Tìm hiểu và nghiên cứu văn bản pháp luật, luật việt nam, luật, luật sư, tư vấn luật, - tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân, thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý về doanh nghiệp...
Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013
XÂY DỰNG LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ – TỪ TIẾP CẬN SO SÁNH
TS. TRẦN VĂN HẢI – Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý, Chủ nhiệm Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Dẫn nhập
Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện hành được ban hành từ năm 2000 (sau đây gọi tắt là Luật KH&CN 2000) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đặt nền móng cho việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động KH&CN. Các cơ chế, chính sách và biện pháp quy định trong các văn bản pháp luật đã phục vụ cho sự phát triển hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật KH&CN năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập so với yêu cầu phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới.
Thực hiện Chương trình của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII về xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Dự án Luật KH&CN (sửa đổi).
Đã có một số cuộc hội thảo khoa học và nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý cho Dự thảo Luật KH&CN, bài viết này chỉ xin phân tích một số điểm mà chưa có nhà nghiên cứu nào nêu, hoặc mới nêu ở dạng ý tưởng.
2. Thuật ngữ công nghệ
Khoản 2 điều 2 Luật KH&CN 2000 định nghĩa Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm
Khoản 2 điều 3 Dự thảo Luật KH&CN định nghĩa Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Lý do để các nhà soạn thảo dự thảo đưa ra sự thay đổi này là “chỉnh sửa cho chính xác và phù hợp với khoản 2 điều 3 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006”.[3]
Bài viết không bình luận về nội hàm của khái niệm công nghệ trong hai văn bản vừa nêu, nhưng lý do để chỉnh sửa lại không thuyết phục bởi lẽ:
- Công nghệ trong Luật chuyển giao công nghệ chỉ được hiểu là công nghệ có thể được chuyển giao, tức là công nghệ có thể được thương mại hóa.
- Công nghệ trong Luật KH&CN phải được hiểu là công nghệ nói chung, tức là cả công nghệ có thể được thương mại hóa và công nghệ không thể được thương mại hóa.
Cần thấy rằng phương pháp, quy trình, kỹ năng… (những bộ phận thuộc công nghệ) trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là không thể thương mại hóa, do đó chúng không thể được chuyển giao theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ[4]. Không có tổ chức, cá nhân nào lại bỏ tiền ra mua độc quyền sử dụng phương pháp dạy văn học cổ điển, quy trình kiểm tra bài tập của học sinh tiểu học, kỹ năng nghe tiếng Anh cho trẻ em…
Từ lý do trên để chỉnh sửa, cho thấy Dự thảo Luật KH&CN đã tiếp cận công nghệ theo thiên hướng nghiêng về khoa học tự nhiên khi quan niệm công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật. Bài viết sẽ chứng minh nhận định này bằng cách phân tích thuật ngữ giải pháp, quy trình, bí quyết khi gắn với thuật ngữ kỹ thuật trong định nghĩa về công nghệ tại Dự thảo Luật KH&CN.
Trước hết, cần phải thấy rằng giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật là sáng chế theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT). Tài liệu do Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) phát hành định nghĩa: “Sáng chế là sản phẩm mới hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật”.[5]
Luật SHTT định nghĩa tại khoản 12 điều 4: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.
Từ những định nghĩa nêu trên, có thể rút ra các đặc điểm sau đây:
- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật, nó không tồn tại trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
- Sáng chế phải có tính mới. Đây là đặc điểm quan trọng nhất của sáng chế, làm cho sáng chế khác biệt với phát minh.
- Sáng chế có thể tồn tại ở dạng sản phẩm hoặc quy trình.[6]
Một số ví dụ về sáng chế: James Watt sáng chế ra máy hơi nước, Nobel sáng chế ra thuốc nổ TNT… Cần thấy rằng máy hơi nước, thuốc nổ… có thể được thương mại hóa, còn giải pháp, quy trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là không thể được thương mại hóa.
Qua đây cho thấy, có lẽ giữ nguyên định nghĩa về công nghệ như Luật KH&CN 2000 đã quy định là hợp lý hơn.
3. Thuật ngữ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (gọi tắt là nghiên cứu và phát triển)
Khoản 4 điều 3 Dự thảo Luật KH&CN viết: Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng.
Có nhiều cách tiếp cận để phân loại nghiên cứu khoa học, như phân loại theo chức năng nghiên cứu, phân loại theo phương thức thu thập thông tin, phân loại theo các giai đoạn của nghiên cứu… Trong đó phân loại theo các giai đoạn của nghiên cứu, bao gồm: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm, gọi chung là nghiên cứu và triển khai, tiếng Anh viết là Research and Development (viết tắt là R&D). Từ Development trong cụm từ vừa nêu không dịch là phát triển, bởi vì thuật ngữ này có tên đầy đủ là Technical Exprimental Development, sau này cũng được gọi là Technological Exprimental Development. Năm 1959, GS Tạ Quang Bửu đặt thuật ngữ tiếng Việt là “triển khai kỹ thuật”, gọi tắt là “triển khai”. Nghĩa của triển khai là “thực nghiệm một lý thuyết khoa học cho nó thành công nghệ”, sản phẩm của nó gồm 3 loại: tạo mẫu (prototype), tạo quy trình, làm thí điểm loại nhỏ (còn gọi là làm “Série 0”).
Thuật ngữ “phát triển công nghệ” (Technology Development) mang nghĩa hoàn toàn khác với “Technological Exprimental Development”, đây là hoạt động sau nghiên cứu, là quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, bao gồm:
- Phát triển công nghệ theo chiều rộng (Extensive Development of Technology), còn gọi là “nhân rộng công nghệ” (Diffusion of Technology).
- Phát triển công nghệ theo chiều sâu (Intensive Development of Technology), còn gọi là “nâng cấp công nghệ” (Upgrading of Technology).
Về chính sách tài chính đối với “triển khai” và “phát triển” cũng khác nhau, trong khi “triển khai” được cấp vốn theo nguồn “nghiên cứu và triển khai” (R&D), bán sản phẩm “triển khai” được miễn thuế, thì bán sản phẩm “phát triển” lại phải chịu thuế.[7]
Qua tìm hiểu thuật ngữ Development trong các tài liệu nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, ví dụ:
- Frascati Manual trong nghiên cứu do OECD công bố viết là “triển khai thực nghiệm”[8].
- Điều 2 Luật khoa học và chính sách khoa học – kỹ thuật Cộng hòa Liên bang Nga do Duma quốc gia Nga thông qua ngày 12.7.1996 không dùng từ “phát triển” (Развитие) mà dùng từ “triển khai” (Разработка): “Triển khai thực nghiệm là hoạt động dựa trên tri thức thu được trong quá trình thực hiện các nghiên cứu khoa học…”[9]
Trong cuốn Tuyển chọn văn bản Luật KH&CN của một số nước trên thế giới do Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN dịch[10] Research and Development trong Luật tiến bộ KH&CN của Trung Quốc[11] là “nghiên cứu và triển khai”.
Như vậy, qua các nghiên cứu trong nước và nước ngoài được công bố, qua văn bản pháp luật về KH&CN của một số quốc gia cho thấy việc sử dụng cụm từ “nghiên cứu và triển khai” là hợp lý. Do đó, cần nghiên cứu để Dự thảo Luật KH&CN viết lại cho chính xác các thuật ngữ vừa nêu.
4. Thuật ngữ “thị trường KH&CN”
Khoản 3 điều 5 và các điều khác trong Luật KH&CN 2000 sử dụng cụm từ “thị trường công nghệ”, nhưng Dự thảo Luật KH&CN đã xóa bỏ cụm từ này và thay vào đó là cụm từ “thị trường KH&CN”.
Như mục 2 đã phân tích, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là không thể thương mại hóa, trong mục này bài viết xin nhấn mạnh một điểm nữa, kết quả nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng không thể thương mại hóa, tức là không thể trở thành hàng hóa.
Về vấn đề này, tác giả bài viết đã có một nghiên cứu riêng[12], trong mục này xin tóm tắt nghiên cứu vừa nêu và bổ sung một số điểm cho phù hợp với tiêu chí của bài viết này.
4.1. Thị trường bao gồm 4 yếu tố cơ bản:
a. Có hàng hóa;
b. Người bán (bên cung hàng hóa);
c. Người mua (bên cầu hàng hóa);
d. Tập hợp các quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động mua, bán giữa bên cung hàng hóa và bên cầu hàng hóa.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để tồn tại thị trường là phải có hàng hóa để mua, bán, trao đổi.
4.2. Khoa học không thể là hàng hóa
Khoản 1 điều 2 Luật KH&CN 2000 định nghĩa: Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Hệ thống tri thức trong định nghĩa về khoa học nêu trên là kết quả của nghiên cứu cơ bản. Sản phẩm của nghiên cứu cơ bản là các khám phá, phát minh, phát hiện, dẫn đến việc hình thành một hệ thống lý thuyết có giá trị tổng quát, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học.
Khi khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của xã hội và tư duy thì nó không thể là hàng hóa, ví dụ: quy luật phủ định của phủ định, quy luật giá trị thặng dư không thể là hàng hóa.
Khi khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên thì nó cũng không thể là hàng hóa, ví dụ:
- Trong thực tế, không tổ chức, cá nhân nào lại bỏ tiền mua quyền sở hữu hoặc độc quyền sử dụng phát minh khoa học định luật vạn vật hấp dẫn của Newton.
- Cũng tương tự như vậy, không ai lại bỏ tiền mua quyền sở hữu hoặc độc quyền sử dụng phát minh khoa học như Định luật bất biến tiết diện của các quá trình sinh hạt của Nguyễn Văn Hiệu, bất kỳ nhà nghiên cứu nào khi sử dụng định luật này cũng chỉ cần nêu tên tác giả định luật mà không phải trả tiền cho GS.VS Nguyễn Văn Hiệu.
Như vậy, khi tiếp cận khoa học từ định nghĩa dưới góc độ pháp luật thì chính khoa học không thể là hàng hóa.
Khoa học còn được tiếp cận dưới góc độ khác, ví dụ khoa học được hiểu là: 1. Hệ thống tri thức; 2. Hoạt động xã hội; 3. Hình thái ý thức xã hội; 4. Thiết chế xã hội.[13] Nếu hiểu khoa học theo nghĩa này thì hoạt động xã hội, hình thái ý thức xã hội, thiết chế xã hội cũng không thể là hàng hóa để có thể mua, bán, trao đổi trên thị trường.
Do đó, khi tiếp cận khoa học dưới các góc độ khác nhau, thì khoa học không thể là hàng hóa (điều kiện tiên quyết số 1 của thị trường), dẫn đến không tồn tại thị trường khoa học.
4.3. Công nghệ có thể là hàng hóa
Như trên đã phân tích khi công nghệ là kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì không là hàng hóa, do đó trong mục này chỉ xét công nghệ là kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Khoản 12 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế trong định nghĩa này là một dạng công nghệ, khi một công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì chủ sở hữu của nó có quyền ngăn cấm người khác sử dụng công nghệ đó. Như vậy, người khác chỉ có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ nếu được chủ sở hữu công nghệ chuyển giao (quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng). Việc chuyển giao này thực chất là việc thuê, mua, bán hàng hóa công nghệ.
Do đó, khi công nghệ là kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, thì nó có thể là hàng hóa (điều kiện tiên quyết số 1 để tồn tại thị trường), dẫn đến tồn tại thị trường công nghệ.
4.4. Nhận định: từ các phân tích đã nêu, có thể rút ra 2 nhận định sau:
- Không tồn tại thị trường khoa học và do đó không tồn tại thị trường KH&CN.
- Chỉ tồn tại thị trường công nghệ.
Qua nghiên cứu pháp luật về KH&CN của nước ngoài, đã thấy sử dụng “thị trường công nghệ”[14].
Bởi vậy, nên giữ nguyên thuật ngữ “thị trường công nghệ” như Luật KH&CN 2000 đã sử dụng.
5. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động KH&CN
Khoản 3 điều 20 Dự thảo Luật KH&CN quy định cá nhân hoạt động KH&CN có quyền: Thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Để phân tích quy định này, trước hết cần thấy khoa học với tư cách là một hoạt động xã hội hướng tới những mục tiêu sau:
- Phát hiện bản chất các sự vật, phát hiện nhận thức về thế giới.
- Dựa vào quy luật đã nhận biết của sự vật mà dự báo quá trình phát triển của sự vật, lựa chọn hướng đi để tránh hoặc giảm thiểu các rủi ro.
- Sáng tạo ra các sự vật mới phục vụ những mục tiêu tồn tại và phát triển bản thân con người và xã hội loài người.[15]
Các cụm từ được gạch chân là điểm đáng chú ý trong các mục tiêu nêu trên của khoa học, chúng thể hiện những điểm mà con người hiện tại chưa biết, khoa học phải giúp con người sẽ biết.
Điểm chưa biết thuộc về tồn tại xã hội, ý thức xã hội chỉ phản ánh được tồn tại xã hội, ví dụ khi chưa có virus HIV thì pháp luật hình sự chưa thể đề ra điều khoản trừng trị tội cố tình gây lây nhiễm virus HIV.
Như vậy, pháp luật với tư cách là một yếu tố thuộc ý thức xã hội, chỉ phản ánh được tồn tại xã hội, xét trên khía cạnh này thì pháp luật không có chức năng dự báo, trong khi đó dự báo, phát hiện ra cái mới… lại là những chức năng bắt buộc phải có của khoa học.
Do pháp luật không có chức năng dự báo, bởi vậy pháp luật chỉ có thể cho phép nghiên cứu khoa học thuộc những lĩnh vực đã biết, mà không thể cho phép nghiên cứu khoa học thuộc những lĩnh vực sẽ biết, ví dụ vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, có lẽ không một quy định nào của pháp luật lại đủ khả năng dự báo để cho phép nghiên cứu công nghệ na – nô (Nanotechnology). Như vậy, xét theo khía cạnh này thì pháp luật không những không thúc đẩy sự phát triển của khoa học mà ngược lại đã/sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học.
Trở lại với khoản 3 điều 20 Dự thảo Luật KH&CN, quy định của Thủ tướng Chính phủ là một dạng quy định của pháp luật, có lẽ nên quy định cấm nghiên cứu một số lĩnh vực (ví dụ cấm nghiên cứu công nghệ sinh sản vô tính) thay vì cho phép nghiên cứu một số lĩnh vực.
6. Quỹ đầu tư mạo hiểm
Điều 53 dự thảo Luật KH&CN quy định: 1. Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các quỹ để hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ. 2. Quỹ hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm:…c) Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao.
Điều 25 Luật Công nghệ cao 2006 quy định: 2. Nguồn tài chính hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia bao gồm: a) Vốn điều lệ của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia được hình thành từ ngân sách nhà nước và được bổ sung từ ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động.
Qua đó, có thể thấy pháp luật đã quy định quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước thành lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó một phần được hình thành và bổ sung từ ngân sách nhà nước.
Đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là việc cung cấp vốn tài chính cho các tổ chức ở giai đoạn khởi động tăng trưởng ban đầu, mạo hiểm được định nghĩa là một tương lai dự báo của quá trình chuyển đổi thành với mức độ rủi ro và đầu tư được giả định đầy đủ. Đầu tư mạo hiểm xuất hiện với vốn chủ sở hữu tư nhân trong nửa đầu của thế kỷ 20 là lĩnh vực của các cá nhân và gia đình giàu có, như Vanderbilts, Whitneys, Rockefellers, Warburgs… Theo thông lệ quốc tế trong hoạt động tài chính, các đầu tư mạo hiểm đều được hình thành từ vốn của chủ sở hữu tư nhân[16].
Luật Ngân sách nhà nước 2002 định nghĩa: Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Từ định nghĩa này, cho thấy không một cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào lại có thể dự toán được các khoản đầu tư mạo hiểm. Ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu khoa học trong phạm vi có thể dự toán được. Vì lẽ này, thông lệ quốc tế không lấy ngân sách nhà nước để đầu tư mạo hiểm.
Như vậy, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao được hình thành từ ngân sách nhà nước là trái với thông lệ quốc tế về hoạt động tài chính, việc này thể hiện tư duy cũ: Nhà nước làm khoa học, chứ không phải tư duy mới: Nhà nước quản lý khoa học.
Do đó, nên nghiên cứu để bỏ quy định quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao được hình thành từ ngân sách nhà nước trong Dự thảo Luật KH&CN, đồng thời sửa đổi cả quy định này trong Luật Công nghệ cao 2006.
7. Kết luận
Bằng cách nghiên cứu so sánh giữa Dự thảo Luật KH&CN với các quy định hiện hành của pháp luật về KH&CN, giữa pháp luật Việt Nam về KH&CN với pháp luật về KH&CN của một số quốc gia khác, giữa các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về KH&CN đã được công bố, bài viết xin đề xuất:
- Giữ nguyên định nghĩa về công nghệ như Luật KH&CN 2000 đã quy định.
- Sử dụng cụm từ “nghiên cứu và triển khai” thay vì cụm từ “nghiên cứu và phát triển”.
- Giữ nguyên thuật ngữ “thị trường công nghệ” như Luật KH&CN 2000 đã sử dụng.
- Quy định cấm nghiên cứu một số lĩnh vực thay vì cho phép nghiên cứu một số lĩnh vực.
- Bỏ quy định quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao được hình thành từ ngân sách nhà nước trong Dự thảo Luật KH&CN, đồng thời sửa đổi quy định này trong Luật Công nghệ cao 2006.
Nhận thấy rằng, các vấn đề mà bài viết đã nêu là phức tạp, do đó rất cần được các nhà khoa học, nhà quản lý lưu tâm nghiên cứu kịp thời hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Luật KH&CN để Quốc hội sớm thông qua.,.
[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 21 (229)/Tháng 11/2012, tr.29-35
[2] TS Luật, Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý, Chủ nhiệm Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Bảng so sánh, giải trình Dự án Luật KH&CN (sửa đổi), ban hành ngày 01.7.2012, tr.2
[4] Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải (2011), Thương mại hóa kết quả nghiên cứu – Tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động khoa học – ISSN 1859-4794 số tháng 4.2011 (623), tr. 36-40
[5] Maria de Icaza (2007), Inventions and Patents, WIPO, p.7
[6] Phạm Phi Anh, Trần Văn Hải (2011), Sáng chế và mẫu hữu ích, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
[7] Tác giả bài viết sử dụng tư liệu của Vũ Cao Đàm (2007), Giáo trình phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr.39-41
[8] Nguồn: OECD Frascati Manual, Sixth edition, 2002, para. 64, page 30: Experimental development is systematic work, drawing on existing knowledge gained from research…
[9] “Экспериментальные разработки – деятельность, которая основана на знаниях, приобретенных в результате проведения научных…”
[10] Tuyển chọn văn bản Luật KH&CN của một số nước trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.51 và một số trang tiếp theo.
[11] Xin tham khảo thêm chương 5 của Law of the People’s Republic of China on Science and Technology Progress (Adopted at the Second Meeting of the Standing Committee of the Eighth National People’s Congress on July 2, 1993).
[12] Trần Văn Hải (2012), Thuật ngữ “thị trường khoa học và công nghệ”, “thị trường công nghệ” – Tiếp cận từ pháp luật về sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động khoa học – ISSN 1859-4794, số tháng 07.2012 (638), tr. 63-66
[13] Vũ Cao Đàm (2002), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr 21-22
[14] Ví dụ: Luật tiến bộ KH&CN của Trung Quốc (Law of the People’s Republic of China on Science and Technology Progress) đã quy định tại điều 12 về thị trường công nghệ: Article 12. The State shall establish and develop technology market to promote the commercialization of scientific and technological achievements… Luật này không nhắc đến thuật ngữ “thị trường KH&CN” (Sciense and Technology Market)
[15] Vũ Cao Đàm (2007), sđd, tr.14
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
Chia sẻ tài liệu học lớp Luật sư. BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN HỒ SƠ DS06 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT I. ...
-
Tham khảo thêm: 5 Phần mềm trắc nghiệm sát hạch thi lý thuyết lái xe ô tô miễn phí hay nhất Toàn bộ các văn bản, bài viết có liên quan đến L...
-
Tham khảo thêm: Hướng dẫn chèn hình nền, Slide template, ClipArt cho Word, Powerpoint Hình nền, themes trang trí cho desktop và cách tự động...
-
Tải về sách Ebook Luật Cán bộ, công chức, viên chức và biểu mẫu đính kèm Quy định về phụ cấp Nghị định 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công ...
-
BỘ NỘI VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: 08/2008/TT-BNV Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 T...
-
Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở ...
-
Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ...
-
Bộ Luật Lao động và văn bản pháp luật liên quan mới năm 2012 Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải ...
-
Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về) Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới...
-
Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất Tải về sách Ebook hư...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét