Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

VỀ CHẾ ĐỊNH “MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG HỢP ĐỒNG”

Miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng là việc người có quyền trong hợp đồng dân sự cho phép bên chủ thể vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại không bị áp dụng một phần hoặc toàn bộ các chế tài nhằm khôi phục tình trạng ban đầu về tài sản và nhân thân cho bên chủ thể bị vi phạm.

Bản chất của miễn trừ trách nhiệm dân sự là việc bên chủ thể vi phạm nghĩa vụ đáng lẽ phải gánh chịu toàn bộ và đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm, tuy nhiên, vì thiệt hại xảy ra trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trừ toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng của pháp luật dân sự, không chỉ bảo đảm quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng, bảo đảm sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà còn là yếu tố hạn chế việc một bên lợi dụng quy định về miễn trừ trách nhiệm để trốn tránh trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được pháp luật dân sự quy định cụ thể và toàn diện dẫn tới việc áp dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thống nhất. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự 2005, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu một số nội dung liên quan đến chế định này như sau:

1. Về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng:

Thứ nhất, theo các quy định tại khoản 2, 3 Điều 302, khoản 6 Điều 402 Bộ luật dân sự 2005 thì có 03 trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng bao gồm: Sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm vàthỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng. Trong khi đó, khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 lại quy định 04 căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, bao gồm: Thỏa thuận của các chủ thể trong hợp đồng, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, giữa quy định của Bộ luật dân sự – bộ luật gốc, với quy định của Luật Thương mại liên quan tới vấn đề miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng có sự không thống nhất với nhau.



Thứ hai, Bộ luật dân sự 2005 chỉ quy định 03 căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng đã nêu ở trên là chỉ mới quy định về các trường hợp miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng mà chưa có các quy định về các trường hợp miễn trừ một phần trách nhiệm dân sự trong hợp đồng. Đó là các trường hợp: bên vi phạm và bên bị vi phạm đều có lỗi gây thiệt hại; hai bên chủ thể trong hợp đồng có thỏa thuận về việc miễn trừ một phần trách nhiệm dân sự.

Thứ ba, tại khoản 3 Điều 302 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định một trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự là “bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”. Việc lỗi hoàn toàn do bên có quyền cũng đồng nghĩa với bên có nghĩa vụ không có lỗi. Do đó, việc bên có nghĩa vụ chứng minh lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền suy cho cùng chỉ là một biện pháp nhằm chứng minh bên có nghĩa vụ không có lỗi. Vì vậy, bất kể lỗi hoàn toàn do bên có quyền hay do người thứ ba hoặc không bên nào có lỗi thì bên có nghĩa vụ cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự. Pháp luật dân sự quy định như vậy là chưa bao quát được hết các trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự khi bên có nghĩa vụ không có lỗi. Chúng tôi cho rằng nên sửa đổi căn cứ “bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền” theo hướng “bên có nghĩa vụ chứng minh được mình không có lỗi trong việc nghĩa vụ không thực hiện được”.

2. Về vấn đề thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng:

Pháp luật dân sự quy định thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cũng là căn cứ để miễn trách nhiệm dân sự của bên vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tôn trọng của các bên trong hợp đồng, vừa hạn chế được việc bên có lợi thế hơn trong giao kết hợp đồng lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm dân sựthì cần phải đánh giá tính hợp lý của thỏa thuận đó. Do đó, một thỏa thuận về căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý nếu như hành vi vi phạm hợp đồng không phải do lỗi cố ý.Bởi, nếu hành vi vi phạm là do lỗi cố ý thì sự vi phạm đó được coi là một vi phạm nặng và điều khoản về miễn trừ trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng sẽ bị vô hiệu.Điều này cũng phù hợp với pháp luật một số nước trên thế giới, ví dụ như: án lệ Pháp cho phép các bên trong quan hệ dân sự có những thỏa thuận về miễn trừ trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp bên giao kết phạm lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng thì thỏa thuận đó không có giá trị pháp lý. Tại khoản 4, Điều 401 Bộ luật dân sự Cộng hòa liên bang Nga cũng quy định về việc thỏa thuận trước về hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm dân sự, và trong trường hợp bên vi phạm có lỗi cố ý thì thỏa thuận đó không có giá trị pháp lý,…

3. Về trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự thì “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tuy nhiên nội dung này lại được quy định trong phần “Thời hiệu”, là căn cứ để xác định “…chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu” chứ không thấy đề cập đến trong phần “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự”. Điều này dẫn tới việc nhận thức không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án liên quan, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự.

Do đó, để được miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, pháp luật dân sự cần phải có quy định cụ thể, chặt chẽ về những điều kiện để áp dụng “sự kiện bất khả kháng” khi giải quyết tranh chấp hợp đồng. Những điều kiện đó là:

a)Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể dự liệu trước được và nằm ngoài ý chí của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Đó có thể là các hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, sóng thần,… cũng có thể là các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách chính phủ,… Ngoài ra, trong thực tiễn, các bên tham gia giao kết hợp đồng còn có thể đưa ra những sự kiện khác là những sự kiện bất khả kháng làm căn cứ để miễn trách nhiệm dân sự (hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng) như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng,… Những sự kiện này, về mặt lý luận thì không được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên không có thỏa thuận; trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì pháp luật ghi nhận và tôn trọng các thỏa thuận đó.

b)Sự kiện bất khả kháng phải xảy ra sau khi các bên giao kết hợp đồng;

c)Sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng phải có mối quan hệ nhân quả. Trong đó, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân, còn hành vi vi phạm là kết quả. Bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng phải chứng minh được sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của việc vi phạm hợp đồng. Nếu không chứng minh được thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự. Nghĩa vụ chứng minh của bên vi phạm hợp đồng nhằm bảo đảm lợi ích cho bên có quyền, tránh trường hợp bên có nghĩa vụ lợi dụng sự kiện bất khả kháng để thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên có quyền.

d)Các bên trong quan hệ hợp đồng đã dùng hết khả năng để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được. Hợp đồng được giao kết bởi lợi ích mà các bên hướng tới, để bảo đảm cho lợi ích đó, các bên phải tận tâm, thiện chí thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu bên có nghĩa vụ có khả năng khắc phục, hạn chế thiệt hại xảy ra mà lại không thực hiện, để mặc cho hậu quả xảy ra thì cho dù có sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng cũng không được miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm hợp đồng phải chứng minh được mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng sẵn có để khắc phục hậu quả xảy ra mà vẫn không thể khắc phục được và do việc không khắc phục được đó mà dẫn đến vi phạm hợp đồng. Quy định này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên có nghĩa vụ trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

e) Các bên tham gia giao kết hợp đồng không có thỏa thuận khác trong hợp đồng. Tự do, bình đẳng, thỏa thuận là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, do đó, thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng không trái với pháp luật, đạo đức xã hội luôn được Nhà nước tôn trọng. Chính vì vậy, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phải chịu trách nhiệm dân sự kể cả trong trường hợp sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng không được miễn trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng

Thêm nữa, nếu khi ký kết hợp đồng, các bên đã tiên liệu trước các sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra thì khi bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng đó cũng sẽkhông được miễn trừ trách nhiệm dân sự. Bởi nếu đã biết trước sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra mà vẫn giao kết hợp đồng nghĩa là các bên đã có biện pháp bảo đảm cho hợp đồng được thực hiện hoặc là bên có nghĩa vụ chấp nhận rủi ro.

Ngoài ra, cần phải có quy định cụ thể về việc bên vi phạm có nghĩa vụ phải thông báo cho bên bị vi phạm hợp đồng biết về sự kiện bất khả kháng. Việc thông báo về sự kiện bất khả kháng cho bên bị vi phạm cũng đã là một trong những căn cứ để chứng minh bên vi phạm thực sự gặp phải sự kiện bất khả kháng đó.

4. Về trường hợp cả hai bên chủ thể hợp đồng cùng có lỗi:

Bộ luật dân sự 2005 không có quy định về trường hợp thiệt hại xẩy ra do lỗi của cả hai bên, do đó thiếu cơ sở pháp lý khi giải quyết tranh chấp, trong khi đây là trường hợp khá phổ biến trong thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp do vi phạm hợp đồng. Khi gặp các trường hợp này, Tòa án sẽ xem xét cụ thể mức độ lỗi của các bên vi phạm nghĩa vụ để quyết định mức độ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2005 cũng chỉ quy định lỗi cố ý và lỗi vô ý (Điều 308) mà chưa có quy định cụ thể về các hình thức lỗi (cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp; vô ý vì cẩu thả hay vô ý vì quá tự tin). Các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự cũng không đề cập đến nội dung này, cũng không đưa ra các tiêu chí để xác định mức độ lỗi. Do đó, việc xem xét mức độ bồi thường thiệt hại hay mức giảm bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Tòa án hoặc các cơ quan tài phán khác.

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên về chế định miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, Bộ luật dân sự sửa đổi tới đây nên quy định cụ thể vấn đề miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng và sự kiện bất khả kháng thành những điều luật riêng theo hướng thống nhất các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành về vấn đề này. Theo chúng tôi, những điều luật có thể được quy định như sau:

“Điều… Các trường hợpmiễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng .

1. Các trường hợp miễn trừ một phần trách nhiệm dân sự:

- Các bên có thỏa thuận trong hợp đồng;

- Cả hai bên chủ thể hợp đồng cùng có lỗi.

2. Các trường hợp miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự:

- Các bên có thỏa thuận trong hợp đồng;

- Sự kiện bất khả kháng;

- Bên vi phạm nghĩa vụ không có lỗi;

- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

3. Thỏa thuận giữa các bên chủ thể giao kết hợp đồng về miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý nếu như hành vi vi phạm hợp đồng không phải do lỗi cố ý.

4. Trường hợp cả hai bên cùng có lỗi thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”



“Điều…: Sự kiện bất khả kháng”[1]

1. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

2. Sự kiện bất khả kháng được coi là căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng khi có đủ các điều kiện: Xảy ra một cách khách quan, không thể dự liệu trước được và nằm ngoài ý chí của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng; xảy ra sau khi các bên giao kết hợp đồng; sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng phải có mối quan hệ nhân quả; các bên trong quan hệ hợp đồng đã dùng hết khả năng để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được và các bên tham gia giao kết hợp đồng không có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên có nghĩa vụ phải kịp thời thông báo cho bên có quyền trong hợp đồng dân sự.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến