Nhằm đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ngày 15/11/2012, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 99). Nghị định 99 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2012 và thay thế Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 132) và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132.
Nghị định 99 có nhiều điểm thay đổi so với Nghị định 132 và việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại (NHTM) như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, MHB. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin giới thiệu những thay đổi chủ yếu của cơ chế phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo Nghị định 99 và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
1. Mở rộng đối tượng doanh nghiệp áp dụng cơ chế phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước
Khắc phục bất cập của Nghị định 132 chỉ áp dụng đối với các công ty nhà nước (doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), chưa bao quát hết việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhiều công ty nhà nước đã được cổ phần hóa, Nghị định 99 đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Theo Nghị định 99, việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được quy định đối với từng nhóm doanh nghiệp sau đây: (i) Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ; (ii) Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; và (iii) Doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn đầu tư nhưng nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ. Đồng thời, căn cứ vào tỷ trọng vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, Nghị định 99 đã có các quy định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.
2. Về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu) được quy định một cách chặt chẽ, toàn diện và có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các chủ thể quản lý, vì đây là các doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư và sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và cũng thường là các doanh nghiệp rất lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế như các tập đoàn kinh tế (Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản, Bưu chính, Viễn thông…), tổng công ty nhà nước (Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Lương thực…), và một số doanh nghiệp quan trọng khác. Cơ chế thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại Nghị định 99 phân cấp quản lý nhiều hơn cho các Bộ quản lý ngành so với Nghị định số 132, theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giữ một số quyền quan trọng và chỉ giữ một số quyền này ở những tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty đặc biệt quan trọng. Cơ chế quản lý mới cũng tiến được một bước là xác định rõ hơn đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối và khó xác định trách nhiệm như trong thời gian vừa qua.
Việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được phân chia theo 04 cấp:
Thứ nhất, Chính phủ có trách nhiệm ban hành các quy định tạo lập khung pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, gồm các quy định về: (i) Thành lập, tổ chức lại công ty; (ii) Bổ nhiệm các chức danh quản lý; (iii) Quy chế quản lý tài chính; (iv) Chế độ tuyển dụng, tiền lương; (v) Cơ chế thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu của nền kinh tế; (vi) Chế độ giám sát, kiểm tra, thanh tra; (vii) Chế độ báo cáo và công khai tài chính; (viii) Tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh; và (ix) Điều lệ mẫu. Riêng đối với các tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng, Chính phủ ban hành Điều lệ của các doanh nghiệp này.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện 04 quyền quan trọng của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, chủ yếu liên quan đến vấn đề tổ chức và những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, gồm: (i) Quyết định thành lập, tổ chức lại; (ii) Quyết định mức vốn điều lệ, thay đổi mức vốn điều lệ; (iii) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm và (iv) Bổ nhiệm nhân sự.
Về bổ nhiệm nhân sự, khác so với Nghị định 132 (Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch, thành viên HĐTV), theo quy định của Nghị định 99, Thủ tướng Chính phủ chỉ bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV của tập đoàn kinh tế nhà nước; các chức danh quản lý khác sẽ do Bộ quản lý ngành bổ nhiệm. Đồng thời, để hạn chế việc đầu tư, thành lập các công ty con, các đơn vị phụ thuộc tràn lan, nhằm hướng doanh nghiệp tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, Nghị định số 99 cũng quy định Thủ tướng Chính phủ thực hiện phê duyệt đề án thành lập công ty con, phê duyệt chủ trương thành lập chi nhánh và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác của tập đoàn kinh tế nhà nước.
Thứ ba, Bộ quản lý ngành. Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của HĐTV tại tập đoàn, thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo 02 nhóm, gồm: (i) Trình Chính phủ về Điều lệ; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với 04 nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Trực tiếp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ còn lại của chủ sở hữu nhà nước: bổ nhiệm thành viên HĐTV, Tổng giám đốc, kiểm soát viên; phê duyệt danh mục dự án đầu tư nhóm A và B; phê duyệt chủ trương góp vốn, vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên; quyết định lương của các chức danh quản lý, điều hành…. Với vai trò là cấp trên trực tiếp của tập đoàn, Bộ quản lý ngành là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và việc chấp hành pháp luật tại tập đoàn.
Đối với các công ty thuộc Bộ quản lý, Bộ thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước từ việc quyết định thành lập, mục tiêu, ngành nghề kinh doanh (sau khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập); phê duyệt điều lệ; thực hiện sắp xếp, đổi mới (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể); quyết định vốn điều lệ, thay đổi vốn điều lệ (sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính); quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, thành viên HĐTV, Tổng giám đốc, kiểm soát viên; quyết định lương của các chức danh này; đến việc phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm; phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B; phê duyệt chủ trương góp vốn; phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên và thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 99, các Bộ tổng hợp (gồm Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội) có thêm chức năng trình Chính phủ; thẩm định hoặc cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ về những nội dung quản lý của chủ sở hữu nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, HĐTV hoặc Chủ tịch công ty là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty, thực hiện 02 nhóm quyền, trách nhiệm được phân công, gồm: (i) Trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung đã được chủ sở hữu quyết định hoặc phê duyệt; (ii) Trực tiếp thực hiện một số quyền, nghĩa vụ theo phân cấp như quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng công ty…
Hiện nay, trong ngành Ngân hàng, Ngân hàng Agribank, Nhà máy in tiền quốc gia là những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo quy định tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại ngân hàng, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Do vậy, theo quy định tại Nghị định 99, việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại Agribank, Nhà máy in tiền quốc gia sẽ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 99 như đối với công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ. Cụ thể, NHNN thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại Agribank, Nhà máy in tiền quốc gia như đã nêu trên.
3. Về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ
Các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là các doanh nghiệp có sự chi phối và nắm quyền kiểm soát của Nhà nước. Do đó, Nghị định 99 đã quy định theo hướng việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với nhóm doanh nghiệp này cũng được thực hiện một cách chặt chẽ, toàn diện tương tự như đối với nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được thực hiện thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Người đại diện).
Đối với các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa, Nghị định 99 quy định việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo 04 cấp tương tự như trường hợp doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, bao gồm quyền và nghĩa vụ của: Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; các Bộ (Bộ quản lý ngành, Bộ tổng hợp) và Người đại diện. Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp này, Bộ quản lý ngành được phân cấp nhiều quyền và nghĩa vụ hơn như thực hiện chỉ định Người đại diện; quyết định lương, thưởng của Người đại diện; kiểm tra, giám sát hoạt động của Người đại diện; chấp thuận để Người đại diện quyết định đề cử để bầu Chủ tịch HĐQT; chấp thuận để Người đại diện quyết định thành lập chi nhánh của tập đoàn….
Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Bộ, Bộ quản lý ngành thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước thông qua Người đại diện do mình chỉ định. Bộ quản lý ngành quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp tương tự như đối với nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ để Người đại diện thực hiện.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thương mại cổ phần: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MHB đều là các NHTM nhà nước đã được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (sở hữu trên 50% vốn điều lệ). Với vai trò là cơ quan được giao thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các ngân hàng này, NHNN sẽ thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo các quy định tại Nghị định 99 đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Bộ như đã nêu ở trên.
4. Về thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước không quá 50% vốn điều lệ
Đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ, việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được thực hiện theo cách thứctương tự như đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, cụ thể các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu được thực hiện thông qua Người đại diện và phụ thuộc vào mức độ vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với việc phê duyệt một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp để Người đại diện thực hiện, Nghị định 99 cũng quy định phân công, phân cấp theo các cấp như đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, các quyền, trách nhiệm của cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ tập trung vào một số quyền quan trọng gồm: (i) Chính phủ quy định chế độ quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể về việc nắm giữ, tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Còn Bộ quản lý ngành là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của Người đại diện và việc quản lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ quản lý ngành có trách nhiệm chỉ định, quản lý, chỉ đạo Người đại diện trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn tại doanh nghiệp.
5. Về việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các NHTM có vốn nhà nước.
Đối với việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các NHTM có vốn nhà nước, trong thời gian tới cần rà soát lại các quy định, quy chế có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp với quy định tại Nghị định 99. Ở đây cũng có một thực tế, NHNN vừa là cơ quan quản lý Nhà nước đối với các NHTM có vốn nhà nước, vừa là cơ quan thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng này. Ở góc độ quản lý nhà nước, NHNN được quy định thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn như chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ của TCTD (Điều 29 Luật các TCTD), chấp thuận danh sách dự kiến người được bầu, bổ nhiệm là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của TCTD (Điều 51 Luật các TCTD)… Nhưng ở góc độ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 99, NHNN cũng thực hiện nhiệm vụ quyết định mức vốn điều lệ, thay đổi mức vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm thành viên HĐTV, Tổng giám đốc, đề cử người để bầu thành viên HĐQT đối với các NHTM có vốn của nhà nước… Như vậy, khi rà soát, chỉnh sửa các quy định, quy chế có liên quan, NHNN cần xử lý mối quan hệ giữa hai chức năng này thành một quy trình thống nhất để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, tránh những thủ tục không cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả của việc quản lý nhà nước và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại các NHTM có vốn của nhà nước.
Tìm hiểu và nghiên cứu văn bản pháp luật, luật việt nam, luật, luật sư, tư vấn luật, - tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân, thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý về doanh nghiệp...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
Chia sẻ tài liệu học lớp Luật sư. BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN HỒ SƠ DS06 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT I. ...
-
Tham khảo thêm: 5 Phần mềm trắc nghiệm sát hạch thi lý thuyết lái xe ô tô miễn phí hay nhất Toàn bộ các văn bản, bài viết có liên quan đến L...
-
Tham khảo thêm: Hướng dẫn chèn hình nền, Slide template, ClipArt cho Word, Powerpoint Hình nền, themes trang trí cho desktop và cách tự động...
-
Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất Tải về sách Ebook hư...
-
Tải về sách Ebook Luật Cán bộ, công chức, viên chức và biểu mẫu đính kèm Quy định về phụ cấp Nghị định 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công ...
-
Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở ...
-
BỘ NỘI VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: 08/2008/TT-BNV Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 T...
-
Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về) Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới...
-
Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ...
-
THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (còn gọi là chế độ tài sản giữa vợ chồng) l...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét