Luật hôn nhân và gia đình | Chương VIII - Con nuôi
Điều 67. Nuôi con nuôi
1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.
Một người có thể nhận một hoặc nhiều người làm con nuôi.
Giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật này.
2. Nhà nước và xã hội khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị tàn tật làm con nuôi.
3. Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Điều 68. Người được nhận làm con nuôi
1. Người được nhận làm con nuôi phải là người từ mười lăm tuổi trở xuống.
Người trên mười lăm tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn.
2. Một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Điều 69. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên;
3. Có tư cách đạo đức tốt;
4. Có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
5. Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Điều 70. Vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi
Trong trường hợp vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi thì vợ chồng đều phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 69 của Luật này.
Điều 71. Sự đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ và người được nhận làm con nuôi
1. Việc nhận người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó; nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ.
2. Việc nhận trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Điều 72. Đăng ký việc nuôi con nuôi
Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch.
Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Điều 73. Từ chối việc đăng ký nuôi con nuôi
Trong trường hợp một bên hoặc các bên không có đủ các điều kiện nhận nuôi con nuôi hoặc làm con nuôi thì cơ quan đăng ký việc nuôi con nuôi từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu cha mẹ đẻ, người giám hộ và người nhận nuôi con nuôi không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 74. Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi
Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, kể từ thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi.
Con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng được người khác nhận làm con nuôi vẫn được tiếp tục hưởng mọi quyền lợi của con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng.
Điều 75. Thay đổi họ, tên; xác định dân tộc của con nuôi
1. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Điều 76. Chấm dứt việc nuôi con nuôi
Theo yêu cầu của những người quy định tại Điều 77 của Luật này, Toà án có thể quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp sau đây:
1. Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi;
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi;
3. Cha mẹ nuôi đã có các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 67 hoặc khoản 5 Điều 69 của Luật này.
Điều 77. Người có quyền yêu cầu Toà án chấm dứt việc nuôi con nuôi
1. Con nuôi đã thành niên, cha, mẹ đẻ, người giám hộ của con nuôi, cha, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại Điều 76 của Luật này.
2. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này.
3. Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này:
a) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
b) Hội liên hiệp phụ nữ.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại điểm 2 và điểm 3 Điều 76 của Luật này.
Điều 78. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi
1. Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Toà án, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt; nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Toà án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom, nuôi dưỡng.
2. Trong trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình cha mẹ nuôi thì được trích một phần từ khối tài sản chung đó theo thoả thuận giữa con nuôi và cha mẹ nuôi; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
3. Khi việc nuôi con nuôi chấm dứt, theo yêu cầu của cha mẹ đẻ hoặc của người đã làm con nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc người đã làm con nuôi được lấy lại họ, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét