Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Luật xuất bản | Chương II - Lĩnh vực xuất bản


Luật xuất bản | Chương II - Lĩnh vực xuất bản

Điều 11. Đối tượng được thành lập nhà xuất bản
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập nhà xuất bản.
Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.
Điều 12. Điều kiện thành lập nhà xuất bản
Việc thành lập nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;
2. Có người lãnh đạo nhà xuất bản đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 14 và đội ngũ biên tập viên đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này;
3. Trong các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản phải có ít nhất một người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản từ ba năm trở lên;
4. Có trụ sở hoạt động, vốn và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật;
5. Phù hợp với quy hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản toàn quốc, quy hoạch của từng ngành, từng địa phương.

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản
Cơ quan chủ quản nhà xuất bản là cơ quan, tổ chức đứng tên xin phép thành lập nhà xuất bản, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Xác định và chỉ đạo việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động của nhà xuất bản; xét duyệt kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản;
2. Cấp vốn ban đầu và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để nhà xuất bản hoạt động;
3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Văn hoá - Thông tin;
4. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà xuất bản theo thẩm quyền;
5. Chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 14. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản
1. Giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; có trình độ đại học, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về xuất bản và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
2. Giám đốc nhà xuất bản có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản;
b) Xây dựng bộ máy tổ chức và nhân lực của nhà xuất bản;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xuất bản;
d) Ký quyết định xuất bản đối với từng bản thảo trên cơ sở kế hoạch xuất bản đã đăng ký;
đ) Ký duyệt bản thảo trước khi đưa in và ký duyệt xuất bản phẩm trước khi phát hành;
e) Định giá, điều chỉnh giá bán lẻ xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật, kể cả xuất bản phẩm liên kết;
g) Quản lý tài sản và cơ sở vật chất của nhà xuất bản;
h) Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật về xuất bản phẩm và mọi hoạt động của nhà xuất bản.
3. Tổng biên tập nhà xuất bản có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Giúp giám đốc nhà xuất bản xây dựng kế hoạch xuất bản;
b) Tổ chức bản thảo;
c) Tổ chức biên tập bản thảo;
d) Đọc duyệt bản thảo trước khi trình giám đốc nhà xuất bản và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của nhà xuất bản.
Điều 15. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản
1. Biên tập viên nhà xuất bản là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; có trình độ đại học, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về xuất bản và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
2. Biên tập viên nhà xuất bản có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Được đứng tên trên xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 26 của Luật này;
b) Được khước từ biên tập những tác phẩm mà nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này và báo cáo với giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản;
c) Chịu trách nhiệm trước giám đốc nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập.
Điều 16. Cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản
1. Trước khi thành lập nhà xuất bản, cơ quan chủ quản phải có hồ sơ xin cấp giấy phép gửi Bộ Văn hoá - Thông tin. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép ghi tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, giám đốc, tổng biên tập, trụ sở và vốn của nhà xuất bản;
b) Lý lịch trích ngang của giám đốc, tổng biên tập và danh sách biên tập viên nhà xuất bản.
2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
3. Sau khi được cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản, cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập nhà xuất bản và hoàn thành các thủ tục cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Thay đổi cơ quan chủ quản, tên gọi của cơ quan chủ quản; thay đổi tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và trụ sở của nhà xuất bản
1. Khi thay đổi cơ quan chủ quản, tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản thì cơ quan chủ quản mới phải làm thủ tục xin cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
2. Khi thay đổi tên gọi của cơ quan chủ quản hoặc nhà xuất bản, thay đổi đối tượng phục vụ của nhà xuất bản thì cơ quan chủ quản phải có văn bản gửi Bộ Văn hoá - Thông tin xin đổi giấy phép.

3. Khi thay đổi trụ sở, nhà xuất bản phải thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản chậm nhất là bảy ngày, kể từ ngày chuyển đến trụ sở mới.
Điều 18. Đăng ký kế hoạch xuất bản
Hằng năm, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Văn hoá - Thông tin trước khi xuất bản.
Điều 19. Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản
Việc xuất bản tác phẩm, tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Liên kết trong lĩnh vực xuất bản
1. Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.
2. Giám đốc nhà xuất bản tổ chức biên tập hoàn chỉnh và ký duyệt bản thảo trước khi đưa in, ký duyệt xuất bản phẩm liên kết trước khi phát hành.
3. Tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này được đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết.
Điều 21. Tác phẩm cần thẩm định nội dung trước khi tái bản
Những tác phẩm sau đây nếu nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này thì nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký kế hoạch xuất bản:
1. Tác phẩm xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tác phẩm xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm;
2. Tác phẩm xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cho phép;
3. Tác phẩm xuất bản ở nước ngoài.

Điều 22. Xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam
1. Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam không thực hiện qua nhà xuất bản phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép theo quy định sau đây:
a) Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép cho cơ quan, tổ chức ở trung ương;
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ quan, tổ chức của địa phương, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức của trung ương tại địa phương.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
a) Đơn xin phép xuất bản ghi tên cơ quan, tổ chức xin phép, tên tài liệu, số lượng in, khuôn khổ, số trang, nội dung tóm tắt, đối tượng và phạm vi phát hành, cam kết thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép;
b) Hai bản thảo tài liệu; trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt.
3. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 23. Xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam
1. Việc xuất bản tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để kinh doanh tại Việt Nam phải được nhà xuất bản của Việt Nam có chức năng tương ứng thực hiện.
2. Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam không thực hiện qua nhà xuất bản của Việt Nam phải được Bộ Văn hóa
- Thông tin cấp giấy phép.
Hồ sơ xin cấp giấy phép được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này; đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế xin phép xuất bản phải kèm theo bản sao có công chứng giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Điều 24. Đặt văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam
1. Việc đặt văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:
a) Đơn xin đặt văn phòng đại diện ghi mục đích, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, trụ sở, tên người đứng đầu văn phòng đại diện và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của nhà xuất bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
4. Văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam được giới thiệu về nhà xuất bản, sản phẩm của nhà xuất bản; xúc tiến các giao dịch về bản quyền và xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 25. Xuất bản trên mạng thông tin máy tính (Internet)
1. Việc xuất bản trên mạng thông tin máy tính phải do nhà xuất bản thực hiện và phải tuân theo quy định của Luật này.
Những xuất bản phẩm lưu hành hợp pháp được đưa lên mạng thông tin máy tính.
2. Việc đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 26. Thông tin ghi trên xuất bản phẩm
1. Đối với sách và tài liệu dưới dạng sách, việc ghi thông tin được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Bìa một ghi tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản, số thứ tự của tập;
b) Trang tên sách, ngoài các thông tin quy định tại điểm a khoản này còn phải ghi thêm tên người chủ biên hoặc người dịch, người hiệu đính, số lần tái bản, năm xuất bản;
c) Đối với sách dịch, mặt sau của trang tên sách phải ghi đầy đủ tên nguyên bản, tác giả, nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản; nếu sách dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản phải ghi rõ ngôn ngữ và tên người dịch bản đó;
d) Trang cuối sách ghi tên người chịu trách nhiệm xuất bản, tên người biên tập nội dung, tên người trình bày bìa, minh họa; khuôn khổ; số đăng ký kế hoạch xuất bản; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, số lượng in, tên cơ sở in, ngày nộp lưu chiểu;
đ) Bìa bốn ghi giá bán lẻ; đối với sách đặt hàng phải ghi là sách đặt hàng; đối với sách không kinh doanh phải ghi là không bán; đối với sách liên kết phải ghi tên, địa chỉ của đối tác liên kết xuất bản, in hoặc phát hành.

2. Đối với xuất bản phẩm không phải là sách, tài liệu dưới dạng sách phải ghi tên xuất bản phẩm, tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản; số lượng in, tên cơ sở in; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; giá bán lẻ; đối với xuất bản phẩm đặt hàng phải ghi là đặt hàng; đối với xuất bản phẩm không kinh doanh phải ghi là không bán; đối với xuất bản phẩm liên kết phải ghi tên, địa chỉ của đối tác liên kết xuất bản, in hoặc phát hành.
Điều 27. Nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam
1. Tất cả xuất bản phẩm phải được nộp lưu chiểu trước khi phát hành. Việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ít nhất mười ngày trước khi phát hành, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải nộp ba bản cho Bộ Văn hoá - Thông tin; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản;
b) Cơ quan, tổ chức có tài liệu do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản, ngoài số bản phải nộp theo quy định tại điểm a khoản này còn phải nộp hai bản cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Sau khi xuất bản phẩm được phát hành, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải nộp năm bản cho Thư viện Quốc gia Việt Nam; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản.
Điều 28. Đọc xuất bản phẩm lưu chiểu
1. Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu do mình cấp giấy phép xuất bản. Trong trường hợp phát hiện xuất bản phẩm vi phạm quy định của Luật này thì Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản tổ chức thẩm định nội dung và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định chế độ thù lao cho người đọc xuất bản phẩm lưu chiểu.
Điều 29. Quảng cáo trên xuất bản phẩm
1. Đối với sách chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo.
2. Đối với tài liệu không kinh doanh chỉ được quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu đó.
3. Không được quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật cấm quảng cáo.
Điều 30. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản
1. Nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản có xuất bản phẩm vi phạm quy định tại các điều 10, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 25, 26, 27 và 29 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị tạm đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ; trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực xuất bản có xuất bản phẩm vi phạm quy định tại Điều 10 của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến