Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Từ hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa, tác giả bài viết đưa ra cách hiểu về khái niệm văn hóa gia đình: những đặc trưng, quy luật hình thành và phát triển; cấu trúc, chức năng; đối tượng và các nội dung nghiên cứu của văn hóa gia đình. Hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa gia đình co thể giúp cho các nhà nghiên cứu xã hội học gia đình có thêm những cơ sở khoa học cho việc triển khai các công trình nghiên cứu văn hóa gia đình và sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Văn hóa gia đình là một nội dung quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình. Nghiên cứu văn hóa gia đình giúp chúng ta có cơ sở khoa học để hiểu đúng bản chất và truyền thống của gia đình Việt Nam, thấy được những nét tương đồng và khác biệt giữa gia đình Việt Nam với gia đình các dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó chúng ta có thể tìm kiếm những giải pháp và chiến lược phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần củng cố sự bền vững của gia đình, giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu văn hóa gia đình còn giúp chúng ta hiểu được bản chất văn hóa Việt Nam, bởi vì gia đình Việt Nam là một thiết chế nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống, có chức năng lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để nghiên cứu văn hóa gia đình thì việc xác định khái niệm văn hóa gia đình, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng.



Nhược điểm của các công trình nghiên cứu về văn hóa gia đình ở Việt Nam từ trước đến nay là chưa đưa ra được một định nghĩa đầy đủ và một cách giải thích thuyết phục về khái niệm văn hóa gia đình. Điều này đã gây ra khó khăn cho việc xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu cảu văn hóa gia đình.

Một số nhà nghiên cứu đôi khi “lờ đi” hoặc mặc nhiên coi khái niệm văn hóa gia đình đã được mọi người ngầm hiểu. Kết quả là càng ngày càng có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa gia đình và khái niệm văn hóa gia đình vốn đã mù mờ càng trở nên mù mờ hơn.

Một số tác giả định nghĩa văn hóa gia đình bằng cách liệt kê hàng loạt các yếu tố được coi là thuộc về văn hóa gia đình như cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau, các quan hệ đạo lý, chuẩn mực, khuôn phép trong sinh hoạt, các quan hệ tình cảm vợ chồng, việc chăm sóc giáo dục con cái, việc thờ cúng tổ tiên, quan hệ giữa gia đình với xóm giềng, bạn bè… (Tạ Văn Thành, 1997; Vũ Ngọc Khánh, 1998). Kết quả là khái niệm này trở nên quá rộng, có nguy cơ bao chứa tất cả các vấn đề, các hiện tượng có liên quan đến gia đình. Mặt khác, phương pháp liệt kê các yếu tố không chỉ ra được những đặc trưng bản chất của khái niệm văn hóa gia đình, đồng nhất văn hóa gia đình với tất cả những biểu hiện của đời sống và sinh hoạt gia đình.

Các tác giả khác quy văn hóa gia đình thành các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của đời sống gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải chấp nhận tuân theo và có nghĩa vụ thực hiện (Lê Minh, 1997; Lê Như Hoa, 2001). Cách tiếp cận này coi văn hóa gia đình là một mục tiêu tốt đẹp mà mỗi gia đình cần phải phấn đấu để đạt tới. Ở đây văn hóa gia đình thuộc về phạm trù những cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đối lập với những cái sai, cái không tốt, cái xấu. Nói cách khác, cái văn hóa đối lập với cái phản văn hóa. Cách tiếp cận này được chấp nhận rộng rãi trong đời sống thực tế và là cơ sở để tiến hành cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta nhiều thập kỷ qua gắn với các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Tuy nhiên cách tiếp cận trên đây đã đơn giản hóa khái niệm văn hóa gia đình, làm cho văn hóa gia đình nghiêng về khía cạnh đạo đức, chính trị nhiều hơn là khía cạnh văn hóa. Ở đây, văn hóa gia đình trở thành sản phẩm chủ quan của ý chí con người, chứ không phải là hệ quả khách quan của quá trình tương tác giữa những con người với nhau trong bối cảnh của một môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội nhất định.

Với tư cách là một phạm trù khái niệm, văn hóa gia đình có các đặc trưng, quy luật hình thành và phát triển, cấu trúc và chức năng của nó.

Do văn hóa gia đình là một bộ phận không thể tách rời và là một dạng đặc thù của văn hóa cộng đồng, cho nên để có thể hiểu về khái niệm văn hóa và chức năng của văn hóa gia đình cần phải hiểu khái niệm văn hóa nói chung. Trong phạm vi bài viết này văn hóa và văn hóa gia đình được xem xét từ hướng tiếp cận xã hội học.

2. Quan điểm xã hội học về văn hóa và văn hóa gia đình

Văn hóa là một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất trong xã hội học. Tuy nhiên khái niệm văn hóa trong xã hội học khác với cách hiểu văn hóa trong tư duy thông thường. Trong giao tiếp hàng ngày người ta có xu hướng coi “văn hóa” là thuộc về phạm trù những cái đúng, cái tốt, cái đẹp hoặc văn hóa đồng nghĩa với những cái gì đó cao siêu như nghệ thuật, văn học, âm nhạc, hội họa…

Theo quan điểm xã hội học, văn hóa là đặc điểm riêng của con người và xã hội loài người. Văn hóa là tập hợp những hành vi và quan niệm mà con người học hỏi được với tư cách là thành viên của xã hội. Con người dùng văn hóa để thích ứng với thế giới trong họ đang sống và để thay đổi nó. Do đó văn hóa là khái niệm trung tâm dùng để giải thích lý do các hành vi của con người. Văn hóa có đặc điểm là do học hỏi mà có và cùng chia sẻ với người khác. Trong phần lớn trường hợp, văn hóa thường được học hỏi trong một nhóm người, có quan hệ xã hội tương đối gần gũi. Mỗi cộng đồng người có một truyền thống văn hóa riêng của mình. Có bao nhiêu cộng đồng người thì có bấy nhiêu truyền thống văn hóa. Mỗi truyền thống đó óc thể được gọi là một nền văn hóa riêng, mặc dù biên giới ngăn cách giữa các nền văn hóa không dễ dàng xác định.

Văn hóa là một thuộc tính của xã hội và thuộc về xã hội, vì thế không có văn hóa thì không có xã hội cũng như không có xã hội không có văn hóa. Mỗi xã hội có một nền văn hóa riêng nhưng tất cả các xã hội đều thông qua sử dụng những công cụ chung hay những yếu tố phổ biến để thể hiện văn hóa riêng của mình. Những yếu tố phổ biến của văn hóa là giá trị, chuẩn mực, biểu tượng và ngôn ngữ. Trong tất cả các biểu tượng của con người thì ngôn ngữ là hình thức phát triển cao nhất. Nó cho phép con người chia sẻ ý nghĩ, tư tưởng, kinh nghiệm, tình cảm và những ước muốn… Không có ngôn ngữ sẽ không truyền đạt được văn hóa. Ngôn ngữ là chìa khóa để hiểu bất cứ nền văn hóa nào và bất cứ xã hội nào.

Các nhà xã hội học thường đề cập đến các yếu tố chuẩn mực và giá trị với tư cách là hiện thân của văn hóa. Theo Robert Merton, văn hóa là “tập hợp các giá trị chuẩn mực có tổ chức điều khiển hành vi, có tính chất chung nhất đối với mọi thành viên của một xã hội nhất định hay một nhóm xã hội nhất định” (dẫn theo Vũ Quang Hà, 2001: 169).

Talcott Parsons (1951) coi văn hóa là nhân tố chính liên kết các nhân tố khác của xã hội, hoặc theo thuật ngữ của ông, hệ thống hành động xã hội. Trong một hệ thống xã hội, văn hóa được biểu hiện trong các chuẩn mực và các giá trị (dẫn theo George Ritzer, 2000: 448).

Anthony Giddens (2001) coi văn hóa là yếu tố gắn kết các cá nhân với nhau. Nó được biểu hiện trong hệ thống các giá trị và các chuẩn mực. Theo Giddens, giá trị (values) là những ý niệm trừu tượng xác định cái gì được coi là quan trọng, đánh giá và đáng ao ước trong phạm vi một nền văn hóa. Còn chuẩn mực (norm) là các qui tắc ứng xử phản ánh những giá trị của một nền văn hóa. Các giá trị và các chuẩn mực định hướng cho các thành viên của một nền văn hóa phải ứng xử như thế nào với môi trường xung quanh họ. Giá trị và chuẩn mực mang dấu ấn sâu sắc nhưng có thể thay đổi theo thời gian.

Các nhà xã hội học có xu hướng sử dụng thuyết tương đối văn hóa, tức là cố gắng tìm hiểu một nền văn hóa bằng chính những giá trị và chuẩn mực của nền văn hóa đó. Thuyết tương đối văn hóa đối lập với chủ nghĩa dân tộc (Ethno – centrism) là thói quen phán xét các nền văn hóa khác bằng cách so sanh qui chiếu với nền văn hóa của dân tộc mình. Những người theo chủ nghĩa dân tộc trung tâm thườn có cảm giác bất ngờ và khó chịu khi tiếp xúc với những tập tục văn hóa xa lạ. Cảm giác đó còn được gọi là “cú sốc văn hóa”.

Việc sử dụng thuyết tương đối văn hóa cho thấy dưới con mắt của các nhà xã hội học tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng với nhau và có giá trị như nhau dù rất khác nhau. Việc sử dụng thuyết tương đối văn hóa không có ý nghĩa là chấp nhận vị trí của quyết định luận văn hóa. Theo quan điểm xã hội học, các nền văn hóa không bao giờ biệt lập mà luôn diễn ra quá trình tiếp xúc văn hóa, ảnh hưởng, tác động qua lại và học hỏi lẫn nhau. Biên giới giữa các nền văn hóa là không rõ ràng. Ngay trong nội bộ của một nền văn hóa cũng không phải là một thực thể thuần nhất, không chứa đựng những mâu thuẫn và bất đồng. Và những con người trong một nền văn hóa không tiếp thu các khuôn mẫu văn hóa một cách thụ động trong một thê giới quan duy nhất. Ngược lại con người có xu hướng cải tạo các khuôn mẫu lạc hậu và sáng tạo ra những khuôn mẫu mới phù hợp với hoàn cảnh, tạo nên sự biến đổi của văn hóa.

Như vậy, nghiên cứu văn hóa có hai nội dung quan trọng:

1/ Phát hiện ra những giá trị, chuẩn mực đặc trưng của nền văn hóa được nghiên cứu.

2/ Nghiên cứu sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực và quá trình hình thành các giá trị, chuẩn mực mới của nền văn hóa.

Nếu coi văn hóa là gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, thì văn hóa gia đình, một bộ phận không tách rời của văn hóa chung cũng sẽ bao gồm tất cả những gì làm cho gia đình cả một cộng đồng này, xã hội này, dân tộc này, khu vực này khác với gia đình của các cộng đồng, xã hội, dân tộc, khu vực khác. Sự khác biệt đó không phải ngẫu nhiên, tình cờ mà nó được qui định bởi hàng loạt những yếu tố khách quan về đời sống vật chất, tinh thần, chế độ xã hội, môi trường tự nhiên của mỗi cộng đồng người, tồn tại lâu dài trong lịch sử, để lại dấu ấn đặc biệt trong đời sống xã hội và gia đình, tạo thành cái được gọi là bản sắc văn hóa. Một dân tộc chỉ được coi là có một nền văn hóa riêng khi chứng minh được bản sắc văn hóa của mình. Cũng như vậy, khi nói đến văn hóa gia đình là phải chứng minh được bản sắc của nó. Chẳng hạn những nét khu biệt giữ gia đình phương Đông và gia đình phương Tây, gia đình Việt Nam và gia đình các nước Á Đông khác cùng ảnh hưởng Nho giáo, hay sự khác biệt giữa gia đình người Kinh và gia đình các dân tộc Thái, Tây, Mường, gia đình theo chế độ phụ quyền và gia đình theo chế độ mẫu quyền các dân tộc Ede, Mnông…

Những nét khu biệt, tính đặc thù hay bản sắc của gia đình là đối tượng nghiên cứu của văn hóa gia đình.Văn hóa gia đình nghiên cứu những dấu ấn để lại trong đời sống vật chất, tinh thần của gia đình được biểu hiện thông qua các mối quan hệ, cấu trúc, chức năng, sinh hoạt, đời sống tâm linh… của gia đình. Đó là những dấu ấn được duy trì qua lịch sử, trở thành truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý, chi phối hành vi, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với xã hội, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những dấu ấn để lại trong đời sống gia đình ở các cộng đồng, quốc gia, dân tộc không giống nhau, tạo nên tính đa dạng của văn hóa gia đình. Sự hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa quốc tế làm cho các nước có xu hướng hợp tác, liên kết và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, bởi vì một trong những yếu tố hình thành nên văn hóa đó là môi trường tự nhiên. Sự gắn bó và phụ thuộc của văn hóa vào môi trường tự nhiên làm cho văn hóa không thể xuất khẩu được, trong khi văn minh, một bộ phận của văn hóa lại có thể xuất khẩu được vì nó độc lập với môi trường tự nhiên. Chính vì thế mà nhiều quốc gia có trình độ văn minh như nhau nhưng văn hóa thì vẫn khác nhau.

Sự thích ứng văn hóa và biến đổi văn hóa cũng thuộc phạm vi nghiên cứu của văn hóa gia đình. Nghiên cứu sự thích ứng văn hóa là nghiên cứu quá trình tiếp thu, truyền thụ các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác diễn ra như thế nào. Nghiên cứu sự biến đổi văn hóa gia đình là nghiên cứu quá trình cải tạo và thay đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình truyền thống nhờ sự tiếp xúc và học hỏi các nền văn hóa khác. Nếu gia đình chỉ tiếp thu thụ động mà không phê phán, không sáng tạo và không thay đổi văn hóa của chính mình thì không thể duy trì và phát triển được văn hóa của mình.

Các thành tố của văn hóa gia đình không tồn tại một cách cô lập mà liên kết với nhau tạo thành một hệ thống thực hiện các chức năng của văn hóa gia đình. Đó là các chức năng truyền tải văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác; duy trì sự cân bằng của đời sống gia đình; bảo đảm sự tiếp nối văn hóa, chống sự đứt đoạn văn hóa; giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa và chức năng hình thành các giá trị văn hóa mới. Các chức năng của văn hóa gia đình là đối tượng nghiên cứu của văn hóa gia đình.

Từ sự phân tích đặc trưng, qui luật hình thành và phát triển, cấu trúc và chức năng của văn hóa gia đình, có thể định nghĩa văn hóa gia đình như sau:

Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc và các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội.

3. Tính liên tục và sự biến đổi của văn hóa gia đình

Trong tất cả các thời kỳ lịch sử đã qua, gia đình Việt Nam là nơi lưu giữa và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên như trên đã nói, văn hóa và bản sắc văn hóa không phải là một mô hình bất biến. Văn hóa gia đình có qui luật hình thành và phát triển riêng.

Văn hóa gắn bó với một cộng đồng người và là sản phẩm của một cộng đồng người. Nhưng các cộng đồng người không cô lập về văn hóa với các cộng đồng người khác, mà luôn diễn ra quá trình trao đổi văn hóa. Cho nên văn hóa được hình thành và phát triển dựa trên hai yếu tố: đó là yếu tố bản địa và quá trình tiếp xúc văn hóa. Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa nền văn hóa bản địa nảy sinh từ xã hội sản xuất nông nghiệp lúa nước với hệ thống tư tưởng Nho giáo Trung Quốc với triết lý đạo Phật về gia đình. Xã hội càng phát triển, sự tiếp xúc văn hóa càng tăng lên. Gia đình Việt Nam không chỉ tiếp xúc với mô hình gia đình Nho giáo Trung Quốc mà sau này còn tiếp xúc với văn hóa Pháp, văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa Mỹ và các nước phương Tây.

Sự tiếp xúc văn hóa dẫn đến việc học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Hai điều kiện để các nền văn hóa thâm nhập lẫn nhau đó là có một quá trình tiếp xúc lâu dài và có sự tự nguyện của nền văn hóa bản địa để biến cái ngoại sinh thành cái nội sinh. Đó là quá trình thích ứng và biến đổi hay còn gọi là quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là qui luật của bất kỳ nền văn hóa nào để tồn tại và phát triển. Và đó cũng là tính tương đối của văn hóa. Nhờ co tính tương đối văn hóa mà con người có thể hiểu được nền văn hóa khác và có thể tiếp thu được những tinh hoa của nền văn hóa khác làm phong phú cho nền văn hóa của chính mình. Ngày nay một nền văn hóa có thể tồn tại song hành cả những giá trị truyền thống và những giá trị hiện đại, vừa giữ gìn, duy trì kế thừa truyền thống, vừa biến đổi để phát triển văn hóa. Đó là tính liên tục và sự biến đổi của văn hóa.

Những nét đẹp văn hóa của gia đình truyền thống Việt Nam sẽ còn lưu giữ và lưu giữ được bao nhiêu? Giá trị đó có ảnh hưởng như thế nào trong xu thế phát triển mới của xã hội, đặc biệt trước những biến đổi rất lớn của cơ chế kinh tế thời hội nhập? đây là một trong những đề tài lớn đang được xã hội hết sức quan tâm.

Xã hội chuyển đổi bao giờ cũng đặt ra sự chuyển đổi chung của những giá trị, chuẩn mực. Các giá trị, chuẩn mực là đặc trưng của văn hóa. Sự biến đổi này nằm ở hai dạng thức. Đó là duy trì hoặc cải tạo, thay thế những giá trị cũ, lạc hậu, không thích hợp với xã hội mới và tạo ra giá trị mới.

Việc duy trì các giá trị cũ là điều tự nhiên của văn hóa, chứ không phải cố gắng để cho nó tồn tại. Văn hóa là một sự tiếp nối. Ngày xưa người ta sống như thế nào thì bây giờ người ta vẫn tiếp tục sống như thế và chỉ thay đổi những gì không thích hợp. Sự tiếp nối này giúp cho văn hóa không bị đứt đoạn, bảo đảm sự ổn định của xã hội. Bởi vì những giá trị, chuẩn mực được tạo ra từ rất lâu đời, nếu đột ngột bỏ đi thì tạo ra cú sốc. Mặt khác, văn hóa truyền thống có nhiều mặt tích cực cần được phát huy trong xã hội hiện đại. Ví dụ chuyện tình nghĩa vợ chồng là một giá trị đạo đức rất cao đẹp của người xưa. Người ta lấy nhau trước hết vì cái tình nhưng sống với nhau rồi thì sinh ra cái nghĩa. CÓ cái nghĩa thì vợ chồng mới sống với nhau được, mới cảm thông và chia sẻ với nhau mọi chuyện, vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ nữa. Câu thành ngữ “tham vàng bỏ ngãi” là người xưa muốn lên án những người chạy theo lợi ích vật chất mà quên mất tình nghĩa vợ chồng.

Nhiều giá trị của gia đình truyền thống không còn phù hợp thì cần phải cải tạo, thay đổi để chống sự trì trệ văn hóa. Ví dụ ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân, hay chữ hiếu là con cái không được xa rời bố mẹ, phải ở quây quần trong một nhà, nghe theo lời bố mẹ bất kể đúng sai, hiếu là phải có con trai để nối dõi tông đường…. Nhưng ngày nay, hôn nhân là do con cái tự tìm hiểu và quyết định và chữ hiếu được vận dụng sáng tạo hơn, không nặng nề như xưa mà chủ yếu là ở việc biết ơn cha mẹ, sự kính trọng và tình yêu thương chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Các giá trị truyền thống như tình thương, trách nhiệm, hòa thuận, chung thủy… bản thân tên gọi rất hay và cần được lưu giữ, nhưng nội hàm của các giá trị đó đã có sự thay đổi bởi vì một khái niệm đều có những chiều cạnh tích cực và không tích cực. Ví dụ nói về hòa thuận, vì người ta quá mải mê với yếu tố hòa thuận cho nên dễ bỏ qua chiều cạnh bạo lực của người chồng đối với người vợ. Để hòa thuận người vợ sẵn sàng nín nhịn, chịu đựng và vì vậy, quá nhấn mạnh hòa thuận, người ta quên mất quyền lợi của người phụ nữ. Chữ chung thủy cũng có hai mặt của nó. Người xưa nhấn mạnh chung thủy về phía người vợ trong khi nới lỏng hơn với người chồng, thậm chí ca ngợi và đánh giá cao người đàn ông có nhiều vợ. Vì thế mới có câu: trai tài thì lấy năm, bảy vợ; gái chính chuyên thì chỉ có một chồng. Hiện nay việc cha mẹ sống cùng con cái trong các gia đình mở rộng ba thế hệ như trong xã hội truyền thống là chuyện khó thực hiện hơn so với trước đây. Cấu trúc gia đình trong xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi do quy mô gia đình ngày càng thu nhỏ, số con của mỗi cặp vợ chồng ít hơn, thanh niên đi tìm kiếm công ăn việc làm xa nhà nhiều hơn, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào sản xuất và hoạt động xã hội, nhu cầu cá nhân, riêng tư tăng lên… Những thay đổi này làm cho mô hình gia đình hạt nhân tăng lên trong khi gia đình mở rộng ba, bốn thế hệ giảm đi. Chính vì thế cần phải có những giải pháp trung hòa hơn.

Biến đổi kinh tế xã hội và giao lưu văn hóa quốc tế đang mang đến cho gia đình Việt Nam nhiều giá trị văn hóa mới mà tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký vào hai Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của phụ nữ và trẻ em. Đó là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (năm 1980) và Công ước quyền trẻ em (năm 1990). Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 và 2010, Chương trình hành động quốc gia về trẻ em Việt Nam năm 1990 – 2000, 2001 – 2010. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1991, 2004) và Luật phổ cập giáo dục tiểu học (1991). Những văn bản pháp lý này khẳng định quyết tâm của Nhà nước và nhân dân ta trong việc đề cao và thực hiện các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em. Những giá trị tư tưởng nhân văn mới này đã tác động sâu sắc đến tế bào cơ sở của xã hội là gia đình, được gia đình tiếp nhận.

Việc tiếp nhận giá trị bình đẳng giới thể hiện ở sự thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới trong gia đình. Người vợ và người chồng đều có quyền tham gia các quá trình sản xuất và hoạt động xã hội, bình đẳng về cơ hội phát triển, có tiếng nói và có quyền quyết định như nhau đối với những công việc quan trọng và tài sản chung và cùng nhau chia sẻ công việc gia đình. Bình đẳng giới còn thể hiện ở sự thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, quý con trai hơn con gái. Xu hướng ngày nay càng thể hiện rõ ràng hơn trong việc cha mẹ đầu tư cho con cái của họ học càng cao càng tốt mà không phân biệt con trai hay con gái.

Cùng với bình đẳng giới, quyền trẻ em là giá trị nhân văn mới nhanh chóng được gia đình Việt Nam tiếp nhận. Trước hết là sự thay đổi trong quan niệm của các cặp vợ chồng về giá trị của đứa con. Trước đây con cái được coi là tài sản riêng của bố mẹ, là sức lao động và nguồn của cải của bố mẹ. Càng nhiều con càng có nhiều sức lao động do đó sẽ tạo ra được nhiều của cải cho gia đình. Các cặp vợ chồng luôn mong muốn có nhiều con vì “nhiều con nhiều của”, “mỗi con mỗi lộc”. Do con cái được coi là tài sản riêng của cha mẹ nên cha mẹ có toàn quyền quyết định số phận của con cái. Trong quan hệ cha mẹ con cái, thì con cái phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ, không có ý kiến riêng, không được quyền tham dự vào những công việc của gia đình, kể cả những công việc có liên quan đến bản thân như chuyện học hành, nghề nghiệp, hôn nhân… Ngày nay, quan niệm này đã thay đổi về căn bản. Đứa con chuyển từ giá trị kinh tế sang giá trị tinh thần. Việc đầu tư cho con cái là nhằm phát triển và hoàn thiện con người (với chi phí lớn cho nuôi dưỡng, học tập, đào tạo nghề nghiệp kéo dài nhiều năm). Nguồn của cải không chảy từ con cái vào cha mẹ mà chảy từ cha mẹ vào con cái. Bên cạnh những bổn phận với cha mẹ, trẻ em có tất cả các quyền của một con người và của một trẻ em trong quan hệ đối với cha mẹ. Trẻ em không phân biệt trai gái, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng, đều được nuôi dưỡng, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Trong gia đình, cha mẹ là người trước tiên chịu trách nhiệm trước pháp luật về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, dành những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em.

4. Kết luận

Cho đến nay, khái niệm văn hóa gia đình còn có những cách giải thích khác nhau. Quan điểm xã hội học về văn hóa và văn hóa gia đình có thể giúp cho những người nghiên cứu có được một cách nhìn đầy đủ hơn về cấu trúc, đối tượng, phạm vi, nội dung nghiên cứu của văn hóa gia đình. Những biến đổi kinh tế xã hội, công nghiệp hóa và hội nhập tạo nên những giá trị mới của gia đình nhưng không làm mất đi những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Đó là tính liên tục và sự biến đổi của văn hóa gia đình. Việc hiểu rõ các đặc trưng của văn hóa gia đình, tính liên tục và xu hướng biến đổi của văn hóa gia đình là cơ sở xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam hiện đại.

Tài liệu tham khảo

Tạ Văn Thành, 1997, Văn hóa gia đình và gia đình văn hóa. Trong: Bộ Văn hóa Thông tin, 1997. Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 162-167.

Lê Minh, 1997. Phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội. Nxb Lao Động Hà Nội.

Lê Như Hoa, 2001, Văn hóa gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

Vũ Ngọc Khánh, 1998. Văn hóa gia đình. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

Vũ Quang Hà, 2001. Các lý thuyết xã hội học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Anthony Giddens, 2001. Sociology. Polity.

Ritzer, 2000. Classical sociological Theory. Third Edition. Mc. Graw Hill.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến