các ưu điểm của loại hình doanh nghiệp này sẽ được các nhà đầu tư tận dụng một cách công khai hợp pháp, đồng thời các điểm tiêu cực của nó cũng sẽ dễ dàng được nhận biết; từ đó góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế. Đây là một nhân tố góp phần phát triển nền kinh tế nước ta theo cơ chế kinh tế thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó điều mấu chốt là thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện quyền bình đẳng kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, xóa bỏ các đặc quyền (phi lý) của các doanh nghiệp nhà nước9, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và tri thức, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về kinh tế theo chuẩn mực của kinh tế thị trường.

Chú thích:

1 Xem: Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật về tổ chức, thành lập và hoạt động của Doanh nghiệp, TP.HCM tháng 02 năm 2005, mục II, 2.1.

2 Xem: Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Đánh giá tổng kết Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, Hà Nội năm 2000.

3 Xem: Nguyễn Văn Thông, Tìm hiểu Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Thống kê năm 2001,tr. 57.

4 Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Công an nhân dân , tr.9

5 Xem: Vũ Quốc Tuấn, Doanh nghiệp và doanh nhân trong nền kinh tế thị trường, Nxb chính trị Quốc gia, năm 2001.tr.344.

6 Xem: Nguyễn Ngọc Bích, Bản góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất), Hội thảo tại TP.HCM ngày 11/4/2005.

7 Xem: Lời nói đầu, Luật Doanh nghiệp ngày 12/06/1999.

8 Legal information institute – corporation: an overview – http/www.law.cornell.edu/topics/corporation.

9 Xem: Phan Đình Diệu, Một số suy nghĩ về con đường tiếp tục đổi mới của đất nước ta, Viện Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 12/2000. (www.vnn.vn).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến