Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

TỔNG QUAN MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG TRONG PHẦN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)



1. Định hướng chung

1.1. Mục tiêu

Có ba mục tiêu cơ bản trong kết cấu và xây dựng phần Những quy định chung của Bộ luật dân sự (sửa đổi):

(1) Nó là phần quy định những nguyên lý cơ bản nhất của hệ thống luật tư – luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được thiết lập trên nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể;

(2) Các quy định của Phần này là điều khoản chung về chủ thể, giao dịch, đối tượng, đại diện, thời hạn, thời hiệu cho các phần, chế định còn lại của Bộ luật dân sự và là điều khoản mang tính nguyên tắc cho các văn bản pháp luật thuộc hệ thống luật tư của Việt Nam. Trong trường hợp các văn bản luật tư không quy định hoặc quy định không cụ thể về giải quyết một quan hệ tư thì những quy định của phần Những quy định chung phải đảm bảo được vai trò là căn cứ để Tòa án công nhận và bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể;

(3) Đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự và hoàn thiện hệ thống pháp luật tư.

1.2. Quan điểm

Để thực hiện mục tiêu trên, những quan điểm cơ bản sau đây cần được đặt ra:

- Thứ nhất, đảm bảo Bộ luật dân sự là luật của quan hệ thị trường, ghi nhận một cách nhất quán, triệt để nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên yếu thế; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập các quan hệ dân sự;



-Thứ hai, đảm bảo tính thống nhất, tính khái quát và tính dự báo của hệ thống pháp luật, để vừa bảo đảm tính ổn định của Bộ luật dân sự, vừa đáp ứng được sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật và các văn bản pháp luật khác thuộc lĩnh vực tư;

- Thứ ba, quy định dựa trên những luận cứ khoa học, học thuyết pháp lý đã được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội của Việt Nam. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm trong kết cấu, nội dung của các Bộ luật dân sự trước đây và hiện hành của Việt Nam[2]. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm về kết cấu, nội dung Bộ luật dân sự của các nước có truyền thống về pháp luật dân sự (Đức, Pháp, Nhật…) và của các nước có điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Thái Lan, Cam – Phu – Chia, Philippines…);

- Thứ tư, những vấn đề pháp lý không ổn định, thường phụ thuộc vào sự biến động của kinh tế – xã hội không quy định vào trong Bộ luật dân sự nói chung, phần Những quy định chung nói riêng mà nên quy định ở các văn bản pháp luật riêng để đảm bảo sự ổn định của các quy định trong Bộ luật dân sự, cũng như chính sách nhất quán của Nhà nước đối với các quan hệ tư và trong điều chỉnh quan hệ tư.

Đồng thời, rà soát để không quy định trùng lặp giữa phần Những quy định chung với các phần còn lại của Bộ luật dân sự và các văn bản luật chuyên ngành thuộc hệ thống luật tư. Những quy định thuộc điều khoản chung trong lĩnh vực luật tư thì cần kết cấu thống nhất trong phần Những quy định chung, không quy định lại hoặc bổ sung trong các phần còn lại của Bộ luật dân sự và trong các văn bản luật chuyên ngành;

- Thứ năm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế (thông lệ quốc tế và điều ước quốc tế) trong lĩnh vực dân sự.

2. Kết cấu

Trên cơ sở kế thừa có sửa đổi, bổ sung kết cấu của phần Những quy định chung của Bộ luật dân sự năm 2005[3], phần Những quy định chung Bộ luật dân sự (sửa đổi) được kết cấu như sau:[4]

Chương 1. Hiệu lực của Bộ luật dân sự

Chương 2. Những nguyên tắc cơ bản

Chương 3. Cá nhân

Mục 1. Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Mục 2. Quyền nhân thân

Mục 3. Nơi cư trú

Mục 4. Giám hộ

Mục 5. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết

Tiểu mục 1. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú

Tiểu mục 2. Tuyên bố mất tích

Tiểu mục 3. Tuyên bố chết

Chương 4. Pháp nhân

Mục 1. Thành lập pháp nhân

Mục 2. Hoạt động của pháp nhân

Mục 3. Tổ chức lại pháp nhân và chấm dứt pháp nhân

Chương 5. Tài sản

Chương 6. Giao dịch (Hành vi pháp lý)

Chương 7. Đại diện

Chương 8. Thời hạn và thời hiệu

Mục 1. Thời hạn

Mục 2. Thời hiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến