Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Hướng dẫn phương pháp tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

CHƯƠNG VII: PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ TNDN
124. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được xác định như thế nào?
Theo quy định tại điểm 1 điều 3 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN
 phải nộp

=

Thu nhập
tính thuế

x
Thuế suất
thuế TNDN 
Trường hợp doanh nghiệp nếu có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN
phải nộp
=
(
Thu nhập tính thuế
-
Phần trích lập quỹ KH&CN
)
x
Thuế suất
thuế TNDN
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp ở ngoài Việt Nam thì doanh nghiệp được trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
125. Thu nhập tính thuế được xác định như thế nào?
Theo quy định tại điểm 1 điều 4 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước theo quy định.
Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:
Thu nhập
tính thuế
=
Thu nhập chịu thuế
-
Thu nhập được miễn thuế
+
Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
126. Thu nhập chịu thuế được xác định như thế nào?
Theo quy định tại điểm 2 điều 4 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:

Thu nhập
chịu thuế
=
Doanh
thu
-
Chi phí
được trừ
+
Các khoản
thu nhập khác

Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật  phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 25%, không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, không được bù trừ với thu nhập hoặc lỗ của các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Trường hợp doanh nghiệp có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật thì được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
127. Kỳ tính thuế trong trường hợp DN áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch ; kỳ tính thuế đầu tiên đối với DN mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với DN chuyển đổi loại hình được quy định như thế nào ?
Theo quy định tại điểm 2,3,4 điều 3 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng. Kỳ tính thuế đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại) thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng. Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà có thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thì  doanh nghiệp được lựa chọn: Ưu đãi trong năm chuyển đổi kỳ tính thuế hoặc nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông của năm chuyển đổi kỳ tính thuế và hưởng ưu đãi thuế sang năm tiếp theo.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A (DN A) kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 áp dụng theo năm dương lịch, đầu năm 2012 lựa chọn chuyển đổi sang năm tài chính từ ngày 01/4 năm này sang ngày 31/03 năm sau, thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm chuyển đổi (năm chuyển đổi 2012) được tính từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 31/03/2012 (3 tháng), kỳ tính thuế TNDN năm  tiếp  theo được tính từ ngày 01/04/2012 đến hết ngày 31/03/2013.
Ví dụ 2: Cũng trường hợp nêu trên nhưng DN A được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm tiếp theo), năm 2009 bắt đầu được miễn thuế thì DN A  sẽ hưởng ưu đãi thuế như sau (miễn thuế năm  2009, 2010; giảm 50% thuế năm  2011, 2012, 2013).
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn giảm 50% thuế theo kỳ tính thuế năm chuyển đổi  2012 thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm 50% thuế TNDN năm chuyển đổi và năm tính thuế tiếp theo (năm tài chính 2012 từ 1/4/2012 đến 31/3/2013).
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn không hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN đối với kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi 2012 (kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2012 kê khai nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông) thì doanh nghiệp được giảm 50% thuế TNDN năm tài chính 2012 (từ 1/4/2012 đến 31/3/2013) và  năm tài chính 2013 (từ 1/4/2013 đến 31/3/2014).
128. Việc kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ được áp dụng đối với trường hợp nào?
Theo quy định tại điểm 5 điều 3 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Đơn vị sự nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ: 5%;
+ Đối với kinh doanh hàng hoá: 1%;
+ Đối với hoạt động khác (bao gồm cả hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật): 2%.
Ví dụ 3: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một (01) năm là 100 triệu đồng, đơn vị không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ như sau:
Số thuế TNDN phải nộp = 100.000.000 đồng  x 5% = 5.000.000 đồng.
129. DN có doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá nào?
Theo quy định tại điểm 6 điều 3 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
130. Nơi nộp thuế TNDN đối với các đơn vị có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc tại địa bàn khác nơi DN đóng trụ ở chính quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính.
Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.
 Việc phân bổ số thuế phải nộp quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các công trình, hạng mục công trình hay cơ sở xây dựng xây dựng hạch toán phụ thuộc.
131. Xác định thuế phải nộp như thế nào trong trường hợp DN có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc?
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp.
Tỷ lệ  chi phí được xác định bằng tỷ lệ chi phí giữa tổng chi phí của cơ sở sản xuất  hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi phí được xác định như sau:

Tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc

=
Tổng chi phí của cơ sở sản xuất
hạch toán phụ thuộc
--------------------------------
Tổng chi phí của doanh nghiệp
 Ví dụ: Tổng công ty sành sứ có trụ sở chính tại TP Hà Nội và có cơ sở sản xuất gạch phụ thuộc tại Bắc Ninh. Tổng chi phí của tổng công ty năm 2011 là 120 tỷ đồng, trng đó tại Bắc Ninh là 40 tỷ. Tổng số thuế TNDN phải nộp quý 1 của tổng công ty là 2 tỷ đồng.
Vậy Tổng công ty sành sứ nộp thuế TNDN tại Bắc Ninh là 660trđồng=40/120*2 tỷ
Nộp thuế TNDN tại Hà Nội là 1,340 tỷ
Số liệu để xác định tỷ lệ chi phí được căn cứ vào số liệu quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp năm trước liền kề năm tính thuế do doanh nghiệp tự xác định để làm căn cứ xác định số thuế phải nộp và được sử dụng để kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các năm sau.  
Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương, số liệu để xác định tỷ lệ chi phí của trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp tự xác định căn cứ theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và tỷ lệ này được sử dụng ổn định từ năm 2009 trở đi.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động có thành lập thêm hoặc thu hẹp các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương thì doanh nghiệp phải tự xác định tỷ lệ chi phí cho kỳ tính thuế đầu tiên đối với các trường hợp này. Từ kỳ tính thuế tiếp theo tỷ lệ chi phí được xác định theo nguyên tắc nêu trên.
Đơn vị hạch toán phụ thuộc các doanh nghiệp hạch toán toàn ngành có thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh chính thì nộp thuế tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến