Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Chuyện truy nã một nữ tội phạm qua lời kể của trinh sát

Trong cái rét cắt da cắt thịt, suốt một tháng rưỡi, trung tá Lê Văn Dũng ròng rã đi lại trong quãng đường 70km để chăm sóc, dạy dỗ đứa con trai bị tai nạn của một nữ nghi phạm đang trốn lệnh truy nã.

Nhận nhiệm vụ về xã Tri Thủy, cách Hà Nội 70 km, xác định thông tin về Hoàng Thị Oanh (sinh 1971) bị truy nã một năm về tội gá bạc, trung tá Lê Văn Dũng, Đội phó Đội bắt truy nã Công an thành phố Hà Nội phóng xe máy lên đường trong giá rét.

Dừng xe trước nhà Oanh, anh Dũng chợt thấy lòng chùng xuống. Đó là một túp lều rách, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, cửa cũng không. Cũng vì vậy, các con bạc tưởng là nhà hoang kéo nhau vào tổ chức đánh bạc. Khi Oanh đi làm thuê ở lò mổ về, những kẻ tổ chức giúi cho Oanh ít tiền để Oanh làm ngơ. Tiền vào tay người đàn bà như “gió vào nhà trống”, bởi chị ta phải lo sinh nhai cho bốn miệng ăn trong nhà. Khi sới bạc bị triệt phá, lo sợ, Oanh bỏ trốn và bị Công an huyện Phú Xuyên truy nã về tội gá bạc.

Cúi lom khom bước vào căn nhà ấy, anh Dũng gặp đứa con trai thứ 2 của Oanh đang nằm bất động trên giường bệnh. Nó vừa bị tai nạn giao thông rất nặng. Nhà không có tiền nên sau khi cấp cứu, biết con qua cơn hiểm nghèo, bố nó vội xin ra viện vì sợ không lo được viện phí.

Vì cuộc sống, chồng Oanh vẫn phải đi làm thuê ở lò mổ, đứa con đầu chạy ra chạy vào coi đứa em nằm bất động. Ngồi nói chuyện với thằng bé, nhắc đến mẹ nó, anh Dũng thấy mắt nó ươn ướt. Nó bảo mẹ nó rất yêu anh em nó nhưng không hiểu sao biết nó bị tai nạn mẹ vẫn không về. Đến quá trưa thì chồng Oanh đi làm về. Người đàn ông lam lũ tất tả với cân gạo, nắm rau lo bữa trưa cho cả nhà. Nhìn mâm cơm chỉ có bát canh suông với lưng niêu cơm, thằng anh bị ốm được ưu tiên bát cháo, anh Dũng thấy cay cay sống mũi.

Trong lúc đợi ba bố con ăn cơm, anh Dũng phóng xe ra thị trấn mua một túi quà to cho hai anh em, trong đó có mấy hộp sữa, cân đường cho thằng em bị tai nạn. Rồi anh Dũng gọi chồng Oanh ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Câu chuyện của hai người đàn ông xoay quanh việc trốn truy nã của Oanh. Anh Dũng thuyết phục chồng Oanh vận động vợ về đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Buổi đầu tiên, người đàn ông ấy chỉ cúi đầu không nói...

Mấy ngày sau, anh Dũng lại phóng xe lên Phú Xuyên thăm gia đình Oanh. Cậu con trai thứ của Oanh đã nhúc nhắc ngồi dậy được, nó reo lên thích thú khi thấy chú Dũng đến chơi. Xoa đầu nó, anh Dũng cũng thấy lòng rưng rưng như người trong gia đình. Anh và chồng Oanh lại ra cái sân con trước nhà nói chuyện. Lần này, người đàn ông ấy đã cởi mở hơn... Đến hơn một tháng sau, gia đình Oanh đã coi anh Dũng như người nhà. Bố mẹ Oanh cũng đã gặp Dũng và xin giao con gái cho anh, mong anh tạo điều kiện cho Oanh về đầu thú.

Khi đó, trong một cửa hàng cơm bình dân tại khu chợ tạm của Hà Nội có một người phụ nữ rửa bát thuê khá kỳ lạ. Chị ta làm việc rất chăm chỉ, được lòng bà chủ nhưng rất kiệm lời. Đặc biệt, dù đông hay hè, trên khuôn mặt của người phụ nữ này lúc nào cũng bịt khẩu trang. Đó chính là Hoàng Thị Oanh.

Nhà chủ cho những người làm thuê ở trọ, nhưng vì phải có đăng ký tạm trú tạm vắng nên Oanh sợ, xin ra ngoài ở. Ở thuê mỗi nơi trọ vài ngày rồi lại đi, có đêm, hết tiền, sợ công an phát hiện, Oanh ngồi co ro ngủ ở nhà chờ của bến tàu, bến xe. Cay cực bao nhiêu Oanh cũng chịu được, bởi người phụ nữ này từ khi sinh ra đã vất vả, lam lũ. Nhưng khổ nhất là nỗi nhớ chồng, thương con. Nhiều đêm, Oanh nằm khóc thút thít, giận mình ham mấy đồng tiền mà bây giờ phải sống cảnh trốn chạy lay lắt, không được ở bên chồng con.

Thi thoảng, Oanh vẫn lén lút liên lạc qua người quen về nhà. Mấy hôm nay, biết tin con trai bị tai nạn giao thông nặng, chị ta đứng ngồi không yên, người như mất hồn, làm vỡ bát vỡ đĩa khiến bà chủ ngạc nhiên. Thương con nhưng cảnh trốn truy nã, Oanh không thể về chăm sóc con. Có đêm, Oanh ngồi bó gối nhìn mông lung vào màn đêm. Trời rét thế này, chắc thằng bé đau lắm. Nước mắt người mẹ lã chã rơi... Lần tiếp theo khi liên lạc về hỏi thăm tình hình của con, Oanh được chồng thông báo có chú công an tên là Dũng đến vận động ra đầu thú. Oanh nửa tin, nửa ngờ, sợ mình bị dụ để bắt đi tù luôn.

Mấy lần liên tiếp, chồng Oanh vẫn kể cho Oanh về chú Dũng rất tốt với gia đình, cho quà bọn trẻ, chú nói rằng nếu tiếp tục trốn thì cũng sẽ bị bắt, con đường tốt nhất cho Oanh là về đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Mấy ngày trời Oanh suy nghĩ về việc đầu thú. Mọi người trong gia đình đều tin vào chú công an thì có lẽ đó là người tốt. Có lẽ chú ấy nói đúng, chứ cứ trốn chui lủi thế này Oanh thấy khổ quá...

Đầu tháng Chạp, tính từ ngày đầu anh Dũng đến nhà Oanh đã tròn tháng rưỡi. Trời lạnh thấu da, vậy mà anh cứ như con thoi phóng xe máy từ trụ sở làm việc đến nhà Oanh, vừa để vận động gia đình, vừa để thăm và hướng dẫn cho đứa con trai bắt đầu tập đi lại sau những ngày nằm bất động. Gia đình đã coi anh như người trong nhà. Oanh cũng đã một lần chủ động liên lạc và gặp anh tại Hà Nội. Nhưng chị ta xin thu xếp xong việc gia đình sẽ ra đầu thú. Bắt Oanh thì dễ, nhưng anh Dũng không làm thế.

Anh đến vận động gia đình bằng tình người, anh tin rằng Oanh và mọi người cũng sẽ không phụ niềm tin của anh. Và đúng như anh suy nghĩ, ngày 2/12/2008, Oanh cùng chồng chủ động lên gặp anh tại trụ sở của Đội để xin đầu thú. Làm xong thủ tục ban đầu, đáng nhẽ, anh Dũng chỉ việc bàn giao hồ sơ cho Công an huyện Phú Xuyên để phục hồi điều tra và xử lý nhưng, anh tự thấy mình cần có trách nhiệm trước gia đình nghi phạm và lời hứa của chính mình.

Giáp Tết, công việc ở đơn vị và gia đình bộn bề nhưng anh Dũng vẫn cố gắng đến phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên để vận dụng các điều có lợi nhất cho bị can. Vì Oanh phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng nên sau khi xem xét, công an huyện đã cho Oanh tại ngoại. Oanh được anh Dũng đón trở về nhà khi những ngày Tết đã cận kề. Nhìn người mẹ òa khóc, giang rộng cánh tay như gà mẹ ôm cả hai đứa con vào lòng, anh Dũng thấy lòng mình thanh thản...

Chiều 30 Tết, điện thoại di động của anh chợt réo rắt. Bên đầu dây bên kia, vợ chồng Oanh rụt rè hỏi địa chỉ nhà anh, hai vợ chồng có đôi gà muốn đem biếu anh ngày Tết. Anh Dũng thấy xúc động đến nao lòng. Đôi gà có giá trị vật chất không lớn, nhưng anh biết, để có thể mang biếu anh, họ phải vay mượn, hoặc bớt phần chi tiêu Tết của gia đình. Anh vội cáo bận, xin nhận quà nhưng gửi cho mấy đứa trẻ ăn Tết. Anh hứa với gia đình sẽ lên chúc Tết đầu năm.

Hết ba ngày Tết, anh Dũng mới có thời gian lên thăm gia đình Oanh. Mọi người thấy anh vui mừng khôn xiết, hình như họ chờ đợi lắm giờ phút này. Chồng Oanh mang chai rượu trắng tự nấu để dành mang ra đãi khách. Ngoài sân, chị Oanh và mấy đứa trẻ tíu tít giết gà. Trong men rượu nồng, anh Dũng chợt thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn.

Thấm thoắt đã một năm trôi qua. Điện thoại di động của anh lại rinh reng, đầu dây bên kia là vợ chồng chị Oanh. Chị vợ được hưởng án treo, sau Tết cậu con trai cả lại lên đường nhập ngũ, vợ chồng Oanh ríu rít mời anh lên ăn Tết. Anh Dũng nhận lời với niềm vui lâng lâng. Nhất định xuân này anh sẽ về Tri Thủy....

(Theo Công An Nhân Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến